Menu Close

Tự truyện – kỳ 13

Dòng đời mãi trôi. Ba mươi hai năm sau, tôi đã quên mất là có một lần mình đã sống tạm bợ trong trại tị nạn xứ Nam Dương. Ở đất nước nào cũng có người tốt và kẻ xấu, và dù gì thì chúng tôi cũng mang nợ với các quốc gia Đông Nam Á này khi họ mở rộng vòng tay đón tiếp thuyền nhân. Dạo gần đây có phong trào du lịch để các cựu thuyền nhân tìm về nơi họ từng có một thời ăn dầm nằm dề. Tôi có xem qua các hình ảnh và các đoạn phim ngắn do các cựu thuyền nhân đi về ghi lại và đăng trên internet. Tôi xem rất kỹ, nhưng thú thật là tôi không nhận ra được nơi chốn mà tôi đã sống qua gần nửa năm trời. Cuối cùng tôi nghiệm ra một điều là có lẽ chúng ta chỉ nhớ về sự kiện nào đó khi nó mang lại kỷ niệm đẹp trong đời. Chẳng hạn như chuyện tôi sống trong trại tế bần Children’s Shelter hay ở trong gia đình Emery, thời gian cũng ngắn ngủi không hơn thời gian ở trại tị nạn Nam Dương. Thế mà tôi nhớ mãi, sau lần nối lại được liên lạc với ông Doyle Jones và mẹ con bà Rosalie Emery mùa hè năm 2012, bây giờ tôi vẫn điện thoại hỏi thăm họ, và hễ có dịp qua San Jose công vụ là tôi lại hẹn gặp họ đi ăn tối. Chỉ có tiếc một điều là tôi vẫn chưa gặp lại cô em Michelle Emery.

Đúng theo chương trình thì hôm đó chúng tôi hẹn gặp nhau ở khách sạn Pepermill, một trong những khách sạn đẹp nhất ở sòng bài Reno. Trước khi khởi hành từ San Jose tôi đã gọi điện thoại cho Michelle và thông báo là khoảng 5 giờ chiều tôi sẽ có mặt ở Reno, tôi bảo Michelle dẫn chồng con theo để tôi biết mặt và làm quen. Chúng tôi hẹn ăn tối ở Reno. Khởi hành từ San Jose khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi định tạt qua trường U.C. Davis để các con của tôi biết nơi bố chúng từng mài đũng quần hồi thập niên 80, sau đó ghé qua thủ phủ Sacramento du ngoạn một vòng, và ghé đến nhà ông cậu của tôi ở Elk Grove. Tuy nhiên, vì mất quá nhiều thời gian ghé lại Milpitas mua đồ ăn mang theo cho nên cuối cùng chúng tôi phải hủy bỏ chương trình ghé UC Davis và Sacramento để dành thời giờ ghé nhà ông cậu ở Elk Grove.

Cậu Mạnh là con trai trưởng xuất thân từ một gia đình quyền thế. Cha cậu, ông Triệu Khắc Huỳnh, từng là chánh án toà án quân sự Sài Gòn và mang cấp bậc đại tá trước năm 1975. Ông đã ra lệnh xử tử Nguyễn Văn Trỗi, kẻ âm mưu gài bom cầu Sài Gòn để ám sát Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Robert McNamara. Tôi nghe kể lại đúng ngày 30 tháng 4, năm 1975 khi quân đội miền Bắc chưa tiến vào Dinh Độc Lập thì đã có mật vụ tìm đến nhà ông Huỳnh. Ông và gia đình đã trốn khỏi Việt Nam trước đó cả tuần lễ, nếu không chắc chắn ông đã bị xử bắn ngay tại chỗ, vì theo lời kể lại của ba tôi thì sau khi ông Huỳnh xử tử Nguyễn Văn Trỗi thì ở ngoài Hà Nội người ta đã trao cho ông cái bản án tử hình và chỉ đợi ngày chiến Sài Gòn để thi hành án.

alt

Cậu Mạnh (trái) và tác giả tại Elk Grove, CA.

Gia đình ông Huỳnh có một nề nếp gia phong từ miền Bắc mang vào Sài Gòn rồi đến San Jose. Tôi nhớ có lần anh Nam dẫn tôi đến thăm ông bà Huỳnh ở San Jose. Lúc đó cả gia đình ông bà bao gồm bốn cậu con trai, hai cô con gái, và bà u già, tất cả sum vầy trong một căn nhà bốn phòng ngủ vùng miền Nam San Jose. Gặp ông, tôi nói:

“Cháu chào ông!”

Ông Huỳnh quát ngay:

“Thằng này ăn nói hỗn láo! Lần sau gặp ông mày phải khoanh tay và nói lạy ông ạ!”

Tôi tưởng ông nói giỡn, nhưng nhìn nét mặt ông nghiêm như đang thi hành án ở tòa quân sự thì chắc chắn ông không đùa. Nói xong ông bỏ lên lầu. Tôi không ngờ qua Mỹ mà còn gặp một ông quá phong kiến, tôi chịu thua ông luôn. Vì thế sau này tôi tránh né, ít dám bén mảng đến thăm cậu Mạnh. Sự thật thì tôi có quan hệ họ hàng khá xa với cậu Mạnh. Ba tôi gọi ông Huỳnh bằng cậu vì ông là em ruột của bà nội tôi, vì thế cậu Mạnh và ba tôi là anh em con cô con cậu, còn tôi với cậu Mạnh đại bác bắn cà-nông may lắm mới tới. Trong gia đình có bốn người con trai, ai cũng tốt nghiệp đại học ngoại trừ cậu Mạnh. Qua Mỹ năm 1975, cậu Mạnh hy sinh đi làm nuôi các em, cho nên ngày hôm nay tất cả em của cậu đều đỗ đạt. Cậu Mạnh lúc đó chỉ làm technician cho hãng IBM, hiện tại cậu làm social worker cho quận hạt Sacramento. Tôi gặp cậu lúc mới đặt chân xuống phi trường Oakland. Đón tôi đêm đó có cậu và hai ông anh họ của tôi là Thanh và Thịnh. Mẹ của anh Thanh là chị ruột của ba tôi, vì thế chúng tôi là anh em con cô cậu, cũng giống như cậu Mạnh và ba tôi cho nên có thể nói là bà con gần. Tôi ở nhà hai ông anh họ có rất nhiều điều mâu thuẫn và nhỏ nhặt không đáng kể ra ở đây, nhưng mâu thuẫn lớn nhất là anh Thanh không muốn tôi học lên cao, anh đã vạch sẵn tương lai cho tôi. Trong một bữa ăn, anh tuyên bố:

“Tao nghĩ mày không nên lấy bằng đại học, tốt nghiệp trung học là đủ rồi, sau đó đi làm assembler hoặc thợ tiện kiếm tiền giúp gia đình còn kẹt bên Việt Nam”.

Sự thật thì gia đình tôi ở bên Việt Nam lúc đó đâu đến nỗi túng thiếu, thậm chí trong thời gian đó ba má tôi còn biết xoay xở làm ăn và định gửi tiền qua Mỹ cho tôi. Tôi tưởng anh Thanh chỉ góp ý kiến cho nên tôi bỏ ngoài tai, chứ ước mơ của tôi cao lắm, không phải chỉ cái bằng trung học. Thậm chí ngày tốt nghiệp trung học tôi còn không thèm đi lãnh bằng tốt nghiệp. Nhưng rồi hai ông anh họ của tôi cứ lặp lại điệp khúc là bể học của tôi chấm dứt sau ngày tốt nghiệp trung học, thấy tôi không chấp nhận giải pháp đó họ ra vẻ khó chịu và bắt đầu đối xử không đẹp với tôi, cho đến một ngày bực quá tôi đem chuyện gia đình đi kể cho bà Joyce Thomas, một giáo viên tư vấn ở trường trung học Wilcox, bà lập tức gọi cảnh sát đem tôi vô Children’s Shelter. Sau này tôi nghe kể lại là trong gia đình ông anh họ tôi không có ai học cao, ngoại trừ người con trai út sau này qua Mỹ theo diện đoàn tụ và tốt nghiệp nha sĩ, còn lại 6 người con khác không ai có bằng đại học. Nếu vì vậy mà anh Thanh trù dập không cho tôi ngoi lên chỉ vì anh không muốn tôi hơn họ thì anh đã phạm một lỗi lầm lớn. Cả một chế độ còn không cản bước đường học vấn của tôi nữa là. Tôi đã sẵn sàng bỏ mạng sống để tìm tự do, sẵn sàng đối diện với cái chết để tìm đến tương lai tươi sáng hơn, điều đó nói lên tôi đã khao khát tự do đến mức nào.

Tôi gặp lại cậu Mạnh ở Elk Grove sau hơn 10 năm chứ không phải 32 năm, vì năm 2002 tôi đến U.C. Davis thuyết trình và có ghé thăm cậu lúc bấy giờ đang sống ở Sacramento. Lần này tôi mang theo vợ con để giới thiệu với cậu. Cậu Mạnh trước kia to cao như Mỹ, nhưng bây giờ ốm tong ốm teo, mới có 60 tuổi mà cậu đã còng lưng, đi đứng như một ông già. Thời gian tàn nhẫn thật! Chúng tôi chỉ dịp hàn huyên khoảng một tiếng là tôi phải chia tay để kịp lên đường đến Reno.

Đúng ra khoảng 6 giờ chiều thì chúng tôi có mặt ở Reno, kịp hẹn ăn tối với gia đình Michelle, nhưng một tai nạn kinh hoàng xảy ra trên xa lộ liên bang I-80 làm kẹt cứng cả mấy dặm, và mãi đến 8 giờ tối chúng tôi mới đến được khách sạn Peppermill. Tôi gọi điện thoại cho Michelle lúc bị kẹt xe và lúc đến khách sạn, nhưng không hiểu sao lúc nào tôi cũng gặp máy trả lời. Sáng hôm sau, trước khi rời khách sạn để đi chơi ở South Lake Tahoe, tôi gọi cho bà mẹ nuôi Rosalie và báo cho bà biết là tôi không gặp được Michelle.

“Michelle nó sẽ thất vọng vô cùng nếu không gặp được con. Ráng gọi lại lần nữa xem sao!”

Tôi nói cho bà biết là tôi đã gọi liên tục suốt từ hôm qua đến nay mà không liên lạc được. Tôi đoán là có lẽ  tôi đến trễ quá và tôi gọi chỉ nghe máy trả lời.

“Mẹ biết nó, tối hôm qua nếu con đến khách sạn trễ cách mấy đi nữa thì nó cũng sẽ cố gắng đến gặp con. Con có chắc là con gọi đúng số không? Nếu không gặp thì nghe tiếng nói của nó, chứ không phải giọng computer trong máy nhắn.”

Lúc ở Florida tôi có ghi số điện thoại của Michelle trong một mẫu giấy nhỏ và nhét trong bóp, nhưng sợ mẫu giấy này thất lạc cho nên trong lúc chờ đợi máy bay chuyển tiếp ở phi trường Los Angeles tôi đánh vào trong điện thoại cầm tay cho chắc ăn. Giờ nghe bà Rosalie nói vậy nên tôi mang mẫu giấy ra so sánh và thấy rằng tôi đã đánh sai một con số. Hèn chi! Giờ thì quá muộn rồi, tháp tùng trong chuyến đi chơi này còn có gia đình của bạn bà xã tôi. Chúng tôi không thể để họ đợi được, thế là tôi phải rời Reno và lái xe về hướng Nam, có nghĩa là càng xa thành phố Fernley, nơi cư ngụ của Michelle và gia đình. Trên đường lái xe, tôi gọi cho mẹ nuôi và nói với bà rất tiếc là tôi không gặp lại được cô em của tôi sau hơn ba thập niên mất liên lạc, và tôi nói với bà:

“Có lẽ đó là số phận. Maybe, it wasn’t meant to be!”

Bà Rosalie bảo tôi Michelle cũng nói giống hệt như vậy. Tuy nhiên sau đó tôi gọi lại và nói chuyện trực tiếp với Michelle, chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc qua email và facebook.

alt

Michelle Emery, Fernley, Nevada

Trưa hôm đó chúng tôi có mặt ở South Lake Tahoe, sau khi lấy phòng ở khách sạn chúng tôi rảo bộ xuống “biển”. Mặc dù chung quanh đây chẳng có đại dương nào nhưng lại có biển, lý do là hồ Tahoe quá rộng lớn, đứng từ bên đây hồ nhìn không thấy bên kia hồ, có lẽ vì nó quá bao la vô bờ bến nên thiên hạ cứ gọi bừa là biển. Trên bờ hồ cũng có cát vàng mịn, chắc chắn là được mang đến từ bờ biển thật. Vùng bờ biển South Lake Tahoe mà chúng tôi đang có mặt chỉ chạy dài khoảng một cây số thế mà họ bày ra đủ dịch vụ để kiếm tiền dọc theo nhà hàng và khách sạn ven biển, còn các trò chơi dưới nước thì bao gồm jet ski, parasailing, boat, canoe, paddle boarding… Khách sạn chỗ chúng tôi ở nằm ngay biên giới của hai tiểu bang Nevada và California. Lúc trước, khi tiểu bang Cali chưa thông qua đạo luật đánh bài, thì người dân Cali sống ở đây chỉ cần bước qua một con đường là đến ngay với thế giới đỏ đen.

Cả ngày Thứ Bảy hôm đó chúng tôi đi chơi biển, tối hôm đó ai cũng mệt rã rời và lăn quay ra ngủ. Đúng tối đó có băng nhạc đồng quê nổi tiếng là “Brad Paisley and the Band Perry” đến trình diễn ngoài trời ở South Lake Tahoe, cách khách sạn chúng tôi đang ở khoảng một trăm thước, cho nên đêm đó tôi ngủ chập chờn vì tiếng nhạc xập xình cả đêm.

Sáng hôm sau, trong khi mọi người còn say giấc nồng, tôi dậy thật sớm, sớm trước giờ văn phòng khách sạn mở cửa cho khách trọ vào uống cà phê và ăn quà sáng. Tôi lấy chiếc xe SUV lái vòng vòng kiếm cây xăng để mua cà phê và nhân tiện đi một vòng ngắm nhìn phố  xá cho biết. Hôm qua khi chúng tôi đến đây nhằm lúc có băng nhạc ghé thành phố hèn chi nó nhộn nhịp hẳn lên, bây giờ thì hoàn toàn trái ngược. Cái lạnh gai gai trong không gian gợn một chút sương mù làm tôi nhớ đến thành phố Pacific Grove, nơi chúng tôi sống tạm một năm khi tôi đi dạy ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại thành phố Monterey. Ghé cây xăng mua cà phê xong, thấy còn sớm, giờ về khách sạn thì mọi người chưa dậy cho nên tôi tiếp tục lái xe về hướng đồi cao. Có một mãnh lực nào đó xui khiến tôi cứ tiếp tục cho xe chạy bon bon trên xa lộ 50, hướng về Zephyr Cove. Cho xe đậu lại gần Zephyr Cove Resort & Marina, tôi bước xuống ngắm cảnh. Cả một biển nước xanh rì trải rộng bao la khoảng không gian trước mắt. Tôi chợt rùng mình khi nhớ lại một vùng xanh bao la khác, nằm bên kia bờ Thái Bình Dương. Tôi lái xe trở về khách sạn, cả lượt đi lẫn lượt về, không hiểu sao tôi cứ bị cái chợ Safeway nằm gần xa lộ 50 lôi cuốn. Không hiểu sao tôi cứ ngờ ngợ có điều gì đặc biệt ở ngôi chợ này, có liên quan đến tôi. Tuy nhiên, tôi vội gạt ý nghĩ đó đi vì đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố này, có quen biết ai ở đây đâu. Nhưng rồi, sau khi về lại Florida, nói chuyện với mẹ nuôi Rosalie tôi mới biết là con trai bà là Corey đã từng làm ở chợ Safeway, và nghĩa trang nơi Corey yên nghỉ rất gần Zephyr Cove.

Trên đường lái xe từ Lake Tahoe về San Jose, chúng tôi dừng chân ở Kirkwood Mountain Resort để cô con gái út là Jordyn tham gia trò chơi zip lining. Trò chơi này rất mạo hiểm, người chơi phải leo lên một cây cổ thụ cao ngút, được cột dây vào người, sau đó được thả rơi tự do và tuột theo sợi dây khoảng 100 mét. Trò chơi nguy hiểm thế mà Jordyn cứ đòi nằng nặc thế là chúng tôi phải dừng lại đó tạm vài giờ. Chàng thanh niên có nhiệm vụ cột dây an toàn cho môn chơi zip lining cho chúng tôi biết là trò chơi này và các trò chơi đạp xe vượt chướng ngại vật chỉ xảy ra vào mùa hè. Mùa đông ở đây tuyết phủ trắng xóa, trò chơi duy nhất ở đây vào mùa đông là trượt tuyết. Anh chàng chỉ lên ngọn núi cao chót vót và cho biết từ đây có các xe treo đưa người ta lên tuốt đỉnh núi, rồi từ đó họ trượt xuống theo triền dốc. Tôi nhìn lên đỉnh núi cao ngút ngàn và thầm thán phục những ai dám chơi trò này.

Hôm về lại Florida nói chuyện điện thoại với bà Rosalie tôi còn biết thêm cậu em Corey của tôi đã lâm nạn ở Kirkwood, và đúng ngay chỗ chúng tôi đã đi qua. Tôi không tin chuyện tâm linh, nhưng những điều trùng hợp trong chuyến đi chơi ở South Lake Tahoe làm tôi phải suy nghĩ. Tôi biết là tôi đã lỗi hẹn với chị của Corey, nhưng ít nhất tôi đã thăm viếng chỗ Corey sống những ngày cuối đời. Rất tiếc là tôi không ghé thăm Corey ở nghĩa trang nơi cậu yên nghỉ. Lần sau nếu có dịp ghé lại South Lake Tahoe, nhất định tôi sẽ đến thăm Corey, đặt một bó hoa và thắp một nén nhang.

alt

Jordy Ngọc Trân đang zip lining ở Kirwood

BTL