Chị hả, em điện thoại thăm chị, ngày mai em đi làm xa.
Tiếng của Đức ngập ngừng ở đầu dây bên kia, Đức là cậu em kế tôi. Đức gọi cho tôi từ Úc. Cả mấy tuần nay, chúng tôi cứ bàn chuyện nên đi hay ở. Đi hay ở, không phải chuyện vượt biên như năm xưa, mà là di chuyển nơi làm việc, có nghĩa là Đức sẽ dọn đi thành phố khác, không còn ở cái thành phố mà cả đại gia đình chúng tôi quây quần từ ngày tỵ nạn đến giờ. Tôi không hiểu tại sao chị em chúng tôi cứ phân vân, bàn tính hơn thiệt, ở lại thì thế nào, mà đi thì ra sao?

Lý do phải nghĩ đến chuyện đi, thì đã quá rõ, Đức là bác sĩ sản khoa, được giới thiệu đến một thành phố có đông người Việt, đang cần BS chuyên khoa sản, con trai lớn của Đức hiện cũng đang làm việc ở đó, thế thì còn gì bằng, có gì mà phải bàn! Thêm nữa, đây không phải lần đầu có chuyện đi làm xa trong gia đình. Duy rời nhà trước tiên, vì tìm được việc làm ở thành phố khác, đến phiên Thanh theo chồng ở xa, rồi các con tôi và tôi. Chúng tôi như đàn chim xoải cánh bay xa, thám hiểm những vùng đất mới, bây giờ mới đến lượt Đức. Thế mà việc Đức chuyển đổi chỗ ở, lại là vấn đề.
Nhắc đến Duy, người em trai thứ 4 của tôi, cũng là đứa mở đầu những chuyến hải hành gian nan vượt biển tìm tự do của gia đình. Tàu của Duy bị hải tặc, nhưng may mắn tất cả mọi người trên tàu già trẻ, trai gái, không ai bị gì, chỉ bị lấy hết tài sản phòng thân, và đến được bến bờ an toàn. Chẳng bù cho chuyến đi của người chị họ của chúng tôi, nhầy nhụa máu và nước mắt, chuyến đi của chị cũng là chuyến vượt biển đầu tiên của đại gia đình sau năm 75.
Kế đến là gia đình nhỏ bé của tôi với người em gái thứ ba. Lúc ấy hai con tôi còn bé lắm, mới sáu tuổi và hai tuổi. Chúng tôi lênh đênh trên biển sáu ngày sáu đêm, tàu đụng đá ngầm, bị vỡ, và tấp vào bờ biển Mã Lai. 75 hành khách đói khát, rách rưới đã thoát chết, chỉ có một phụ nữ kém may mắn bị nạn phải cưa chân. Chuyến đi của tôi cũng là chuyến vượt biển cuối cùng của gia đình. Chúng tôi làm đơn bảo lãnh bố mẹ và các em sau đó. Đức vì có gia đình riêng nên phải ở lại, chờ hồ sơ bảo lãnh khác. Cả đến hàng chục năm sau, gia đình chúng tôi mới thực sự đoàn tụ.
– Em và Phương đã bàn kỹ rồi chị ạ, chúng em đi vài năm rồi tính sau, em muốn bố đi với chúng em, nhưng bố nhất định không chịu.
Tiếng của Đức đều đều vang bên tai tôi. Lần nói chuyện trước, tôi đã thổ lộ về bổn phận phải săn sóc bố lúc tuổi già, lẽ ra là của tôi, nhưng tôi đã ỷ lại vào tính tình thuần hậu và rất mực hiếu thảo của Đức. Tôi tuy là chị cả, được cha mẹ chiều chuộng, được các em thương yêu kính trọng, nhưng hầu như trong cuộc sống, tôi đã dựa nhiều vào em trai tôi. Đức vừa là em, vừa là bạn và cũng là người tôi nhờ cậy gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình.
Tôi nhớ khi cha mẹ và các chị em đã ra khỏi Việt Nam, Đức đã nói với tôi: “Bố mẹ, chị và các em đã bình an, em yên tâm lắm rồi. Bây giờ em chỉ mong vợ và con em đi thoát là em mãn nguyện. Em sẽ bao chót, thoát được thì tốt, không thì cũng không sao”. Từ lúc đó, tôi mới cảm nhận được tâm hồn tuyệt đẹp của em tôi.
Lúc mẹ tôi mất, Đức như cây non thiếu nước, phải hơn một năm trời, em tôi mới trở lại bình thường và dồn hết sự nhớ nhung mẹ vào tình thương dành cho bố. Bây giờ vì công việc, Đức quyết định phải đi xa, mà không có bố tôi bên cạnh, Đức lo lắm. Đức lo một, tôi lo mười, vì cảm giác là chị lớn mà không chăm sóc được bố. Tôi còn hai cô em gái đã trưởng thành ở gần bố, nhưng không hiểu do một ám ảnh nào, tôi vẫn nghĩ các em khác của tôi còn bé bỏng, và việc chăm sóc bố tôi chỉ có Đức và tôi mới lo liệu được, và đó là lý do duy nhất khiến hai chị em chúng tôi loay hoay bàn chuyện đi, chuyện ở. Ước gì, đi đâu, cả nhà cũng được đi chung với nhau!
Tôi trả lời Đức: “Nếu hai em đã suy nghĩ kỹ thì cứ đi, đừng lo cho bố. Bố của chúng ta rất độc lập. Từ mấy năm nay, bố mình đã tạm cân bằng được đời sống thiếu vắng mẹ. Chị nghĩ Bé và vợ chồng Út có thể thay em lo cho bố được. Bao giờ em đi?
– Dạ ngày mai chị ạ, chuyến bay sáng sớm. Bố muốn ra phi trường với em, nên em chọn chuyến sáng, để khi em đi rồi, Bé sẽ chở bố đi shopping, bố sẽ đỡ có cảm giác nhớ em. Trước đó em chọn đi chuyến tối, để có thêm thời gian ở nhà với bố, nhưng nghĩ lại, buổi tối em đi rồi, bố sẽ nhớ em và không ngủ được”
Nghe em nói, nước mắt tôi ròng ròng chảy. Tôi muốn cảm tạ Trời Phật đã cho tôi có được người em hiếu thảo, và tấm lòng quảng đại vị tha. Tôi nghẹn ngào nói với Đức: “Thôi thế cũng được. Đức đi bình an, thỉnh thoảng điện thoại cho chị”, “Dạ, em đi, chị nhớ giữ gìn sức khoẻ”.
Bỏ điện thoại xuống, tim tôi chợt đau nhói, mắt tôi cay sè. Bình thường tôi là người đàn bà mạnh mẽ, cứng cỏi, nhưng hễ nghe các em hay con cái dặn dò điều gì, y như rằng nước mắt lại chực trào ra. Lẽ ra ở tuổi tôi, không nên nhanh nước mắt như vậy, phải ý thức được cuộc đời là vô thường, chia ly, sum họp, hạnh phúc, buồn khổ… là lẽ thường tình. Nhưng con người vẫn còn xúc động trước sự biến hoá của trời đất, văn nhân thi sĩ vẫn còn đắm chìm trong vạn vật, chỉ một chút đổi thay, họ đã nhận ra, mới hôm nay nắng oi ả như mùa hè, ngày mai đất trời lại dịu dàng đằm thắm như mùa thu… thì trách sao tôi chẳng có lúc yếu đuối, bi lụy?
Gia đình tôi có 6 chị em, tôi là chị cả của 2 cậu em trai và 3 cô em gái. Ngày di cư vào Nam, bố mẹ tôi chỉ có tôi và Đức, sau đó gia đình đông thêm với Bé, Duy, Thanh và Bích. Gia đình chúng tôi ở Sàigòn cho đến năm tôi học lớp Tư, thì dọn ra Đà Nẵng. Chuyến tàu hỏa xình xịch chạy suốt đêm đã đưa tôi đi xa khỏi khu xóm Trường Đua Phú Thọ, Trường Tiểu học Trương Minh Giảng, quán nước đá nhận siro ba màu vàng, xanh, đỏ, ở gần trường.
Chuyến xe lửa dài ngoằng này cũng đã tung bụi làm mờ đi những kỷ niệm của tôi với các anh chị bà con họ hàng vượt thoát được vào Nam.
Sáu chị em chúng tôi sống êm đềm ở Đà Nẵng hết cả thời thơ ấu lẫn tuổi thanh xuân, kỷ niệm chồng chất không đếm xuể. Kế đến, gia đình tôi dọn vào lại Sàigòn khi tôi học năm thứ hai Đại học. Nơi đây, tình yêu và chiến sự đã cuốn hút tôi. Tình yêu của tôi được mặc cả bởi thang điểm và chiến trường. “Nếu rớt kỳ này, anh sẽ xa em”, “Tại sao”, “ Chiến trường sôi động, học không yên, thì rớt để đi vào chốn ấy cho nhẹ nhàng”. Anh đã bỏ trường, đã đi vào chốn ấy và nằm lại đó. Đau thương, hạnh phúc luôn đan vào nhau, và chất chồng theo thời gian, nhưng thật mầu nhiệm, khi hạnh phúc đầu tiên luôn ẩn trốn ở một góc nào đó của trí nhớ, để kịp thời nâng đỡ những lúc nhọc nhằn, và tôi đã hầu như mãi dựa vào hạnh phúc ấy.
Thời đó, Đức, luôn chìm đắm trong tình yêu, đối với Đức, tình yêu không có tiếng thời gian mà chỉ có âm thanh và hình ảnh cao sang của áo dài khăn cưới. Yêu ai, Đức cũng nghĩ đến việc thành thân và đắm đuối với hạnh phúc gia đình. Đức trung thành với mọi mối tình, và tận tụy sao chép từng lá thư tình của tôi để gửi cho người yêu. Đức bảo, thư tình chỉ có một mẫu, vì tình yêu chân thật, chỉ có một. Cuối cùng Đức yêu Phương. Tôi vượt biên trước ngày cưới của hai đứa.
Người em thứ hai của tôi là Bé, theo lời kể của mẹ tôi, Bé là đứa con dễ chịu nhất, mẹ tôi sinh Bé nhanh chóng và dễ dàng. Bé hay ăn và lặng lẽ lớn, chẳng làm phiền ai. Thật thế, cho đến bây giờ, cuộc sống của Bé đơn giản, yên ắng, một mình, y như dáng vẻ phúc hậu chậm rãi của nó. Tuy là chị em gái, nhưng tôi không biết nhiều về khối tình của Bé. Tôi không biết tình yêu không đến với em tôi, hay nó từ chối không nhận thêm bất kỳ một mối tình nào nữa?
Trong khi đó Duy, thoải mái chấp nhận lưới tình giăng bủa, và hình như Duy chưa bị tình phụ bao giờ. Ngày đó, mỗi lần thấy Duy cười to, nói to, rồi hút thuốc phun khói mù mịt, tôi cứ ngỡ là Duy thất tình, nhưng thật sự những lúc đó Duy đang bị lấn cấn vì bị các cô hạch tội. Duy đã lấy cô bạn yêu Duy từ ngày còn học ở đại học, Duy bảo Duy đã dứt khoát với tất cả, nhưng cả nhà đều biết, một mái tóc vàng óng ả vẫn còn quấn quýt trong Duy.
Người nhàn hạ thứ hai sau Bé phải là Thanh. Cô em thứ tư của tôi. Thanh lúc nào cũng chậm rãi và tròn trịa nhất trong bốn chị em gái. Tình yêu của Thanh thông suốt đơn giản và nhiều ân phước, nên mỗi lần nghĩ đến Thanh, tôi không nhớ đến mối tình êm đềm của em mình, mà chỉ nhớ đến một tâm hồn đặc biệt chan hòa Âu Á. Ở Thanh, tôi cứ thoáng thấy những e ấp, đan quyện với những bạo dạn, mê đắm…
Người ta nói đứa con Út hay bị thiệt thòi, thiệt đủ mọi phương diện, nhất là tinh thần. Đứa con út thường lẻ loi cô đơn, thường phải sống trước tuổi của mình để bắt kịp sự thay đổi tính nết của cha mẹ khi về già, bắt kịp tuổi trưởng thành của các anh chị để được đứng trong hàng ngũ bàn tán thảo luận vui chơi…
Có lẽ vì thế mà cô em Út của tôi đã lướt qua tuổi thanh xuân thật nhanh, để trở thành một trong những cột trụ của gia đình. Mọi tính toán, bàn bạc quan trọng giữa mấy chị em, Út đều được hỏi ý kiến và đôi lúc chính cô ấy là đầu tàu, y như những chuyến xe lửa đi ngược lại tuyến đường. Thế nhưng khi Út báo tin Út đã yêu, thì cả nhà lại dành toàn quyền quyết định tình duyên của Út. Cũng may quyết định này đã được Út chấp thuận và tôi có được người em rể rất hiếu đễ với cha mẹ đôi bên và thuận thảo với các anh chị trong gia đình.
Chúng tôi đặc biệt dành tình thương cho người em Út, vì mới có mấy tháng tuổi, em đã bị gió làm lệch một bên miệng. Tuy bây giờ vết lệch ấy không còn, nhưng thỉnh thoảng khuôn mặt trẻ thơ của em tôi vẫn hiện rõ trong tôi với vệt sữa trắng muốt chảy qua khoé miệng. Tiếng khóc oe oe ngày ấy vẫn nằm trong tim tôi.
Kể chuyện ngày đó, dù chỉ phớt qua, cũng không thể không nhắc một chút về chuyện bây giờ. Chị em chúng tôi bây giờ đã lớn tuổi, chúng tôi đã có con, có cháu là những nhân tố tốt của xã hội và một đứa cháu ngoại 7 tuổi thật xinh xắn và ngoan ngoãn. Tuy không ở gần nhau, nhưng chúng tôi vẫn dính chùm với nhau, vẫn tựa vào nhau, trông nom nhau và bám vào cha mẹ như ngày còn bé. Thể nào tôi cũng phải ghi lại những hạnh phúc hiếm quý này, mà chị em chúng tôi đã giữ gìn cho đến ngày hôm nay.