Menu Close

Những kỷ niệm về Mẹ tôi – Kỳ 2

Thắm thoát, Má tôi đã mất tròn hai mươi năm, hồi tôi còn trong trại tập trung, mà dường như tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Má tôi đã chết! Buổi sáng hôm ấy, từ một trại tập trung lớn, tôi bị người ta kêu tên chuẩn bị đồ đạc cá nhân cùng với mười người bạn khác lên hội trường nói đôi ba điều, rồi xuống một chiếc vỏ lãi chờ sẵn dưới kinh, để đi về một nơi, mà tôi chưa biết chỗ nào. Sau gần một ngày trời chạy băng qua nhiều đầm, nhiều lung, nhiều cánh đồng còn hoang dã, rồi vào rạch, vào ngòi vùng Hòa An, Phụng Hiệp đổ ra sông cái Hậu Giang miệt Mái Dầm, Cái Côn và dừng lại ở đó, để bắt đầu những ngày mới của những năm tháng dài lao khổ với công việc mới mẻ trong đời là làm gạch, làm ngói mà tôi chưa làm công việc này lần nào.

alt

“Lá trầu theo gió đong đưa,Mẹ tôi theo gió vườn xưa rộn ràng.”

Lúc sanh tiền, má thích trồng bông, trồng kiểng. Gốc mai chiếu thủy trong khạp da bò, hơn bốn mươi năm, lớn bằng bắp chân, lúc nào bông trắng thơm cũng rụng xuống đất xếp thành một vòng tròn chung quanh cái khạp da bò. Má vẫn về đó với hương thơm của hoa mai tinh khiết trong khoảng sân trước thềm nhà của Má.

Vườn trầu vàng của Má còn đó. Mấy năm sau này, Má không còn ăn trầu, trầu vẫn còn sống nhưng lá bớt vàng đi. Dường như vắng Má trầu không vàng, không tốt dù con vẫn luôn chăm sóc, vun phân, tưới nước mỗi ngày. Mùa nắng con làm theo lời Má dặn là chặt những cây chuối ăn buồng, chẻ đôi đem tủ vào gốc trầu cho ấm gốc. Riêng với con lúc nào cũng có Má với những lá trầu vàng trong gió, trong nắng dịu dàng:

“Lá trầu theo gió đong đưa,
Mẹ tôi theo gió vườn xưa rộn ràng.”

Mỗi lần con ngồi một mình nhìn ra gốc mai già, nhìn ra đám kiểng của Má, lòng con nao nao khôn cùng. Những cánh hoa mười giờ, những bụi cỏ chi, cỏ lan mà Má trồng chung quanh bàn Ông Thiên thành hình chữ nhật vẫn nở những cánh hoa màu tím lợt. Con mường tượng như có Má đang tưới nước, vô chưn, vô gốc, hoặc đang nhìn ngắm những cánh hoa tím là đà mặt đất. Giàn dạ lý hương bên cạnh vườn trầu của Má với những chùm hoa vẫn nở những nụ hoa, vẫn tỏa hương thơm cùng khắp khi trời vừa sụp tối, con ngỡ như có Má bên giàn hoa dạ lý với mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng.

Mỗi bận con ra ao cá trắng sau nhà, bên kia là bụi tre bông và mấy gốc dừa xiêm, dừa lửa, kế bên là những nhánh chanh oằn trái sà xuống mặt nước, con nhớ Má chăm sóc những bầy cá Má nuôi. Những con cá chài, cá he nghệ vàng nghính, cá mè vinh bằng bàn tay, cá dảnh bằng cái dĩa bàn lên ăn đầy mặt nước vào mỗi lần Má rải cho nắm cám rang thơm ngát hoặc nắm cơm nguội, hay năm ba con cua bằm nhỏ làm lao xao mặt nước vờn vờn… Con nhớ Má bảo muốn ăn con cá nào, Má câu cho vì cá dạn lắm. Những bụi bông súng Nhật màu tím mà Má trồng trong ao cá từ hồi con còn nhỏ đi học, giờ vẫn nở bông với những cánh hoa màu tím lợt pha chút màu trắng bên trong, với những nhụy vàng như những bông sen bông súng trong hồ non bộ của ông nội ngày xưa. Rồi những con ốc đắng đeo theo gốc cây, theo dạ mấy tấm ván bỏ dài ra giữa ao, theo những cọng bông súng mà Má vớt lên vào những trưa hè Tháng Ba, Tháng Tư được má nấu trong cái nồi gan với nắm lá sả, lá ổi, lá cam thơm phức hương thơm đồng nội. Bây giờ, những con ốc đắng vẫn còn đeo đầy theo bờ ao, bờ hồ như hồi Má còn sống ngày nào, nhưng không ai bắt nên ốc đắng có trứng, có con đầy trong ruột.

alt

Sân nhà ngày cũ với hai gốc mai vàng ngày Tết

Mấy năm sau này con có thả thêm cá linh, cá éc, cá mè vinh, cá dảnh nhưng không lớn bao nhiêu, không sanh sản bao nhiêu như ao cá của Má ngày trước. Thế nhưng, mỗi lần ra đứng bên bờ ao nhìn gốc chanh, nhìn bụi tre bông trổ bông vàng vọt với những thân tre lốm đốm đồi mồi, nhìn những bụi bông súng, nhìn mấy gốc dừa xiêm dừa lửa, nhìn những đàn cá thay nhau lên dọi đầy mặt nước khi con bắt chước Má rải cho nó mấy dùa cám rang, con nghe buồn nhớ Má quá chừng. Con đứng khóc một mình ngoài bờ, ngoài bụi. Con thấy Má như đang đứng đâu đây, đang nhìn cá ăn, đang xem mấy bụi bông súng trổ bông, đang ngắm những trái chanh từng chùm, từng chùm với lớp vỏ mỏng xanh rờn bóng lưỡng và Má lại căn dặn con đủ điều.

Trong nhà, từ cái sàng Má máng, từ cái rổ Má treo, từ cái ấm, cái bình trà mà Má nấu nước châm trà mỗi ngày, từ cái khay trầu với bình vôi bằng sành, chìa vôi bằng sắt, ống ngoáy bằng vỏ đạn đồng, nhất nhất có Má ở đó trong cái sàng, cái rổ, cái ấm, cái bình trà, cái khay trầu, cái ống ngoáy, cái bình vôi… Lúc nào con cũng lau chùi, gìn giữ những kỷ vật này của Má hồi con còn ở nhà cũng như bây giờ, ở trong lòng con, dù cho đời con có lưu lạc bất cứ nơi gốc biển chân trời nào.

Ngày xưa, khi vườn cam quýt của mình còn sum sê, trái là đà dưới thấp, nhất là vào những ngày giáp Tết, lúc nào Tía cũng chừa lại khoảng bốn, năm cây cam, cây quýt trước khi bán hết vườn trái cho lái buôn. Con nhớ Má dặn con bắc thang trèo lên hái xuống, rồi đem rửa sạch chưng cúng trên bàn thờ ông bà ba ngày Tết. Rồi Má bảo con mang chục quýt này, chục cam kia đến cho bác tư, cho cô ba, cho bà con chòm xóm, mỗi người ít trái chưng ở bàn Ông Thiên cúng Trời Phật lấy thảo. Con nhớ Má lúc nào cũng dạy: “Bà con ăn thì còn, mình ăn thì hết.”, hoặc “Cách cho quý hơn vật cho”. Rồi Má dạy cách thưa gởi, chào kính cô bác khi mang trái cây đến biếu cũng như lúc ra về. Bao giờ cũng phải từ tốn, nhã nhặn, lễ độ, đàng hoàng, mực thước…

LTT