Menu Close

Một chuyến đến đảo Bình Ba

Quốc gọi cho tôi lúc anh hơi ngà ngà say. Tôi biết được điều đó trong giọng nói lè nhè nhưng rất sảng khoái: “Ông qua tui chơi đi, sắp tới đây có Hát Lăng đông vui lắm. Lần này ông qua tui đãi ông ăn món tôm hùm cho ớn thì thôi, tôm hùm bây giờ giá rẻ “cực kỳ”. Nếu lần trước tui chỉ có thể đãi ông có 1 con tôm “hấp hối” thì lần này tui sẽ cho ông ăn 4 con và còn cả món tiết tôm nữa”.

alt

Một góc nhỏ ở Khu căn cứ quân sự Cam Ranh nhìn từ trên thuyền đi sang đảo Bình Ba.

Quốc hay rất nhiều những người bạn khác nữa mà tôi quen biết từ thời học trung học có nhà ở đảo Bình Ba. Tôm “hấp hối” là con tôm mắc bệnh hoặc gần chết. Với loại tôm này thịt vẫn rất ngon nhưng chỉ bán được 1/3 giá. Để lấy được tiết tôm đòi hỏi con tôm phải còn tươi roi rói, mới bắt lên từ lồng. Theo như dân nuôi tôm, tiết tôm rất hữu ích cho các ông trong việc chăn gối. Dạo trước, cứ mỗi lần trúng tôm, cậu ta đều qua bên Cam Ranh để rủ tôi đi chơi bời, ngao du thiên hạ. Cái lối sống thoáng đạt, tình cảm đã là đặc tính của cậu ta. Song trong khoảng một năm đổ lại đây, cậu ta ít qua tôi chơi hơn. Nhận lời mời của Quốc, tôi khăn gói lên đường cốt là để thăm bạn, sau là thỏa cái thú đi giang hồ, tìm hiểu.

Bình Ba là một trong 2 thôn đảo của xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sở dĩ đảo có tên Bình Ba là vì nằm ở vị trí trọng yếu trong vịnh Cam Ranh, ngăn cản sóng gió từ khơi thổi vào. Theo một số tài liệu lịch sử thì đảo được người dân đến cư ngụ từ thời nhà Nguyễn. Trong những trận hải chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, những người lính vô tình đã phát hiện ra hòn đảo này, từ đó họ đưa thân nhân vào đảo để sinh sống. Sang thời thuộc địa, người Pháp xây dựng rất nhiều những công sự trên đảo, và đảo một thời đã từng là nơi giam giữ những binh lính người Đức trong thế chiến thứ 2. Rất nhiều công sự được xây dựng bởi tù nhân Đức, và rất nhiều trong số họ đã phải bỏ xác lại nơi này.

alt

Bè nuôi tôm hùm trên đảo.

Đường đến Bình Ba

Từ cảng Ba Ngòi chỉ mất khoảng 1h20’ ngồi trên thuyền là có thể đến được đảo. Một ngày có 2 chuyến: Chuyến đò sáng lúc 9h30, chuyến đò chiều lúc 3h. Từ lúc “mở cửa”, đảo Bình Ba được nhiều du khách biết đến thông qua các kênh truyền thông, báo chí. Do đó, trên con đò qua đảo lúc nào cũng có khách du lịch, vãng lai. Song, vì nằm trong khu quân sự nên vẫn có những rào cản mà du khách luôn bị chủ đò nhắc nhở, ấy là không nên chụp hình trên đường đi. Nói thì nói lấy lệ vậy thôi chứ du khách có chụp thì cũng chẳng ai mà nói.

alt

Thôn đảo Bình Ba nhìn từ hướng biển.

“Có lẽ cả Châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam”, tạp chí Tuần Tin tức của Trung Quốc viết, đồng thời trích dẫn nhận xét của báo chí Mỹ: “Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông biển Á-Âu…”. Đó là một bài trích dịch từ báo Hoa ngữ được đăng trên tờ Tintuconline để nói về tầm quan trọng của vịnh Cam Ranh. Thực vậy, với độ sâu từ 16-25m và tổng diện tích mặt nước rộng khoảng 98km2 có thể chứa rất nhiều tàu chiến hạng lớn. Hơn nữa, vì là vịnh kín nên tàu thuyền có thể neo đậu mà không phải lo gió bão. Thuyền bè đi lại trong vịnh êm như trên mặt hồ. Đoạn từ cảng Ba Ngòi đến Bình Ba ngoài biển trời bao la  thì cảnh vật luôn luôn thay đổi. Từ hòn đảo này, đến mỏm đá nọ. Từ bờ biển trắng trải dài đến những ghềnh đá cheo leo. Điều này giúp cho du khách không cảm thấy nhàm chán  Nhưng cái mà làm cho du khách hứng thú, đặt nhiều sự chăm chú và bàn tán xôn xao ấy là sự có mặt của những tàu chiến từ phía Vùng 4 Hải quân đặt tại đây.

Có thể do bởi vì tình hình căng thẳng trên biển Đông trong thời gian qua nên làm cho bầu không khí ở Vùng 4 trở nên nhộp nhịp.

Bầu không khí ở Cam Ranh có khoảng hơn 10 năm trầm mặc sau khi người Nga rút về, họ trả Cam Ranh lại cho phía chính quyền Việt Nam. Đó là 10 năm mà đời sống người dân ở Cam ranh trầm lắng ít xô bồ. Kể từ khi Trung Cộng  với tham vọng bá quyền, muốn biến biển Đông thành ao nhà riêng của họ thì Cam Ranh lại trở thời kỳ sôi động. Rất nhiều những cuộc viếng thăm vùng 4 Hải quân của các nhà quân sự, ngoại giao từ các nước. Trong đó, lần đến vịnh Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ được người dân Cam Ranh vui mừng. Tình cảm của người Cam Ranh dành cho Hoa Kỳ nhiều hơn, cho dù mới đây khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Nga và có nhắc đến việc muốn Nga quay trở lại Cam Ranh.

Thôn đảo buồn hơn vì tôm hùm

Đón tôi với tất cả sự niềm nở ngay khi tôi vừa mới đặt chân lên cầu đò, Quốc dẫn tôi đi xem một vòng quanh thôn đảo nhỏ của anh. Đảo có diện tích khoảng 300 héc-ta bao gồm đồi núi là nơi quần cư của cả 5,000 người, đảo Bình Ba dường như đang oằn mình gánh chịu với mật độ dân cư khá cao. Quốc nói với tôi: “Đảo thì nhỏ mà dân thì đông. Người dân ở đây dường như đi đâu rồi cũng quay về lại, ngay cả những cô gái lấy chồng ở tuốt ngoài nẩu (ngoài Phú Yên)”. Quả thực vậy, được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết không quá khác thường, khắc nghiệt. Quanh năm mưa thuận, gió hòa lại nằm trong vịnh Cam Ranh nên việc đánh bắt, nuôi hải sản rất thuận lợi. Nhờ đó mà cư dân trên đảo được phần hưng thịnh, sung túc với nghề đi biển. Bên cạnh đó, độ khoảng chục năm nay, ngư dân trên đảo rộ lên phong trào nuôi tôm hùm, vì thấy con tôm hùm cũng dễ nuôi và mang lại nhiều lợi nhuận.

alt

Cứ 2 năm một lần, Bình Ba tổ chức Hát Lăng. Đó là cách gọi dân dã, chứ đó là lễ hội Nghinh Ông. Vì mỗi lần có Nghinh Ông, cư dân trên đảo lại mời các đoàn hát bội về làng trình diễn, dần dà, người dân quen gọi là Hát Lăng.
Nghinh Ông là một nghi thức cúng tế cá Ông (cá voi) sau khi ông bị lụy (chết) dạt vào bờ. Việc thờ bái cá voi chỉ có từ vùng Quảng Bình trở vào Cà Mau. Lễ hội Nghinh Ông phần cốt lõi là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mong cho ngư dân làm ăn phát đạt, ít gặp phải tai ương, nạn kiếp. Lễ hội liên tiếp diễn ra 3 ngày 3 đêm, và đoàn hát cũng phải diễn liên tục trong thời gian đó. Suốt trong thời gian lễ hội, ngư dân chẳng ai đi biển, họ ở nhà bày tiệc tùng, nhậu nhẹt. Đâu đâu trên đảo cũng có những chiếu nhậu với ly bia bày la liệt. Khắp con đường, khoảnh đất trống quanh Lăng Ông Nam Hải là những quán ăn, quán nhậu dã chiến mọc lên. Một khung cảnh náo nhiệt, chộn rộn cho thôn đảo vốn yên bình này.

Tạm xa rời nơi lễ hội xô bồ, Quốc dẫn tôi ra bè của anh, nơi anh có 50 lồng tôm đã đến lúc xuất tôm. Bè của anh cũng như bao nhiêu ngư dân nuôi tôm hùm trên đảo được đặt ở ngoài biển nhưng vẫn thuộc vịnh Cam Ranh để tránh được những con gió mùa. Nổ máy để đặt ống khí vào miệng, Quốc đeo kính lặn vào rồi nhảy ùm xuống nước. Khoảng 5 phút sau anh trồi lên mặt nước với 2 con tôm hùm to tướng. Đó là món quà cho người ở đất liền mà Quốc đã nói với tôi qua điện thoại. Rít một hơi và đưa ánh mắt nhìn xa xa, Quốc than thở: “Năm này dân đảo chỉ có những người đi biển là trúng, còn những ai nuôi tôm hùm đều “chết” hết”. “Chết” có nghĩa là làm ăn lụn bại chứ không phải là “qua đi một kiếp người”.

alt

Nghinh Ông – một nghi lễ lớn nhất của ngư dân trên đảo.

Cách đây khoảng một năm, tôm lúc đó có giá là 2.7 triệu/ký, thì chỉ với 2 tháng sau giá của nó đã giảm xuống còn 1.6 triệu/ký. Cứ tưởng giá tôm như vậy đã chạm đáy, nào ngờ giá tôm rớt thảm hại và cho đến nay chỉ còn hơn 800 ngàn/ký. Với tiền của, công sức đầu tư trong cả năm trời, giá tôm hiện nay đã làm cho không chỉ với Quốc mà ngư dân trên đảo khốn đốn. Chỉ riêng với bè của Quốc đã lỗ khoảng 300 triệu nếu xuất tôm bán trong thời điểm này. Có những bè kế cận, họ còn nuôi đến trên 100 lồng tôm.

Con tôm hùm ở Bình Ba nói riêng và cả khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận nói chung chỉ có một thị trường duy nhất, đó là Trung Cộng. Hàng tôm hùm được xuất qua Trung Cộng theo đường tiểu ngạch nên không có sự bảo đảm chắc chắn cho ngư dân. Tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Trung Cộng căng thẳng do tình hình biển Đông, cũng chỉ vì đó mà ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân nuôi tôm hùm. Dân ở Cam Ranh rất nhiều người biết đến tên A Tỷ, A Giót, đó là hai đầu nậu người Trung Cộng nuôi và thu mua tôm hùm ở đây. Nếu trước đây có bao nhiêu tôm hùm xuất ra họ thu mua bấy nhiêu, thì từ tháng 7 năm 2012, 2 người này bị chính quyền sở tại Việt Nam trục xuất ra khỏi địa bàn, thì cũng từ đó mà dân nuôi tôm hùm trở nên khốn đốn. Tôm đến độ tuổi trưởng thành nhưng chẳng tìm ra người thu mua, vì đầu mối đã đi đâu không biết. Chính vì thế mà giá tôm hùm rớt thảm hại. Theo những người thu mua tôm cho biết, nếu trước đây cứ mỗi lần họ đóng hàng xuất đi khoảng 1-2 tấn tôm hùm, thì nay chỉ còn khoảng từ 200-300 ký.

Để chống lại tình trạng rớt giá thảm hại của tôm, Quốc cùng với rất nhiều người trên đảo chỉ còn biết cầm cự cho qua ngày để chờ giá tôm lên. Song, cứ mỗi ngày như vậy trôi qua, anh hay nhiều người dân trên đảo phải tốn cả triệu đồng cho khoản thực phẩm cho tôm.

Cho dù người dân trên đảo nhiều lần than phiền với chính quyền, nhưng xem ra họ không có cách nào để cứu giúp người dân trong tình cảnh này. Quốc vẫn một niềm tin rằng, giá tôm sẽ quay trở lại thời vàng son và anh cùng với ngư dân nuôi tôm trên đảo sẽ trở lại thời huy hoàng.

PT