Cái tựa đề của bài viết trước hết khiến người ta nghĩ tới những người đi thắp đèn đường thời xưa -như trong truyện của Charles Dickens hay trong phần mở đầu của bộ truyện trẻ con Harry Potter của J.K. Rowling. Từ bàn tay của những người đó, ánh sáng của những ngọn đèn cháy lên, soi đường cho khách bộ hành, những người đánh xe trong đêm.
Quả thật, Nguyễn tôi rất thích hình ảnh vừa nêu lên mặc dù đó là những hình ảnh rất xưa. Vâng, thích và nhớ cho tới nỗi gần đây khi vẽ lại cảnh ông bạn họa sĩ Đinh Cường ngồi vẽ trong cái garage lạnh lẽo trên đường Burke ở Virginia, Nguyễn đã hạ bút: Thời gian / người thắp lên những ngọn đèn đường ấy / không về nữa / bạn vẽ gì / trong garage. tuyệt tình cốc / tiếng còi tàu. mỗi chiều. dội trong đầu…
Đúng là người đi thắp những ngọn đèn đường ấy đà tuyệt tích, không về nữa. Ngày nay tất cả đều là đèn điện, tới giờ là tự động bật lên. Muốn tìm lại hình bóng những người công nhân đi thắp lên những ngọn đèn trên những quãng đường vắng trong đêm chỉ còn cách xem lại những cuốn phim xưa hay đọc lại tiểu thuyết của thế kỷ 18, 19 chứ không còn cách gì khác. Thời gian trôi qua, xóa nhòa đi nhiều thứ.
Trên đây là nói về những ngọn đèn đường và đèn trong nhà thời nay. Còn đèn lồng thắp trước những cửa tiệm, nhà sang trọng (như trong Raise The Red Lantern – Treo Cao Đèn Lồng Đỏ) thì cũng phải có người đốt lên chứ. Nói tới đây lại nghĩ tới những ngọn đèn lồng trong đêm nguyệt rằm Mùa Vu Lan Trai Đàn, Tết Trung Thu, hay đêm Halloween. Hãy thắp lên những ngọn đèn…
Lễ hội Halloween đang đến. Cũng như Tháng Bảy Ngày Rằm, đây là thời gian để người ta thương tưởng những người ở thế giới bên kia. Nét nhân bản đó làm cho ngày Lễ Quỷ có một ý nghĩa sâu xa hơn. Tuy nhiên, chúng ta không quên rằng Halloween trước hết là ngày hội của trẻ con, như Tết Trung Thu của chúng ta vậy. Do đó, để hội nhập vào không khí lễ hội trên vùng đất chúng ta đang sống, đêm Halloween này gia đình người Việt chúng ta chắc sẽ không quên thắp lên một ngọn đèn trước cửa và sẵn sàng tiếp đón những em bé đủ các màu da đen, trắng, vàng, cho chúng bánh kẹo và cùng chúng cười vui. Viết tới đây, Nguyễn tôi chợt nhớ tới cô bé cùng với bà giữ trẻ mỗi sáng vẫn đi dạo chơi qua trước nhà. Cô bé có đôi mắt to màu hoa pensée, và tóc màu nâu. Sáng nào cũng vậy, cô bé nhặt tờ báo dưới tam cấp, đem đặt ngay ngắn trên tấm rug ngay trước thềm nhà của Nguyễn. Bé ơi, cảm ơn bé nhiều lắm, và mong đêm Halloween này, bé ghé qua nhà để tôi trao gói kẹo cho bé và các bạn của bé. Bởi vì Nguyễn yêu bé lắm cũng như yêu những bé khác. Và Nguyễn nghĩ rằng ở đâu cũng như thế, tinh thần yêu trẻ và lòng tốt vẫn là điều đáng được quý trọng.

Nói chuyện những chiếc lồng đèn và trẻ nhỏ, chợt nhớ câu chuyện Trần Mộng Tú kể trong Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèn. Chuyện về những chiếc đèn quả trứng của một thời thơ ấu nơi thôn ổ. Trần Mộng Tú viết:
“Chao ôi, những con đom đóm của thời tản cư về Thái Bình, Nam Định! Chúng tôi lúc đó còn bé lắm, vào những ngày đầu Mùa Hè, chúng tôi được mấy chị trong làng khi làm bếp, để dành cho chúng tôi những chiếc vỏ trứng mà các chị đã khéo léo chỉ lấy đi một phần vỏ nhỏ ở chóp quả trứng, gượng nhẹ rửa sạch, lau khô, đợi tối đến, các chị bắt đom đóm cho vào những chiếc vỏ trứng đó, đặt vào tay các em bé tỉnh thành. Chúng tôi kêu lên “Một cái đèn kỳ diệu!”
Không có món đồ chơi nào có thể đẹp hơn thế nữa. Trong bàn tay bé xíu của chị em chúng tôi, cái vỏ trứng sáng rực lên. Chúng tôi cúi nhìn xuống cái khối lân tinh úp giữa hai lòng bàn tay, đi từng bước lom khom rón rén trong sân, chỉ sợ đánh rơi nó xuống đất, chỉ sợ ánh sáng bỗng tắt phụt đi giống như ngọn nến khi có gió bay qua. Thỉnh thoảng mấy chị lại bắt được thêm một con, chúng tôi tranh nhau đưa vỏ trứng của mình ra để được cho vào. Những ngày chạy loạn về quê, ban tối bỗng trở nên hấp dẫn cho đám trẻ thành phố, chúng tôi chỉ mong nhìn Mặt Trời lặn và ăn cho nhanh bữa cơm chiều để được chơi với cái đèn kỳ diệu, được theo các chị lớn tuổi ra bờ ao, bụi cây ẩm ướt là nơi nhiều đom đóm lập lòe nhất, nhưng vào những đêm có trăng sáng thì đom đóm thường không bay ra, có lẽ những con côn trùng nhỏ bé này không dám ganh đua ánh sáng với chị Hằng. Các chị lại bày cho những thú chơi khác với bóng trăng. Sau những ngày đầu Mùa Hè ở quê, chúng tôi học được một điều là “Cái đèn kỳ diệu” đó không bao giờ thắp sáng được giữa ban ngày. Lớn lên mới hiểu ra rằng, cũng giống như ký ức đẹp đẽ người ta hay ngồi nhớ lại nó trong bóng tối.
Xa quê mấy mươi năm, chiếc đèn kỳ diệu đó thỉnh thoảng vẫn rọi sáng một bên gối tôi trong những giấc mơ.”
Hãy thắp lên những ngọn đèn… Điều đó có ích lợi hay ít ra cũng đem lại niềm vui. Tới đây, Nguyễn muốn nói tới một loại đèn khác nữa của trẻ con nhà nghèo ở quê nhà: đèn lon bơ, ống bơ. Ờ nhỉ, sao lại không là đèn ống bơ để sống lại tuổi nhỏ ngày nào. Đời thuở ấy, nghèo mà vui biết bao, các bạn nhỉ. Chứ có đâu như anh chàng Jack khốn khổ cứ đi mãi đi hoài trong đêm tối, chờ đến ngày Dooms Day.