Menu Close

Những kỷ niệm về tía tôi – Kỳ 1

Bây giờ, thành phố nơi tôi ở, đang là mùa Thu. Những chiếc lá đỏ rực rồi vàng úa của rặng cây phía sau nhà rơi đầy mặt đất, làm tôi nhớ lại mảnh vườn xoài cát của Tía tôi cũng phủ đầy những chiếc lá lìa cành vào những ngày Tháng Chín, khi con nước cuối cùng của mùa nước lụt hằng năm không còn dâng lên nữa. Vài con quạ ủ rũ đứng bên cành cây rụng hết lá không buồn kêu ra rả như mọi ngày. Mấy chú chim sẻ, chim bồ câu co ro dưới mái hiên căn nhà tôi đang trọ như ngủ vùi, không thèm hót líu lo hoặc bay đi kiếm mồi như mọi hôm vì tiết trời buổi sáng mùa Thu còn se lạnh. Mùi thơm nhè nhẹ của những chùm hoa lài, hoa hạnh ngào ngạt, mà tôi để gần bệ cửa nơi phòng khách, đang nở rộ. Những cánh hoa màu trắng tinh khiết mà bình dị này đã mang lại cho tôi nhiều nhung nhớ về mảnh vườn cam quýt của Tía tôi ngày xưa biết dường nào! 

alt

Hình Tía Má tôi (đứng phía sau từ bên tay mặt), nhạc mẫu và vợ chồng Hai Trầu trong ngày cưới 20 tháng 07 năm 1970

Kính dâng hương hồn Tía Má – Lúc còn sinh tiền, Má tôi rất thích cây kiểng. Nào là mai trắng, mai vàng, vạn thọ, dạ lý hương, huệ trắng, hoa lài. Còn Tía tôi lại thích vườn tược, cây ăn trái hơn. Mỗi lần những đóa hoa ở ngoài bàn Thông Thiên nở rộ là niềm vui của Má tôi. Còn những gốc cam, gốc quýt, gốc bưởi đầy bông sau vài cơn mưa đầu mùa là niềm vui của Tía. Có nghĩa là sau bao nhiêu công sức mà Tía tôi đã dành cho việc chăm bón mảnh vườn thân yêu của mình, nay bắt đầu có kết quả. Rồi những cánh hoa tàn đi, bay theo gió rớt rơi trắng đất với những nụ non nhú lên, càng ngày càng lớn dần đã mang đến cho Tía tôi một niềm vui thú điền viên tuyệt diệu…

Bình sanh, Tía tôi là một nông dân tay lấm chân bùn, nhưng am hiểu chữ Nho, mà không hủ lậu. Nếu không muốn nói, nhiều lúc Tía tôi còn cấp tiến hơn cả những người biết chữ Quốc ngữ hoặc theo Tây học sau này. Tía tôi sống với ruộng vườn, mà nghĩ thì nghĩ theo lời dạy của thánh hiền và dạy con cái theo cách riêng của mình. Cách riêng đó, không những bằng những lời dạy dỗ trong tình phụ tử, mà còn bằng những việc làm thực tế ngoài đời. Tiá tôi lo xây cất trường học là lo cái xa, lo tô bồi đường sá cầu cống là lo cái gần trong làng quê của mình. Trùng tu đình miếu là Tía tôi muốn dạy con cái trong trời đất có Thánh Thần. Kiến thiết chùa chiền là Tía tôi muốn khuyên con mình hãy giữ cái lòng từ bi của đức Phật. Trồng cây xoài, cây sao là lo chuyện dài lâu; trồng bụi chuối, bụi dưa là lo chuyện đời gần, cơm ăn áo mặc. Ngồi chuốt cọng nan đan cái sàng, cái rổ nhằm dạy con mình cái lòng kiên nhẫn. Lặn lội trên đồng hay móc đất dưới sông bồi vườn, bồi tược, Tiá tôi muốn dạy con mình cái cực của ông cha mà đừng phung phí hạt ngọc của trời hay tiền của của mẹ cha. Còn nhiều lắm, mỗi việc gì cha tôi làm đều mang một ý hướng khuyên con cái mình nên tu dưỡng tính tình, chớ coi thường việc gì dù việc nhỏ ở đời.

Tôi nhớ lúc chị em chúng tôi còn nhỏ, ở vào thời kỳ giặc giã, ly loạn, nào là tản cư Tây lưu lạc, rồi Tía tôi bị một loại thảo khấu thời loạn, bắt cóc chuộc tiền, đã dùng roi da bò đánh bầm cánh tay mặt. Mãi tới mấy mươi năm sau này, cứ mỗi mùa gió bấc tháng Mười Một, tháng Chạp, chỗ bị đánh năm xưa vẫn còn bị đau nhức, ê ẩm. Thế mà Tía tôi vẫn không chùn lòng, quyết chí chịu cực để cho con cái được đi học. Thuở sinh thời, Tía tôi tâm sự: “Các con phải ráng học. Học để biết chữ và hiểu biết những điều nhân, điều nghĩa, cùng cái lẽ phải trái ở đời.”

alt

Tía Má ngồi ở đầu bàn chủ trì lễ lạy họ đám cưới của con vào ngày 20 tháng 07 năm 1970.

Rồi để thực hiện cái ước vọng cho con đi học, trên bước đường tản cư, nơi nào có trường học là Tía tôi bằng mọi cách gởi con mình cho thầy giáo dạy giùm. Chiếc ghe tam bản của Tía tôi lũ khũ củi đuốc, lá dừa cùng những vật dụng cần thiết là gia tài mà Tía Má tôi mang theo được đã đậu dưới bến nhà thương Long Xuyên gần cả tháng trời. Lúc đầu mấy chị, mấy anh tôi phải đội những xề trái cóc đi bán theo các con đường gần đó. Lần lần, Tía tôi tìm cách cho các anh, các chị đi học các lớp sơ học tại đây. Rồi lại về quê ngoại, các anh chị được Tía gởi vào học tại trường tiểu học tại đình Bình Hòa.Tôi còn nhớ, ngày xưa khoảng đầu thập niên 50, khi mà trường trung học ở tỉnh rất hiếm, không có trường tư như sau này, Tía tôi đã bỏ ra một ngàn đồng bạc Đông Dương để hùn vào việc thành lập trường tư thục Quang Trung, cho có trường để anh tôi theo học từ lớp Đệ Thất. Một ngàn đồng ở thời điểm lúc bấy giờ lớn vô cùng, mà Tía tôi không bao giờ do dự, băn khoăn, so tính thiệt hơn chút nào, miễn sao có nơi, có chốn cho con mình đi học là quý rồi.

Trường Quang Trung được thành lập với những người có lòng như Tía tôi, và cũng mời được những giáo sư danh tiếng về dạy ngay từ những niên học đầu. Tôi nghe Tía tôi kể lại, mà tôi còn nhớ vài vị như giáo sư Nguyễn Cao Hách, giáo sư Nguyễn Đình Chung Song chuyên dạy môn toán. Giáo sư Nguyễn Đình Chung Song có chữ ký rất đặc biệt mà học trò đứa nào đã học với thầy rồi không thể quên được. Chữ ký của thầy là hai đường thẳng song song trong toán học. Sau này, anh tôi học khá, được chuyển sang trường Thoại Ngọc Hầu, rồi số tiền cổ phần một ngàn đồng hùn vốn này, Tía tôi không bao giờ để ý đến nữa. Tôi còn nhớ Tía tôi thường nói, mỗi khi có ai nhắc đến phần hùn xây trường Quang Trung: “Tiền bạc xài bao nhiêu cũng hết. Mình hùn tiền cất trường học thì còn hoài, cũng như cất chùa. Con mình không còn học ở đó nữa thì các cháu khác có chỗ học, cũng giống như con mình.”

Rồi trường tư thục Quang Trung sau này được chuyển thành trường bán công Khuyến Học, nó là hạt giống đã khơi mở ra một phong trào trường trung học tư thục nở rộ khắp các nơi tại thị xã Long Xuyên cũng như lan rộng đến các quận, các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Xin đơn cử vài ngôi trường tiêu biểu vào thời ấy để thấy cái lòng vì giáo dục của người lớn, cùng sự hiếu học của học trò thời thập niên 50, 60 nó lớn mạnh như thế nào. Nào là trường tư thục Huỳnh Văn Nhứt, trường tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Long Xuyên, trường bán công Nguyễn Hữu Cảnh ở Cái Dầu (Châu Đốc), trường bán công Tân Châu, trường bán công Hòa Hảo, trường tư thục Nguyễn Trung Trực (Chợ Mới), trường trung học Mỹ Luông, trường trung học Tạ Thu Thâu (Lấp Vò) vân vân… Sau này, ngay tại thị xã Long Xuyên có thêm trường tư thục Phụng Sự, trường Bồ Đề và ngoài trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu đã có từ lâu đời mà có lần nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã từng dạy ở đây gần ba niên học, còn có thêm một trường nữ trung học mới nữa, đó là trường Chưởng Binh Lễ.

LTT