Menu Close

Những kỷ niệm về Mẹ tôi – Kỳ 1

Thắm thoát, Má tôi đã mất tròn hai mươi năm, hồi tôi còn trong trại tập trung, mà dường như tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Má tôi đã chết! Buổi sáng hôm ấy, từ một trại tập trung lớn, tôi bị người ta kêu tên chuẩn bị đồ đạc cá nhân cùng với mười người bạn khác lên hội trường nói đôi ba điều, rồi xuống một chiếc vỏ lãi chờ sẵn dưới kinh, để đi về một nơi, mà tôi chưa biết chỗ nào. Sau gần một ngày trời chạy băng qua nhiều đầm, nhiều lung, nhiều cánh đồng còn hoang dã, rồi vào rạch, vào ngòi vùng Hòa An, Phụng Hiệp đổ ra sông cái Hậu Giang miệt Mái Dầm, Cái Côn và dừng lại ở đó, để bắt đầu những ngày mới của những năm tháng dài lao khổ với công việc mới mẻ trong đời là làm gạch, làm ngói mà tôi chưa làm công việc này lần nào.

alt

Tía Má ngồi ở đầu bàn chủ trì lễ lạy họ đám cưới của con vào ngày 20 tháng 07 năm 1970

Ở nơi chốn xa lạ này, trong tình cờ, tôi gặp một người bạn của đứa em út nhận ra tôi, dù nhiều năm không gặp lại. Trong dè dặt, kín đáo, Thành, tên người bạn nhỏ, đã cho tôi hay Má tôi vừa mới mất được mười hôm, ngày mùng mười tháng Hai âm lịch. Tôi đứng lặng người như chết điếng từ hồi nào!!! Mắt tôi mù mịt. Tai tôi ù điếc. Tất cả không gian, cảnh vật quanh tôi ùa chụp một màu tang tóc, thê lương, ảm đạm mịt mù!!! Tôi còn đang chết đứng giữa bốn bề tăm tối, chưa kịp hỏi thêm điều gì về gia đình tôi, Thành lại cho biết, chuyến ghe dưa hấu của Thành bán dọc theo các chợ làng, chợ quận bên dòng sông Cửu Long này là dọ đường cho một chuyến vượt biên vào trung tuần Tháng Ba sắp tới, và Thành muốn tôi vượt trại cùng đi, nó sẽ giúp, không tốn tiền bạc gì.

Trước tin Má tôi mất, tôi không còn lòng dạ nào để mưu tìm một đời sống khác. Giữa tự do và Mẹ, tôi không một chút do dự, đã trả lời Thành: Cảm ơn em, Má anh mất, anh không còn muốn gì nữa trên đời này!

Từ đó tới bây giờ, ngồi viết những dòng này, đã hai mươi năm, tôi cứ nghĩ rằng má tôi vẫn còn sống hoài, như mặt trời vẫn mọc vào buổi sáng, rồi lặn vào buổi chiều, cứ hiện hữu, còn đó, có đó trong lòng những đứa con của Má.

Từ thuở nhỏ, lúc chạy giặc Tây, Má tôi hay kể, tôi ốm yếu nhất. Tía tôi cõng tôi trên lưng, chạy về cánh đồng lác miệt Cái Nai mịt mù sậy, lác, năn, rau muống, cỏ song chằn, cỏ mồm để trốn Tây, mà tôi cứ khóc hoài, dỗ gì cũng không nín. Lớp sợ Tây, lớp lo con đói, con bịnh vì trời trên đầu thì nắng chang chang, nên Má tôi cố dỗ con mà không nở rầy. Vả lại đường rừng, đường bụi, vướng chân, vướng cẳng nên Tía tôi cũng mỏi chân, mỏi cổ, mỏi vai và gần kiệt sức nhưng vẫn cố gượng bồng ẵm con mình đến chỗ an toàn. Còn má tôi sức yếu cũng bườn theo, lội bùn, lội sình, băng mương, băng rạch, đùm bọc, dắt díu mấy chị em tôi mà quên cả mạng sống của chính mình. Được tới chỗ an toàn, Má tôi bắt đầu nấu cơm bằng rơm, bằng rạ, bằng những cây bố rừng chết đứng khô khốc cho các con có chút cơm, chút cháo mà mắt mũi mờ mịt vì khói rơm, khói rạ phủ vây.

Khi tôi lớn thêm chút nữa, Má tôi kể lại, cũng chạy giặc Tây về miệt Cái Sắn, gian truân không biết dường nào mà kể. Lần này là chạy luôn, bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ vườn tược lưu lạc có hơn mười lăm năm trời trôi nổi bềnh bồng, không bến, không bờ. Con còn nhớ, con theo Má cắt những cây bố rừng, bó lại từng bó vừa sức, ôm về với Má để dành nấu cơm. Cánh đồng Cái Sắn Tháng Ba nắng cháy da, cháy tóc. Xa xa về hướng tây nam, ngọn núi Sập, núi Ba Thê vẫn in lên bầu trời màu xanh của đá, của cây rừng rõ rệt dáng hình như một con quái vật khổng lồ giữa vùng đồng bằng còn hoang sơ vì giặc giã. Nhất là lúc chiều về, bóng đêm cô tịch ùa tràn hòa cùng muôn tiếng côn trùng, chim vịt, chim cú, chim heo, chim mèo kêu than mà càng thêm não lòng… Má trải chiếc đệm bàng rách rồi giăng mùng dưới lùm tre, chúng con bu quanh Má ngủ vùi, mặc cứt chim, cứt cò từ trên đọt tre rơi đầy, mặc cho sương đêm rơi ướt mùng, ướt đệm. Rồi đến hồi chạy giặc về quê ngoại ở Mặc Cần Dưng, Tía che chòi, che trại dưới bóng xoài, con cũng thường chạy theo Má ra vườn tre của Ngoại lắc gốc tre mục, kéo nhánh tre khô từ trên những bụi tre cao vòi vọi, phụ với Má mang về, vựa lại để làm củi nấu cơm. Tía thì lo cày bừa, vất vả biết dường nào để kiếm gạo, kiếm cơm. Có lần, Tía bị bò chứng lên, chạy giật về bờ mương, làm Tía mất thăng bằng, té chống tay xuống đất cày, gãy cổ tay. Con nhớ Má lo chở Tía đến ông thầy Sáu Màu lo thuốc bó tay cho Tía. Má phải vất vả cả tháng trời với đôi bò, với lúa thóc vì chị em chúng con còn quá bé nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, nên không giúp Má được gì nhiều. Được má kể lại, ông Nội là một nhà Nho, có mở trường dạy học, học trò rất đông và Tía cũng là một nho sinh khi mới cưới Má. Rồi vì chuyện áo cơm, Tía phải vất vả lo cho Má con mình như vậy đến phải cơ cực, gãy tay, cày bừa mưa nắng mà âm thầm gánh vác, chịu đựng dãi dầu…

Má thì nhà quê, nhà mùa, sớm hôm chỉ biết lo cho chồng, lo cho con cái trong nhà. Nhưng Má có lý tưởng của Má, là lúc nào má cũng muốn lo cho con cái được đi học, đi hành thành người. Vì thế, khi anh, chị, em con vừa đủ tuổi là Má đưa đến trường dạy tư đóng học phí hằng tháng của các thầy giáo vườn như thầy Chín Nhậm, thầy giáo Trang, thầy giáo Ngân, thầy giáo Cầm. Con nhớ Má lúc nào cũng gói theo cho con vài cái bánh con gà, vài miếng bánh lỗ tai heo, vài cục kẹo dẻo, kẹo gừng. Rồi khi lớn thêm chút nữa, qua khỏi lớp nhì, lớp nhứt, Má cho tụi con lên tỉnh. Con biết Má đứt ruột, đứt gan, cắn răng để con cái phải sống xa mình. Nhưng con biết má vui vô cùng khi các con ham học, siêng năng, chăm chỉ, lo chí thú vào việc sách đèn…

Sau năm 1954, khi gia đình mình hồi cư về quê cũ, vườn hoang, ruộng hoang được dọn dẹp, trồng trọt lại, Má vẫn luôn muốn chúng con tiếp tục đi học. Má thì tiếp tục hy sinh, tiếp tục cùng với Tía chịu cực, chịu khổ, suốt cuộc đời hy sinh cho con, không bao giờ con nghe Má thở dài, than mệt, dù con biết cha mẹ nhiều lúc mệt mỏi biết chừng nào!

alt

Nuôi rong đuôi chồn để nhớ Má

Cứ mỗi cuối tuần về, lần nào cũng như lần nào, Má vò đầu, xoa trán, lo nấu món này, món nọ cho con cái quây quần nhau lại ăn uống vui vầy. Má cụ bị cho con từng trái chanh, trái ớt, trái xoài, trái quýt. Bán được nải chuối, buồng cau, trái dừa, trái mít, Má gói tiền trong tấm giấy dầu, loại giấy gói xi măng, nhét dưới khay trầu, kẹt tủ để dành cho con mua quà, mua tập vở, mua thêm sách học cùng viết chì, viết mực. Má tiện tặn, không dám xài tiền, tất tất đều dành dụm cho con mình, để có mà ăn học. Sau này, khi con lớn khôn, ra đời đi làm, có tiền lương, mỗi tháng con ra nhà dây thép mua “mandat” gởi về Má ba ngàn đồng, nửa số tiền lương của con, để Má mua trầu cho Má; mua thuốc hút, mua trà cho Tía; mua thức ăn, thức uống cho Tía, cho gia đình. Nhưng lần nào con về thăm nhà, y như rằng, số tiền con gửi về mấy tháng trước Má còn gói nguyên trong tờ giấy dầu, khi hết phép, lúc con trở lại nhiệm sở, Má mở gói giấy dầu ra đưa cho con và căn dặn con hãy cất giữ để phòng khi xa nhà gặp lúc ốm đau, thiếu hụt. Thế mới biết, cha mẹ lúc nào cũng lo lắng, hy sinh cho con cái như nước sông, nước biển tràn đầy, không khô, không cạn nổi.

Má thì sống một đời rất giản dị. Có dịp đi đâu ra xóm, ra tiệc, Má mặc chiếc áo bà ba màu huyết dụ, bên trong là chiếc áo túi màu trắng bằng vải ú, với vài ba miếng trầu, miếng cau tươi hoặc cau khô ngâm nước cho mềm là đủ rồi. Họa hoằn lắm má mới mặc chiếc áo dài bằng nhung vào những ngày lễ cưới hỏi trong nhà, ngoài xóm. Còn ở nhà, Má chỉ mặc bộ áo quần bằng vải ú màu đen. Cái áo túi của Má, mỗi lần về thăm nhà, con thường lấy mặc đi giáp vòng trong xóm. Má nhìn con mặc áo túi, Má ngồi ngoáy miếng trầu với cái ống ngoáy bằng vỏ đạn đồng, với chiếc chìa vôi bằng sắt đóng vôi dày bịt, Má cười cười, hài lòng con mình còn trẻ con, còn quyến luyến mùi mồ hôi dính trên áo Má, không muốn rời Má. Má dư hiểu rằng, dù lớn bao nhiêu tuổi, dù đã có vợ, có con, dù đã lăn lóc với đời, nhưng lúc nào con mình cũng cần sự chở che của cha mẹ, lòng yêu thương của cha mẹ.

Khi lớn lên, con đọc sách vở, con thấy các bậc thức giả thường hay ví Mẹ là biển, là hoa hồng, là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau. Riêng với Má của con, Má là những bữa cơm chạy giặc. Má là chiếc áo túi bằng vải ú. Má là nụ cười khi thấy con mặc chiếc áo túi của Má. Má là vườn trầu vàng trước sân nhà mình. Má là những cơ khổ của thời kỳ chạy giặc, những ngọt ngào, những bình dị, những hy sinh, những hiền đức của một bà mẹ quê. Má gửi lòng mình cho con cái trong từng trái chanh, trong miếng cá kho, cá nướng, trong từng trái chuối phơi khô, cái bánh phồng ngày Tết, cái bánh ít, bánh tét vào những ngày giỗ chạp. Ở đâu cũng có Má. Ở đâu cũng có sự vỗ về của Má. Má cũng muốn con vui, Má nén tiếng rên khi đau yếu, Má nén tiếng thở dài khi đuối sức, khi mệt mỏi để cho các con mình yên lòng…

Trên chiếc xuồng câu với những con cá rô biển lớn bằng bàn tay, mà ngày nào Má ngồi câu bên đống chà, hoặc gốc gáo cạnh bờ sông mà tàn cây phủ rợp bóng mát với mồi tép vào mùa nước giựt Tháng Mười âm lịch, Má có đó với nụ cười, với con cá vừa mới câu được. Hoặc vào những ngày tháng năm nước đổ đục ngầu, Má câu cá mè vinh, cá dảnh với mồi bằng lá dây cứt quạ, một loại dây mọc ngoài ruộng theo bờ đê, bờ ranh, có vị đắng làm thuốc nam, hoặc vào Tháng Sáu, Tháng Bảy má dung mồi bằng những cọng rong đuôi chồn. Những con cá mè vinh cườm  hoặc cá dảnh lớn gần bằng cái dĩa bàn với bụng thè lè cặp trứng đã ăn những chiếc lá cứt quạ hoặc rong đuôi chồn vo tròn làm mồi móc vào lưỡi câu. Ngọn cần câu bằng đọt trúc cong vút lại, Má cố sức kéo con cá lên xuồng, nhìn con cá  trắng phau, Má vui với nụ cười hiền. Đối với riêng con, Má là những niềm vui đó, những kỷ niệm êm đềm đó, thật ngọt ngào… Sau này, ở bất cứ nơi nào con cũng tìm kiếm cho bằng được loại rong đuôi chồn này và trồng trong các hồ ao sau vườn để nhớ Má.

Những năm tháng con bị đày ải giữa rừng, Má đứt ruột, đứt gan gửi lòng mình trong từng lon dưa mắm, lon chuối phơi khô ngào đường với đậu phọng, lon cám nếp Má rang vàng ươm thơm phức trộn với đường cát mỡ gà gửi vào trại cho con, từ khi con bị bắt vào đầu Tháng Năm, hai mươi lăm năm về trước, đang lúc trên đường về thăm cha mẹ mà chưa được gặp mặt dù chỉ một lần! Má có đó với lon đường, lon chuối, lon cám rang với lòng mẹ thương con biết cơ man nào mà kể, để rồi buồn lo, thương nhớ con mình đến nỗi đau yếu, mất ăn, mất ngủ rồi sanh bịnh mà chết. Đằng đẵng mấy năm trời, lúc nào Má cũng muốn đi thăm con mình nhưng con sợ Má nhìn cảnh con mình bị khổ cực trăm bề mà đau lòng, nên con không dám mơ một ngày Má vào “ thăm nuôi “ dù con nhớ Má quay quắt như trẻ con chờ Mẹ đi xa về!

(còn tiếp)

LTT