Menu Close

Chị tôi

Tình chị thương em, nhất là trong cảnh nghèo, là thứ tình cảm thắm thiết, cảm động và mang ý nghĩa hy sinh. Nó quý như một bông hoa nở trong vườn nhà và từng được ca tụng trong thơ văn cận đại. Cô Mai trong “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng chẳng hạn, lúc nào cô cũng chỉ nghĩ đến em là Huy kể cả khi ngồi nói chuyện với Lộc thuở hai người mới gặp nhau, đến nỗi Lộc phải ngắt lời cô để hỏi: “Thế còn tương lai của cô thì sao. Suốt buổi không nghe cô nhắc gì tới mình cả.” Như vậy đó, người chị ấy chỉ biết yêu em, tận tụy hy sinh cho em, coi hạnh phúc yên vui của em như của mình. Nguyễn Tuân thời tiến chiến hình như cũng đã một lần ca tụng tình yêu của người chị đối với em. Trong văn học hải ngoại, Tâm Thanh viết “Túp Lều Của Chị Tôi” cũng là trong ý ấy. Vâng, tình chị yêu em, hy sinh cho em, cũng cao quý và cảm động như tình của người mẹ vậy.

alt

Bảo Huân

Chị Anne hơn tôi sáu tuổi. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, mẹ tôi làm việc ban đêm ở một nhà máy trong một thành phố nhỏ miền trung tây nước Mỹ. Do bà ít có ở nhà, chị Anne chăm sóc tôi và em gái nhỏ của tôi với tình thương của một người mẹ và chị được quyền cho phép chúng tôi làm hay không làm điều gì. Quả thật, đến với chị thật là dễ chịu, chị không bao giờ trách phạt khi chúng tôi phạm lỗi lầm. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng khai báo với chị những việc chúng tôi làm cũng như trông chờ ở chị những lời khuyên bảo trìu mến. Trong những năm rộn ràng của tuổi mới lớn, chị Anne luôn luôn có mặt bên cạnh chúng tôi, vừa như một người chị lớn, một người mẹ và người bạn thân thiết.

Khi tôi lên mười bảy và hoàn toàn không có một đồng tiền, tôi nghĩ cơ hội duy nhất để tôi có thể học đại học là phải kiếm được một học bổng. Thế là tôi liên lạc hỏi thăm nơi này nơi khác và cuối cùng tôi có được một cuộc phỏng vấn quan trọng để được trợ giúp. Thời gian này, Anne phải làm việc đầu tắt mặt tối, sống nhờ một công việc bán thời gian đồng thời theo học đại học cộng đồng. Tôi cho chị biết về cuộc phỏng vấn của mình, cả việc hãng General Motors gởi cho tôi một cái vé xe buýt và tôi sẽ lên thành phố để gặp họ. Đây là lần đầu tiên tôi được dịp đến nơi đô hội. Tôi rất lấy làm hứng khởi về cuộc phiêu lưu này và hỏi chị Anne xem nên ăn mặc như thế nào. Tôi khoe chị bộ đồ đẹp nhất mà tôi có và cho biết tôi phải thận trọng khi ngồi để cái lỗ thủng trong đế giày của tôi không bày ra nhưng tôi cũng chưa biết chắc rồi mình phải làm gì với đôi giày khi trời mưa. Tôi cũng cho chị biết cách đứng dùng tay che phía trước để người ngoài không thấy chỗ hỏng của chiếc quần tôi mua ở chợ trời. Còn cái áo khoác ngoài đẹp nhất tôi mua ở garage sale thì  đã bạc màu nhưng vẫn còn trông được.

Nghe tôi nói, Anne suy nghĩ rồi đề nghị hai chị em đáp xe buýt đi JCPenny chơi. Tới nơi, chúng tôi vào hàng giày tìm được một đôi giày da thật đẹp đang sale. Chị bảo tôi mang thử nhưng tôi nghĩ mang thử chơi thôi chứ chúng tôi xưa rày có bao giờ dám mua sắm thứ đắt tiền như thế này đâu. Một đôi khi mấy chị em cũng có đi shopping với nhau và mang mặc thử nhiều thứ nhưng chỉ là để xem mình như thế nào thôi chứ làm gì có đủ tiền để mua. Nó cũng giống như chơi trò ăn mặc hóa trang vậy mà. Nhưng lần này thì khác. Anne trao cho tôi cái hộp giày và bảo: “Đây, chị mua cái này cho em.” “Thế nhưng… ” Tôi chỉ thốt lên được bấy nhiêu đó thôi. Anne đáp: “Em xứng đáng mang đôi giày này. Cuộc phỏng vấn tới đây rất quan trọng. Chị muốn em đoạt được cái học bổng đó.” Tôi không nói nên lời vì tôi biết việc mua sắm này sẽ làm chị tốn rất nhiều tiền và chị sẽ phải ăn toàn mì ramen trong ít nhất một tháng trời.

Trong cuộc phỏng vấn, tôi cố tình ngồi tréo chân đễ lộ đôi giày mới ra một cách hãnh diện. Thế rồi tôi xin được học bổng và đi học trở thành kỹ sư. Mặc dù nó là đôi giày da đẹp để mang hàng ngày nhưng tôi không dám mang nhiều vì đôi giày quá đặc biệt đối với tôi. Anne chắc hiểu và biết rằng tôi quý đôi giày. Giờ đây, sau hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn giữ đôi giày đó và chỉ mang vào dịp đặc biệt. Nó đúng là đôi giày có cái gì đó kỳ ảo khi bạn nhớ về một thời xưa.

NS (theo L. J. Wardell)