Xưa nay, tìm được hạnh phúc cho chính mình đã khó mà tạo được hạnh phúc giữa mình và người mình đang chung sống càng khó hơn! Phải chăng vì thế mà nhiều giáo chủ muốn dẫn dắt tín đồ tìm đến hạnh phúc nhưng chính họ lại sống độc thân? Nói vậy không phải không có những người sống hạnh phúc trọn đời với người hôn phối của họ. Tuy nhiên, bí quyết hạnh phúc của họ nếu đem áp dụng cho những đôi vợ chồng khác thì chưa chắc sẽ thành công. Thành ra từ thuở khai thiên lập địa tới nay, chưa có một cộng đồng nào mà tất cả mọi cặp vợ chồng đều sống hạnh phúc với nhau. Điều này tưởng như sẽ là mãi mãi nếu không có sự khám phá rất tình cờ của nhóm khoa học gia trường đại học Ohio State University của Mỹ.

Theo bản tin hôm Thứ Ba tuần trước trên đài truyền hình NBC, một số nhà động vật học của trường đại học này đã nghiên cứu lối sống của các con chó sói sống quanh khu vực thành phố Chicago trong suốt 6 năm trời. Loại chó sói này nguyên văn tiếng Mỹ là coyote. Chúng là bà con họ hàng với chó nuôi ở nhà và chó sói hoang dã. Chúng còn được gọi là chó sói Bắc Mỹ vì chỉ sống ở Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, và Mễ Tây Cơ. Cách đây khoảng 38 ngàn năm, chúng to lớn lên đến khoảng 25kg. Chừng 10 ngàn năm trở lại đây, có lẽ do thức ăn trong thiên nhiên bị khan hiếm, chúng bị… “suy dinh dưỡng” nên (con) nặng nhất chỉ có 18kg. Chắc là do việc kiếm ăn ngày càng khó khăn nên trong mấy thập niên qua chúng lần mò về… thành phố. Đặc biệt là thành phố Chicago, hiện nay dân số của nhóm nhập cư không giấy tờ này ước lượng lên đến 2 ngàn. Nói đúng ra, con số nhập cư khoảng vài trăm thôi nhưng qua nhiều năm thì sinh sôi phát triển thành một cộng đồng… Cái Bang lớn mạnh . Chúng thường hành nghề ở các bãi rác (có nhiều thức ăn thừa) hoặc săn bắt chuột vào ban đêm nên không làm phiền hà đến cư dân quanh vùng. Chính nhờ sự làm ăn và sinh sống thịnh vượng của cộng đồng này mà các nhà khoa học đã để mắt tìm hiểu.
Trong khi nghiên cứu, họ phát hiện một điều vô cùng thú vị là các thành viên Cái Bang này sống như những tiểu gia đình: có vợ, có chồng, có con có cái. Các đôi vợ chồng này sống với nhau đến bạc… lông; chỉ khi nào một trong hai chết đi thì “nửa kia” mới… tái giá! Họ cho rằng chính nhờ sự thuỷ chung ấy đã đem đến sự phồn thịnh (về dân số) cho cộng đồng. Chứ nếu anh chồng mà lăng nhăng thì một mình chị vợ không thể nào nuôi nổi mấy đứa con. Các khoa học gia còn tận mắt thấy nhiều cô vợ đang mang thai được chồng dẫn đi kiếm ăn. Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung bước, đôi ta chung đường! Nếu đấy không phải là một sự lãng mạn thì ít nhất cũng là một hình ảnh đẹp về sự hạnh phúc lứa đôi. Có lẽ những con coyotes này chẳng biết thiên đường là gì nhưng chắc chắn chúng cảm nhận được niềm hạnh phúc mà nhiều người đã hoặc đang có gia đình hằng mong ước.
Điều khiến các nhà khoa học thắc mắc là cũng những con coyotes ấy mà sống ở nơi khác, nơi miền quê như tiểu bang Oklahoma hoặc Texas chẳng hạn, thì lại không thuỷ chung như thế. Thậm chí nhiều con còn cà rà với… chó nhà rồi đẻ con… hoang. Những con coyotes sống nơi khác có tuổi thọ ngắn hơn và dân số phát triển chậm hơn. Không biết vì nguyên nhân gì nhưng chắc chắn là cuộc sống thành thị đã làm thay đổi tánh tình của những con coyotes này.
Để tìm ra lời giải đáp, các nhà động vật học này có lẽ cần phải hợp tác với các nhà xã hội học chăng? Thời xưa, người Trung Hoa nghiên cứu cử động của các con vật để sáng tạo ra các thế võ để chiến đấu. Biết đâu ngày nay các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu những con coyotes ấy lại tìm ra được phương pháp cho mọi cặp vợ chồng trên thế gian này có thể áp dụng để sống hạnh phúc trọn đời với nhau. Mong lắm thay!