Qua đến tuần lễ thứ ba thì hy vọng được đến bến bờ tự do bắt đầu phai dần, chiếc ghe chở 51 thuyền nhân lại tiếp tục lênh đênh giữa đại dương trên một hành trình vô định. Có lúc tôi cảm thấy là chiếc ghe chạy vòng quanh theo một vòng tròn với bán kính khổng lồ. Tất cả thuyền nhân ngồi trên khoang trước hầu như kiệt sức, vẻ tuyệt vọng hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Tuy nhiên tôi thấy gã tài công và chủ ghe không tỏ ra nao núng chút nào hết. Cho đến hôm nay thì tôi đã bắt đầu làm quen với cái đói, có lẽ lâu ngày không có cái gì bỏ vào bao tử cho nên mọi người quên luôn cái cảm giác đói! Tuy nhiên nhịn khát là không được, trên tàu đã có dấu hiệu dành nhau phần nước uống do chủ ghe phân phát. Một điều tôi thấy rõ là chủ ghe lúc nào cũng để ý đám đông ngồi phía trước mũi, hễ thấy ai có dấu hiệu tàn hơi vì khát là gã tăng cường thêm nước, có lẽ gã không muốn thấy ai chết trên ghe vì đó là một điều xui xẻo.

Bạn bè ở Vũng Tàu, Lê Văn Quốc Việt, tác giả, Lê Cải
Cho đến xế trưa ngày thứ 15 tính từ hôm rời Việt Nam thì chúng tôi thấy có một con tàu trắng hiện rõ mồn một từ cuối đường chân trời. Sau bao nhiêu lần chứng kiến các tàu chở hàng và du lịch bỏ chạy, lần này mọi người không dám đặt hy vọng cao. Gã tài công nhìn qua ống nhòm và cho biết con tàu mang quốc kỳ Na-Uy. Không ai bảo ai nhưng rõ ràng ai cũng tỏ ra thất vọng vì mọi người đang hy vọng đó là tàu của Tây Đức. Ngày còn ở trong nước, nghe qua đài VOA và BBC ai cũng biết rõ về con tàu nhân đạo Cap Anamur của Tây Đức với sứ mạng vớt người trên biển Đông.
Con tàu màu trắng càng ngày càng hiện rõ thay vì quay mũi bỏ chạy như chúng tôi từng thấy. Nó càng đến gần thì tia hy vọng của chúng tôi lớn dần theo. Từ trên nóc, chủ ghe ra lệnh:
“Để cho đàn bà và con nít lên trên khoang, đàn ông chui hết xuống hầm!”
Sau đó gã giải thích là ở các quốc gia Tây phương họ trọng đàn bà và con nít. Thế là bọn đàn ông, con trai chúng tôi bắt buộc phải chui xuống khoang dưới vừa ngộp vừa khai. Từ dưới hầm, tôi hồi hộp nhìn lên phía trên và lắng nghe mọi động tĩnh. Tiếng động cơ của con tàu Na-Uy nghe rất rõ và có lẽ nó đang đến rất gần vì chúng tôi cảm thấy chiếc ghe bị chao đảo vì sóng do tàu lớn đẩy tới. Tôi nghe một người bạn ngoi lên gần nắp miệng hầm kể lại là gã tài công và đàn em đang khuân mấy bao tải chứa súng ống và quăng xuống biển. Đột nhiên có người nói tiếng Việt qua loa phóng thanh:
“Tôi là bác sĩ Đặng, đang có mặt trên con tàu nhân đạo của Na-Uy với nhiệm vụ cứu người tị nạn…”
Không ai bảo ai, mọi người ồ lên trong niềm vui vô tận, đám thanh niên từ khoang dưới lấn nhau để leo lên. Quang cảnh trong ghe bắt đầu huyên náo, mất trật tự. Tiếng loa phóng thanh lại tiếp tục:
“Xin đồng bào giữ trật tự, chúng tôi sẽ cứu hết tất cả không sót một ai. Hãy nhường cho trẻ em và phụ nữ lên trước!”
Đến nước này thì cần gì phải tranh dành nữa, thế mà tôi vẫn thấy có nhiều gã thanh niên vẫn chen lấn để leo lên trước. Tôi là một trong những người sau cùng rời chiếc ghe tị nạn, tôi nghe loáng thoáng sau lưng tiếng bàn tán của gia đình chủ ghe:
“Còn nhiều đồ ăn bỏ lại uổng quá!”
Đó là tiếng của bà chủ ghe, tuổi chưa đến 30 tuổi. Gã chủ ghe gắt vợ:
“Bỏ, chứ không lẽ vác theo lên tàu người ta.”
Bà vợ lại chắc lưỡi, nói tiếp:
“Còn đến cả hơn nửa thùng phuy nước. Tiếc thật!”
Khốn nạn, nước còn đầy ra đó mà bọn chúng lại để chúng tôi suýt chết khát. Sau này lên đảo tôi kể chuyện này cho mấy người bạn, nhưng bạn tôi lại bênh gia đình chủ ghe, cho rằng sự phòng thủ như vậy là cần thiết, và ít nhất trên tàu đã không có ai chết khát.
Lên trên tàu Na-Uy, thủ tục đầu tiên chúng tôi trải qua là khám sức khỏe và lãnh thuốc men, quần áo, mền gối. Còn nước uống thì tha hồ vì trên tàu này có hệ thống chế biến nước biển thành nước ngọt. Tôi để ý thấy có rất nhiều thuyền nhân có mặt sẵn trên tàu, đếm ra ít nhất cũng là mười chiếc ghe được vớt. Ông bác sĩ Việt Nam cho biết chiếc ghe của chúng tôi là chuyến cuối, ngày mai tàu sẽ chạy vô trại tị nạn ở một quần đảo của Nam Dương. Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, cả đám chúng tôi kéo nhau xuống tầng một, xả nước qua vòi robinet trên tàu và tắm một trận đã đời. Đàn bà, con gái, đàn ông, con trai không ai bảo ai mặc nguyên quần áo và trầm mình dưới những vòi nước mát lạnh. Nước ngấm vào da nghe mát rượi, chúng tôi cảm thấy như vừa được hồi sinh. Tắm xong chúng tôi lên tầng hai dùng bữa. Ở giữa khoang tàu rộng mênh mông có một cái nồi to bằng cái thùng phuy được đặt trên một bếp gas khổng lồ, bên trong là món canh chua thịt heo nấu với dưa cải. Chúng tôi quất một bụng no nê xong trở về chỗ ngủ được sắp sẵn trên sàn của tầng ba. Cả đám tị nạn Việt Nam vài trăm mạng không phải là ít, nhưng so với con tàu khổng lồ này thì chúng tôi chỉ chiếm một diện tích thật khiêm tốn.
Ngày hôm sau tàu Na-Uy cặp cầu tàu ở trại tị nạn Pulau Galang để chúng tôi, những thuyền nhân tha hương, bắt đầu một cuộc đời mới. Hôm đó là ngày 19 tháng 5, năm 1980. Tôi còn nghe mọi người mỉa mai bảo nhau:
“Hôm nay là ngày sinh nhật bác Hồ!” Lần đầu tiên sau gần 3 tuần lễ lênh đênh trên biển, bước xuống đất liền không còn bị sóng nhồi nữa nhưng tôi lại có cảm giác bồng bềnh bởi vì cơ thể của mình đã quen với cái quán tính chuyển động trên ghe. Cuộc sống tạm bợ ở trại tị nạn Nam Dương kéo dài gần 5 tháng trước ngày tôi được gọi đi định cư Hoa Kỳ.
Tiếng bánh xe phi cơ rít lên trên đường phi đạo của phi cảng Tân Sơn Nhất kéo tôi trở về hiện tại. Vậy là tôi đã thật sự trở về quê hương. Vợ chồng tôi và đứa con gái bước xuống phi cơ mỗi người mang một tâm trạng riêng. Cô con gái Mỹ Trúc của chúng tôi thì mới có 6 tuổi, chưa biết gì, chỉ luôn miệng than nóng và ngộp thở. Bà xã tôi thì hồi hộp, lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần để đối phó với các tình huống xấu; vì trước khi về chúng tôi có nghe kể lại về các tệ nạn tham nhũng, đút lót ở phi trường nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Riêng tôi thì cảm xúc không rõ nét cho lắm, tôi mừng vì sau hơn hai mươi năm mình đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng đồng thời tôi lại nhớ cái quê hương thứ hai của mình. Một điều mà tôi cảm nhận được rõ ràng là ở đây cái gì cũng nhỏ bé, từ những con đường cho đến nhà cửa, quán xá; tất cả hình như bị thâu nhỏ lại so với tầm nhìn quen thuộc của tôi.
Để chắc ăn khỏi bị làm phiền, chúng tôi nghe lời một người bạn đi chung chuyến máy bay đã nhiều lần về Việt Nam, vợ tôi nhét tờ 20 đô-la vô trong thẻ thông hành khi trình giấy tờ ở cửa khẩu vào Việt Nam. Viên hải quan có giọng nói Bắc Kỳ the thé nở một nụ cười rất tươi và làm thủ tục rất nhanh. Trong khi đó tôi để ý có một cặp vợ chồng trẻ đi chung với chúng tôi bị bắt qua một bên và phải điền một lô giấy tờ. Cặp vợ chồng này hồi nãy ở trên máy bay có nói với vợ tôi là xuống phi trường một cắc họ cũng không cho. Tôi bắt đầu cảm giác được sức bật của đồng tiền tại VN. Qua bên lấy hành lý chúng tôi đành phải chi thêm 10 đô-la nữa cho một nhân viên khác để khỏi bị làm khó dễ.
Từ trong phi trường bước ra, chúng tôi được chào đón bằng cái nóng gay gắt của Sài Gòn, mặc dù bây giờ đã gần cuối năm âm lịch. Trinh, cô em họ của bà xã tôi chạy đến đón. Tôi nháo nhác nhìn quanh giữa rừng người đi đón thân nhân và thấy ông chú ruột Vũ Huy Hồng đang chen ra từ đám đông. Theo chương trình chúng tôi sẽ về nhà chú Hồng tá túc trước tiên. Tôi và con gái theo chú Hồng leo lên xe taxi, còn bà xã tôi nhảy tọt lên chiếc xe cúp với cô em họ. Bà xã tôi vẫn thường khoe với tôi là hồi ở Việt Nam nàng từng là một tay xe cúp lả lướt nổi tiếng ở Sài thành, hồi đó người nào có xe cúp nàng mới thèm chơi, còn có xe đạp thì đừng hòng. Có lẽ về lại chốn xưa, ngứa nghề cho nên vợ tôi phải leo lên xe hai bánh thay vì đi chung xe taxi với chồng con.

Chú Hồng, Sài Gòn
Đến nhà chú Hồng thì tôi gặp giáo sư Nguyễn Thiện Tống của phân khoa cơ khí, kỹ thuật hàng không ở đại học Bách Khoa Sài Gòn đã có mặt. Chúng tôi trao đổi ngắn gọn, thầy Tống muốn gặp tôi để nhắc nhở về buổi thuyết trình sắp tới. Thầy Tống người gốc Huế nhưng chắc ở trong Sài Gòn lâu rồi nên tiếng Huế của thầy nhẹ nhàng và dễ nghe. Thầy mời tôi đến thăm trường trước khi tôi và vợ con ra Đà Nẵng và Hà Nội. Thầy cũng cho biết là trường có cử cô giáo sư tên Hương sẽ làm việc với tôi về buổi thuyết trình ở Bách Khoa. Tôi nói chắc chắn là tôi sẽ cần sự giúp đỡ của cô Hương. Tôi thì không ngại chuyện trình bày trước đám đông vì đã quen thuyết trình ở các đại hội và trên bục giảng ở Mỹ, nhưng vốn liếng tiếng Việt trong các ngôn từ kỹ thuật của tôi rất hạn chế. Trước khi chia tay, thầy Tống tặng tôi cuốn sách “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên” do nhóm trí thức Việt Nam thực hiện.
Sau đó là những ngày du lịch chóng mặt. Chúng tôi thay đổi hai nơi ăn ở là nhà chú Hồng ở Chợ Lớn và nhà cậu Sáu, em của mẹ vợ tôi, ở Phú Nhuận. Trước đêm Giao Thừa, tôi và vợ con đón tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu thăm ông anh rể. Ông này lúc đó vợ con đã đi Mỹ hết nhưng ông vẫn còn “cố thủ” trong căn nhà vừa để ở vừa là cơ sở làm ăn trên đường Lê Hồng Phong. Ông sợ đi qua Mỹ sẽ từ ông chủ trở thành cu-li, gặp ai từ Mỹ về Việt Nam chơi cũng đều khuyên ông chớ có dại mà qua Mỹ. Hôm tôi gặp ông ở Việt Nam thì ông giữ vững ý định sống ở Việt Nam đến cùng, thế mà chưa đến một năm sau ông đã qua đoàn tụ với vợ con. Hiện tại ông đang sống một cuộc sống mà hồi trước ông muốn tránh. Ông đi làm nghề ném dĩa bay (rửa bát) và ngày nào cũng than thở và tiếc nuối cái quá khứ vàng son hồi còn làm ông chủ ở Việt Nam.
Tôi gặp lại bạn bè cũ ở trường trung học Trần Nguyên Hãn. Một số có chức tước với chế độ mà số thất bại cũng có. Trong cái đám chức tước đáng kể phải nói đến Chánh án Tòa án Vũng Tàu (Hồ Văn Hùng), Viện trưởng viện kiểm sát và thi hành án (Trần Văn Mười), Trưởng phường Châu Thành (Lê Cải), bí thư chi đoàn Vũng Tàu (Lê Văn Quốc Việt), Giám đốc bệnh viện Lê Lợi (Lê Thị Kim Phụng), và nhiều tên tuổi “hét ra lửa”. Không biết mấy người này bây giờ còn giữ các chức vụ đó không, nhưng vào năm 2002, nói đến họ ở Vũng Tàu ai cũng biết. Bù lại, những người bạn thất bại cũng có, tôi không muốn nêu tên họ ra đây, nhưng trong số này dân đạp xích lô, honda ôm, hay làm lao công cũng có. Tôi không cần biết hiện tại họ làm gì, tôi nhờ Lê Cải tụ tập hết tất cả sau dịp Tết tôi sẽ từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu và gặp hết tất cả ở một nhà hàng tươm tất và lịch sự ở Bãi Trước. Ngoài bạn bè ra, đêm hôm đó còn có sự hiện diện của thầy Chương, giáo viên môn Hóa học. Chúng tôi sum vầy kể chuyện đời sống bạn bè sau 22 năm xa cách, chúng tôi hát cho cho nhau nghe qua tiết mục văn nghệ do Sơn “đen” phụ trách. Đêm đó tôi uống rất chừng mực, không dám quá chén trong khi bạn bè tôi ăn nhậu thật tình và cũng có những lúc rượu vào, lời ra. Tuy nhiên không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Có một số bạn nữ đến vây quanh tôi, hỏi chuyện. Các bạn có vẻ ngạc nhiên là bây giờ tôi ăn nói mạnh dạn, khác với cậu bé nhút nhát năm xưa. Chị Phùng Thanh Hà nêu thắc mắc:

Thày Chương dạy Hoá Học, Vũng tàu
“Sao hồi đó trong lớp ghép đôi Thành Long với Châu Ngọc Diệu?”
Đó cũng là thắc mắc của tôi mấy năm nay. Có lẽ lúc xưa đám học trò con nít không có chuyện gì làm cho nên bày ra trò ghép đôi cho vui. Ngoài tôi ra còn rất nhiều bạn trong lớp bị ghép đôi, nhưng rồi không có ai thành vợ thành chồng cả. Sự thật thì sau này không có cuộc hôn nhân nào diễn ra giữa các bạn trong lớp tôi. Riêng Châu Ngọc Diệu thì đã có chồng con, nàng tốt nghiệp dược và hiện làm chủ một nhà thuốc tây ở Ngã Năm, gần nhà ông anh rể của tôi. Trong cuộc đoàn tụ với bạn bè cũ đêm hôm đó tuyệt đối không có ai hỏi tôi về chuyện vượt biển, và tôi cũng không muốn kể cho ai nghe hết. Tôi nhìn lại bạn bè của mình và tự hỏi nếu ngày xưa tôi không rời Việt Nam thì hôm nay tôi có cuộc sống như thế nào, là chánh án hay tài xế honda ôm! Chuyện đó không thể biết được, nhưng có một điều mà tôi biết rõ là nếu tôi không ra đi ngày đó thì biết đâu tôi đã mất xác ở chiến trường Campuchia. Năm 1979 cuộc chiến biên giới diễn ra khốc liệt, lệnh động viên trên toàn quốc được ban hành. Tôi lúc đó đang rất ham học và không muốn mất mạng một cách vô lý, đó là lý do mà tôi muốn trốn khỏi Việt Nam. Sau này tôi nghe mẹ tôi kể lại là một tuần lễ sau khi tôi rời Việt Nam, gã công an phường đến nhà tôi đưa giấy mời tôi ra phường “đăng ký nghĩa vụ quân sự”.
(còn tiếp)