Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong ở Hoa Kỳ là bệnh tiểu đường. Nếu không được chữa trị, bệnh có thể dẫn đến mù loà, hư hại thần kinh, bệnh về thận và nhiều tật bệnh khác.

Tiểu đường là gì?
Tiểu đường là một tình trạng mãn tính trong đó thân thể mất khả năng kiểm soát được lượng đường glucose trong máu. Insulin là một hormone được các tế bào đặc biệt trong tụy tạng sản xuất ra, giúp cho cơ thể chuyển đổi glucose từ thực phẩm thành ra năng lượng. Người bị tiểu đường không có đủ insulin, vì thế glucose thay vì biến đổi thành năng lượng thì lại tích tụ trong máu. Có 4 loại tiểu đường chính, nhưng phổ biến nhất là loại 2 (type 2 diabetes)
Tiểu đường loại 2
Thực phẩm chúng ta ăn trở thành glucose, được máu đưa đi khắp thân thể, tạo ra năng lượng để cơ thể chúng ta hoạt động được. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể ta không thể chuyển đổi glucose thành năng lượng. Và như trên đã nói, glucose này, không được thân thể sử dụng, nên tụ lại trong máu, nâng lượng đường lên cao. Trong khi đó, cơ thể ta thiếu năng lượng để hoạt động.
Tôi có nguy cơ bị bệnh tiểu đường?
Bạn có thể bị tiểu đường loại 2 nếu như:
– Cân nặng quá mức
– Ít vận động thân thể (dưới 3 lần một tuần)
– Bị tiểu đường trong thời gian thai nghén (gestational diabetes)
– Sanh con cân nặng quá 9 pounds
– Trên 45 tuổi
– Bị cao huyết áp hoặc cao cholesterol
– Là người thiểu số như Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Hispanic hoặc Latino, Mỹ gốc Á hoặc cư dân các đảo Thái Bình Dương, Mỹ da đỏ
– Có thân nhân trong gia đình đã bị tiểu đường.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Nhiều người bị tiểu đường mà không biết mãi cho đến khi bệnh phát ra. Sau đây là mấy dấu hiệu:
– Khát hoặc đói quá mức
– Cảm thấy mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân
– Đi tiểu nhiều hơn thường ngày
– Xuống cân không rõ nguyên nhân
– Thân thể khi bị những vết cắt hoặc bầm mà lâu mới lành
– Thị giác bị mờ, nhìn không rõ
– Bàn tay và chân mất cảm giác, hoặc ngứa ran như có kiến bò.
Không phải ai bị tiểu đường cũng có những triệu chứng nói trên. Nếu bạn thấy có một vài dấu hiệu như thế, nên đến xin bác sĩ thử đường trong máu (blood glucose test).
Những bước ngừa bệnh
1. Chọn các loại thực phẩm ít chất béo, ít cholesterol và muối. Ăn uống lành mạnh giúp ta:
– Giữ được trọng lượng thân thể không quá nặng
– Hạ thấp huyết áp, hạ thấp cholesterol
– Ngăn ngừa hoặc làm chậm lại tiểu đường loại 2
2. Hoạt động: Vận động cơ thể có thể làm giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2. Đi bộ nhanh hoặc đạp xe đạp mỗi tuần ít nhất 2 giờ rưỡi.
3. Theo dõi và coi chừng cân nặng: Nghiên cứu cho thấy cứ giảm được từ 5% đến 7% thể trọng là giảm được nguy cơ bị tiểu đường. Nếu cân nặng 200 lbs, ráng giảm 7% tức là 14 lbs.
4. Theo dõi huyết áp và cholesterol:
– Ngay từ lúc 18 tuổi, phải xét nghiệm huyết áp ít nhất hai năm một lần. Càng lớn dần, càng xét nghiệm thường hơn, nhất là khi trên 40 tuổi.
– Xét nghiệm cholesterol ít nhất mỗi 5 năm một lần, hoặc thường xuyên hơn.
5. Bỏ thuốc lá: người hút thuốc thường dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nếu cần hỗ trợ để bỏ thuốc, có thể gọi số 1-800-QUIT-NOW (1-800-784-8669) để được giúp đỡ miễn phí.
Chi phí về Y tế
Đạo luật cải cách y tế Affordable Care Act được quốc hội thông qua, chấp thuận chi trả cho các dịch vụ liên quan đến bệnh tiểu đường, như:
– Dò tìm bệnh tiểu đường nơi người lớn bị huyết áp cao.
– Tư vấn về ăn uống cho người lớn có nhiều nguy cơ bị bệnh mãn tính.
Ngoài ra, theo chương trình bảo hiểm tư của bạn, có thể những dịch vụ này cũng được công ty bảo hiểm đài thọ.