Cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tàn, chia tay bạn bè sau bữa họp mặt vào dịp đầu năm 2002 ở Vũng Tàu, tôi đề máy chiếc xe cúp mượn của ông anh rể, sau đó con gái Mỹ Trúc và vợ tôi leo lên yên sau. Đám bạn bè ngạc nhiên hỏi:
“Ê! Ông dám lái cái này hả?”
“Sao không? Ông lái được thì tôi lái được chứ!” Tôi nhún vai trả lời. Sơn “đen” nghe vậy xen vào:
“Tại vì tụi tôi ít thấy Việt kiều về dám lái xe cúp. Ông nói vậy thì hay lắm!”
Tôi gật đầu chào các bạn và rồ ga, nhắm hướng ngã Năm. Lúc đó nhìn thấy tôi lượn xe trên các lòng đường khó có ai biết tôi là Việt kiều sống ở Mỹ 22 năm mới về lại Việt Nam. Vài hôm sau tôi còn lái xe chạy khắp Sài Gòn. Thật ra thì ban đầu tôi đâu có ý định lái xe cúp ở Việt Nam. Chuyện đi lại thì chú Hồng đã bao tài xế chở tôi đi bất cứ chỗ nào vợ chồng tôi muốn, nhưng tôi thấy tội nghiệp ông tài xế lúc nào cũng túc trực chờ để đưa đón, và những chuyến đi của chúng tôi thì xảy ra bất chợt, không định trước, thế là tôi bàn với vợ là phải tự lái xe mới có tự do. Tôi cho ông tài xế đi về, nói ông yên tâm là tiền bao ông chở đi hàng ngày tôi vẫn trả đầy đủ. Hôm đầu tiên mượn chiếc xe cúp của cô em họ bà xã và đèo vợ con từ Phú Nhuận đến Chợ Lớn tôi run quá xá, hai bàn tay cứ nắm chặt tay lái đến nỗi tê buốt, nhưng chỉ cần đến ngày hôm sau thì tôi đã lái nhuyễn không thua dân Sài Gòn. Lúc rời Việt Nam thì tôi chỉ có 17 tuổi, cũng chỉ mới tập lái xe “Honda dame” loại 50 phân khối để chở mẹ tôi đến nhà các bạn hàng của bà. Qua Mỹ tôi chỉ biết lái xe hơi, thế mà ngày hôm nay tôi về hòa nhập với người Việt Nam một cách dễ dàng. Một hôm trong bữa ăn sáng ở nhà chú Hồng, chú cho biết là vừa nói chuyện với ba tôi và ông rất ngạc nhiên là tôi dám lái xe cúp ở Việt Nam. Chú Hồng nói:
“Chú có nói với bác Toại là phong ba, bão tố trên đại dương còn không giết được nó thì chuyện lái xe vòng vòng thành phố này ăn nhằm gì!”
Tôi không hiểu cái kiểu so sánh ngộ nghĩnh của ông chú, nhưng miễn ông không ngăn cản chuyện tôi lái xe là được rồi. Những ngày ở Việt Nam thật nhàn hạ, ngoài chuyện ăn nhậu, đi thăm bà con bạn bè, danh lam, thắng cảnh ra thì chẳng còn gì để nói. Chỉ có về Việt Nam thì tôi mới có một chuyến du lịch thật sự. Trong các chuyến du lịch ở Mỹ, tôi vẫn còn giữ liên lạc trong hãng, vẫn kiểm tra email trong hãng hàng ngày, và đôi khi còn bị đồng nghiệp hoặc cấp trên gọi điện thoại hỏi xin các ý kiến về kỹ thuật. Lần này về Việt Nam hầu như tôi tuyệt giao với công việc ở NASA. Cũng may là tôi còn có bài thuyết trình ở đại học Bách Khoa nên còn bận bịu chuẩn bị chút xíu. Hai hôm trước khi diễn ra bài nói chuyện, tôi được mời đến trường để gặp gỡ và giao lưu với các sinh viên trong phân khoa kỹ thuật hàng không. Dạo đó phân khoa còn thiếu rất nhiều điều kiện, chẳng hạn như cái hầm gió dùng để thí nghiệm khí động lực chỉ có bé xíu và thiếu các trang bị dụng cụ để đo áp suất cần thiết. Tuy có một điều mà tôi cảm nhận rất rõ là các em rất ham tìm hiểu và nghiên cứu, bất kể điều kiện thiếu thốn. Thầy Tống cho tôi biết là trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và Bách Khoa Hà Nội có thể được coi là những trường đại học kỹ thuật khó vào nhất ở Việt Nam vì điều kiện tuyển chọn khắt khe. Vào Bách Khoa đã khó, mà được chọn vào trong phân khoa kỹ thuật hàng không còn khó hơn, vì vậy có thể nói là các em sinh viên mà tôi đang gặp gỡ là những thành phần ưu tú nhất của trường. Tôi có thể cảm nhận được điều đó qua những lần tiếp xúc ngắn ngủi. Tôi cầm một cuốn sách giáo khoa các em đang học, có tựa đề “Cơ Học Chất Lưu”. Tôi đoán là “Fluid Mechanics”, là môn tủ của tôi đang dạy ở Mỹ. Tôi hỏi một em sinh viên nam đang đứng gần đó nghĩa tiếng Mỹ của chữ Cơ Học Chất Lưu là gì thì em trả lời là:
“Thưa thầy, có nghĩa là Fluid Mechanics hay còn gọi là Mechanics of Fluids”.
Em trả lời một cách mạch lạc và tự tin. Tôi hỏi thêm một vài danh từ trong ngành như “laminar, turbulence, boundary layer, vorticity”, sự thật là tôi không biết dịch ra tiếng Việt các từ này chứ không phải tôi hỏi để đố các em. Tuy nhiên chữ nào tôi hỏi các em đều trả lời vanh vách và hợp lý. Tôi ngạc nhiên là tại sao các em biết rành quá, bộ ở trong trường có dạy chương trình tiếng Anh hả. Cũng em sinh viên nam lúc nãy trả lời:
“Dạ thưa thầy không ạ! Ở đây tụi em học chương trình tiếng Việt một trăm phần trăm. Sở dĩ tụi em biết là vì phải tra cứu thêm các sách nước ngoài.”
Một em khác nói thêm:
“Lúc trước trong trường cũng có mời một giáo sư nước ngoài đến dạy, nhưng trình độ nghe của chúng em không đủ nên không ai hiểu gì hết!”
Một điều tôi cảm nhận rõ là các em sinh viên ở Việt Nam ăn nói rất lễ phép. Tuy nhiên chỉ có tôi lấy làm ngạc nhiên điều đó, ông anh rể của tôi giải thích là ở Việt Nam vẫn còn quan niệm “tôn sư, trọng đạo”, việc sinh viên lễ độ với thầy cô là chuyện bắt buộc. Buổi chiều hôm đó thầy Tống dẫn tôi đến gặp ông trưởng khoa ban kỹ thuật của Bách Khoa, có nghĩa ông này là xếp của giáo sư Tống. Tên ông này là gì tôi quên mất rồi. Ông này người gốc Bắc, nhưng không phải là Bắc kỳ gốc di cư như tôi bởi vì giọng nói của ông rất khác. Ông mời tôi ngồi và nhập đề vào ngay:
“Trước anh, cũng có một vài Việt kiều vào thăm trường hứa hẹn tùm lum nhưng rồi về Mỹ biến luôn!”
Tôi nói thẳng là tôi chẳng dám hứa hẹn gì hết, tôi về Việt Nam kỳ này mục đích chính là thăm gia đình và bạn bè, được giáo sư Tống mời đến thuyết trình thì tôi nhận lời. Tôi nói với ông trưởng khoa là sự thật thì tôi muốn giúp cũng không được vì ở Mỹ tôi chỉ là kỹ sư và giáo sư bán thời gian, tôi không nắm chức vụ gì to tát cả. Rồi ông hỏi tôi đi qua Mỹ năm nào và bằng phương tiện nào. Tôi thấy đề tài câu chuyện hình như quay qua một hướng khác. Trong một vài giây tôi có cảm tưởng kẻ ngồi đối diện với tôi là một nhân viên an ninh chứ không phải là khoa trưởng của một trường đại học kỹ thuật. Tôi định trả lời thẳng là tôi đi vượt biên năm 80, nhưng chưa kịp lên tiếng thì giáo sư Tống xen vào:
“Người bạn của chúng ta qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình đó anh.”
Sau đó thầy Tống nói mục đích dẫn tôi lên gặp trưởng khoa là để giới thiệu vị khách được mời đến trường để thuyết giảng cho các em sinh viên nghe và học hỏi thêm. Chúng tôi không còn chuyện gì để nói bởi vì ông trưởng khoa này chuyên về cơ học chất rắn trong khi tôi lại chuyên về cơ học chất lỏng cho nên câu chuyện không được ăn khớp. Trước khi chia tay ông còn ráng vớt vát:
“Hiện tại chúng tôi đang cần một số phần mềm cao cấp của các cơ quan tư nhân, không biết thầy cung cấp được không?”
Tôi hiểu ý ông là muốn tôi ăn cắp software cho ông, tôi trả lời thẳng thừng là tôi muốn làm chuyện này cũng không được vì ở Mỹ có luật tác quyền, vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Trên đường đi rảo bộ quanh khuôn viên trong trường tôi thấy có nhiều tờ giấy bằng khổ cuốn tập dán khắp nơi, quảng cáo về buổi thuyết trình sắp tới của tôi. Tôi có cảm giác là buổi thuyết trình sắp tới sẽ quan trọng hơn là tôi tưởng sau khi thầy Tống cho tôi hay là thầy có gửi thư mời đến một số giáo sư ở các trường đại học bạn trong Sài Gòn. Bỗng dưng tôi cảm thấy hơi run, tôi sống lại cái cảm giác bồn chồn lo lắng hồi lần đầu tiên tôi đi thuyết trình ở đại hội khoa học toàn quốc (CFD Workshop) năm 1996 hay là lần đầu tiên lên bục giảng ở đại học Alabama năm 2000. Ngồi trên yên sau từ đường Lý Thường Kiệt về nhà cậu Sáu ở Phú Nhuận do một em sinh viên lái, tôi nói nhỏ vào tai em:
“Tôi chưa bao giờ thuyết trình bằng tiếng Việt bao giờ, tôi định kỳ này sẽ thuyết trình bằng tiếng Anh. Em nghĩ sao?”
“Thưa thầy, theo em thì không nên. Khả năng sinh ngữ của bọn em kém lắm. Thầy mà nói bằng tiếng Anh thì chắc chắn không ai hiểu. Em thấy thầy nói tiếng Việt còn tốt lắm, nên thuyết trình bằng tiếng Việt, thầy ạ!”
“Tôi giỏi tiếng Việt trong việc xã giao bình thường, nhưng các ngôn từ kỹ thuật thì tôi điếc đặc!”
“Em thấy hay là như vầy, thầy cứ việc thuyết trình bằng tiếng Việt. Chỗ nào thầy không biết tiếng Việt nghĩa là gì thì cứ nói bằng tiếng Mỹ, những danh từ kỹ thuật tiếng Anh thì bọn em nắm được.”
Đó là một đề nghị rất hay, và tôi dự định sẽ làm y như lời đề nghị của em sinh viên này. Hôm tôi thuyết trình, căn phòng chật kín, có rất nhiều giáo sư từ các trường đại học khác đến, và có cả ông chú Vũ Huy Hồng của tôi đến nghe. Cô Hương ngồi ngay hàng đầu, sẵn sàng làm thông dịch viên cho tôi khi tôi bị bí ở những danh từ kỹ thuật chuyên môn. Tôi dự định sẽ cố gắng hết sức thực hiện bài thuyết trình bằng tiếng mẹ đẻ, thậm chí trong các từ chuyên môn. Tuy nhiên tôi mở đầu bài thuyết trình bằng một tràng tiếng Anh, đại khái là cho biết cảm xúc khi tôi về lại trên quê hương, sau đó cám ơn nhà trường cho tôi cơ hội đến đây chia sẻ kinh nghiệm làm việc của tôi ở NASA, và tiếp theo tôi xin bắt đầu bài thuyết trình bằng tiếng Việt. Khi tôi chuyển sang tiếng mẹ đẻ là lúc tôi nghe nhiều tiếng thở phào trong phòng họp.
Bài thuyết trình rồi cũng trôi qua suôn sẻ, tôi không ngờ là tôi giảng bằng tiếng Việt một cách trôi chảy, làm như xưa nay tôi dạy học toàn bằng tiếng Việt. Khi tôi chấm dứt bài nói chuyện, cả hội trường không ai bảo ai, mọi người đồng loạt đứng dậy và tặng tôi bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt, làm tôi cảm động vô cùng. Tôi phải dằn nén xúc động để khỏi bị nghẹn lời khi trả lời các câu hỏi của khán giả bên dưới. Cuối cùng, cô Hương phát biểu cảm tưởng của cô:
“Tôi là giáo sư trong phân khoa hàng không, tôi đã từng du học bên Pháp và biết có nhiều gương người Việt thành công ở nước ngoài. Xem qua tấm hình của thầy Vũ Thành Long chụp chung với đồng nghiệp được tuyển chọn trong chương trình NAFP khóa 4 (trong bài thuyết trình tôi có kèm vào tấm hình này), đứng giữa xung quanh người ngoại quốc chỉ có một người Việt Nam làm tôi cảm thấy tự hào.”
Sau lần gặp gỡ đó tôi chỉ liên lạc với giáo sư Tống và cô Hương một vài lần, tôi có giữ liên lạc với 2 sinh viên tên Thanh và Nam một thời gian ngắn qua email, một em du học bên Nhật và một em du học bên Singapore, cả hai đều đang làm luận án tiến sĩ ngành hàng không và không gian. Sau đó, tôi cũng quen thêm một em nữa tên Tân là học trò cũ của thầy Tống, và Tân hiện đang theo học chương trình tiến sĩ ngành không gian ở đại học danh tiếng MIT ở Boston. Kỳ tôi về Việt Nam không gặp Tân vì lúc đó em đang du học ở Singapore. Tân chủ động liên lạc tôi trước và nhân dịp Tân thuyết trình ở đại hội hàng không và không gian (AIAA) ở Orlando, tôi có mời đến nhà chơi.
Ngoài ra tôi chẳng còn liên hệ gì hết với bên Việt Nam, thế mà sau chuyến đi đó, tôi bị cơ quan phản gián ở NASA theo dõi, làm cho tôi bây giờ e ngại đến nỗi không dám về Việt Nam suốt từ năm 2002 đến nay. Nhưng dù sao tôi cũng phải công nhận là thời gian du lịch bên Việt Nam đầu năm 2002 thật là khoảng thời gian lý tưởng, bởi vì lúc đó tôi đã tạm gác các lo toan thường nhật qua một bên, và thật sự sống một cuộc sống vô tư. Trước đó, tôi cũng đã trải qua một cuộc sống vô tư, thảnh thơi. Đó là khoảng thời gian nhàn nhã lúc ở bên trại tị nạn Pulau Galang, Indonesia.
Ảnh tác giả (bên phải)