
1. Khám nướu răng
Nha sĩ khám và làm sạch nướu răng để giữ răng, nướu lành mạnh, không bị nhiễm trùng và bệnh.
Đo: phần nối kết giữa răng và nướu, khám vết sưng chung quanh nướu.
Tại sao cần: Phụ nữ mà nướu răng bị bệnh có nguy cơ sinh con thiếu tháng 7 lần hơn phụ nữ khác. Mà có bầu hoặc uống thuốc ngừa thai thì nướu răng lại hay bị bệnh, có lẽ vì sự thay đổi hormone.
Bao lâu: Mỗi năm hai lần, hoặc mỗi 3 hoặc 4 tháng, còn nếu nướu răng hay chảy máu, nên đến nha sĩ thường xuyên hơn.
2. Thử hormon kích thích tuyến giáp trạng (TSH – Thyroid Stimulating Hormone)
Thử máu để coi tuyến giáp trạng thiếu hoạt động (hypothyroid) hoặc hoạt động quá mức (hyperthyroid).
Đo: xem mức độ hormone trong tuyến giáp trạng có bình thường không.
Tại sao cần: Thời kỳ thai nghén và hậu sản thường đưa đến tình trạng bất bình thường của tuyến giáp trạng. Ngoài ra, từ 5 đến 10% mọi phụ nữ có thể bị bệnh về tuyến giáp trạng nhưng nhẹ. Mà nửa số này không được chẩn đoán. Cảm thấy mệt mỏi, mau quên, tăng cân là những triệu chứng thông thường của người mới làm mẹ, nhưng cũng là dấu hiệu của tuyến giáp trạng thiếu hoạt động. Ngược lại, tuyến giáp trạng hoạt động quá mức thường biểu hiện bằng nhịp tim đập nhanh, khó ngủ, mất cân, mà đây lại cũng được coi như trạng thái âu lo hoặc căng thẳng (stress). Nếu bạn đang cố có thêm con nữa, đây là thử nghiệm cần làm, vì sự bất quân bình nơi tuyến giáp trạng có thể ngăn không cho trứng đậu thai, và làm tăng rủi ro hư thai hoặc sinh con thiếu tháng. Nếu tuyến giáp trạng hoạt động yếu, bạn sẽ phải uống thêm hormone tổng hợp suốt đời; còn nếu nó hoạt động quá mạnh, thường được trị bằng radioactive iodine để giảm bớt sự sản xuất hormone tuyến giáp trạng.
Bao lâu: Mỗi năm một lần.
3.Thử máu toàn bộ (CBC – Complete Blood Count)
Thử máu để coi tủy và hệ thống miễn nhiễm có hoạt động không.
Đo: Các tế bào bạch huyết (nếu cao là bị nhiễm trùng), hemoglobin (thấp là thiếu máu) và tiểu cầu (platelets) – thấp có nghĩa máu khó đông lại)
Tại sao cần: Phụ nữ thường có kinh nguyệt nhiều sau khi sinh con nên dễ bị thiếu máu.
Bao lâu: Nên thử mỗi năm một lần.
4. Thử nghiệm huyết áp và Cholesterol
Hai thử nghiệm để xem trái tim có lành mạnh không và có rủi ro bệnh về tim không.
Đo: huyết áp nơi cổ tay để xem sự tuần hoàn máu trong thành mạch máu ra sao. Đo HDL (cholesterol xấu), LDL (cholesterol tốt) và triglycerides trong máu.
Tại sao cần: Phụ nữ thường nghĩ bệnh tim có mắc thì cũng là lúc về già, nhưng nghiên cứu cho thấy mạch máu có thể bị đóng mảng (plaque) nguy hiểm ngay từ những năm hai mươi tuổi nếu không có một cuộc sống lành mạnh như ăn uống kiêng cữ, tập luyện thể dục và không hút thuốc lá. Huyết áp thấp hơn 120/80 là lý tưởng. LDL cholesterol nên dưới 130 và HDL trên 50.
Bao lâu: Huyết áp có thể tự đo lấy, nên thực hiện thường xuyên. Cholestrol nên đo vào tuổi 20 rồi tiếp tục sau đó mỗi 5 năm, nhưng nếu cao thì nên thử nghiệm thường hơn. Nếu thấy rủi ro, nên xin bác sĩ cho thử nghiệm c-reactive protein (CRP). Đây là một chất trong gan có thể gây viêm sưng trong mạch máu, đưa tới nguy cơ bị bệnh tim.
5. Pap Smear
Thử nghiệm để tìm xem trong tử cung có những thay đổi gây ra ung thư hay không. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu phân tích pap smear xem trong đó có human papillomavirus (HPV), là một loại vi khuẩn thường truyền bệnh qua đường sinh dục không, nếu không được phát hiện có thể gây ra ung thư tử cung sau này.
Tại sao cần: Có kết hôn đàng hoàng không có nghĩa bạn không có hoặc không thể nhiễm HPV – hoặc ung thư cổ tử cung. Bạn hoặc người chồng đã có thể nhiễm loại virus này trước khi kết hôn, nhưng lắm khi nó không xuất hiện lúc thử pap smear trong nhiều năm. Nếu có kết quả không bình thường, có thể thử nghiệm HPV, hoặc bác sĩ có thể làm biopsy những khu vực nghi ngờ trên cổ tử cung để xem xét các tế bào có thể gây ung thư.
Bao lâu: Nếu pap smear bình thường trong ba năm liền và chỉ kết hôn một lần, thì nên thử ba năm một lần sau đó. Nhưng nếu pap smear không bình thường, hoặc mới thử HPV thấy dương tính (positive), bạn nên thử mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
6. Khám da
Bác sĩ khám da xem có dấu hiệu ung thư da hay không.
Tại sao cần: Trong và sau thời kỳ thai nghén, phụ nữ có nhiều thay đổi về nhiễm sắc tố trên da, đa số thường vô hại nhưng cũng cần để bác sĩ xem xét. Bác sĩ có thể làm biopsy những nốt ruồi hoặc chỗ da sù sì nào đáng ngại.
Bao lâu: Mỗi năm một lần khi khám sức khỏe tổng quát.
7. Thử đường trong máu
Để tìm bệnh tiểu đường
Đo: đường trong máu sau khi nhịn ăn uống 8 giờ.
Ai nên thử: Phụ nữ có huyết áp cao, hoặc cân nặng quá mức (cả những người tăng cân trong hoặc sau kỳ thai nghén), hoặc gia đình có người bị bệnh tiểu đường. Những người được chẩn đoán bị tiểu đường lúc thai nghén (gestational diabetes) có tới 50% sẽ bị tiểu đường loại 2 sau này. Nếu bị tiểu đường, bạn có thể chữa trị bằng phối hợp giữa ăn uống, tập luyện thể dục và nếu cần, chích thêm insulin.
Bao lâu: Đa số phụ nữ nên thử nghiệm ở tuổi 40, và 1 hoặc 2 năm một lần sau đó. Nhưng nếu có những yếu tố rủi ro, nên được thử nghiệm từ năm 30 tuổi. Nếu đã bị tiểu đường, hãy xin thử A1C để đo tỷ lệ đường glucose bám vào các tế bào hồng huyết cầu trong mạch máu. Nếu A1C trên 7, bạn có nguy cơ cao về những biến chứng của tiểu đường.
8. Thử nghiệm tỷ trọng khoáng chất trong xương (Bone Mineral Density)
Xem xét về bệnh loãng xương (osteoporosis). Mỗi năm ở Mỹ có 8 triệu phụ nữ bị bệnh này, xương xốp và yếu đi.
Đo: độ đậm đặc của xương bằng loại máy gọi là DEXA (dual energy photon absorptiometry).
Ai nên thử: Thông thường, thử nghiệm này làm khi người phụ nữ bước vào thời mãn kinh. Nhưng bạn có thể yêu cầu scan xương đơn giản ở tuổi 35 nếu trong gia đình có người mắc chứng loãng xương, nếu bạn đang uống thuốc trị tuyến giáp trạng, đang uống thuốc steroids để trị bệnh suyễn hoặc eczema. Những thứ thuốc này làm xương mất đi nhanh chóng, lại còn liên hệ đến sự tiết sữa. Nếu bạn không có đủ calcium trong thời kỳ thai nghén, thân thể bạn lấy nó từ xương để chuyển sang cho con nhỏ. Nếu scan mà thấy bạn còn đang loãng xương ở giai đoạn đầu (osteopenia), bác sĩ có thể đưa ra các giải pháp như luyện tập thể dục, uống thêm calcium hoặc uống Fosamax là thuốc ngăn không cho xương bị mất thêm.
Bao lâu: Tùy ở kết quả thử nghiệm. Nếu không có dấu hiệu sớm bị chứng loãng xương, có thể thử nghiệm khi bước vào thời mãn kinh.

Đo độ đậm đặc của xương bằng máy DEXA