Những người tốt bụng, những người tử tế vẫn có đó trong cuộc đời này. Thỉnh thoảng, trên đường phố ở nhà ga hay trong bưu điện, ta vẫn gặp họ. Họ trông giống những người khác nhưng mang một tâm hồn cao quý, biết xót thương và chia sẻ với mọi người. Ông hàng xóm trong câu chuyện sau đây là một người như thế. Có ông và những người như ông, ta cảm thấy tin yêu cuộc đời hơn.

Thăm Nguyên
Năm tôi lên chín, có đôi vợ chồng lớn tuổi dọn đến ở nhà bên cạnh. Họ đàng hoàng và ăn mặc đúng theo tổ tiên gốc Ý của họ, việc trang hoàng nhà cửa cũng thế. Hình dáng bề ngoài của bà vợ quả có làm tôi hoảng sợ – đôi mắt màu đen của bà lạnh như đá dưới lòng suối giá băng và bà mặc chiếc áo đầm dài, cũng màu đen có viền trắng ở cổ. Đôi giày da trắng bóng được buộc bằng một sợi dây mỏng và cài bằng một hạt trai giả thật bự. Đầu tóc của bà trông như cái tổ chim.
Thời ấy, những năm đầu thập niên 1930, nhiều người còn đồng hóa người Ý với những gangsters nguy hiểm. Bà vợ có vẻ cô đơn vì không có ai trong xóm tỏ ý thân thiện với bà. Bà yêu chim chóc và cho chúng thức ăn mỗi ngày. Dáng đi chậm chạp, bà vãi các loại hạt ra khắp cái sân lớn. Cặp mắt lạnh lẽo của bà vẫn nhìn xuống khi bà chuyện trò nhẹ nhàng với lũ chim. Tôi không phải là chim nên cảm thấy sợ hãi đến lạnh người mỗi khi gặp bà.
Trái ngược hẳn với bà vợ, ông chồng rất cởi mở và thân thiện với mọi người. Mỗi khi nhìn thấy tôi, ông đều đưa tay lên vẫy vẫy. Miệng ông hé cười để lộ những chiếc răng trắng lớn. Mái tóc trắng xõa tung của ông gợi tôi nhớ tới một nhà soạn nhạc cổ điển nào đó. Khổ người to cao và khuôn mặt tươi cười ông làm tôi nghĩ đến Santa Claus, và sau một vài tháng ông trở thành một hình ảnh hơi có vẻ gì thần bí trong đời tôi.
Có lẽ tôi sẽ ít chú ý tới ông Conti hơn nếu như không có chiếc xe Buick màu đỏ đời 1928 của ông. Một buổi sáng, do hứng chí, khi ông lùi chiếc xe đẹp ra ngoài nắng, tôi chạy băng qua đường tới đóng những cánh cửa gỗ nặng nề của cái garage nhà ông. Tôi mong được đứng gần chiếc xe hơi hơn nữa. Do thân hình béo tốt, ông thích ngồi yên trên xe để mặc thằng bé hàng xóm chạy loăng quăng làm nghĩa vụ.
“Này, con trai, tên con là gì vậy?”
“Jack,” tôi trả lời.
“À, Jackie, cám ơn con. Con ăn kẹo gum nhé.”
Bàn tay to lớn của ông cầm một gói chewing gum 5 thỏi đưa tôi.
Mối giao tình của chúng tôi cứ thế tiếp diễn trong nhiều tháng. Ít lâu sau, thảm kịch đến viếng đôi vợ chồng lớn tuổi. Bà Conti lâm bệnh. Những con chim không được cho ăn. Chúng đói và kêu chiêm chiếp, gọi người bạn thân yêu của chúng, người không bao giờ trở lại nữa.
Một hôm, tôi nhìn thấy những dải lụa đen treo trước cửa. Một sự yên lặng bao trùm ngôi nhà lớn. Những hàng xe đen, chỉ dừng lại giây lát rồi đi, một lúc sau trả ông Conti về nhà. Trong khi đó, chiếc Buick nằm yên trong bóng tối của garage.
Thời gian trôi qua. Cuối cùng, cửa garage mở toang và ông Conti vẫy tay chào tôi. Trên tay áo ông đeo một băng vải đen lớn. Tôi đứng nguyên một chỗ. Ông gọi: “Tới đây đi con, Jackie, ta có kẹo gum cho con đây.” Tôi bước qua con đường lát gạch đỏ với vẻ miễn cưỡng. Tôi biết có một nỗi buồn đã đến trong đời người bạn của tôi.
“Jackie này, ta sắp ra nghĩa trang để chăm sóc những bông hoa trên mộ vợ ta. Nếu con muốn đi dạo chơi một vòng thì hãy xin phép mẹ con xem sao.” Chỉ suy nghĩ trong giây lát, mẹ tôi cho phép ngay.
Tôi chờ cho chiếc xe lùi khỏi garage rồi đóng cửa lại. Tôi trèo lên chiếc xe mà từ lâu mình vẫn ngưỡng mộ. Tôi lấy tay vuốt ve lớp nhung êm trên ghế ngồi. Tôi cũng muốn sờ tay vào cái tay lái bằng gỗ sáng bóng. Tiếng máy nổ đều khi xe chạy xuống đường phố. Lúc ấy, ông Conti trông có vẻ buồn nhưng lòng tôi thì vui rộn rã.
Chúng tôi đậu xe lại trên con đường hẹp dẫn vào nghĩa trang, rồi đi bộ tới nấm đất còn tươi phủ đầy những bông hoa héo rũ. Tôi nghĩ có lẽ ông không muốn khuấy động sự yên tĩnh của vợ nên làm việc rất nhẹ nhàng. Có lúc ông lầm bầm điều gì đó, tôi nghe không rõ nên hỏi lại. Ông bảo: “Con trai này, con đi tới xe lấy cái bình tưới rồi ra vòi kia lấy đầy nước vào. Ta muốn tưới cái cây này để nó tươi tốt trở lại.” Rõ ràng ông muốn tránh câu “để nó khỏi chết…” Vậy đó, món quà quý giá nhất ông tặng tôi chính là thái độ nồng nàn, đôn hậu trước cuộc đời.
Nắm cái cần sắt lớn trong tay, tôi bơm lên bơm xuống cho nước mát tung tóe tràn vào bình tưới. Nó nặng thiệt là nặng và va vào chân tôi khi tôi kéo lê nó tới bên nấm mộ. Nhìn quanh và lấy làm bằng lòng, ông Conti lẩm bẩm một lời cầu nguyện và rồi nói giã từ, đoạn đặt tay lên vai tôi, dẫn ra chỗ chiếc xe đang chờ.
“Jackie, bây giờ ông cháu mình cần đùa vui một chút. Chúng ta ngừng lại chỗ sân banh kia và chơi vài đường banh.” Mắt tôi sáng lên và miệng reo to, “Vâng ạ!” Xe dừng lại. Ông mua một giỏ đầy những quả banh chơi golf và nhặt lên hai cái chày. Thế là hai ông cháu vui chơi suốt buổi còn lại. Điều này trở thành thói quen hàng tuần khi chúng tôi đi viếng mộ bà Conti.
Ông Conti sở hữu nhiều mỏ đá trong vùng. Mỗi khi cho trải nhựa hay lát đá những con đường trong tiểu bang, người ta đều phải lấy đá ở chỗ của ông Conti. Trong suốt mùa hè, tôi là người theo ông thường xuyên trong những chuyến đi làm ăn của ông. Ông đã dạy tôi nhiều điều về lòng tự hào ở chính bản thân mình.
Tôi đã từng nhìn thấy ông ôm vỗ về một người đàn ông vừa mất đi đứa con thân yêu. Tôi cũng từng thấy ông nhét hai chục đô la vào tay một thanh niên nghèo mới lấy vợ được mấy ngày. Ông khuyên một công nhân làm việc cho ông là hãy ở nhà chăm sóc bà vợ ốm sắp chết và ông bảo đảm với người này là vẫn sẽ được lãnh lương. Trông thấy một đứa bé đang chơi trước ngôi nhà tồi tàn của một công nhân, ông chạy tới nghiêng thân hình béo tốt của mình và vuốt đầu đứa bé, đồng thời nhét vào túi nó một gói kẹo gum. Hầu như mỗi người trong vùng đều nhận được cử chỉ thân ái của ông Conti.
Tôi vẫn hãy còn bé để nhận biết một sự mất mát trong đời mình. Ông Conti qua đời bất ngờ khi đang uống một ly vang với vài người bạn. Tâm hồn tôi bỗng đổ vỡ. Tôi buồn vô hạn và hụt mất đám tang của ông vì không ai quan tâm mang tôi theo. Ngôi nhà của ông trở thành hoang vắng, sầu thảm. Lũ chim từ lâu đã bỏ đi nơi khác. Lời chào vĩnh biệt của tôi đến vào ngày người ta mở cửa cái garage và lùi chiếc xe Buick ra ngoài ánh sáng. Tôi nhìn nó qua đôi mắt đẫm lệ và thấy nó khuất bóng. Nó đã đi xa nhưng hình ảnh ông Conti tươi cười, tử tế và dễ thương, đã dạy tôi bài học sống vì người khác, vẫn còn mãi trong ký ức của tôi.