Menu Close

Những cái cây…

Trong một bài trước, Nguyễn đã có dịp nói về chuyện của cỏ. Bây giờ xin được nói về cây. Mùa thu đang tới, cây bắt đầu thay màu lá. Từ màu xanh sẽ chuyển dần sang vàng và đỏ. Rồi lá rụng hết, chỉ còn trơ lại cành khô dưới bầu trời màu xám.
Ôi, biết bao nỗi niềm. Cây đôi khi cũng như người vậy.

Trong một truyện ngắn viết đã lâu, Thảo Mi kể lại hồi nhỏ khi còn ở Phú Thọ, Sài Gòn, cô cũng đã từng làm bạn với cây trứng cá, cây ổi, cây xoài… Và Thảo còn nhớ một lần ngã từ cây ổi bên hiên nhà xuống hồ nước, tí xíu nữa thì móp gáo. Lớn lên, lúc bắt đầu để tóc dài và ngực bắt đầu nhú chỏm cau, cô yêu cây ngọc lan trong vườn chùa, thường tha thẩn dưới gốc nhặt những bông ngọc lan màu ánh trăng đem ướp vào cái hộp có xâu chuỗi đá tím người ấy tặng trong một lần gặp ở thành phố mimosa. Chiếc hộp ngày ấy cô mang theo về nhà chồng. Khi từ giã ra đi, cô đã để nó lại Wallassee và không bao giờ về nữa.

Không riêng Thảo Mi và Nguyễn này, bất cứ ai trong đời cũng có một kỷ niệm với một cái cây nào đó. Trong một truyện ngắn có tựa đề Người Con Gái Trong Thung, Hải Miên đã viết về những đời người và những cái cây thật là cảm động, Tim Nguyễn xin trích lại sau đây: “Ông nội tôi thở hơi cuối cùng khi mẹ đang hối hả đào hố trồng xuống sau vườn một cây ăn trái lâu năm. Đây là tục lệ của riêng người trong Thung. Khi trong nhà có một người lớn tuổi về với đất thì người đàn bà của gia đình đó phải trồng xuống một loại cây lâu năm kịp trước khi người kia im hơi tắt tiếng. Linh hồn của người chết sẽ không chịu vùi sâu dưới ba tấc đất cùng thể xác của họ mà thoát ra, nhập vào thân cây ấy trong vườn nhà. Với những người trẻ, linh hồn sẽ bay đi nương vào một cây trên rừng. Hằng năm vào ngày mồng một Tết, chúng tôi có lễ thăm cây. Trước hết là thăm cây trong vườn nhà và sau đó toả lên rừng. Giờ ông nội đã trú ẩn trong cây mít trước ngõ, bố tôi ở cây xoài sau nhà và mẹ tôi ở cây xoan cạnh bờ mương. Mỗi khi buồn, chị Nụ hay ra tựa lưng vào gốc cây xoan, một chốc lại lẳng lặng quay vào, không muốn để ai nhìn thấy. Nhưng tôi biết bí mật của chị. Tôi còn biết từ dạo nhà có chị dâu, chị rất hay lén ra dựa gốc xoan…”

Thật là cảm động và cũng đầy tình người, phải không em?

Và sau đây anh muốn kể cho em về chuyện một cái cây đặc biệt là Cây Cô Đơn.

Một cây sồi có tên Ténéré từng nổi tiếng thế giới vì nó là cây “cô đơn” nhất trên địa cầu. Ténéré mọc trong sa mạc Sahara và trong khi cây chung quanh chết hết vì thiếu nước, nó vẫn kiên trì bám rễ xuống sâu và tồn tại một mình. Trong khoảng 400 kilomét chung quanh nó, không một cây cỏ nào khác sống được. Cây nầy được đánh dấu trên bản đồ sa mạc và là một điểm mốc cho các đoàn lữ hành băng qua vùng gió cát mênh mông. Năm 1938 người ta đào thử gần ở nơi cây mọc mới thấy rễ cây cắm sâu xuống tới 36 mét. Điều đáng tiếc là ở ngay một vị trí mà ai cũng nhìn thấy như thế mà một tên lái xe mắc dịch người Libi, trong lúc say rượu, đã tông chiếc xe tải vào làm cây gãy chết năm 1973. Xác cây sồi này được đưa vào viện bảo tàng quốc gia Nigeria ở Niamey. Một mẫu điêu khắc bằng sắt đặt trên con đường băng qua vùng Ténéré để tưởng niệm cây “cô đơn” này.

alt

Cây Téréné tại sa mạc Sahara – Nguồn tree-nation


Chuyện Cây Cô Đơn khiến anh nhớ lại một câu chuyện khác. Phóng viên tờ The New York Times, trong một số báo cách đây khá lâu, có kể câu chuyện về một cái cây cũng trên vùng sa mạc: Trên con đường cái quan được xem là hiu quạnh nhất nước Mỹ mang tên Highway 50 chạy xuyên lòng sa mạc Nevada, cách thị trấn Middle Gate vài dặm, có một hàng cây bông gòn tỏa bóng mát cho khách bộ hành dừng chân tránh nắng, nghỉ ngơi. Trên một trong những cái cây ấy, treo hàng ngàn chiếc giày. Em biết không, đủ loại giày -từ những đôi ủng làm việc, giày đàn ông có dây cột, đến những đôi giày cao gót của phụ nữ, giày khiêu vũ và cả giày bé xíu của trẻ con. Tại sao có cái cây lạ lùng này – thì đây, em hãy nghe một cư dân của thị trấn Middle Gate kể lại: 20 năm trước, có thể còn xa hơn nữa, một cặp vợ chồng trẻ vừa làm đám cưới ở Reno đi ngang qua đây, dừng xe lại nghỉ dưới bóng những cây bông gòn. Anh chồng nổi điên cứ càm ràm rầy la chị vợ vì chị đã nướng hết tiền bạc trong sòng bài khiến chị giận dỗi, dọa không thèm đi xe nữa mà sẽ đi bộ về lại Utah. Anh chồng bảo thì cứ việc đi đi, rồi anh lột đôi giày của chị quăng lên ngọn cây gòn. Đoạn anh ta lái xe tới một quán bụi gần đó nhậu bia, ngồi lì ở đó mấy tiếng đồng hồ để chị vợ đứng chơ vơ bên đường chờ. Cô chủ quán biết chuyện bèn khuyên anh ta trở lại tìm vợ nhận hết lỗi của mình đi. Và anh chồng đã trở lại chỗ cây gòn và hai vợ chồng tiếp tục cuộc hành trình xuyên sa mạc. Một năm sau, hai người trở lại với một đứa bé mới sinh, và họ ném luôn đôi giày của đứa nhỏ lên cây. Kể từ đó, khách lữ hành đi qua đây tiếp tục ném những đôi giày, làm cho cái cây ngày một trĩu nặng và được đặt tên là Cây Giày. Ai đi qua, cần giày mới thì cứ việc lấy xuống dùng (theo NBTrạc).

Em có thấy chuyện Cây Giày mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Nó là lòng nhân đức và sự tử tế của con người đối với nhau. Sơn viết: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì / Để gió cuốn đi… Thì cũng để gió cuốn đi thôi, như mọi chuyện, nhưng nó làm cho cuộc đời này có ý nghĩa và đáng sống hơn. Thế đấy. Chúng ta biết ở làng quê Việt Nam, trên các bến đò và giữa quãng đồng trống thường có một cây đa tỏa bóng mát. Ai đã trồng? Không cần biết, khách bộ hành dừng chân nghỉ, tránh cái nắng như đổ lửa, rồi lại tiếp tục đi.  Ước mong những cây đa, những cây bông gòn, những cây xoài, những cây hoa gạo… có mặt trên khắp những nẻo đường của trái đất, sẽ mang lại cho con người những phút dừng chân thoải mái trên hành trình nhọc nhằn của kiếp nhân sinh. Cho nên kẻ này rất quý những khu rest area ở Mỹ, vừa đẹp vừa tiện lợi cho những chuyến xe đường dài xuyên bang.

Chuyện của người và cây còn tiếp tục…

TN