Andy Nguyễn bảo đi chụp airshow ở Cocoa Beach. Sound good vì chỉ 45 phút từ nhà. Biết rồi tôi lại ngại. Ngại vì sợ bị “thui” ở cái hỏa lò giữa trưa trên biển. Andy bảo đừng lo, lần này khác.

Trên bờ biển Cocoa Beach, hàng ngàn người đã dựng lều chiếm chỗ tốt để đón xem airshow.
Mà khác thiệt. Cái condo hướng ra mặt biển. Lầu 6. Và phải reserve trước đó 3 tháng trời. Tôi không nhớ đã bao lần ‘dãi nắng’ đi chụp airshow. Chưa lần nào được ‘an nhàn’ như vậy. Căn phòng nhìn hướng ra mặt biển.
Tuyệt.
Đứng trên ban công, thư thả ngắm trời, biển và người. Bờ biển sặc sỡ sắc dù. Hàng ngàn người dựng lều, chiếm chỗ, vừa tắm biển vừa chờ đón airshow. Thoáng xa, ở đường chân trời là giàn phóng phi thuyền không gian ở Cape Canaveral. Chỉ vài ngày trước đây, cũng ở cái “địa chỉ” này, tôi đã đôi lần đưa tiễn hai con tàu lịch sử Discovery và Endeavour, lần cuối.

Đội nhảy dù Silver Wings của bộ binh Hoa Kỳ biểu diễn màn chào cờ.
Gần 11 giờ trưa. Tôi chạy ra, vào mấy lượt và rồi ngồi coi TV, ăn vặt chờ đến giờ shoot. Chương trình airshow chỉ kéo dài hai ngày cuối tuần. Đi riết, tôi quen mặt hết mấy chiếc máy bay, nói như con ruồi bay qua là biết con đực, con cái. Andy không bỏ sót chương trình airshow nào. Một ngày trước đây anh đã có mặt ở địa điểm này. Và dư vị của biển còn lưu lại trên gương mặt đỏ kè như con tôm luộc.
Lần này có thêm tay Paul, bộ dạng dềnh dàng chiếm gần nửa diện tích cái ban công. Paul hiện là một chuyên viên kỹ thuật NASA làm việc trong headquarters của trung tâm không gian Kennedy.
11 giờ trưa. Đội nhảy dù Silver Wings của bộ binh Hoa Kỳ biểu diễn màn chào cờ mở đầu. 85 độ F, nhiệt độ dần nóng. Chỉ hơn nửa giờ trên ban công, tôi nốc cạn hết chai nước lọc rồi chui vô căn phòng máy lạnh, ngồi trên sofa chờ màn kế tiếp.
Osprey! Andy la lớn. Vẻ khẩn cấp. Ủa, chụp airshow làm gì có Osprey? Tôi thắc mắc và rồi lao ra ban công. Chiếc V-22 Osprey bay vèo qua. Nghe loáng thoáng, cứ nhầm tưởng chim ưng Osprey đang lao xuống biển bắt cá (bệnh nghề nghiệp). Khán giả trên bãi biển Space Coast, lần đầu được thưởng thức màn bay lượn của V-22 Osprey. Đặc biệt, khả năng lên thẳng bằng hai cái chong chóng khổng lồ và yên vị một chỗ như chiếc trực thăng.
Đây là phần hấp dẫn nhất đối với khán giả. Cuối phần biểu diễn, chiếc V-22 còn xoay xoay một vòng và rồi cúi đầu cảm ơn khán giả.

Chiếc V-22 Osprey khả năng lên thẳng bằng hai chong chóng khổng lồ, trong màn diễn đứng chựng một chỗ trên không.
Bravo! Trên toàn nước Mỹ năm nay, chỉ có 10 cuộc biểu diễn của loại V-22 lên thẳng, và Cocoa Beach lại “giành” được một trong số đó. Thật may mắn chứ!
Màn kế, chiếc trực thăng Red Bull màu đỏ tương phản với nền trời và nước biển. Cái logo “con bò húc” to tướng của hãng nước uống tăng lực, cơ sở thương mại bảo trợ cho chiếc trực thăng tuyệt đẹp này. Tôi cảm giác như trọng lượng của ‘con bò húc’ này nhẹ hều, vì nó có thể đảo lộn, tựa như sắp rớt, làm yếu tim. Trực thăng này được dùng để làm trọng tài trong các cuộc đua máy bay do Red Bull tổ chức mỗi năm ở nhiều nơi trên thế giới.
Chụp máy bay chong chóng, tốc độ không cực nhanh như phản lực cơ, nhưng kỹ thuật chụp rất khó để hình ảnh được rõ nét và cánh chong chóng không bị “cứng đơ” như lưỡi chém. Dẫu đã bao năm bôn ba chụp hình máy bay Không Vận, tôi vẫn chưa mấy mặn mòi với mấy con chim sắt này. Cái đề tài khô khan chỉ dành cho cánh đàn ông. Thế nhưng, kỹ năng chụp airshow lại rất hữu ích để rèn luyện tay nghề và “cơ bắp”. Tay Paul đứng gần đó, phát biểu rằng chụp với tripod bị hạn chế ở nhiều góc cạnh. Chỉ handheld (không dùng chân 3 càng) là tiện với những cú shoot action. Tay Paul cũng là wildlife photographer.

Phi công của chiếc trực thăng Red Bull bay thấp để vẫy tay chào khán giả dọc theo bờ biển.
Chụp airshow trên biển, khó chán là hậu cảnh không chỉ là nền trời tẻ nhạt. Và những màn biểu diễn cũng khó trùng lặp và khá hấp dẫn. Đội nhảy dù người nhái đáp ngay trên biển và có mang sẵn ‘chân vịt’ để chuẩn bị thao tác trên nước.
Đến màn diễn của chiếc trực thăng HH-60 của phi đội 920th. Màn “người nhái cứu người” trên biển. Hào hứng quá, Paul ‘sàng’ ngang là hết nửa cái ban công, rồi đến Andy crazy chĩa ống kính lên không. Tôi bị ép sát vô góc tường, đành ‘bắn tỉa’ vài shoot lẻ tẻ màn biểu diễn của chiếc HH-60. Chiếc HH-60 Pavehawk của Không Quân Hoa Kỳ, tương tự với loại trực thăng UH-60 Blackhawk được quân đội Mỹ dùng để thay thế loại UH-1A Huey thời chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, hàng ngàn chiếc UH-60 đang phục vụ trong tất cả các binh chủng của Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Đội nhảy dù người nhái mang sẵn ‘chân vịt’ để chuẩn bị thao tác trên nước
Nghỉ giải lao. Paul đứng phập phập điếu thuốc giả, và nói là đã bỏ thuốc nhưng hút cho đỡ ghiền. Ông nhỏ vài giọt dầu vào điếu thuốc làm bằng plastic, khi hút, tỏa mùi thơm giống kẹo chewing gum. Bộ dạng Paul giống con cá kình. Một lớp mũ trùm kín tóc tai, chỉ chừa mắt mũi. Ông bảo hôm trước đã bị ‘nướng’ khét da, đêm về bỏng rát người nên ngày nay ‘dung nhan’ cần được bảo vệ… nghiêm ngặt. Trời nóng, áo quần Paul mặc đẫm ướt mồ hôi như vừa từ ở biển lên. Cả ba vào nhà. Tôi nốc thêm chai nước lọc trong tủ lạnh vẫn chưa đã khát. Paul không uống nước lọc, chỉ hớp cạn 3 lon coke liên tục và xực hết 2 cái hamburger.
Giữa trưa, nắng đổi hướng. Cái ban công dần được che mát. Bộ ba lại lao ra tiếp tục shoot.
Chiếc T-33 sơn màu rằn ri, bay là sà ở độ cao 50m trên mặt biển, phi công Dale Snodgrass – người điều khiển chiếc này. Còn Đại Úy Snodgrass trước khi về hưu đã từng được mệnh danh là phi công F-14 giỏi nhất binh chủng Hải quân. Ông vẫn được xem có biệt tài lái máy bay phản lực xuống sát mặt đất (hoặc nước) xuất sắc và ngoạn mục nhất. Snodgrass là người đã từng lái chiến đấu cơ F-14 Tomcat trong phim “Top Gun” nổi tiếng. Và tài tử ngôi sao Tom Cruise lại là người hưởng ‘công lao’ ấy.

Trực thăng HH-60 của phi đội 920th biểu diễn màn “người nhái cứu người” trên biển.
Andy nhắc chừng tôi chú ý. Đơn vị U.S. Coast Guard (Tuần Dương) đang cử chiếc trực thăng HH-65 Dolphin để biểu diễn phần cứu người trên biển động. Tôi quan sát qua kính tele, một “cái rổ” được thả từ trực thăng xuống để kéo người bị nạn lên. Trong thực tế, khi cứu người ngoài biển khơi, cần phải có “cái rổ” để chế ngự được những cơn sóng lớn. Thường, khi được đóng căn cứ ở đất liền, chiếc HH-65 Dolphin có thể được chở trên những tàu tuần dương hạng trung và hạng nặng của Coast Guard. Trực thăng này đóng vai trò đi tìm và cứu người, kiểm tra buôn lậu, phá băng ở các miền cực lạnh. Trực thăng của các tàu phá băng là “con mắt” giúp tàu tìm được những chỗ có băng mỏng và dễ đi. HH-65 cũng chở hàng hóa và nhiên liệu đến những tàu khác hoặc đến những làng nhỏ bị biệt lập bởi mùa đông.
Trưa nóng. Đứng trên ban công, cảm giác rát bỏng da thịt. Tôi gồng mình chờ đến màn biểu diễn của dàn ‘super star’.

Màn biểu diễn của F-22, F-18 và B-1 là ‘điểm nhấn’ của mọi chương trình. Dân chúng reo hò cổ động cuồng nhiệt dàn ‘super star’ – biểu tượng sức mạnh hùng hậu của Hoa Kỳ. Mấy tay photographer không mấy hài lòng vì B-1 không thể biểu diễn vì bị trục trặc kỹ thuật máy móc. Andy nói mấy ngày trước, nhìn chiếc B-1 nằm một chỗ trên phi đạo gần đó, giống một con cọp bị bệnh, không còn sức gầm gừ. Còn F-18 thì phải quay về căn cứ sớm vì bị… boss gọi. Chiếc F-18 đã đến từ căn cứ Hải Quân Oceana, Virginia.
Gần 3 giờ, chương trình đã kết thúc. Hai tay photographer Andy và Paul đầy vẻ bất mãn. Chương trình bị cancel nhiều màn biểu diễn đặc sắc.
Ra về, rề rà trong dòng traffic.Tôi quan sát mấy parking chém đẹp $20 cho một chỗ đậu xe coi airshow. Chạy ngang qua quận hạt Brevard, cảm giác đang đi vào ‘ghost town’. Cơ sở thương mại khu này bỏ hoang, tiêu điều. NASA đã thực sự ảnh hưởng lớn trên đời sống của cư dân địa hạt này.
Trên xe, tôi gật gờ. Về đến Orlando, Andy nói tiếc là chương trình airshow hơi bị… ngắn ngủi.
ĐMH
Website:www.hanhphoto.com