Bước chân lên trại tị nạn Galang, tôi bắt đầu nhớ nhà da diết. Suốt 17 ngày lênh đênh trên biển cả, đối diện với tử thần chúng tôi đã không có thời giờ nghĩ đến những người thân trong gia đình. Giờ đây, hàng đêm nằm trong barrack, cuộc sống nhàn nhã đến nỗi nhàm chán, và nỗi niềm nhớ nhà cứ dằn vặt khôn nguôi. Trong khi tôi mong chóng đến ngày rời khỏi trại tị nạn để đi định cư ở một đệ tam quốc gia thì ở đây cũng có người không muốn rời đảo. Tôi nghe mấy người này bảo nhau là thời gian ở đảo là thời gian tuyệt vời, mấy người này có bạn bè đi định cư gửi thư qua đảo than thở đang sống cực khổ ở nước họ đang định cư, và tiếc nuối cái thời gian bên đảo. Tuyệt vời gì tôi không thấy, chứ hàng ngày đi lãnh đồ ăn trợ cấp của Cao ủy Liên Hiệp Quốc, rồi từ sáng đến chiều không có chuyện làm, chỉ đi ra đi vô vòng vòng cái barrack làm tôi muốn phát điên. Tôi không hiểu người ta tiếc nuối cái nỗi gì trên hòn đảo này.

Một góc trại tỵ nạn Galang – Photo Buivanphu
Khi mới lên đảo, bác Minh bún thang kêu tôi nhập chung hộ với bác nhưng tôi không chịu. Lý do đơn giản là bác Minh mang theo cô con út tên Nga. Cô bé này có tính lẳng lơ, hồi trên ghe cô đã õng ẹo để mấy anh thanh niên đi vượt biên chung tán tỉnh, lên đảo có thêm một đám thanh niên bám theo. Tôi sợ nhập chung hộ với bác Minh, bác bắt tôi phải đi canh giữ con gái bác thì rất phiền toái. Thay vì vậy, tôi nhập nhóm với đám thanh niên cỡ tuổi tôi vui hơn. Tụi tôi thay phiên nhau nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, và làm các việc nội trợ khác không thua gì đàn bà.
Tôi còn nhớ rất rõ mỗi chiều khi cơm nước xong, tôi ra ngồi ở cửa sổ hóng mát, hút thuốc, và nhìn màn đêm buông xuống. Lúc đó bốn bề yên tịnh, có thể nghe tiếng côn trùng rỉ rả. Đúng 7 giờ tối, loa phóng thanh của trại đọc một số tin tức, thông báo sinh hoạt trại tị nạn, và cuối cùng là danh sách của những người có tên được đi định cư ngày mai. Ngay sau đó là tiếng hát của Khánh Ly trong ca khúc “Biển Nhớ” của Trịnh Công Sơn. Tiếng hát khàn khàn của nữ ca sĩ nghe não ruột làm sao, và tôi thấm thía nhất là cái câu: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn mờ, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn”.
Tâm trạng của những người còn đang kẹt trên đảo, nghe tin ngày mai có người đi định cư mà không có tên mình trong danh sách, đã buồn rồi nghe ca khúc đó còn buồn hơn. “Nghe ngoài biển động buồn hơn”. Từ barrack đến bờ biển cũng hơn cây số, nhưng lúc nghe bài hát đó, tôi có thể nghe được từng cơn sóng bạc đầu vỗ mạnh vào bờ. Tôi có thể thấy rõ cảnh biển động, cảnh thuyền nhân chống chọi giữa phong ba để giành sự sống. Lên đảo cả mấy tháng rồi mà tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cảnh vượt biên. Ban ngày thì đi ra biển hay lên thư viện đọc sách để giết thời giờ nên tôi không phải suy nghĩ nhiều, nhưng cứ đến đêm là cảnh chiếc ghe chòng chành trên biển lại hiện ra, cả trong giấc ngủ.
Ở trên đảo tôi quen được một anh tên Lâm, có biệt danh là Lâm “chúa đảo”. Anh được gán cho cái biệt danh này là vì anh đã ở trên đảo này trên hai năm, và không được quốc gia nào nhận. Lý do là hồi xưa anh tham gia băng du đãng, nổi đình nổi đám một thời trên đảo Kuku và Galang. Sau này cảnh sát Indo bắt hết những tay du đãng máu mặt từng gây án mạng và đem nhốt tiệt ở trại giam nào đó trong đất liền không ai biết được. Anh Lâm được tha vì anh tuy có tham gia đâm chém nhưng chưa giết ai bao giờ. Tuy nhiên khi nhìn vào cái lý lịch du đãng của anh không quốc gia nào dám nhận, vì thế anh Lâm đành chọn Pulau Galang làm quê hương thứ hai. Lâm chúa đảo có khuôn mặt rất ngầu và tóc để dài đến lưng như con gái. Lúc mới lên đảo, nghe đến hai chữ “chúa đảo” tôi cứ nghĩ là những người này có mái tóc dài như Robinson Crusoe, nhưng rồi tôi thấy trên đảo này có quá nhiều con trai để tóc dài, và tôi tự hỏi không lẽ chúa đảo nhiều đến như vậy sao? Sau này tôi mới biết là tại vì không có tiền hớt tóc cho nên con trai hay để tóc dài, khi nào đi định cư, được tiền cao ủy phát đi cắt tóc luôn cho tiện.
Ngoài mái tóc dài quá vai, Lâm chúa đảo còn có một khuôn mặt ngầu đời và một thân hình vạm vỡ. Tuy anh không được cao, nhưng cái bề ngang của anh cũng đủ làm cho đối thủ khiếp sợ. Thấy tôi đi lại với một tay du đãng bạn bè ai cũng ái ngại và lo cho tôi sẽ bị hư theo. Riêng tôi biết rõ mình hơn ai hết, tôi không thể dễ dàng hư người như vậy được. Hồi còn ở Việt Nam nhà tôi cấm không cho tôi chơi với những đứa trẻ hàng xóm không được đi học, những đứa như thằng Cu con ông lái xe ba bánh, thằng Lượm con bà bán bánh mì, thằng Khánh con ông Đến, thằng Dũng con bà Xuân me Mỹ, và cái đám trẻ trong xóm Quảng Ngãi. Thật ra thì mấy đứa trẻ này đâu phải dân du côn, tụi nó cũng hiền lành chất phác, chỉ vì hoàn cảnh kinh tế gia đình không được khá cho nên phải ở nhà phụ cha mẹ buôn bán. Chỉ vì bươn chải quá sớm nên mấy đứa trẻ này rất sành đời và ăn nói như người lớn, buột miệng là chửi thề. Đó là lý do ba má tôi không cho tôi giao du với tụi nó.
Lúc đó, tôi nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa chiều chiều tụ tập chơi những trò chơi của tuổi thơ như tạt lon, dích tán, năm mười, đá ngựa, tôi thèm lắm. Thế là sau khi xong xuôi bài vở tôi trốn nhà để đi chơi với mấy đứa bạn cùng tuổi này. Mỗi lần ba tôi bắt gặp được là tối hôm đó tôi bị ăn đòn. Một hôm, anh Nam đi học ở Sài Gòn về nhà chơi, thấy tôi ngồi chung với đám nhóc vô công rỗi nghề này ở ngã Năm. Anh ngoắc tôi đi theo anh. Chiều hôm đó tôi bị một trận đòn thừa sống, thiếu chết. Ở Việt Nam anh Nam học Thái Cực Đạo đến đai nâu, không biết hôm đó anh có dùng các ngón võ để trừng trị thằng em của anh không, tôi chỉ nhớ là anh đã ra đòn rất mạnh. Tôi bị đau nhưng nhất định không hở môi xin tha. Nhưng trận đòn nhớ đời đó cũng đâu có ngăn cấm tôi đi ra ngoài chơi, vài hôm sau vết thương trên người lành lặn là tôi lại tìm đến đám bạn hàng xóm. Tôi phải công nhận hồi nhỏ tôi lì lợm và bướng bỉnh thật. Tuy nhiên một điều tôi biết rất rõ là tôi chơi với bạn nhưng không bao giờ bị lây tính xấu của bạn.
Vì thế khi lên đảo Galang, tôi vẫn lân la qua lại với Lâm chúa đảo. Một hôm tôi lâm bệnh, một bên háng của tôi bị nổi hạch, người thì nóng như than, nhưng tôi lại cảm thấy lạnh run. Thấy tôi trùm kín mền, Lâm chúa đảo đến hỏi thăm và biết tôi đang bị sốt nên anh liền chạy lên phòng thông tin yêu cầu xe cứu thương đưa tôi đi trạm xá. Tôi còn nhớ hôm đó Lâm chúa đảo vừa đi tới đi lui trong barrack vừa la ó và chửi rủa. Người mà anh nhắm chửi là anh Hưng và anh Dũng, là hai đàn anh trạc tuổi 30 nằm gần cách tôi hai chiếc mùng. Hai anh này cao lớn và đô con không thua gì Lâm chúa đảo, nhưng bị chửi hai anh im re.
Vài hôm sau tôi bình phục, một hôm đi biển chơi với anh Hưng, anh nói úp nói mở là tôi coi chừng đừng quá thân thiết với Lâm chúa đảo. Đại khái là anh nhắc nhở tôi cuộc sống ở đảo này chỉ là tạm bợ, tương lai của mình ở bên Mỹ, đừng để nặng nợ với ai ở đây. Anh Hưng không dám nói thẳng có lẽ vì sợ. Tôi nói cám ơn anh đã quan tâm, nhưng anh khỏi lo, tôi biết rất rõ phải làm gì.
Cũng như bao nhiêu người khác, nỗi lo lắng của tôi là sẽ đến nước nào để định cư. Lúc mới lên đảo, ai cũng khuyên tôi là chỉ nên đi những nước như Mỹ, Canada, và Úc. Ba quốc gia này có số người xin đi tị nạn đông nhất, cho nên thời gian chờ đợi cũng lâu, còn ai muốn đi nhanh thì ghi tên vô mấy nước ở Châu Âu như Tây Đức, Anh, Pháp. Thỉnh thoảng cũng có những nước nhỏ như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Na-Uy đến trại tị nạn phỏng vấn. Thuyền nhân có thể ghi tên ngay ngày phái đoàn đến trại, phỏng vấn xong là tuần sau có tên gọi đi định cư. Lúc mới lên đảo được hai tháng, chờ hoài không thấy có phái đoàn Hoa Kỳ đến phỏng vấn, tôi đã dại dột làm theo mấy đứa bạn trên đảo, nộp đơn phỏng vấn hôm phái đoàn Áo đến đảo. Cũng trong ngày hôm đó, tôi đổi ý và lên xin rút tên. Thật ra thì tôi chẳng phải lên xin rút tên, mấy người ở đảo lâu nói cho tôi biết là đến ngày định cư nếu tôi không có mặt ở cầu tàu là người ta tự hiểu là mình rút tên. Số người phỏng vấn hôm đó chưa đến một chục, và đúng một tuần sau, khi trời vừa sụp tối thì tôi nghe tất cả số người này được đọc tên trên loa phóng thanh của trại, sau đó là bài “Biển Nhớ” với giọng khàn khàn của Khánh Ly: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn mờ, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn”. Vài tuần sau, tôi nhận được một lá thư của một người bạn có mặt trong ngày định cư Áo quốc. Bạn tôi than quá xá, nó kể lại là khi máy bay vừa đáp xuống thủ đô Vienna, lúc đầu nó vui vẻ và hớn hở khi nhìn thấy vẻ nguy nga tráng lệ của một đất nước văn minh. Niềm vui qua thật mau khi người bảo trợ ra đón nó và chở về nông trại cách thủ đô mấy giờ đồng hồ lái xe. Thằng bạn bị bảo trợ bắt làm việc đồng áng từ sáng đến tối và không được cho đi học. Cuối thư nó nói là tiếc nuối thời gian tuyệt vời ở đảo.
Ở trên trại tị nạn Galang cũng có nhiều người bị kẹt mặc dù không có phạm pháp như Lâm chúa đảo. Những người này đa số không có thân nhân ở nước ngoài và không có bất cứ tiêu chuẩn ưu tiên nào để đi Mỹ. Sau khi họ bị ít nhất hai quốc gia từ chối, họ chỉ còn nước là chờ đi Mỹ theo diện nhân đạo mà người tị nạn trên đảo gọi là diện “hốt rác”. Có nhiều người phải chờ ở đảo đến ba năm! Riêng tôi thuộc diện “con bà phước”, có nghĩa là dưới tuổi vị thành niên và đi một mình, cho nên thuộc loại ưu tiên đi qua Mỹ rất nhanh. Thế mà suýt chút nữa tôi dại dột chôn tuổi xuân ở một vùng nhà quê nước Áo. Lúc đó tôi khai là có ông Ngoại và ông anh họ ở bên Mỹ. Phái đoàn Mỹ tìm người thân rất nhanh, vài tháng sau tôi nhận được thư báo có nhà thờ Tin Lành Lutheran ở San Francisco đứng ra bảo trợ cho tôi về tạm cư nhà ông anh họ ở vùng San Jose.
Tính ra thì tôi chỉ ở trên đảo chưa đến hai tháng, vậy mà tôi cảm thấy nó dài lê thê. Ai tiếc nuối cái kỷ niệm ở đảo tôi không biết, riêng tôi ngày rời đảo tôi mừng hết lớn. Đêm trước ngày rời đảo tôi lại ngồi hút thuốc bên cửa sổ khi màn đêm buông xuống, tôi biết rằng đêm nay là đêm cuối cùng tôi nghe Khánh Ly rên rỉ: “Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn mờ, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn”. Đêm đó Lâm chúa đảo đến chào tạm biệt, nét mặt vẫn lạnh như chì, anh nói:
“Chú mày lên đường bình an, thỉnh thoảng rảnh thì gửi thư về thăm anh!”
Tôi chỉ dám hứa là tôi sẽ cầu nguyện cho anh mau được định cư. Lâm chúa đảo cười chua chát:
“Mấy lần phái đoàn Mỹ đến đây hốt rác nó còn chê tao, chắc tao sống ở cái hòn đảo này cho đến ngày nhắm mắt luôn.”
Ngày hôm sau chúng tôi rời trại Pulau Galang, một tàu mã lực lớn chở chúng tôi qua trại chuyển tiếp ở Singapore, cũng hòn đảo này trước đây khoảng năm tháng chúng tôi đến gần bờ bị cảnh sát Singapore tống trở lại biển. Ngày hôm nay chúng tôi cập bến Singapore bằng tàu của Cao Ủy tị nạn, không ai dám ngăn cản chúng tôi. Trên hành trình này tôi quen được anh Minh và một người bạn trẻ khác trạc tuổi tôi. Chúng tôi tạm trú lại trên đất Singapore khoảng một tuần lễ. Suốt tuần lễ đó chúng tôi nhận được tiền của Cao ủy phát, ăn xài không hết. Anh Minh có người em bà con đang tạm trú ở Singapore cả mấy tháng. Người này đến thẳng Singapore từ Việt Nam và đang chờ ngày định cư. Anh ta rất rành chuyện đi lại ở xứ Tân Gia Ba. Anh nói có bao nhiêu tiền Cao ủy cho cứ mang ra xài sạch đi, mang qua Mỹ không xài được đâu. Thế là chúng tôi ngày thì đi shopping, xem ciné, đêm về ăn nhậu xả láng. Tôi đi cùng chuyến bay với anh Minh rời Singapore, khi máy bay đáp xuống phi trường Anchorage, tiểu bang Alaska là lúc chúng tôi chia tay. Tôi bay về California, còn anh Minh bay về một tiểu bang miền đông băng giá nào đó của nước Mỹ. Nhưng rồi vài năm sau tôi gặp lại anh Minh ở một hội chợ Tết ở thành phố San Jose, lúc đó tôi thấy anh mặc áo nâu, chắp tay sau đít đứng rất nghiêm. Hóa ra là anh theo phong trào kháng chiến của ông Hoàng Cơ Minh. Tôi chỉ có dịp trao đổi với anh vài câu, sau đó chúng tôi mất liên lạc. Tôi biết là vào những năm giữa thập niên 80 có nhiều thanh niên hưởng ứng lời của ông cựu Đề Đốc Hải Quân và quay về Thái Lan tìm đường cứu nước, trong số này có rất nhiều người hy sinh. Tôi không biết anh Minh có trong số đó không.