Menu Close

Dọc đường nắng gió

Người sống ở vùng Đông Bắc Texas nói rằng, đất đai miền này bằng phẳng như mu bàn tay trông thật chán mắt. Thế nhưng được đi trên con đường nắng gió về hướng Tây Bắc, lại thấy toàn cảnh đồi cao thấp nhấp nhô như lòng bàn tay khum lại.

alt

12 quận hạt Tây Bắc Texas hiện là trung tâm điện gió lớn nhất nước Mỹ


Từ thị trấn Eastland (không hiểu sao lại gọi như thế. Có thể là điểm bắt đầu ngược về hướng Đông, phân rõ địa hình cũng như thảm thực vật khác biệt giữa hai vùng), cây cối xanh hơn, ôm theo vách đứng đồi thấp, có thung lũng đẹp. Vượt qua vài chục dặm đến Sweetwater, miền đất đỏ bazan chuyển sang vùng đất xám bạc khô cằn. Xương rồng mọc nhiều, cây thấp lè tè gần như hoang mạc. Rẽ vào đường 84 đi Lubbock, đồi trọc chập chùng, hoang vắng, chỉ có rừng cánh quạt phong điện quay tít trong trời gió lộng.

alt

Vùng đất này có hơn mười ngàn turbine gió hoạt động

Dọc đường lang thang trên vùng đất này, hẳn lòng người cảm thấy mình không khác gì anh chàng Donkishot cưỡi con “xế hộp” đi đánh với cối xay gió mà không biết phải “nhập trận” vào cối xay nào. Quá nhiều cánh quạt phong điện nối tiếp nhau không tài nào đếm xuể và lòng càng hoang mang hơn khi không thấy “một túp lều tranh hai quả tim vàng”, xa xa xuất hiện một vài nhà kho xiêu vẹo, nghèo nàn nhưng gió ở đây thì thật hào phóng. Chính vì thế, miền đất này trở thành cánh đồng điện gió lớn nhất nước Mỹ, cung cấp một phần điện năng cho các tiểu bang khu vực Tây Nam. Theo thống kê, khởi đầu con số cánh quạt điện ít ỏi từ năm 2000, đến nay, riêng 12 quận hạt thuộc vùng Tây Bắc Texas đã xây lắp hơn mười ngàn turbine điện xài sức gió, sản xuất trên 26 triệu MWh (Megawatt giờ).

Điện gió hay năng lượng xanh trở thành một nhu cầu cấp thiết trên thế giới không riêng gì nước Mỹ. Dầu thô ngày càng đắt đỏ, năng lượng hạt nhân thì quá nguy hiểm đối với con người, năng lượng từ mặt trời và gió hoàn toàn vô tận, an toàn nhưng đầu tư ban đầu rất tốn kém. Và điều này đã khiến những nhà đầu tư phong điện trong nước dè dặt khi chọn mua turbine giá cao sản xuất trong nước. Không chỉ Trung Quốc mà cả Việt Nam thi nhau cung cấp thiết bị turbine và những bộ phận khác cho các nhà đầu tư năng lượng Mỹ. Người Mỹ chỉ sản xuất phần cánh quạt để tạo thành điện gió “Made in China-USA” hay “Viet Nam-USA” hoặc “China-Viet Nam-USA”. Chuyện “hợp tác” sản xuất điện năng tưởng chừng là một giải pháp giảm nhẹ giá thành đầu tư và đương nhiên giảm được giá thành sản xuất cho các ngành khác và người dân tiêu thụ điện. Ấy vậy mà nó trở thành một trận chiến của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trong chuyện chống bán phá giá turbine điện gió nhập từ Trung Quốc và Việt Nam.

alt


Người dân dùng điện gió để hoạt động các giếng bơm con thỏ cung cấp nước tưới.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố phán quyết sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với hai sản phẩm turbine điện gió và mắc áo thép nhập cảng từ Việt Nam. Đối với turbine điện gió, Bộ Thương mại đã khởi xướng điều tra vụ việc theo đơn kiện của Liên Minh Thương Mại turbine Điện Gió Hoa Kỳ (Wind Tower Trade Coalition). Trung Quốc cũng nằm trong diện điều tra. Mức thuế khởi đầu xác định đối với các nhà sản xuất, xuất cảng turbine điện gió từ Việt Nam là 52,67- 59,91% và Trung Quốc là 20,85- 72,69%. Phía Việt Nam, Tập đoàn CS Wind Group – bị đơn bắt buộc, chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 52,67%. Bị đơn bắt buộc khác là Công ty TNHH Vina- Halla Heavy Industries phải chịu mức thuế suất toàn quốc gần 60% do không chứng minh đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất riêng rẽ, không cung cấp các thông tin theo đúng thời hạn, cản trở quá trình điều tra…

alt


Người Mỹ chỉ sản xuất cánh quạt gió, còn turbine phải nhập từ Trung Quốc và Việt Nam vì giá rẻ hơn sản xuất trong nước

Cuộc chiến với “cối xay gió” trong lĩnh vực kinh tế chống bán phá giá turbine điện gió đang là điểm nóng thời sự trong những tháng cuối năm bỗng trở thành cuộc chiến chính trị cho bầu cử tổng thống. Chỉ sau vài tuần trong cuộc vận động tranh cử, Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (The Committe on Foreign Investment in the United State- CFIUS) điều tra và xác nhận không có cách nào để hạn chế rủi ro an ninh gây ra bởi các kế hoạch của công ty Trung Quốc, mở đầu cho cái cớ để TT. Obama đưa ra quyết định di chuyển 4 dự án của Công ty Ralls Corp sản xuất năng lượng điện gió gần một đơn vị Hải quân ở Oregon. Trong 22 năm trở lại, đây là dự án đầu tiên do công ty nước ngoài đầu tư bị ngăn chặn ở Mỹ. Thông báo từ Tòa Bạch Ốc trên truyền thông cho biết: “Có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Ralls Corp có thể có hành động đe dọa, làm suy yếu an ninh quốc phòng của Mỹ”. Lệnh cấm này cũng ảnh hưởng tới Sany Group, công ty sản xuất máy phát điện để chạy các turbine quay gió. Nhiều người cho rằng quyết định trên của Tổng Thống Obama đã đánh trúng tâm lý những người ủng hộ ông tái đắc cử. Phong trào bài xích Trung Quốc trên toàn nước Mỹ đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến giữa ông trước đối thủ Mitt Romney trên bàn chính trị.

Đường xa nói chuyện thời sự xã hội cũ xì nhưng lại liên quan đến “cối xay gió” cho đỡ cơn buồn ngủ để còn tỉnh táo ngắm nghía cảnh đồng bông trong mùa thu hoạch. Không cây cối cao nên nắng cứ trên đầu. Không một bóng râm, mút tầm mắt chỉ toàn màu nắng. Nắng nhiều thích hợp cho cây bông vải, nhưng mưa không nhiều lại là một cản trở lớn cho cây trồng. Hai bên đường tít tắp những cánh đồng bông vải xác xơ. Năm nay, người trồng bông lại mất mùa vì hạn hán. Nghe nói có vài quận hạt mất mùa đến 75% trên diện tích mấy trăm ngàn mẫu. Có nơi mất mùa ít hơn do gần nguồn hồ chứa nước. Những vùng khác, người nông dân phải thuê cột điện gió với giá 5,000 đô mỗi năm dùng điện chạy các máy bơm con thỏ đưa nước lên tưới cho cánh đồng. Những ruộng bông, cây lớn chừng gang tay đã ra bông lưa thưa điểm trắng làm bật lên nền đất đỏ khô cằn. Không thể thu hoạch được, máy cày buộc xới tung lên, tơi đất với hy vọng chờ mùa bông năm tới.

Giá bông thị trường New York nghe đâu tăng giá cao nhất từ thập niên qua, từ 60 cent lên 1.16 đô/cân. Nhưng điều đó cũng chẳng làm người trồng bông phấn khích, bởi sản lượng chỉ bằng phân nửa trong những mùa thu hoạch của mấy năm trước. Chính điều đó làm cho nhiều nước có nhu cầu sản xuất vải sợi, vội vã nhập bông thô ào ạt từ các nước sản xuất bông vải như Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Việc tăng giá bông tại thị trường Mỹ đã làm cho ngành xuất cảng bông vải Trung Quốc lời to. Trung Quốc âm thầm dự trữ một số lượng bông vải lên đến vài chục triệu tấn, trong khi kho dự trữ bông vải của Mỹ trống trơn do mất mùa liên tục.

Nhớ nhiều năm trước, có dịp đi qua những cánh đồng bông vải trên bình nguyên Grande phía Nam Texas vào cuối Tháng Mười, một biển trắng mênh mông màu tuyết. Thổ nhưỡng hẳn tốt hơn miền Tây Bắc đồi thấp nhấp nhô, hiếm hoi hồ nước. Dẫu đất đai vùng này khô cằn nhưng giàu nắng gió cung cấp cho khu kỹ nghệ trung tâm điện xanh và ngành nông nghiệp sản xuất bông vải lớn nhất nước Mỹ. Điều đó cũng đủ cho người dân Texas hãnh diện về nó khi có dịp đi dọc đường nắng gió trên xa lộ 84.

alt

Điện gió góp phần giúp cho người nông dân có nước tưới trên cánh đồng bông vải
NL