Mệnh đề YÊU
20 tuổi. Cái tuổi thật kêu của đời người, tràn đầy, và sung mãn.
Ở tuổi này, có người bắt đầu yêu, có người đã yêu được ít năm. SAP-VN thì không. Yêu từ khi mới 0 tuổi, nghĩa là khi mới ra đời, là đã yêu! Có thể nói, SAP-VN ‘ngầu’ hơn cả Thánh Gióng, vì đến 3 tuổi, Thánh Gióng mới biết nói. Và SAP-VN còn ‘ngầu’ ở chỗ không chỉ lội sông qua đèo như kiểu yêu trong ca dao:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
SAP-VN còn vượt cả Thái Bình Dương, từ Hoa Kỳ về Việt Nam, để yêu. Về đến Việt Nam, thì lại tiếp tục lên vùng cao, vào vùng xa để gặp những người mình yêu. Ôi, sao mà đa tình thế!

Dạ tiệc gây quỹ thường niên “Cho Em Niềm Hy Vọng,”
Không biết SAP-VN đã yêu bao nhiêu người rồi? Hàng ngàn, hàng vạn. Mà con số ấy – tuy rất lớn và cũng rất ‘ngầu,’ nhưng không nói lên hết được cái nồng nàn của SAP-VN trong việc phục vụ những người kém may mắn. Tình yêu này vượt trên tất cả mọi thứ tình yêu. Vì SAP-VN chọn yêu những đôi môi không lành lặn, những đôi chân khuyết tật, những đôi mắt bị cườm, những bàn tay dị dạng, những hàm răng sụp lở. Một tình yêu đứng ngoài lý trí thường tình. Một mệnh đề YÊU của trái tim nhân bản, không đòi hỏi được đáp trả. Một tình yêu thật bất thường, được trao đi một cách thật bình thường trong 20 năm qua.
Mệnh đề HY VỌNG
Nếu nhìn vào các loạt hình Mobile Care hằng năm, hay các sinh hoạt khác của SAP-VN, chắc nhiều người cũng thắc mắc như tôi: Sao các thành viên và thiện nguyện viên của SAP-VN… tươi tắn thế? Họ lúc nào cũng cười tươi, lúc nào cũng hăng hái, lúc nào cũng nhiệt thành. Giữa những cảnh khổ của cuộc đời, họ vẫn rạng ngời một niềm tin yêu, một cùng đích phục vụ.
Phải chăng, vì họ mang trong tim sứ mệnh Hy Vọng? Nên khi đối diện với cái khổ, họ càng được thêm sức, để thắp lên tương lai mới cho đồng bào trong cảnh khó khăn. Nên khi gặp cảnh đời bế tắc, họ cùng nhau rọi ánh tin yêu cho một hướng đi mới.

Bán chợ trời gây quỹ
Hy Vọng. Một lý tưởng đẹp, nhưng không dễ thực hiện. Một mệnh đề nhiều thử thách. SAP-VN đã trải qua bao nhiêu thử thách để giữ mệnh đề này làm trung tâm điểm cho Hội trong suốt 20 năm qua? Từng bước chân bất toàn nay thoăn thoắt qua những nhịp cầu tre lắt lẻo trên quê hương. Mỗi nụ cười được lành lặn, xun xoe với đời mà không còn mặc cảm. Những đôi chân bất toại nay đã đi đứng bình thường, đi bộ đến trường, cùng cha mẹ đi cày đi cấy. Những đôi mắt tìm lại được thị giác, bớt chông chênh hơn trên những con đường chiều gồng gánh bãi bươn. Những cuộc đời tìm thấy hy vọng lần đầu tiên và mãi mãi.
SAP-VN đã kiên trì trong từng nhịp chân tật nguyền của đồng bào, từng nỗi đau của người cùng khổ.
Để cùng bước đi với họ, cùng tìm ánh sáng với họ, cùng mỉm cười với họ.
Để cùng hy vọng với họ. Để là hy vọng của họ.
Để sau 20 năm, mệnh đề Hy Vọng của Hội vẫn tinh tuyền và mạnh mẽ như ngày nào. Và để 20 năm sau, và 20 năm sau nữa, những đồng bào vẫn còn cần sự giúp đỡ của SAP-VN sẽ còn được nắm trong tay cái cơ may đổi đời, như biết bao đồng bào đã nắm lấy cơ may ấy trong hai thập niên qua.
“Cho Em Niềm Hy Vọng 10”
Chúa Nhật ngày 21 tháng 10, năm 2012, SAP-VN sẽ đánh dấu năm thứ 10 bằng dạ tiệc gây quỹ thường niên “Cho Em Niềm Hy Vọng,” với phần triển lãm đặc biệt của nữ họa sĩ Ann Phong.
Tôi nghĩ, có rất nhiều sự tương đồng giữa sứ mạng của Xanh của SAP-VN và nhà danh họa này.
Tôi có dịp phỏng vấn Họa sĩ tại tư gia năm 2000 cho Dự án Việt Mỹ (Vietnamese American Project). Đây là một Dự án do tôi chủ xướng với cương vị Giám đốc sáng lập tại Đại học CSU Fullerton từ thập niên 1990s. Tôi thực hiện Dự án VAP bằng phương pháp Lịch sử Truyền khẩu, nhằm ghi lại chứng từ của người Việt về kinh nghiệm sống của họ tại Việt Nam, trong hành trình di tản, và hoàn cảnh hội nhập tại Hoa Kỳ.
Trong buổi phỏng vấn nhiều giờ, Ann Phong đã kể cho tôi nghe ‘hành trình Hy Vọng’ của chính Cô. Họa phẩm của Cô trong suốt mấy chục năm qua chính là dương bản của hành trình này. Trong những tác phẩm đầu tay, biển là nỗi ám ảnh, là niềm thao thức của Ann Phong. Biển đen đậm, đặc sệt hãi hùng và bi thương. Có những tác phẩm choáng hết một bức tường, cao gấp mấy lần Cô, cũng choáng ngợp cái màu đen của biển không trăng không sao, biển của thuyền nhân, biển của những thập niên 80 và 90, của tỵ nạn và của mất mát.

Nở tươi hy vọng
Nhưng trong những năm về sau, màu đen đã loãng đi, và những gam màu khác đã tìm đến với khung vẽ của Ann Phong. Cô vẽ những bức tranh tươi hơn, tuy người xem vẫn bắt gặp những sần sùi của quá khứ trong từng nét cọ. Có lẽ người thưởng lãm cũng gặp một Ann Phong thư giãn hơn, cười tươi hơn, tuy vẫn sâu sắc và thấm thía.
Gần đây, Ann Phong kết hợp điêu khắc và hội họa. Tôi gọi những tác phẩm này là tranh-điêu-khắc. Trong loạt tranh-điêu-khắc này, Ann Phong đã cất cánh. Cô bước ra khỏi cái không gian giữa bốn cạnh của khung vẽ, nhón ra ngoài canvas, bay lên cao. Cô đã giải phóng cho tác phẩm của mình, để chúng đi vào ba chiều, vươn tới những đỉnh cao mới. Cô phóng túng với chất liệu đa dạng, thoải mái bay lượn với ý tưởng của những vòng đời mới, nhặt nhạnh mảnh vỡ của hôm qua để làm nền cho một đóm hy vọng nhỏ nhoi. Cô không để màu sắc và ý tưởng nằm ì trên khung vẽ nữa. Cô cho chúng leo vào những bậc thang không khí xung quanh, và nếu thích, chúng có thể tự do ‘ra ràng,’ bay bổng.
Chúng ta được chứng kiến một Ann Phong đã cất cao đôi cánh Hy Vọng trong đời thường và trong hội họa. Cô cũng mang Hy Vọng vào đời qua những dấn thân của một nhà hoạt động nghệ thuật trong cộng đồng và một giáo sư hội họa tại Đại học Cal State Pomona. Và năm nay, đúng 20 năm thành lập SAP-VN và 10 năm chương trình “Cho Em Niềm Hy Vọng,” Họa sĩ Ann Phong tự nguyện cống hiến những họa phẩm của mình vào sứ mạng Xanh của Hội.
Cho đến ngày hôm nay, trên 9,000 em đã được các ân nhân tài trợ phẫu thuật. Những giấc mơ xa vời của các trẻ em khuyết tật trong hoàn cảnh nghèo khó đã vượt vũ môn nhờ vào chương trình chỉnh hình của SAP-VN. Sự bảo trợ của các cơ sở thương mại, các mạnh thường quân, và các thân hữu đã làm nên bầu trời Hy Vọng của hơn 9,000 thanh thiếu niên này.
Như mọi năm, “Cho Em Niềm Hy Vọng 10” tiếp tục cống hiến một chương trình văn nghệ chọn lọc, với các ca sĩ Diễm Liên, Diệu Hương, Chu Minh Quân, và Vân Khanh.
Hãy đến, để cùng yêu với SAP-VN, và yêu như SAP-VN. Và để cho Hy Vọng được chắp cánh bay cao trên nhiều mảnh đời khuyết tật khó nghèo trên quê hương.

Picnic hàng năm quy tụ nhiều thế hệ SAP-VN