Menu Close

Chuyến đi Chuyến về

Người ta nói mùa Đông ngày mới ngắn, đêm mới dài, vậy mà mới đầu mùa Thu, đã 7 giờ sáng, mà trời vẫn còn mù mù, cái lạnh của sương đêm còn đặc cứng trong không khí. Chiếc xe Toyota đời cũ thời Nhật Hoàng của chú Năm hàng xóm, ho sù sụ một hơi rồi mở mắt lờ đờ, mệt mỏi chui ra khỏi cái garage chật hẹp, nhưng chứa đủ những đồ lạc xon cần thiết.

Tôi xin đi quá giang ra bến xe đò Hoàng. Chú Năm nói với giọng ngái ngủ:

“Cô đi San José bữa nay hả?” “Dạ”

“Cô sướng ghê, gảnh gang đi đây đi đó, còn tui lụi hụi làm tối ngày, hổng biết khi nào mới được nghỉ hưu?”

“Thì cũng sắp tới rồi, chú Năm nhiêu rồi?”

“Cũng 65 gồi cô! Như người Mỹ là họ nghỉ hưu gồi, còn tui thì vẫn phải lận đận, nhưng cũng bết bát dữ gồi cô ơi!”

“Tui thấy sức khoẻ chú cũng O.K mà!  Chú ráng  một hai năm nữa, mấy đứa nhỏ có công ăn việc làm là chú khoẻ rồi!”

“Tui cũng cầu trời được vậy, nhưng tui đang lo nè cô, thằng Hào nó có con bồ bên Việt Nam, nó xin về Việt Nam cưới vợ”

“Vậy hả, nó sắp ra trường rồi phải không? Chú nói nó chờ ra trường, có việc làm, rồi cưới vợ cũng đâu có muộn”

“Dạ ngặt cái hai đứa gặp ắc- xi- đần”

“Ủa hai đứa hai phương trời cách biệt, làm sao gặp accident được?

“Dạ, con kia là du sinh, tụi nó mần sớm quá, nên phải cưới gấp”

“Vậy chú Năm phải lo cho tụi nó rồi!”

“Nhưng ngặt một cái là ba con nhỏ là cán bộ, tui kỵ nhứt vụ này, nó là con ai cũng đựợc, nhưng làm ơn hổng phải cán bộ nhà nước.”

“Vậy thằng Hào có dắt con nhỏ về chào chú không?”

“Nó có dắt về mấy lần, tui thấy con nhỏ cũng hiền lành lễ phép, tui nghĩ tụi nó chỉ là bạn bè, ai dè…”

“Tui nghĩ ăn thua tánh nết con nhỏ chú Năm à!”

“Cô tính coi, mình là lính VNCH, bây giờ về làm sui với cán bộ VC, coi sao được”

 “Chú Năm nói cũng có lý, nhưng con nhỏ lễ phép hiền lành, tui nghĩ chắc ba má nó cũng là người tốt”

“Tốt gì cô, cán bộ tụi nó ăn trên đầu trên cổ người dân mới có tiền cho con đi du học chớ!”

“Thì chú Năm hỏi con nhỏ coi gốc gác nó thế nào, rồi mình tính, chớ chú Năm có thành kiến sẵn rồi, thì khó lắm chú Năm à, lỡ có gì, tội cho hai đứa tụi nó.”

“Mấy bữa rày tui muốn bịnh đó cô à. Tui nói thằng Hào là từ hồi má nó mất tới giờ, tui đi cày hai ba job đặng nuôi anh em nó đi học, bây giờ nó mần vụ này tui nản quá! “Thôi thì chú Năm cứ hỏi về gia cảnh con nhỏ, rồi mình tính tiếp.” Câu chuyện tới đó thì xe cũng quẹo vô bến xe đò Hoàng, chú Năm nói: “Khi nào về, cô kêu tui, tui gảnh, sẽ gước cô, còn không, tui biểu thằng Hào gước, cô đừng lo.” Tôi cảm ơn chú Năm và xuống xe.

Tôi thường đi bằng xe đò Hoàng lên San José vào những ngày cuối tuần. Bến xe lúc nào cũng đông vui. Thời gian đi từ Sacto tới San José chừng hai tiếng mấy, thế nhưng bà con chở người nhà ra bến xe, cũng đứng chàng ràng, chờ cho đến khi xe chạy mới về.

Xe đò lăn bánh, những bàn tay trên xe, dưới đường vẫy nhau, cảnh chia tay cho một đoạn đường ngắn chút xíu khiến tôi xúc động. Tôi nhớ những cảnh đưa đón ở các phi trường mà tôi có dịp đi qua. Người đón người đưa tấp nập. Nước mắt, nụ cười đối mặt nhau. Thời gian đầu, tôi không kềm giữ được cảm xúc, nên đã có lúc khóc theo người ta, nhưng sau này, quen với những cảnh  đưa đón, vui buồn, nên chỉ nhìn và chia sẻ bằng ánh mắt thôi.

Xe bắt đầu rồ máy, bỗng một bà ngồi ghế sau nói với chú tài xế: “Chú ơi chú, chú làm ơn chờ cho một chút, tui quên cái điện thoại ở nhà, thèng cháu tui nó chạy về lấy nãy chừ mà chưa tới”, rồi bà quay sang tôi: “Cô làm ơn gọi giùm số điện thoại cho con cháu tui, đặng tui hỏi coi thằng chồng nó đi chưa?” bà nói số điện thoại, tôi vội vã bấm theo. Điện thoại reng, tôi đưa cho bà khách đồng hành.

“Cô Ba đây con, cô Ba quên cái điện thoại, cô nói chồng con trở về lấy giùm, hén đi cũng lâu rồi, chừ xe sắp chạy, mà chồng con hén vẫn chưa tới… Ờ, rứa là hén đi rồi hả con, vậy cô Ba cảm ơn con hỉ?” Bà khách trả điện thoại cho tôi, rồi nói với chú tài xế: “Chú chờ hén một xí nghe chú, con vợ hén nói hén đi rồi, đi nãy chừ lâu rồi”. Chú tài xế nói: “Gồi, tui chờ.” Bà khách sốt ruột nhìn ra đường: “Hén đi cái xe màu tréng, tui thấy có cái xe tréng đang tính quẹo vô, chắc là hén rồi!” Có tiếng người đàn ông ở phía sau: “Bà nói màu gì, màu trắng hả, cái xe tính quẹo vô là xe màu xám bà ơi!”, “Dạ rứa hả, tui quýnh rồi nhìn màu chi hén cũng ra màu tréng hết. Sáng ni tui đã bỏ điện thoại trong túi rồi, tại thèng cháu, hén nói để hén charge điện giùm, rứa là quên!”

Bà khách trông đứng trông ngồi, vẫn không có chiếc xe màu trắng nào quẹo vào khu vực bến xe.

Một ông khách ở phía trên nói, nhưng không quay mặt xuống: “Bà bác gọi cell cho ông cháu coi ông ta đang ở đâu?”, “Dạ đúng rồi, rứa mà tui không nghĩ ra, xin cô bấm giùm số…” Tôi lại bấm số điện thoại, và đưa cho bà khách. “Đạt ơi, mi tới mô rồi? …ủa điện thoại số cell của chồng con mà… trời, hén để cell của hén ở nhà hả? rứa là chết cô rồi con ơi, xe người ta không chờ được rồi, ờ, bye con hỉ?” Bà khách cúp điện thoại, thở dài não nuột: “Hén đi mà không mang theo cái cell!”. Lại có tiếng người đàn ông lúc nãy: “Sao bà bác không điện thoại cho số cell của bà bác, có thể người cháu sẽ nghe!” “Chu choa, ông có nhiều sáng kiến quá, cô làm ơn bấm giùm số… tôi lại bấm số và đưa điện thoại cho bà khách, một lúc, bà trả lại điện thoại, giọng thiểu não: “Điện thoại reng, mà hén không bét”. Một lát, chú tài xế nói: “Phải đi bà ơi, không chờ được, quá chễ gồi.” Nói xong, chú tài xế cho xe de lui và chạy ra đường lộ. Bà khách ngồi lọt trong lòng ghế, thở dài lẩm bẩm: “Cái ni là cái số tránh không được, hồi sáng đã bỏ hén trong túi áo rồi, rứa mà hén vọt ra…”

o O o

Cũng là mùa Thu, nhưng San José nắng to và vẫn còn giữ cái nóng của mùa hè. Sau hai ngày thăm bạn, được hàn huyên vui cười, và được các bạn cho ăn uống no nê, tôi lại khăn gói về nhà.

Bến xe đò nhộn nhịp người tới người đi. Chuyến xe từ Nam Cali vừa quẹo vào bến, người đi đón không biết từ đâu đã đứng chật lề đường. Xe vừa ngừng, đã thấy người đi xuống. Cửa kho hành lý bên hông xe vừa mở, người tài xế lấy hành lý ra khỏi xe để trên lề đường, hành khách đã chen nhau tìm hành lý của mình. Trong phút chốc, mọi người đã tản mác, cảnh tấp nập tan biến, chỉ còn lại những người chờ chuyến xe đi tiếp về những thành phố khác của Bắc Cali.

Một cụ lớn tuổi, nhưng dáng nhanh nhẹn, một tay kéo chiếc valise, một tay xách một túi to, trên vai còn đeo thêm một túi nữa, tiến về phiá tôi và hỏi: “Cô về Sacto hả?” , “Dạ” , “Không biết mấy giờ xe chạy?”, “Dạ thường thì 4 giờ”, “Vậy tui ngồi ở cái ghế đầu kia, nghỉ mệt chút xíu, khi nào xe chạy, cô kêu tui nghe”, “Dạ được”. Sau đó ông  bấm số điện thoại: “Con hả, ba đây, 4 giờ xe mới chạy, khi nào tới ba sẽ phôn con. Nhớ nói thằng Bill ký cho ba cái “ga răng ty” nghe… Ờ… cái tin đó ba đọc lâu rồi, ờ, chút tối về nhà cha con mình nói chuyện, rồi, bye.”

Hình như đoán biết tôi đang… dỏng tai nghe lén câu chuyện, ông nhìn tôi cười dễ dãi: “Thằng con tui, nó mong tui lên đặng bàn chuyện quốc sự, tui có 3 thằng con trai, nhưng chỉ có cái thằng ở Sacto là hạp với tui” Tôi cũng vui vẻ đưa đẩy câu chuyện: “Dạ, như vậy là bác quá hạnh phúc rồi, có người nói chuyện quốc sự mà lại là con của mình, thì… dễ thắng lắm!” Ông cụ cười tươi hể hả: “Cô nói đúng đó, hai cha con tui bàn chuyện qua điện thoại, cầu mấy tiếng, vì xài chung T- Mobil mà, đâu có tốn tiền. Nói tới nói lui, tui cũng thắng nó hà! Lần này nó muốn bàn tới vụ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, nó bênh Cộng Hoà, tui bênh Dân Chủ, gay cấn bất phân thắng bại, nên nó mua vé cho tui qua bên này đặng cha con bàn luận dễ hơn. Còn một chuyện quan trọng nữa, buộc tui phải qua bên này, đó là thằng con tui tính cưới cô bạn gái là du sinh!”

Thấy tôi có vẻ thích thú câu chuyện, ông nhìn tôi nói tiếp: “Nói thiệt với cô, tui không theo đảng nào hết. Nhưng tui nguyện phò đảng Dân Chủ, bị cái đảng Cộng Hoà phản bội miền Nam mình. Họ bắt tay với Trung Cộng, chơi với tụi cộng sản Hà Nội, ép mình ký cái hiệp định Paris 73, đưa tới việc mình bị mất miền Nam. Tui ức lắm.”

Ông cụ nói đến đây, thì có tiếng tài xế xe đò gọi hành khách lên xe. Ông cụ chọn ngồi bên cạnh tôi, ông nói: “Ngồi kế cô đặng nói chuyện tiếp”, tôi cười thông cảm: “Dạ, nghe bác nói cháu cũng học được nhiều điều”.

Sau khi mọi người yên vị, tài xế cho xe rời bến tiến ra xa lộ. 4 giờ 30 chiều, mặt trời còn chói chang, nhưng hơi lạnh đã lảng vảng trong không khí. Xa lộ xe đông nườm nượp. Chiếc xe đò nhập vào đoàn xe, và trườn từ từ trên mặt lộ. Tôi hỏi ông cụ: “Hồi nãy bác nói con trai bác có bạn gái là du sinh, bác không bằng lòng ư?” Ông cụ nhìn tôi hấp háy: “Coi bộ cô muốn biết chuyện này dữ ha?” Tôi cười: “Dạ cháu tò mò muốn biết bác quan niệm thế nào về việc này.” Ông cụ sửa lại dáng ngồi, chậm rãi nói: “Tui cũng suy nghĩ dữ lắm. Mới đầu tui phản đối, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, mình phản đối là sai chánh sách cô à. Bị khi gởi sinh viên ra ngoại quốc, nhà nước họ tuyên truyền là đừng tin vào cộng đồng Việt Nam hải ngoại, họ sẽ tẩy chay các anh, xua đuổi các anh. Vì thế phải tin vào đảng thôi. Nếu mình xua đuổi hay ác cảm với du sinh có nghĩa là mình làm đúng những gì cộng sản tuyên truyền, cô nghĩ có đúng không? Trong số du sinh, chỉ có một số ít là thuộc con ông cháu cha, tụi nó sống hoang đàng phung phí, còn đa số thì cũng là con cháu đồng bào mình, vì hoàn cảnh phải ở lại. Họ phải vất vả lắm, mới cho con mình ra nước ngoài để học cái hay của người ta. Tui cũng gặp nhiều du sinh đi làm trong nhà hàng, kiếm tiền đi học. Các cháu đó hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Tui nghĩ mình chống cái nhà nước cộng sản, chớ không chống dân. Tui sẽ giáp mặt con nhỏ coi tư cách nó ra sao, tui tin thằng con tui biết chọn người vợ tương lai của mình.” Ông nhìn tôi mỉm cười thoải mái, tôi chúc mừng ông: “Vậy thì xin chúc mừng bác, quan niệm của bác thật phóng khoáng và nhân bản. Cháu cũng nghĩ như vậy, chúng ta nên kéo người dân về phía mình, nên kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu sự thật về cộng sản. Họ còn trẻ, lại bị ảnh hưởng của nền giáo dục vô nhân bản của cộng sản, nên chỉ biết một chiều. Hiện nay, đã có tới 31 triệu người dân trong nước sử dụng hệ thống internet, nhiều người trẻ đã hiểu được vấn đề của đất nước, họ đã lên tiếng rất mạnh mẽ, và được nhiều người biết đến như Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên… Cháu tin là các em du sinh được tiếp xúc trực tiếp với nền Tự Do Dân Chủ của Hoa Kỳ, chắc chắn các em sẽ có nhận thức đúng đắn hơn trước. Vấn đề sau cùng là chúng ta có đủ tự tin và sẵn lòng đón nhận các em hay không?” Ông cụ gật đầu lia lịa, hỏi tôi: “Cô coi bộ cũng rành chuyện cộng đồng dữ ha?” Tôi chống chế: “Dạ, cháu cũng tìm hiểu chút chút.” Có tiếng nhạc trầm hùng, hai màn truyền hình nhỏ của xe đò sáng lên, ca sĩ của Asia đang hát bài “Đáp Lời Sông Núi”… Ông cụ nhìn màn ảnh, thưởng thức bài hát, tôi thấy thật yên tâm về giá trị truyền thống nhân bản của Việt Nam mình, khi vẫn còn những bậc phụ huynh như ông cụ, không quản đường xa và sức khoẻ của tuổi già, đã đến chia sẻ, hướng dẫn và bầu bạn với con khi con cần mình. Tôi nghĩ tôi sẽ chia sẻ với chú Năm điều này khi về tới Sacto.

PDH 10/12