Menu Close

Tự truyện – kỳ 10

Tôi không ngờ chuyến về Việt Nam lần đó đã đưa đến kết quả bất lợi trong sự nghiệp của tôi ở NASA. Năm 2009, sau khi hoàn tất chương trình giảng dạy một năm ở học viện Hải Quân Hoa Kỳ tại thành phố Monterey, tiểu bang California, tôi được gọi lên làm việc với cơ quan phản gián của NASA. Đúng vậy! Ở trong NASA cũng có một cơ quan tình báo, chuyên có nhiệm vụ điều tra và theo dõi các nhân viên mà họ nghi ngờ là làm chuyện mờ ám. Tôi được mời vào căn phòng kín ở ngay trong Headquarter Building ở trung tâm Kennedy. Cái căn phòng này ít ai biết đến, nó nằm sâu bên trong, qua hai lớp cửa sắt có khóa số. Nếu bạn đứng ở trong HQ building của trung tâm Kennedy và đi từ phía thang máy đến bưu điện, đi qua tiệm NASA Exchange, trước khi đến thư viện sẽ thấy cánh cửa ngoài của căn phòng này nằm bên tay phải. Các nhân viên như chúng tôi thường đi qua đi lại chỗ này biết bao nhiêu lần mà đâu biết có một căn phòng kín nằm sâu bên trong, bởi vì bên ngoài chỉ ghi hàng chữ “Protective Services Office”.

alt

Thuyết trình trước hội đồng giáo sư SSAG, Monterey, 2009

Nhân viên an ninh mời tôi ngồi xuống ghế. Tôi đảo mắt lướt nhanh một vòng căn phòng, thấy chung quanh mang một không khí chiến tranh. Trên tường có một tủ kiếng chứa đựng nhiều loại súng từ cổ đến kim, chứng tỏ người sưu tầm am tường về võ khí. Ông nhân viên an ninh đeo thẻ của NASA trên cổ cũng như tôi, có một nét mặt lạnh lùng với hàng ria mép và một cái thẹo to trên má. Ông tự giới thiệu bằng một thổ ngữ của dân nhà quê miền Nam nước Mỹ:

“Tôi tên là Ron Storey, là nhân viên chính phủ và ăn lương của NASA cũng như anh thôi, nhưng tôi không chuyên về kỹ thuật mà chỉ chuyên về vấn đề an ninh.”

Ông nói là ông đã theo dõi và biết rõ những thành tựu và các giải thưởng cao quý tôi đạt được trong NASA. Sau khi nói lời thán phục, ông đi thẳng vào vấn đề:

“Hôm nay tôi kêu anh lên đây để cho anh biết là chúng tôi sẽ khóa hồ sơ anh lại!”

“Khóa hồ sơ tôi lại? Ông nói cái gì tôi chả hiểu!”

“Sự thật thì chúng tôi đã theo dõi anh suốt 7 năm qua, từ sau chuyến đi của anh về Việt Nam.”

“Tôi về Việt Nam công khai. Tôi không có làm gì sai hết, thậm chí bài thuyết trình của tôi ở Việt Nam đã được NASA kiểm duyệt.”

“Tôi biết rõ điều đó, anh hãy bình tĩnh để tôi nói hết!”- Ông Ron nhìn thẳng vào mắt tôi và nói tiếp:

“Sau chuyến đi về Việt Nam năm 2002, anh đã được một tờ báo Thanh Niên phỏng vấn và theo thông tin chúng tôi nhận được là anh đã trả lời với tờ báo này là anh sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đất mẹ Việt Nam!”

Tôi sửng sốt khi nghe câu này. Sự thật thì tôi có trả lời phỏng vấn của phóng viên Đặng Ngọc Khoa ở báo Thanh Niên là tôi sẽ liên lạc với các trường đại học ở Mỹ và Bộ Giáo Dục để xem có chương trình học bổng nhằm giúp đỡ các em sinh viên ở đại học Bách Khoa, Sài Gòn. Sau này tôi mới biết là tờ Thanh Niên online, ấn bản tiếng Anh dịch sai lời của tôi, làm tôi bị theo dõi suốt mấy năm trời. Tôi giải thích cho ông Ron biết là tôi bị tờ Thanh Niên dịch sai. Ông Ron nói điều đó không thành vấn đề nữa vì bây giờ tôi không còn là mục tiêu của văn phòng ông. Tôi bắt tay chào ông, trong lòng tức tối vì cả mấy năm trời bị theo dõi mà không biết.

Tối hôm đó tôi về kể lại chuyện này cho bà xã nghe, vợ tôi hoảng hồn. Cách đây mấy tháng chúng tôi cũng nghe tin một nhân viên chính phủ làm việc ở Los Alamos National Lab bị bắt vô tù vì bán hồ sơ quốc phòng có liên quan đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Ông này bán tin tức bí mật quốc phòng cho người mà ông tưởng là của Trung Cộng, nhưng hóa ra người đó là do FBI cài vào. Tất cả bị quay video và thâu lén nên ổng không thể chối cãi. Cũng may là từ sau chuyến đi Việt Nam năm 2002 tôi quá bận rộn công việc đi làm, đi dạy nên không có thời giờ liên lạc bên Việt Nam hay về VN lần thứ hai. Sau đó hai vợ chồng ngồi lại, cùng moi trí nhớ và càng nghĩ đến chúng tôi càng nổi da gà. Chúng tôi nhớ rất rõ có nhiều lần lái xe thấy có xe lạ bám theo đằng sau. Gần đây nhất, hồi ở bên Monterey, đi dự sinh nhật của đứa cháu được tổ chức trong một công viên ở San Jose, chúng tôi thấy rõ ràng có chiếc SUV màu đen đậu phía bên kia đường, trong xe có một gã đàn ông đeo kính râm ngồi lì cả buổi hôm đó từ sáng đến chiều. Chúng tôi nói đùa với nhau là coi chừng đó là FBI theo dõi người nào đó trong đám Việt Nam chúng tôi. Bây giờ nghĩ lại thấy rất có nhiều khả năng người bị theo dõi đó chính là tôi. Vợ tôi còn nói là coi chừng chiếc xe tôi đang lái bị gắn hệ thống nghe lén. Mấy hôm nay chúng tôi đang định mua một chiếc xe hybrid chạy nửa xăng nửa pin, sẵn dịp này chúng tôi sẽ tống luôn chiếc xe cũ để mua chiếc Honda Insight.

Sự thật thì sau lần về Việt Nam tôi có nhận được một vài email của các giáo sư và các em sinh viên đến dự buổi thuyết trình của tôi hôm đó. Sau đó họ ngỏ ý muốn tôi cộng tác và giúp đỡ. Tôi đã lịch sự từ chối vì lý do quá bận công việc mới ở Kennedy. Hồi tôi còn làm ở trung tâm Marshall, trong nhóm có gần hai mươi kỹ sư trình độ ngang nhau nên công việc tương đối trôi chảy. Về đây, trong nhóm NASA có thể nói chỉ có mình tôi đảm trách, còn lại phải phụ thuộc vào các kỹ sư làm thầu khoán (contractor). Tôi làm trong nhóm nghiên cứu tính toán và thí nghiệm việc giảm thiểu âm thanh ở tần số thấp do không quân Hoa Kỳ tài trợ không được bao lâu thì chương trình Constellation của Tổng Thống Bush đề xướng được khởi hành, và tôi bị lôi kéo vào dự án này. Lúc đó chúng tôi chuẩn bị cho phi thuyền con thoi về hưu và tiến hành dự án phi thuyền mới mang tên Ares. Tôi vào làm trực tiếp với nhóm kỹ sư ngoài dàn phóng, công việc vẫn là nghiên cứu giảm âm thanh và độ rung khi Ares rời dàn phóng.

Trong khi dự án Ares còn đang dở dang thì tôi đọc được một bản tin từ trung tâm NASA ở Headquarter đang tuyển mộ một giáo sư cho học viện Hải Quân Hoa Kỳ ở Monterey, tiểu bang California. Đó là đầu năm 2008. Lúc này thì tôi đã có vài năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, cho nên tôi về bàn với vợ và quyết định nộp đơn. Chương trình này mở rộng cho tất cả các ứng viên ở khắp 10 trung tâm NASA cho nên không phải dễ được chọn. Khó khăn thứ nhất mà tôi phải vượt qua là thuyết phục với cấp trên ở trung tâm Kennedy cho tôi đi qua Cali một năm. Chương trình này không phải do Headquarter ở Washington DC đài thọ, phần cung cấp tài chính là do trung tâm NASA nơi ứng viên đang làm việc chu cấp hơn một nửa, phần còn lại là do học viện Hải Quân lo. Trước khi cho tôi nộp đơn, tôi phải ký giao kèo là nếu được chọn, tôi vẫn phải bỏ ra 20 phần trăm thời gian giữ liên lạc với hãng.

Thế rồi tôi cũng vượt qua hết tất cả các ứng viên khác sau đợt phỏng vấn sơ khởi do Headquarter tổ chức qua video. Cuối cùng tôi và một ứng viên khác của trung tâm Johnson ở Houston được mời đến trường để phỏng vấn tại chỗ. Phần phỏng vấn bao gồm bài thuyết trình do ứng viên soạn và trình bày trước hội đồng giáo sư trong khoa “Space Systems Academic Group” và ngồi xuống nói chuyện với từng giáo sư trong khoa. Tôi nghe kể sơ về ứng viên ở Johnson, ông có cha gốc trong quân đội và từng học ở học viện này, ông có nhiều quen biết và lợi điểm hơn tôi, một điều ông thua tôi là ông không có kinh nghiệm giảng dạy. Tôi không biết ứng viên này thực hiện phần phỏng vấn của ông thế nào, riêng phần tôi thì tôi rất tự tin. Trong buổi nói chuyện riêng với hai phi hành gia ở học viện, tôi hoàn toàn chinh phục được cảm tình của hai vị này qua những kiến thức tổng quát của tôi về khoa học không gian. Mặc dù là tôi phải về và đợi hội đồng phân khoa họp và bầu phiếu kín để chọn ra một trong hai, nhưng tôi hoàn toàn tự tin. Từ Monterey, California tôi gọi điện thoại về cho vợ và nói chuẩn bị khăn gói qua định cư California một năm.

alt

Chụp hình kỷ niệm với nhóm Space Systems Academic Group của học viện hải quân, sau vườn nhà Dan Bursch, Pacific Grove, CA 2009

Hai tuần sau, tôi nhận được email của ông trưởng khoa Randolph Panholzer thông báo là họ quyết định chọn tôi làm giáo sư của NASA qua Monterey giảng dạy và nghiên cứu cho niên khóa 2008-2009. Sau đó tôi bay qua California để kiếm chỗ ở tạm và ghi danh trường học cho con cái. Tháng 8 năm 2008, gia đình tôi chất hết đồ đạc lên trên chiếc SUV và bắt đầu hành trình xuyên bang từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Chúng tôi ra đi, bỏ lại sau lưng căn nhà khóa kín cửa ở Florida. Chúng tôi quyết định bỏ trống thay vì cho người vào thuê. Bên trong, hệ thống điện, nước và máy điều hòa không khí vẫn hoạt động bình thường như có người đang sống.

Hơn 3 thập niên sống ở Mỹ, tôi đã trải qua nhiều lần dời chỗ ở, và trong các lần di dời từ tiểu bang này qua tiểu bang khác đều có những biến cố thiên tai. Tháng 6, năm 1989, sau khi từ vùng Bay Area của tiểu bang California qua thành phố Huntsville của Alabama lập nghiệp, vài tháng sau thì có một trận động đất lớn xảy ra vào ngày 17 tháng 10, làm sập cầu Bay, con số tử vong và thiệt hại vật chất thật đáng kể. Cái cầu Bay 2 tầng nối liền thành phố Oakland và San Francisco thì tôi vẫn lái xe đi chơi. Tưởng rằng mình hên vì vừa mới dọn khỏi vùng địa chấn thì chưa đến một tháng sau, một trận gió lốc tornado khủng khiếp xảy đến đúng ngay vùng đất mới tôi vừa dọn đến, vào ngày 15 tháng 11, cướp đi 40 sinh mạng và thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đô-la. Sau 13 năm sống hồi hộp với gió xoáy, năm 2002 gia đình tôi dọn từ Alabama về Florida sinh sống không được bao lâu thì phải đối diện với những cơn bão hurricane. Năm 2004 một lúc bốn cơn bão Bonnie, Charley, Frances, và Jeanne chào đón chúng tôi ở vùng đất mới.

Nhận việc về California, chúng tôi không biết lần này thiên tai gì đang chờ đón chúng tôi. Trên đường lái xe xuyên qua tiểu bang Texas, tôi theo dõi tin tức thì mới hay là đang có cơn bão mang tên Fay đang tiến vào Florida, làm đường sá bị lụt lội đáng kể, tuy nhiên không nghe báo cáo gì về thiệt hại và tổn thất nhân mạng. Một năm yên bình rồi cũng trôi qua ở thành phố Pacific Grove, California. Năm 2009 chúng tôi lại chất hết hành lý, một lần nữa trở về tiểu bang nắng ấm tình nồng Florida.

Ngày đầu tiên trở lại báo cáo với hãng thì tôi nhận được cú điện thoại của ông Ron mời lên làm việc, để thông báo là đã khóa hồ sơ theo dõi tôi suốt 7 năm trời.

alt

Chụp hình lưu niệm cùng phi hành gia Dan Bursch

BTL