Tuần này, trên màn ảnh TV toàn quốc có một sự kiện được trông đợi nhiều: chương trình Tranh Luận Tranh Cử Tổng Thống (Presidential Debate). Mùa bầu cử năm nay có 4 cuộc tranh luận, tất cả đều diễn ra trong Tháng Mười 2012. Ba cuộc tranh luận dành cho ứng cử viên (ƯCV) tổng thống, giữa đương kim TT Barack Obama và cựu Thống Đốc (TĐ) Mitt Romney. Một cuộc tranh luận còn lại, với 2 ƯCV phó tổng thống, PTT Joe Biden và Dân Biểu (DB) Paul Ryan. Buổi tranh luận đầu tiên diễn ra vào tối Thứ Tư tuần này, 3-10-2012 từ 8:00pm đến 9:30pm CT (giờ Texas). Cả 4 lần “Presidential Debate” đều được trình chiếu trực tiếp rộng khắp quốc gia trên các đài C-SPAN, ABC, CBS, FOX, NBC, cũng như các đài cable như CNN, Fox News, MSNBC, v.v…

Các cuộc tranh luận này hệ trọng vì chúng có thể ảnh hưởng kết quả ngày bầu cử (Election Day) 6-11-2012 sắp tới. Trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc lần này, đương kim TT Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ (DC) tái ứng cử nhiệm kỳ thứ 2. Bên đảng Cộng Hoà (CH), từ nhiều ƯCV tranh đua ở vòng bầu cử sơ bộ (primary), kết quả cựu TĐ Massachusetts ông Mitt Romney giành quyền ứng cử. Vì DC và CH là 2 đảng chánh trị lớn nhất, chi phối toàn bộ chánh trường quốc gia, cuộc tranh cử tổng thống sẽ là kết quả thắng bại giữa TT Obama và TĐ Romney, mặc dù trên lá phiếu bầu cử, còn có 2 liên danh tranh cử tổng thống Hoa Kỳ nữa, nhưng ít được nhắc đến: Cựu TĐ tiểu bang New Mexico — Gary Johnson — là ƯCV tổng thống của đảng “Tự Do” (Libertarian Party), và nữ Bác Sĩ Jill Stein là ƯCV của đảng “Xanh” (Green Party).
Vì cuộc tranh cử tổng thống quyết định ai sẽ là người chiếm giữ Toà Bạch Ốc, nắm quyền lèo lái con thuyền quốc gia trong 4 năm tới, nên nó cũng được chú ý nhất. Song trên thực tế, còn nhiều cuộc bầu cử khác vào ngày Election Day 2012. Những ƯCV bên trên không phải là những cái tên duy nhất cử tri sẽ bắt gặp trên phiếu bầu.
Cuộc bầu cử 2012 rộng lớn, bao gồm mọi cấp chánh quyền từ liên bang (Federal), đến tiểu bang (State), xuống các hạt (County), rồi thành phố, thị trấn (City, Town). Cử tri cũng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cả 3 nhánh công quyền: Hành Pháp (“Executive branch” — bao gồm tổng thống, thống đốc, thị trưởng…); Lập Pháp (“Legislative branch” — bao gồm Quốc Hội Liên Bang, QH Tiểu bang, Hội Đồng Thành Phố…), và Tư Pháp (“Judicial branch” — bao gồm thẩm phán, quan toà các cấp…)

Ngoài bầu cử tổng thống, cử tri còn bỏ phiếu chọn thành viên Hạ Viện HK (US House of Representatives) và Thượng Viện HK (US Senate). Các tân Dân Biểu (DB) và Thượng Nghị Sĩ (TNS) hợp lại tạo nên Quốc Hội HK (US Congress) khoá 113.
Tại Hạ Viện, kỳ bầu cử sau cùng, năm 2010, đảng CH đoạt 242 ghế chiếm thế đa số. Đảng DC chỉ được 193 ghế thành phe thiểu số. Năm nay, tất cả 435 ghế DB sẽ được bầu lại. Đây cũng là đánh dấu lần đầu tiên có các địa hạt bầu cử mới (Congressional District), chia lại cho phù hợp với tình trạng dân số thực tế dựa trên thống kê “Census 2010”. Sau tái phân bổ, có những địa hạt bầu cử nhỏ, thưa dân, phải sát nhập. Kết quả, một số đương kim DB phải tranh cử loại bỏ nhau, đôi khi ngay trong cùng một đảng. Ít nhất 8 DB đã thua cuộc kiểu này trong các vòng bầu cử sơ bộ, sẽ không có tên trên phiếu bầu sắp tới. Cũng có ít nhất 40 vị DB của khoá trước quyết định không tái cử. Một số chuyển lên tranh cử vào Thượng Viện liên bang. Đặc biệt, ở địa hạt bầu cử Wisconsin #1, có ƯCV Paul Ryan, làm DB thuộc đảng CH từ năm 1998. Năm nay, ông Ryan vừa tái tranh cử DB, đồng thời cũng có tên trong liên danh tranh cử tổng thống trong vai trò ƯCV PTT.
Ngược lại, bên Thượng Viện, sau bầu cử 2010, đảng DC nắm lợi thế đa số với 51 ghế TNS. Phe CH thành thiểu số với chỉ 47 ghế (có 2 TNS tuyên bố giữ lập trường “độc lập”). Năm nay, cử tri Hoa Kỳ chỉ bầu lại 33 trong số 100 ghế TNS (vì nhiệm kỳ TNS kéo dài 6 năm, cách mỗi 2 năm tổ chức bầu lại 1/3 số TNS). Đợt 33 TNS được bầu lần này nhận nhiệm sở từ 3-1-2013 đến 3-1-2019, cũng có nghĩa họ sẽ yên vị qua 2 kỳ bầu cử tương lai (2014 và 2016). Tháng Mười Một này, phe DC phải bảo vệ đến 21 ghế TNS, còn bên CH chỉ có 10 vị TNS phải bầu lại. Trong 21 ghế trống, theo thăm dò cử tri, đảng DC hầu như nắm chắc phần thắng ở 6 tiểu bang (California, Delaware, Maryland, Minnesota, New York, và Rhode Island). Nếu không có bất ngờ, đảng CH cũng dễ dàng chiếm hữu 5 tiểu bang (Mississippi, Tennessee, Texas, Utah, và Wyoming). Còn lại 10 tiểu bang trong vòng tranh chấp. Phe nào giành nhiều chiến thắng hơn ở nhóm này sẽ nắm cơ hội lớn chiếm thế đa số ở Thượng Viện khoá tới.

Tuỳ từng tiểu bang nơi họ cư ngụ, cử tri sẽ bỏ phiếu chọn 11 chức Thống Đốc. Hai lãnh thổ Hoa Kỳ (US Territory) là American Samoa và Puerto Rico cũng bầu chọn tân Thống Đốc. Trong số này, đảng DC có 4 đương kim TĐ tranh tái cử (Delaware, Missouri, Vermont, và West Virginia). Đảng CH có 3 đương kim TĐ tái cử (North Dakota, Utah, và Puerto Rico). Lần này, có đến 6 vị TĐ tiểu bang hồi hưu, thuộc cả 2 đảng CH và DC. Cho nên, sau bầu cử 2012, sẽ có ít nhất 6 tân Thống Đốc (Montana, New Hampshire, North Carolina, Washington, Indiana, và American Samoa).
Ngoài bầu cử chọn người vào các Dinh Thống Đốc, còn có nhiều cuộc tranh cử cấp tiểu bang khác như: Tổng Trưởng Ngân Khố (State Treasurer), Tổng Biện Lý (State Attorney General), Tổng Trưởng Giáo Dục (State Superintendent of Education), Tổng Trưởng Nông Nghiệp (State Secretary of Agriculture), v.v… Còn phải kể thêm các vị trí thẩm phán, quan toà bên ngành Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang, Toà Kháng Án Tiểu Bang, v.v…)

ƯCV Mike Pence (đảng Cộng Hoà) không tái cử Dân Biểu Hoa Kỳ để tranh cử ghế Thống Đốc tiểu bang Indiana.
Cuối cùng, đến các cuộc bầu cử ở cấp hạt (county) và thành phố/thị trấn (city/town). Trên khắp quốc gia, có hằng trăm thành phố, hạt, các nha học chánh, các địa hạt bầu cử đặc biệt sẽ cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm. Đáng chú ý, có hai thành phố trọng yếu sẽ bầu cử thị trưởng là Honolulu (Hawaii) và San Diego (California).
Có thể thấy Election 2012 không chỉ để bầu chọn tổng thống, mà thật sự là cuộc bầu cử lớn, tốn kém, phức tạp và hệ trọng. Lá phiếu cử tri quyết định những ai sẽ giữ trách nhiệm điều hành (hành pháp-executive), soạn thảo luật (lập pháp-legislative), hoặc cầm cân nẩy mực (tư pháp-judicial) trên mọi cấp chánh quyền từ liên bang xuống địa phương. Kết quả bầu cử 2012 cũng sẽ xác định đường hướng chánh trị của quốc gia trong tương lai, khi tương quan quyền lực giữa 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hoà được xác định (phe nào nắm đa số, phe nào phải làm thiểu số).
Lấy thí dụ cử tri ở vùng Dallas-Fort Worth, nơi Trẻ đặt tổng hành dinh. Trên phiếu bầu của họ, có nhiều tên ƯCV cho nhiều vị trí khác nhau. Ngoài các liên danh tranh cử tổng thống như chúng tôi đã điểm bên trên, còn có thêm:
– ƯCV TNS liên bang (4 ƯCV đảng CH, Paul Sadler đảng DC, John Jay Myers đảng Libertarian, và David Collins đảng Green)
– ƯCV Dân Biểu liên bang
– ƯCV cho vị trí đứng đầu ngành hoả xa tiểu bang (Railroad Commissioner) với 4 ƯCV từ 4 đảng
– ƯCV Thẩm Phán cho Tối Cao Pháp Viện tiểu bang
– ƯCV vào các ghế quan toà khác nhau (Toà Kháng Án, Toà Hình…)
– ƯCV hội đồng giáo dục của tiểu bang (State Board of Education)
– ƯCV TNS và DB cấp tiểu bang
– ƯCV Giám Đốc Nha Thuế Vụ (County Tax Assessor-Collector)
– v.v…
Ngoài ra, cử tri còn trả lời các câu hỏi trong bản trưng cầu dân ý (gọi là các “proposition”) để chánh quyền theo đó thiết lập chánh sách mới. Thí dụ, năm nay thành phố Dallas có “proposition” về việc ban bố công trái phiếu trị giá $260,625,000 nhằm tạo ngân sách tái thiết đường sá.
Khi bước vào phòng phiếu, cử tri sẽ được nhận lá phiếu với… vài chục tên ƯCV và những câu hỏi trưng cầu dân ý. Nhiều cái tên vẫn xa lạ, ngay cả với những người thường theo dõi chánh trường và các việc công quyền. Đôi khi, lá phiếu bầu cử có thể… dài lê thê, khó hiểu, gây bối rối cho không ít cử tri, nhất là những người bỏ phiếu lần đầu. Trong giới hạn của trang báo này, Trẻ cố gắng gạn lọc một số vấn đề đáng lưu tâm về bầu cử 2012, về các đảng phái và ƯCV, với hy vọng giúp độc giả của mình, giới cử tri người Mỹ gốc Việt, có thêm thông tin, cùng một số khái niệm căn bản, trước lúc quyết định “chọn mặt gởi vàng”.
