Không có bà Mẹ nào muốn sinh con mình ra có dáng đi xấu. Bởi mỗi người sinh ra có một dáng đi khác nhau chẳng hạn như dáng đi khoan thai, dáng đi nhẹ nhàng, đi chân chữ Bát, đi chân vòng kiềng, đi hai hàng…, thì người Hà Nội cũng thế, bao giờ cũng muốn Hà Nội có cái dáng nhìn cổ kính và thanh lịch. Vậy phải cổ kính như thế nào và thanh lịch phải ra sao?
Nói đến cái đẹp của Hà Nội thì nhiều lắm nhưng trước tiên phải kể đến những hồ mà Hà Nội có, chẳng hạn như quanh Hồ Gươm có cây liễu phủ đi dạo qua thăm Tháp Bút nơi dành cho sĩ tử đến cầu vận trước khi thi rồi ngắm chiếc cầu sơn đỏ tên gọi Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn. Hồ Tây có cảnh chùa thanh tịnh Trấn Quốc, nơi đây người Hà Nội còn có cái thú thưởng thức bánh tôm Hồ Tây hay ngồi bên bờ có những quán ốc rất ngon mà vừa ăn vừa ngắm hồ rất ư là thú vị. Hồ Trúc Bạch, hồ nào cũng có cái đẹp của hồ đó ở những buổi hoàng hôn hay lúc ráng chiều lúc mặt trời chuẩn bị tắt. Ôi! Ban đêm thì còn tuyệt nữa, trai gái hẹn hò nhau đến, đi dạo quanh hồ để ngắm trăng lên trong những hôm trăng sáng ngày rằm kể cả những hôm trời tối mà trăng khuyết cũng đều thú vị cả. Nhìn ánh trăng phản chiếu xuống mặt hồ lúc tỏ, lúc hiện thì phải biết chắc không bút mực nào tả hết cảnh đẹp của hồ. Sau đó phải nói đến 36 phố phường hay còn gọi một cách thân mật văn hóa hơn đó là Phố cổ.

Ngày xưa có 36 phố rõ rệt mỗi Phố là một Phường, mỗi Phường là một Phố? Không hẳn thế! Bởi mỗi nghề còn giữ lại trên tên Phố Hà Nội này, nhưng bây giờ thì chắc phải hơn 360 phố bán đủ các loại trên đời này để chạy theo kinh tế thị trường… Những Phố bán các sản phẩm theo đúng tên gọi của ngày xưa giờ chỉ được đếm trên đầu ngón tay… Ngày xưa những Phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Sắt, Hàng Mành, Hàng Bún, Hàng Bè… Trong hơn ba trăm Phố như hiện nay, Hà Nội lớn lên không ngừng. Gương mặt từng Phố mỗi ngày mỗi thay đổi và hằn trong lòng nó, trong lòng mỗi Phố, trong lòng mỗi nhà và trong lòng những người Hà Nội; vì cuộc đời ví như một dòng sông chảy mãi bất tận mang một lớp phù sa mới bồi đắp vào cuộc đời mình do đó những Phố cũng theo thời gian mà thay đổi… Có những Phố nguyên cũng mang chữ Hàng trước kia nhưng bây giờ đã thay vào những tên mới như Hàng Cỏ (Trần Hưng Đạo), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng)… chẳng hạn. Trong ký ức của người thật sự Hà Nội bây giờ chắc chỉ còn mỗi ngôi nhà mà ngày xưa mình ở hay một góc Phố nào đó của ngày xa xưa kia hay có khi chẳng còn gì nữa họa chăng chỉ là một âm thanh, một làn hương hay màu sắc nào đó nếu còn nghĩ đến Hà Nội, còn nghĩ đến những tên Phố thân thương và còn nhớ đến những bài thơ trữ tình tả về Hà Nội mến yêu của thuở xa xưa… Nói cho cùng việc đương nhiên những cái mới được sinh ra thì phải vươn lên, cái cũ xưa bắt buộc phải nhường chỗ như măng thay tre hay như dòng sông Cái tiếp nhận những con suối bé chảy vào… Những cây măng lớn lên không quên những bụi tre đã ôm ấp che chở hộ mình. Dòng sông hình thành sao được nếu không có những con suối cần cù năm tháng trong rừng sâu im vắng.
Hà Nội thay đổi, hoàn toàn thay đổi…!!!
Hàng Bài không còn làm bài lá, tam cúc, tổ tôm, những cây xe hồng, con tịnh vàng xòe ra trên tay của những ngày Tết ấm cúng quây quần họp mặt của bao gia đình, hẳn đã thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ, nay ở đây có trường Trưng Vương, có cửa hàng bách hóa lớn nhất Hà Nội.
Hàng Bạc bây giờ không còn những cô gái đẹp kiêu sa kiểu “lá ngọc cành vàng” nổi tiếng một thời với sản xuất những vòng vàng cho lớp giàu sang, nơi đến để mua sắm cho những cô dâu sắp về nhà chồng. Hàng Chuối từng có những bãi chuối bạt ngàn lúc nào cũng thấy bẩn, nay là một phố dài cây xanh rợp bóng bên những biệt thự yên lặng; cái bãi chuối xưa kia đã mất đi hoàn toàn.
Hàng Đàn một thời náo nhiệt của những tài tử đến đây để so dây, nắn phím nhưng bây giờ họ đã ra đi hoặc sống trong yên lặng để nhường cho những tài hoa mới với những nhạc cụ điện tử hiện đại cống hiến cho nhu cầu mới.
Bây giờ, quá bộ vài bước sang Hàng Quạt để thử chiếc quạt thước, chiếc quạt tím tràng kim, chiếc quạt trầm hương. Quạt nào cũng còn tạo ra gió nhưng bây giờ không còn che nắng và nhất là che nửa mặt hoa làm duyên với khách tao nhân nữa mà thay vào đó “hello” hay “good bye” cho gọn chứ thời bây giờ chả cô nào ra đường mà mang quạt cả, chỉ may ra còn bán được cho những khách phương xa mang về làm quà hay những cụ già dùng để phe phẩy nơi chùa chiền, nơi đồng bóng mà thôi. Chỉ thỉnh thoảng những hôm cắt điện thì tuổi trẻ cũng như tuổi già đều phải cầm quạt mà phe phẩy cả…
Người Hà Nội mang tiếng tài hoa, tao nhã thì phải kể đến Hàng Giấy, Hàng Bút. Vẫn còn đó, nơi đây xưa kia những khoa thi nào anh Khóa, cậu Tú, Bác Cử cũng đều đến đây để chọn giấy bút tung hoành trên trường văn trận bút mà ngày nay còn lưu lại những áng thơ văn thiên cổ kỳ tài. Bây giờ thời buổi “còm-pu-tơ” “i-pát” cầm tay, các quý tử, cậu ấm hay cả sĩ tử nhà quê cũng chẳng thèm bén mảng đến đây làm gì cho mất thì giờ, bước sang Phố Vẫy, Phố Karaoke, Phố Mát xa-Mất Gần học nhanh hơn.

Nói đến Hàng Giấy, Hàng Bút thì không thế nào không nhắc đến Phố Trường Thi mà ngày nay họ gọi là Phố Tràng Thi. Phố Trường Thi chính là khu đất từng đặt trường thi Hương thời xa xưa. Ai đã từng đọc “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố nay đã chuyển thành phim hẳn không thể quên được hình ảnh khó khăn của những sĩ tử mang lều chõng đi thi và niềm vinh nỗi nhục theo liền anh khóa đến trường thi. Đã có câu:
Cười như anh khóa hỏng thi
Khóc như thiếu nữ ngày đi lấy chồng.
Hay Tú Xương
Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Giỗ Tết từ nay, nhớ lấy ngày
Đó là để nói lên sự cay đắng của sĩ tử ngày ấy. Phố Trường Thi được xem là Phố chính của Hà Nội ngang với Tự Do của Saigon, là một Phố đẹp rặng bàng cổ thụ giao cành mát rượi bóng trưa. Phố Trường Thi là trung tâm thành phố nhìn qua bên đường là Hồ Gươm hiện nay nơi này được xem như kho trí thức của Việt Nam, của sinh viên Hà Nội được lưu trữ ở đây. Hàng ngày nếu lang thang trên Phố này ta có thể gặp bao người trí thức từ già đến sinh viên trẻ kể cả khách vãng lai người ngoại quốc yêu quý sách đều về đây trong cái nghiêm lặng gần như tịch liêu này, mà tìm hiểu, mà tra cứu để tìm được người bạn trung thành nhất là sách vở không khác gì như một thư viện vì từ vỉa hè bán sách cũ cho đến hiệu sách lớn nói chung tất cả sách cũ mới đều tụ về đây cả. Còn ai cần ăn uống, du hí, nắn bóp hay các trò ma mãnh khác thì xin mời đến những Phố Vẫy nào đó… Còn Phố Trường Thi là của trí thức của sĩ tử hay nói khác đi là của lịch sử văn hóa. Còn lại cuộc đời thường của những dân lao động với những nhu cầu không thể thiếu được hàng ngày thì vẫn còn Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Bột, Hàng Khoai, Hàng Dầu, Hàng Đậu… Còn tiền mà muốn sắm sửa nữa thì lên Hàng Bát- Bát Đàn, Bát Sứ, Hàng Đũa. Cha Mẹ già héo, cần một cỗ áo thì đã có Hàng Sũ gần kia…
Kể sao cho hết, nói sao cho vừa về phố phường Hà Nội với trên 60 phố mang chữ Hàng đi đầu mà chính người Hà Nội còn không nhớ hết được Hàng nào với Hàng nào. Hà Nội hiện nay phố phường đã thay đổi từng ngày có những Phố còn giữ lại được nghề cũ như Hàng Mành vẫn làm mành nhưng phải thêm vào những mặt hàng mới như ny-lon; Hàng Hòm vẫn làm những chiếc “Vali” gỗ nhẹ trông rất xinh xắn và bền nhưng cũng vẫn phải thêm những mặt hàng khác như bàn thờ bệ thờ Thần Tài hay Thổ Công gì đó, có khi bán cả Hương Trầm; Hàng Mã vẫn như cũ vẫn giữ được nguyên nghề vì phong trào hiện nay mê tín bỗng dưng được nâng cao nên đèn lồng, hoa giấy, tiền Dollar, Euro để đốt cho người đã khuất tiêu dùng dưới Phố Âm Phủ…!!!
Bên cạnh đó rất nhiều Phố không còn làm nghề hay bán những sản phẩm mà Phố đã mang tên nữa như Hàng Gà, Hàng Bồ, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Cót… Tất cả vì thời đại đổi mới nhịp sống mới, nhu cầu mới nên những Gai, Gà, Bồ, Cót gì gì nữa không cần thiết cho đi hết… cho rảnh nợ… Lắm lúc nghĩ cũng buồn cười khi đi trên những đường Phố như vậy tự hỏi với lòng mình những tên Phố cũ kia có còn phù hợp nữa không? Chẳng lẽ ông Phùng Hưng họp chợ bán cá khô? Bà Triệu chỉ bán xe đạp với xa lông hay sao? Cụ Phan Bội Châu bây giờ xuống dốc đến độ bán bánh mì với đồ hộp thế à… sao đành lại thế…!!! Mà buồn cười thật đấy, trong đó có cả sự ngao ngán… Đấy là chưa dám đặt bút viết thêm về những ngõ ngách chằng chịt, ngang dọc, luồn lách rất ư là chật hẹp luồn trong những Phố của Hà Nội hay những biển số của những căn nhà ôi lôi thôi lắm kể ra lại thêm nhức đầu lạc đề mất…!!!
Nhưng vẫn chưa hẳn vậy, nói thế là chỉ biết nhìn về một phía. Thay vào đó những nhà cao tốc hiện đại, nhà siêu mỏng, chung cư ngập lụt, đường biến thành sông, hố Tử Thần, rác rưởi đầy đường cứ thế mà hàng ngày vô tư lẫn lộn với những đôi dép của người đi đường hay những đoàn xe nối đuôi nhau như rồng múa trong sương mù bất kể từ sáng cho đến tối cuộn lên thành bụi hòa lẫn với những khói xe, mưa thì lụt, nắng thì bụi cứ thế mà dân Hà Nội phải hít vào phổi mỗi ngày…. Chưa hết nếu ai có dịp đến thăm Hà Nội hãy thử đi qua một lần cho biết đường Hầm Kim Liên mà báo chí, đài đụng gì gì không hết lời ca ngợi được ví như kỳ quan thứ 8 của Thế Giới… Muốn đi thăm kỳ quan thứ 8 này quý vị phải cẩn thận, phải chuẩn bị tinh thần vì phải vừa đi, vừa bơi lên được đến miệng hầm hú vía là vừa… Sau đó phải kiểm soát sờ nắn thân mình thấy vẫn còn nguyên vẹn thế là thoát đấy, là bình yên đã trở lại; chỉ việc vắt quần, vắt áo cho khô rồi leo xe đi tiếp mồm lẩm bẩm “cũng may ông mày chưa chết đuối…!!!”
Cũng chẳng sao xem như chuyện bình thường ….
Hà Nội phố cuối cùng chỉ còn lại Phố cổ. Cảm động thay khi bước đến chỉ cách một bên đường có thể với tay chạm vào dãy bên kia, ấy thế mà nó khác hẳn nhịp sống, nhìn ngắm những mái nhà nhấp nhô có cảm tưởng như sóng thời gian đã đóng lại, đó là những Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Chai, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Giầy, Hàng Vôi… Đó là điều tôi muốn nói về phố cổ Hà Nội, tôi không hoài cổ nhưng ít ra tôi vẫn yêu quý Hà Nội nơi sinh ra tôi, như yêu máu thịt của mẹ cha cho… Cho dù gì đi nữa hay thời gian đã thay đổi bao lần ở trong tôi, Hà Nội vẫn là một sự biểu hiện của nhiều khía cạnh trong nền văn hóa Việt Nam đã có từ bốn ngàn năm.
