Đi lượm kim cương. Nhiều người bán tín bán nghi, kim cương đâu phải đá đâu mà lượm. Nhưng thật vậy. Cách đây một trăm năm, mỏ Crater of Diamonds tại Arkansas bắt đầu khai thác. Nhưng từ năm 1972 nó trở thành công viên cho khai thác kim cương tự do duy nhất trên thế giới. Từ khi mở cửa đến nay, người ta đã lượm gần 25.000 viên kim cương lớn nhỏ. Năm 1975, một viên 16.37 carat được tìm thấy và năm 2011 một viên khác 8.66 carat, lớn thứ nhì được ghi vào danh sách các viên kim cương tìm được trong công viên này.

Trước mắt tôi, mảnh đất đào kim cương như cái nhưn bánh khoai sọ xam xám, khổng lồ được những rừng cây xanh lốm đốm màu lá thu bao bọc. Và trong suốt 40 năm qua, hàng triệu người đã đến đây và xới tung mảnh đất 30 mẫu tây này để tìm kiếm kim cương. Đất cát tơi lên liên tục khiến không một ngọn cỏ nào mọc nổi và đây đó những con người khom lưng hì hục đào xới cho vui, cũng có khi tìm kiếm sự may mắn nào đó mà xác suất “trúng mánh” còn cao hơn tấm vé số. Nhiều người mong trúng số nên mua vé số hàng ngày, cũng có người mong trúng số nhưng không bao giờ mua vé số như tôi chẳng hạn. Không mua số làm sao trúng, không đào làm sao thấy kim cương. Thế mà có chuyện anh chàng Denis Tyrrell lơn tơn trên bãi đất, bỗng nhìn thấy một vật sáng lấp lánh màu nâu nhạt và to bằng một hạt đậu. Đây chính là một viên kim cương nặng 3.48 carat và là viên thứ 1,000 tìm thấy tại đây hồi năm 1994.

Thực ra anh chàng Denis Tyrrell “ăn chực nằm chờ” tại mỏ kim cương đến 9 tháng để lùng đá quý. Ban quản trị công viên cho biết anh đã tìm được 131 viên kim cương tại nơi này. “Khi đi dạo ở đây, tôi cũng đảo mắt xem có viên nào trên đường đi không. Tôi cũng thường xuyên đào xới để tìm nữa”. Một tin khác về anh chàng Chad Johnson thì chưa đầy 9 tháng anh đã lượm được hơn 80 viên kim cương lớn nhỏ trong công viên Crater of Diamonds kể từ lúc chuyển đến Arkansas hồi đầu năm nay. Cách đây không lâu, Johnson đã quyết tâm bỏ nghề đào đá và chọn một công việc khiêm tốn tại một cửa hàng tạp hóa địa phương với lý do “quá mệt mỏi với việc bán hàng kiếm sống qua ngày”. Thế nhưng như có “thần tài” giúp đỡ, anh chàng 36 tuổi đến từ Iowa này lại tình cờ đào thêm được một viên kim cương khác màu nước trà trong Tháng Chín, nặng 4.38 carat. Theo ghi nhận của ban quản lý thì đây là một trong hai phát hiện đáng giá nhất tại công viên trong năm 2012 – viên lớn nhất nặng 4.8 carat do một người đàn ông đến từ Lousiana tìm thấy hồi Tháng Sáu. Ban quản trị công viên từ chối ước lượng tổng trị giá số kim cương mà Chad Johnson đã “kiếm chác” được từ nơi đây.

Những chuyện “giật gân” từ ban quản trị công viên làm tinh thần những người đi kiếm kim cương hăng hái lên. Tôi không thích đào nên không mướn dụng cụ, vì ngoài bãi đất ướt át hơn do cơn mưa hôm qua. Tôi thử vận may bằng cách đi… lượm. Lượm được mới thích, chứ đào kiếm thì chẳng có gì lạ, hơn nữa tôi nghĩ đào lớp đất mặt làm sao thấy được kim cương. Bao nhiêu năm, bao nhiêu con người đào đào xới xới thì làm sao may mắn có thể đến với mình. Đào sâu may ra còn hy vọng. Có những người khoét cái lỗ tròn to sâu bằng cái thùng phuy mất non tiếng đồng hồ. Một người đào đất vụt lên, người khác xúc đất vào sàng gạn ra những viên sỏi nhỏ rồi cho vào một cái thùng để đi rửa. Hên xui, không thấy kim cương thì cũng kiếm được viên đá quý. Hỏi thăm mới biết họ thỉnh thoảng đi đào và từng tìm được viên kim cương to bằng hạt đậu xanh nên họ xúc sàng một cách nghiêm túc, chứ không theo kiểu được chăng hay chớ như những người khác dùng xẻng hay chiếc bay nhỏ lẹt quẹt trên lớp đất mặt.

Khá nhiều người tìm kiếm trên mặt đất. Họ tò mò đến mỏ kim cương cho biết và xắn tay thử vận may qua việc gạn lọc lớp đất dọc theo bờ bãi đất. Quanh khuôn viên bãi đất xa xa được công viên dựng vài tấm gỗ tượng trưng ranh giới không được vượt qua. Phía sau là rừng thông, nhưng chắc dưới lòng đất có thể có đá quý chưa được khai thác. Là công viên quốc gia, du khách có thể dựng lều trại nghỉ ngơi qua đêm, không được đào xới. Tuy nhiên, nghe tin có người đi dọc theo bờ suối, lượm được đá quý to bằng cái bát ăn cơm có màu hổ phách. Dẫu sao mỏ kim cương lộ thiên này hay kim cương dưới lòng đất trong Công viên quốc gia Crater of Diamonds State Park vẫn hiện thực hơn các nhà khoa học thiên văn vừa phát hiện được một hành tinh mới cấu tạo từ kim cương to gấp 5 lần đường kính trái đất trong hệ mặt trời.
Đào kim cương tương đối khỏe hơn đào vàng không cứ mỗi lần xúc đất lên phải đem đi gạn rửa. Giá trị kim cương cao hơn vàng, nên ngày càng nhiều người đến đây đào kiếm đá quý, thành một nghề kiếm sống như những nhân vật tôi vừa kể trên. Họ sống gần công viên, mỗi ngày tốn 7 đô cho vé vào cửa xem như tiền đổ xăng xe đi làm. Vào bãi họ tha hồ đào xới suốt ngày, quanh năm 365 ngày không nghỉ. Tôi gặp và trò chuyện với một gia đình ba người sống ở Texarkana. Ông chồng to như con gấu, bà vợ cũng to không kém đứng cạnh chồng, chỉ thằng nhóc con trai lại ôm ốm. Trông họ có một chút nhếch nhác nhưng khuôn mặt luôn lộ nụ cười rạng rỡ. Rõ là một gia đình hạnh phúc. Người xách sô, người vác xẻng, người ôm sàng, cứ vài ba tuần cả nhà kéo đến đây đi tìm kho báu. Bước vào bãi đất, ánh mắt thằng bé sáng lên và hài hước gọi to “Treasure Island” (Đảo Châu Báu). Đầu óc thằng bé tưởng tượng thật phong phú. Tôi cũng bắt gặp một thằng bé khác trên bãi đất lẽo đẽo sau lưng tôi một đoạn. Trong lúc tôi dõi mắt kiếm tìm thứ ánh sáng bất chợt chói hơn nắng mặt trời, còn nó cứ cúi xuống lượm lấy những hòn sỏi nhỏ, đưa lên ánh nắng săm soi rồi cẩn thận bỏ vào chiếc bao trống đựng khoai tây chiên. Nó chạy qua trước mặt tôi về phía người đàn ông đang ngồi trên mô đất và kêu lên một cách hồn nhiên hoan hỉ: “Daddy, I found a lot of diamond”. Tôi chợt phì cười cái ngây ngô đáng yêu đó.

Ngày hè trẻ con theo cha mẹ đi lượm kim cương từ các nơi khác về đây đông lắm. Vào năm học, cuối tuần trẻ con đến đây ít thôi. Không có bọn chúng, tôi nghĩ bãi đất rộng thênh này càng thêm vắng lặng bởi người lớn chỉ lo cặm cụi đào xới và thầm mong tìm kiếm được viên đá có giá trị. Muốn biết có phải là kim cương hay không, cứ việc gạn rửa đống sỏi đá trong sàng xong, đem đến ban quản lý. Nơi đây, người ta chỉ cần chấm đầu bút vào viên đá kết nối với một hộp đo gồm có hai màu xanh lá cây và đỏ. Cây kim trong hộp đo sẽ dao động, nếu xanh là đá, còn đỏ là kim cương. Sau khi cân đong đo đếm, viên kim cương sẽ được ghi vào danh sách, ngày giờ phát hiện và chủ nhân sẽ chụp chung tấm hình lưu niệm với ban quản lý công viên. Mọi thẩm định đánh giá đều miễn phí và oai nhất là được lên báo địa phương với cái tin “Đi lượm kim cương”.
Đi lượm kim cương và may mắn lượm được là điều thú vị. Nhưng với tôi ý nghĩa hơn vẫn là những viên đá quý tinh khiết lóe sáng trong ánh mắt trẻ con. Đôi khi những viên kim cương ấy còn giá trị hơn kim cương thật ngoài đời.
