Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu?
Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng?
Đấy là tiếng kêu tuyệt vọng của người hùng lúc sa cơ, lỡ vận trong vũng lầy tình ái!

Bảo Huân
Hôn nhân thường đem hạnh phúc đến cho người này và đau khổ cho người khác. Thậm chí nhiều khi nó chẳng đem hạnh phúc đến cho ai cả! Nếu có hạnh phúc chăng nữa thì cũng chỉ thời gian đầu; sau đó là chuỗi dài khổ đau. Có lẽ vì vậy mà thi sĩ Hồ Dzếnh đã ngập ngừng nói rằng “tình mất vui khi đã vẹn câu thề; đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Không chỉ người Việt, nhiều người khác ở các nước trên thế giới cũng có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân. Richard Skelton, cố nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ, sinh thời thường nói: “Làm người ai cũng có lỗi lầm nhưng những kẻ đã kết hôn nhận ra điều đó sớm nhất”. Có lẽ nhà văn Oscar Wilde người Ái Nhĩ Lan cũng nghĩ như thế khi ông viết: “Người ta nên yêu và chỉ yêu mà thôi. Đó chính là lý do đừng bao giờ kết hôn”. Đấy là giới văn nghệ sĩ, còn chính trị gia như Tổng Thống Abraham Lincoln của nước Mỹ thời xưa cũng thú nhận ông chán không muốn nghĩ đến chuyện hôn nhân. Cựu Phó Tổng Thống Al Gore ngày nay tuy không nói gì nhưng sau khi giải nghệ cũng rủ vợ ra toà ly dị luôn. Nhiều người cho rằng ông bà cựu Tổng Thống Clinton nếu không vì sự nghiệp chính trị của cả hai thì họ cũng bỏ nhau từ lâu rồi.
Không chỉ các nhân vật nổi tiếng mà ngay như giới thường dân cũng lắm người chán ngán chuyện hôn nhân. Theo nhiều cuộc thống kê được thực hiện ở Mỹ, khoảng một nửa những người kết hôn trong vài thập niên qua đã ly dị. Cứ theo cái đà này thì tỉ lệ ấy sẽ vượt quá năm mươi phần trăm trong nay mai. Nhiều người không hoặc chưa ly dị chẳng qua là vì những lý do khác ràng buộc chứ không hẳn vì tình yêu mà họ vẫn còn sống với nhau.
Trong bức tranh về một xã hội Mỹ đầy vẻ ảm đạm như thế lại nổi bật lên một số người quá tha thiết chuyện hôn nhân. Họ đã phải vượt qua nhiều trở ngại về tinh thần và… luật pháp để cưới cho được người mình yêu. Rắc rối ở chỗ họ yêu người cùng giới tính với mình. Mặc dù được tự do chung sống với nhau nhưng họ ao ước được là vợ chồng của nhau thực sự. Hiện giờ nước Mỹ đang bị chia rẽ vì họ. Nhiều người chống đối quyết liệt không cho họ cưới nhau. Ngược lại, không ít người khác ủng hộ rất nhiệt tình.
Xét về luật pháp, xưa nay ai cũng xem hôn nhân (phải) là sự kết hợp giữa hai người khác giới tính như một lẽ tự nhiên. Điều này giống như tiên đề toán học; không cần bàn cãi và chứng minh vì sao như thế. Nhiều người khác dựa vào những điều răn dạy trong kinh thánh để phản đối. Phía ủng hộ thì dựa vào những đạo luật về nhân quyền và cho rằng hôn nhân là chuyện riêng giữa hai người lớn với nhau mà bất kể giới tính. Vì Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ nên mọi chuyện (rắc rối) thường được giải quyết theo lá phiếu của người dân. Chẳng hạn, tháng Mười Một tới đây, dân chúng ở tiểu bang Maine khi đi bầu tổng thống sẽ bỏ phiếu luôn cho chuyện hôn nhân đồng tính. Dầu sao, nhiều người (nhất là phe chống đối) không muốn giải pháp này. Đơn giản là vì một khi kiểu hôn nhân này được hợp pháp hoá thì khó có thể thay đổi hay loại bỏ dễ dàng như bầu tổng thống. Đại khái nếu kỳ này ai đó không muốn bầu cho ông Obama mà ông vẫn được tái đắc cử thì họ cứ đợi thêm bốn năm nữa là ông… “đi luôn” (vì Hiến Pháp Mỹ không cho ai làm tổng thống quá tám năm).
Thôi thì đành hy vọng nhiều khi “bất chiến tự nhiên thành”! Cứ cho những người đồng tính kết hôn với nhau thì thế nào họ cũng… vỡ mộng. Thiên đường hạnh phúc không thấy đâu mà con đường đau khổ dài hun hút trước mặt. Họ sẽ hối hận đã không tin lời… ông Richard Skelton. Như nhạc sĩ Vũ Thành An đã không nghe lời thi sĩ Hồ Dzếnh khi ông viết Bài Không Tên Cuối Cùng. Mãi mấy chục năm sau ông mới ngộ ra và nhắn lại với người tình xưa:
Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Đúng đấy em ơi!
Dẫu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?
chuyenkhongdau@gmail.com