Menu Close

Thảm Gai

Hậu nhớ như in lần điện thoại cuối cùng của ông Luân:

– Hậu hả? Khỏe không?
– Dạ cháu cũng bình thường.
– Hôm nay có làm gì không?
– Dạ cháu cũng có chút công chuyện bận ạ.
– Trưa nay, đi ăn với chú nhé?
– Chắc không được chú ạ!
– Nghĩa là sao?
– Cháu có cái hẹn.
– Thôi cũng được, không sao, nhưng chú định nhờ cháu một việc, không biết có được không?
– Chú cứ nói ạ!
– Chú phải đi xa một thời gian, cháu sang trông nhà hộ chú được không?
– Dạ, để cháu thu xếp.
– Ừ, ráng giúp chú nhé.

Ông Luân cúp phone. Hậu quen ông Luân khi hai người cùng làm chung ở phòng thông tin của trại tỵ nạn Mã Lai. Sau đó, ông Luân được đi định cư sớm vì có vợ con ở Mỹ bảo lãnh. Ông Luân cho Hậu địa chỉ để nếu đến Mỹ thì liên lạc với ông. Một năm sau, Hậu sang Mỹ định cư, nàng có liên lạc về địa chỉ ông Luân cho, nhưng không có ai trả lời.

Bẵng đi mười mấy năm, Hậu gặp ông Luân trên đường đi làm, Cả hai mừng rỡ hàn huyên, ông Luân cho biết ông đã ly dị vợ, hiện không có việc làm, và đang lãnh tiền già. Vài lần ông Luân tỏ ý muốn tiến tới với Hậu, nhưng Hậu đã thẳng thắn từ chối. Biết không thể lay chuyển Hậu, nên ông Luân đã giữ khoảng cách giữa hai người,và mối giao tình giữa hai người vẫn tốt đẹp.

Một vài lần, Hậu đã giúp coi nhà khi ông đi vắng. Lần này ông nhờ, Hậu cũng nhận giúp và đã dọn sang nhà ông từ hai tuần nay.

o O o

Từ ngày ra trường ngành báo chí, Hậu có việc làm ở tòa báo Bee, đến nay đã hơn 20 năm. Thời gian đầu tập sự và cần phải giữ công việc, Hậu đã làm bất kể giờ giấc. Nàng nhận tất cả những việc mà các bạn đồng nghiệp từ chối, như phóng sự về nghiện hút, về đồng tính, về bạo lực trong gia đình, về tranh chấp tài sản kiện tụng… nói chung những vấn đề có thể gây nguy hiểm và tạo kẻ thù cho bản thân. Hậu nhận những công việc này, phần lớn vì muốn tìm hiểu, muốn giải mã bí mật của đời sống mà chính Hậu đã trải qua.

Trước năm 75, gia đình Hậu ở trong một con hẻm nhỏ, khu Bàn Cờ. Dân trong hẻm có nhiều thành phần. Gia đình ông Giáo Thu, có con học bác sĩ sắp ra trường. Bác Ba chạy xích lô máy, hiền lành, ít nói, có 5 con nhỏ, vợ bác đang mang bầu đứa thứ sáu, nhưng khi nào bác nhậu say, thì cả hẻm phải chạy qua nhà bác để ngăn cản những trận đòn giáng xuống mấy đưá bé và người vợ đang mang bầu.

Gia đình chú Túy, hình như là thương gia. Thỉnh thoảng chú Túy mới về nhà một lần, thì cả hẻm đều nghe tiếng la hét của chú, rồi vợ chú vừa khóc, vừa chạy khỏi nhà tóc tai rũ rượi, áo quần rách bươm. Hình ảnh này đã như chiếc khoá, khoá chặt mọi cửa ngõ tình cảm của Hậu. Hậu không tin vào tình yêu lứa đôi, hay nền tảng gia đình. Ngay trong gia đình Hậu, thái độ gia trưởng của cha đã khiến không khí gia đình luôn luôn căng thẳng. Mẹ nàng quanh năm suốt tháng lầm lũi như cái bóng. Hậu và các em cố tránh không giáp mặt cha, để thoát những cơn giận dữ trút bỏ bực tức vô lý của ông.

Vì tài chánh gia đình eo hẹp, Hậu phải vừa đi học, vừa đi làm. Hậu nghĩ đến ngày xong bậc Trung Học, vào Đại Học, nàng sẽ rời khỏi gia đình, nàng sẽ như con chim sổ lồng, bay vào vùng trời tự do tươi sáng mở rộng phía trước, nàng sẽ cưu mang các em.

alt

Nhưng vào một buồi chiều không hẹn trước, một nhân viên công lực đến nhà thông báo, em trai kế nàng bị bắt vì đánh nhau gây thương tích cho người đi đường. Cha nàng đã la mắng mẹ nàng không biết dạy con. Ông giận dữ đập phá đồ đạc trong nhà. Hàng xóm hiếu kỳ đứng đông trước cửa nhà. Nàng chống chế cho em trai, và nhận một trận đòn nặng nề. Hậu muốn thoát khỏi gia đình, nhưng không nỡ bỏ mặc mẹ và các em. Tất cả đã làm tinh thần Hậu suy sụp.

Hậu hiểu mẹ nàng, các em nàng và chính nàng, đều là nạn nhân của thói gia trưởng của cha. Thiếu thốn tình thương, bị la mắng, đánh đập vô cớ, là sự hành hạ tinh thần khủng khiếp nhất. Đứa trẻ sợ hãi, mất niềm tin, mất chỗ dựa ở người thân, không tự tin vào chính mình, và sẽ kéo theo nhiều thảm hoạ khác trong đời sống.

Hậu cũng không trách cha, vì cha nàng cũng là nạn nhân của một xã hội phong kiến. Hậu quả này vẫn ẩn hiện nhiều ít trong từng gia đình Việt Nam. Hậu nghĩ có thể gánh nặng tài chánh gia đình đã khiến tâm tính cha nàng khó hơn. Hậu đã từng bắt gặp ánh mắt lo âu của cha, khi nghe trường của các em gia tăng học phí. Hậu quyết định bỏ học, đi dạy kèm tư gia và nhận may ở nhà. Lúc đầu cha nàng phản đối dữ dội, nhưng dần dần, ông nhận ra rằng, ông không thể một mình nuôi nổi gia đình. Với sự phụ giúp của Hậu, đời sống gia đình tươm tất hơn về cả vật chất lẫn tinh thần. Mẹ nàng tươi tỉnh hơn. Thỉnh thoảng nàng nghe các em kể chuyện và cười với nhau mà không nghe tiếng cha quát tháo.

o O o

Biến cố 30 tháng 4 năm 75, đã thay đổi cuộc đời của mọi người. Gia đình Hậu cũng trôi theo những xáo trộn nghịch lý. Cha nàng bị mất việc, bị đi tù vì là viên chức của chính quyền cũ. Công việc của Hậu cũng không còn. Cả gia đình trông mong vào những chuyến bán thuốc Tây ở chợ trời của nàng. Nhờ bản tính hiền lành trung thực, Hậu được nhiều người giúp đỡ tìm đường vượt biên. Nàng gửi các em đi theo người quen, như sự tin tưởng tuyệt đối vào số phận tốt đẹp của gia đình. Một thời gian sau, Hậu cũng vượt biên đến được Mã Lai. Chị em nàng định cư ở Mỹ. Nàng bảo lãnh cha mẹ và gia đình nàng đoàn tụ sau nhiều năm dài xa cách.

Hậu đi làm lo cho các em tốt nghiệp đại học. Sau đó, Hậu ghi danh học và tốt nghiệp ngành báo chí.

Công việc của một phóng viên trong lãnh vực xã hội, đã giúp Hậu tìm ra được những vòng xoáy, đã đẩy con người vào hoàn cảnh éo le, bi thảm mà người ta thường gọi là số mệnh.

Hậu tin cuộc đời của mỗi người luôn luôn có hạnh phúc và đau khổ. Hậu tin khi con người mù quáng ích kỷ, không có lòng độ lượng, bao dung, thì bi kịch sẽ xảy ra. Các bi kịch đều có một mẫu số chung là làm thương tổn tâm hồn con người.

Hậu nhớ tháng trước, đã có những đêm thật sâu, ngồi bên cạnh người mẹ đau khổ vì con trai nghiện hút. Người mẹ đã tự trách mình vì quá lo làm ăn, đã không chăm sóc con. Nhưng sau đó, bà thố lộ thêm, phải chi lúc hai vợ chồng ly dị, bà lo cho con, chú ý đến nó hơn, thì chắc thằng bé không sa vào nghiện ngập. Như chiếc lá bị cuốn theo chiều gió bà thầm thì tiếp: “Phải chi tôi không quen người đàn ông ấy, phải chi tôi không nghe lời ông ta, không cho ông ta vào nhà, để con tôi phải bỏ ra đường giữa đêm khuya. Phải chi tôi không mù quáng để ông ấy la mắng con tôi giữa bạn bè của nó. Cô ơi, tôi không xứng đáng làm mẹ. Tôi đã hại con tôi rồi”. Hậu nhìn thấy gót chân người đàn bà đang tuôn máu vì giẫm lên thảm gai nhọn của tình yêu.

Hai tuần lễ nay, Hậu được tòa báo yêu cầu làm phóng sự về tệ nạn mại dâm tại một vùng ở khu downtown. Hậu đã có những đêm dài đi theo bước chân của cô bé giang hồ. Ban ngày nó đi học, hiền lành, đơn sơ, có vẻ rụt rè, ít nói. Nhưng khi trời càng vào đêm, con bé từ  từ lột xác. Đôi mắt nai tơ được viền đường vẽ đen đậm, chợt sáng như sao, khuôn mặt trẻ thơ trở nên lầm lỳ, lạnh tanh. Chiếc quần thun đen bó chặt đôi chân khẳng khiu. Mái tóc cột cao. Chiếc áo lạnh cao cổ màu xám, chiếc khăn quàng cổ dày màu xanh lá cây. Nó chỉ mặc mỗi bộ quần áo đó. Theo sau nó là năm thằng bé cỡ tuổi với nó. Chúng nó thường lẩn quẩn ở những góc tối của các cây xăng. Khi có dấu hiệu từ một trong năm thằng bé, con bé thản nhiên đến bên xe của khách, mở cửa đường hoàng bước lên, và chiếc xe lao vút đi.

Một buổi sáng Hậu đón đường khi nó đến trường, vừa đi vừa gợi chuyện. Con bé im như thóc, nhưng khi Hậu đề nghị gặp nó tại cây xăng đêm nay, đôi mắt nó chợt long lanh, giọng lạnh buốt: “Năm chục”. Hậu nhìn nó: “Có thế thôi à!” Nó chợt nhìn xuống, im lặng. Hậu đi vượt lên trước và nói: “ 7 giờ tối nay”.

Đậu xe trong góc tối, Hậu thấy con bé đi một mình, không có năm thằng cận vệ, môi giới. Hậu nổ máy xe trờ tới bên nó, con bé lên xe, Hậu phóng ra xa lộ, nó hỏi: “Cả đêm không?”, “Cả đêm”, “Già hay trẻ”, “Già”. Con bé im lặng. Hậu hỏi:“Sao lại hỏi già hay trẻ, nghề này có chọn lựa à?” Con bé im lặng. Hậu hỏi: “Em bao nhiêu tuổi?”, “16”, “Em làm nghề này từ bao giờ”, “Một năm rồi”  Một lúc, nó hỏi: “Gần đến chưa?”, “sắp” Nó nói tiếng đứt quãng: “Sợ người già” Hậu ngạc nhiên: “Tại sao ?” Con bé im lặng.

Hậu quẹo xe vào con đường nhỏ, cho xe vào garage, và mở cửa xe: “Đến rồi”. Con bé mở cửa xuống xe đi theo Hậu vào nhà. Hậu ngồi xuống ghế salon và nhìn con bé: “Em ngồi đi.”

Tự nhiên con bé run rẩy: “Ông ta đâu?”  Hậu nhìn con bé: “Người ta thuê cả đêm, sao vội thế?”, “Em sợ ông ấy lắm”. Đến phiên Hậu run rẩy: “Em nói ai, ở đây không có người đàn ông nào cả?” Con bé nhìn dáo dác, tự nhiên nước mắt đầm đìa: “Em đã đến đây, nằm trên cái ghế này, trên sàn nhà, bị kéo lê trên thang lầu, bị hành hạ suốt một đêm dài. Sáng hôm sau, ông ấy chở em đến khu shopping, thả em ở đo.” Cơn phẫn nộ dồn ứ lên cổ, tràn ra hai tai, hai mắt. Hậu chồm tới lay vai con bé: “Ông Luân phải không? lão ấy phải không?” Con bé hốt hoảng chỉ bức ảnh bán thân của ông Luân treo trên tường: “Em không biết tên, nhưng chính là ông ta” Hậu gào lên: “Tại sao em lại gặp lão ấy?” Tiếng con bé nức nở: “Hai năm trước, em đi học về, có tiếng xe thắng phía sau, em quay lại, thì đã bị một người kéo lên xe chạy thật nhanh. Ông ta nói em không được la, nếu không ông ấy sẽ giết. Ông ấy dắt em vào nhà cho em ăn cơm, rồi ông ấy bắt em phải nằm xuống nền nhà…” Hậu buông vai con bé, xuống bếp uống một lúc hai ly nước để trấn áp cơn buồn nôn thốc tháo. Con bé vẫn thút thít. Hậu rót ly nước cho nó và hỏi :“Em đang ở với ai?”, “Với mẹ và dượng” , “Em có anh em gì không?”, “Có anh, nhưng anh bỏ đi lâu rồi”, “Mẹ có biết em làm nghề này không?”, “Không”, “Em đi nguyên đêm mà mẹ em không nghi ngờ sao?”, “Em thường nói qua ngủ nhà bạn”, “Tại sao em làm nghề này?”, “Em không muốn ngủ ở nhà”, Hậu cau mày: “Tại sao?” Con bé chợt ôm mặt: “em không muốn ngủ với dượng!” Bàn tay của Hậu vung mạnh, tát thẳng vào má con bé. Nó chợt nín khe, hai tay buông thõng, thảng thốt nhìn Hậu. Hậu chợt tỉnh, ôm chặt con bé vào lòng: “Em ơi, đừng làm nghề này nữa, em cũng không phải về nhà nữa, em sẽ đến ở với chị” Con bé vùng khỏi tay Hậu: “Không, em không ở nhà này, em sợ ông ta”. Hậu nói như trong cơn mê: “Chúng ta không ở đây, không bao giờ chúng ta bước vào nơi nhơ nhớp này nữa. Chị sẽ tố cáo ông Luân. Chị sẽ tố cáo dượng của em nữa. Chị sẽ đưa hai kẻ vô đạo đức này ra trước pháp luật” Có tiếng con bé: “Rồi mẹ em ở với ai?” Hậu sững người: “Mẹ em?”, con bé gật đầu: “Em thương mẹ, mẹ em rất cần dượng” Hậu thấy con bé đang lăn mình trên thảm gai nhọn của tình yêu! Toàn thân nó rướm máu, nhưng dường như nó không biết đau!

Hậu thu xếp quần áo đồ đạc, chở con bé về nhà nàng. Hậu bảo nó: “Ngày mai, chị sẽ chở em về nhà, gặp mẹ và dượng em, xin phép cho em đến ở với chị” Con bé hỏi: “Chị không tố cáo dượng em chứ!” Hậu bấm nút hạ kính xe, làn gió mát lạnh tạt vào mặt, Hậu hỏi: “Theo em thì chị phải làm gì?”, “Cũng tại em bị ông Luân hại rồi, và tại mẹ đi làm đêm hoài, nên dượng mới làm vậy, chị bỏ qua cho dượng đi”, “Em hứa với chị sẽ không làm nghề này nữa!” con bé nhìn Hậu gật đầu.

Hậu nắm tay nó siết mạnh và nghĩ đến việc phải tìm một bức ảnh của ông Luân cho phần phóng sự.

PDH – 10/12