Menu Close

Từ bầu sữa Ba Tri…

– Rồi anh tính sao?
– Cũng chưa biết!
– Cái gì anh cũng chưa biết, tới lúc đỡ không kịp!
– Đỡ cái gì? Tao không làm gì sai hết, mắc gì phải lo, phải đỡ?
– Phải nói anh chưa làm cái gì sai trong vụ này, chớ không phải là không làm…
– Lo chuyện của mày đi, chuyện tao tao lo, không cần tới mày.
– Bị anh là anh Năm, em mới nói, chớ em đâu có nói người dưng.
– Mày nín giùm tao được không?
– Em chỉ muốn nhắc chừng anh Năm.
– Rồi, tao cám ơn, được chưa?

Thìn nhìn anh khẩn khoản, và bỏ ra ngoài. Hơn tháng nay, cái tin anh Năm được mấy người bên bển mời về tham dự đại hội ca nhạc gì đó, lan truyền tùm lum trên net. Cái thơ mời cũng nằm chình ình trên trển. Thìn đã hỏi anh Năm sự thể thế nào. Ảnh nói ảnh không biết chi hết, không nghe chi hết. Thìn cũng trả lời mấy người quen là mấy ông bên bển tự ý đưa tin, chớ anh Năm không biết gì ráo trọi. Ảnh không quan tâm tới ba cái chuyện này. Vậy thôi.

o O o

Gia đình Thìn quê ở Giồng Trôm, Bến Tre. Nghe cô Ba kể hồi năm 45, 46, ông già bỏ nhà đi kháng chiến chống Pháp, bà già gởi ba đứa con còn nhỏ xíu cho cô Ba, đi theo ông già. Đâu chừng hai năm sau, có người bồng một hài nhi tới nhà cô Ba, nói em trai cô ở trong bưng gởi nhờ cô Ba nuôi giùm thằng nhỏ. Cô Ba khi đó chứa chan hàng lệ, thương em trai đi kháng chiến chống Pháp, nên bỏ luôn tuổi xuân của mình, nhận lãnh nuôi 4 đứa cháu. Đứa nhỏ sanh trong rừng, lại thiếu tháng nên quặt quẹo khó nuôi. Nó cần sữa mẹ, cô Ba bồng nó qua nhờ Vú Mười bên Ba Tri cho bú mớm, tới khi đứa nhỏ được 3 tuổi mới ẵm về. Nhưng nó khóc rè rè như con mèo ướt, không chịu ăn uống gì, cô Ba phải đem nó qua lại bên Vú Mười.

Tới năm 54, chiến tranh chấm dứt, hiệp định Giơ neo chia hai đất nước, ông già được lệnh tập kết ra Bắc, nhưng ổng trốn về quê. Cô Ba nói: “Ba bây nói đi kháng chiến đuổi thực dân Pháp, bây giờ Pháp nó thua, vậy là xong rồi. Ba bây đi cứu nước chớ hổng có theo ai hết. Mình người miền Nam, quê mình mình ở, chớ sao phải bỏ quê ra Bắc làm cái giống gì? Hồi đó, họ đi tìm ba bây dữ lắm, cô Ba giấu ba má bây dưới mương cá kế vườn dừa. Ban ngày ngâm mình dưới nước, ban đêm trồi lên ăn miếng cơm vắt với cá khô, khổ trần ai. Thiệt hổng biết khi ở trong rừng, tình cảm đối với nhau ra làm sao, chớ khi họ đi lùng ba má bây, cô Ba thấy nó ác gì đâu. Bắt được là giết chớ hổng có ra Bắc gì hết á. Bị mình từ chối đi mà. May hồi đó quân quốc gia tới gom dân ổn định tình thế kịp thời, một số bọn họ bị bắt, một số chạy ra Bắc, nên ba má bây mới toàn mạng đó. Ba má bây về, gầy dựng cơ nghiệp trở lại, mới đem thằng nhỏ về, khi đó nó cũng lớn bộn rồi, 6, 7 tuổi gì đó. Nó là thằng Năm anh bây đó. Làm như nó sanh trong rừng, nên nó nhiễm cái khí âm u, trầm mặc. Tối ngày, nó hổng nói tiếng nào, tới bữa, nó ăn chút đỉnh, rồi kiếm cái xó tối ngồi. Tới tuổi đi học, cô Ba hổng biết nó học cái gì, mà thầy giám học tới nhà nói, thằng Năm Quế có biệt tài. Ổng nói nó làm thơ có hồn lắm, nó ca cũng ngộ lắm. Ba má bây hồi đó cũng hổng có chú ý tới thằng nhỏ, bị lo làm ăn, mướn cái bằng Dược sĩ của chú Tám bây, rồi mở dược phòng bán thuốc. Hàng tháng tiền bán bên vườn dừa chỉ đủ cho anh Hai, chị Ba và anh Tư bây đi học trên Sè gòng. Rồi bây ra đời, cô Ba phải phụ tiền tát đìa để nuôi bây. Tới khi anh Năm bây học xong Trung học, nó đòi lên Sè gòng làm nhạc sĩ. Ba má bây cự, nói là ba cái xướng ca đó làm sao nuôi nổi tấm thân. Anh Năm bây buồn, bỏ nhà đi tự lập. Đâu chừng mấy năm sau thấy nhật trình đăng hình nó, nói đoàn hát của nó lưu diễn miền Tây. Bữa đó cô Ba dắt bây qua Mỹ Tho đón nó, bây nhớ hôn?”

Thìn nhớ bữa đi đón anh Năm và đoàn hát của ảnh, nhằm Tháng Mười, cái tháng mưa mù trời mù đất. Anh Năm ghé vô nhà, lối xóm ngưỡng mộ bu đen ngoài cửa. Ảnh quày ra bắt tay người này người nọ, có mấy cô xin chữ ký, ảnh cười cười ký lên bắp tay trắng nõn của mấy cổ.

Tới chiều, trời bớt mưa, gánh hát dựng rạp trong lồng chợ, đám khán giả con nít ngồi sẵn, chầu chực, mặt nghếch lên sân khấu, thấy như muốn đứt cần cổ!

Liên tiếp ba đêm, anh Năm sắm tuồng chàng trai thời ly loạn, tạm biệt mẹ già, vợ dại, em thơ lên đường tòng quân cứu nước. Khán giả đêm nào đêm nấy đông nghẹt. Gia đình Thìn có vé hạng nhứt, ngồi sát sân khấu. Anh Năm ca thiệt mùi. Ông bà già coi hả hê, hãnh diện lắm.

Mấy năm sau, Thìn lên học trên Sàigòn, ở chung nhà với anh Năm. Anh Năm không ca cải lương nữa, anh chuyển qua tân nhạc. Anh vô lính, làm bên tâm lý chiến, đi hát tiền đồn.

Cô Ba kể: “Hồi đó thằng Năm được nuôi bên Ba Tri. Ba Tri là đất của ông Phan Thanh Giản, ổng uống độc dược quyên sinh khi Pháp chiếm An Giang, Hà Tiên. Ba Tri cũng là quê của ông Nguyễn Đình Chiểu, một người yêu nước, có làm cuốn Lục Vân Tiên đó. Thằng Năm uống sữa người Ba Tri, nên nó hưởng cái máu văn thơ thi phú, cái tánh quật cường của người Ba Tri. Bên Giồng Trôm mình hổng có anh hùng như bển…”

Anh Năm ca hay, nên nổi tiếng trong giới nghệ sĩ. Dĩa nhạc của anh được đồng bào ủng hộ, nên tài chánh anh Năm dồi dào, anh nuôi Thìn học xong đại học. Thìn vừa tìm được việc làm, thì cộng sản cưỡng chiếm miền Nam tháng Tư 75. Đời sống mọi người bị đảo ngược. Ông bà già kêu mấy anh em về quê, vì dưới đó còn thuộc quyền lính quốc gia. Nhưng anh Hai, chị Ba, anh Tư nói có tàu hải quân của mình kêu đi. Thìn chưa biết tính sao, thì anh Năm nói: “Mày đi theo anh Hai đi, anh Năm chờ mấy người bạn rồi đi sau” Thìn hỏi: “Còn ba má với cô Ba thì sao?” anh Năm trả lời gọn lỏn: “Tao lo, đi đi”. Ở với anh Năm lâu ngày, Thìn biết tánh ảnh. Ảnh ăn ở có trước có sau, ảnh là con người tình nghĩa.

o O o

Định cư ở Mỹ mấy năm sau, Thìn mới nhận được thơ của cô Ba cho hay: anh Năm về Bến Tre, bị VC bắt đi tù cải tạo, vì là hạ sĩ quan, anh bị tù tại địa phương 6 tháng. Cô Ba viết: ảnh có cô bồ, nhưng khi thấy ảnh bị tù, cổ bỏ đi lấy chồng. Ảnh buồn không muốn lấy vợ nữa. Sau đó, gia đình Thìn bị đánh tư sản mại bản, mất hết, không còn gì. Anh Hai làm giấy bảo lãnh ông bà già, cô Ba và Anh Năm.

Nhưng anh Năm đã tìm đường vượt biên, tới được Mã Lai. Anh Hai bảo lãnh ảnh qua Mỹ. Ở với anh Hai được mấy tháng, ảnh theo bạn nghệ sĩ dọn qua Cali. Thìn đi theo. Hai anh em lại ở chung. Thìn mở công ty sửa máy điện toán, anh Năm phụ việc giấy tờ. Thỉnh thoảng ảnh hát giúp vui trong nhóm bạn quân đội hồi xưa. Ảnh hát những bài tình ca quê hương, những bài ca tụng người lính VNCH. Có hồi nhớ nghề cũ, anh ca cải lương mùi, giọng ca của anh gợi lại một quá khứ êm đềm của miền Nam trước năm 75, khiến bạn bè, thân hữu coi ảnh như gia tài của họ vậy. Anh Năm cũng sống rất xứng đáng với sự ngưỡng mộ này. Khi không, có cái tin bên bển mời ảnh về, làm xáo trộn không khí thân tín giữa ảnh và bạn hữu.

Thìn trở vô lại trong nhà: “Anh Năm à, anh em mình nói chuyện chút được không anh Năm?”, “Chuyện gì?”, “Chuyện bên bển mời anh đó”, “Tao nói thôi, hổng bàn tới nữa!”, “Rồi anh tính sao?”, “Hổng tính sao hết, coi như hổng nghe, hổng đọc gì hết”, “Dạ”

 Khuôn mặt gầy, đen, tuổi già mệt mỏi đọng trên mí mắt, anh Năm rít hơi thuốc, ho khan một hai tiếng, chậm rãi nói không nhìn Thìn: “Mày nhỏ, mày không để ý. Hồi nào tới giờ, anh Năm bỏ nghề, không có ca hát gì ráo trọi, vậy hà cớ gì bên bển lại mời? Cái vụ này mày phải suy nghĩ cho cặn kẽ, ít nhứt hai điều: Thứ nhứt là nó khiến con người ta ngộ nhận về mình, về khả năng cũng như tăm tiếng, rồi sinh kiêu căng, mất nhân cách. Thứ hai là nó đánh vào lập trường chống cộng của mình, gây hoang mang, nghi kỵ cho những người ở trong cũng như ở ngoài nước, đã từng thương mến mình vì lập trường đó. Anh Năm nói vậy, không phải vì anh Năm quan trọng gì, nhưng vì anh Năm từng là người của quần chúng, của khán giả miền Nam và khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Anh Năm thọ ơn đồng bào miền Nam, nên anh Năm phải giữ gìn. Tóm lại, ba cái vụ lình xình bên bển mời anh Năm này nọ, nó không có giá trị gì hết, mày giải thích với bạn bè mày như vậy giùm anh Năm.” 

Ngừng một lát, không nghe Thìn nói gì, anh Năm búng tàn thuốc nói tiếp: “Giả tỷ anh Năm mày đi hát lại, được bà con hải ngoại thương mến, cũng là do cái tình cũ nghĩa xưa, chớ giọng hát sao ngọt bằng hồi đó? Làn hơn sao dài bằng hồi đó? Làm sao sánh với lớp ca sĩ trẻ tài năng đang lên? Còn với đồng bào trong nước, mà chỉ có đồng bào miền Nam mình lớp trước 75 mới biết anh Năm mày thôi nghen. Họ thương nhớ anh Năm vì họ còn tôn thờ hình ảnh những ca sĩ thời chinh chiến, đem lời ca tiếng nhạc ủy lạo tinh thần chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà chống cộng thời đó, chớ họ đâu muốn có hình ảnh nào khác. Đồng bào muốn mình về nước, hiên ngang ca những bản nhạc một thời. Chớ đâu muốn mình quỵ lụy ca theo chỉ đạo. Anh Năm nói vậy mày hiểu không? Ca sĩ chân chính trong nước như nhạc sĩ trẻ Việt Khang mới có hai bài  “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai” đã bị giam vào ngục tối. Mày nghĩ coi, anh Năm mày mà về nước ca theo ý của đồng bào, chắc chắn không được, mà ca theo chỉ đạo, thì Việt Khang sẽ đau lòng biết chừng nào. Mày hiểu ý anh Năm không? Cũng bị cái tánh tự trọng, nên anh Năm nghĩ lung vậy thôi, anh Năm nói phần anh Năm, chớ quyền quyết định sự việc là quyền của mỗi người. Tự do mà, dân chủ mà. Mình muốn có tự do, dân chủ, thì phải tôn trọng quyền quyết định của mỗi người. Đây là cái giá của tự do.”

Thìn thương và nể anh Năm hết sức, Thìn bưng ly nước mời anh: “Anh Năm uống nước đi, em hiểu anh Năm mà, bị em nghe người ta bàn tán cái vụ thơ mời quá mạng, nên em lo. Em biết anh Năm luôn luôn cư xử bình tĩnh đàng hoàng, nhưng trong bụng em cầu mong anh Năm không đếm xỉa tới ba cái lời mời, lời kêu gọi bên bển, nếu có thiệt đi chăng nữa. Họ lôi kéo chiều chuộng “Khúc ruột xa ngàn dặm” mà đày ải khắc nghiệt “Khúc ruột cận kề”, nhà nước bên bển chỉ muốn lợi dụng tên tuổi anh Năm thôi. Em biết mình sống ở xứ tự do, mọi quyền căn bản của con người đều được tôn trọng. Mình được hưởng tối đa, chính em nhiều khi cũng quên là mình đang được hưởng nhiều ơn phước. Anh Năm có đồng ý với em không, chính tại phần đất tự do này, cũng là nơi thử thách và đánh giá nhân cách của con người”.

Anh Năm đứng lên nhìn Thìn cười nửa miệng: “Nghĩ được vậy, mày cũng lớn rồi đó”.

PDH – 10/12