Menu Close

Chiến tranh Việt Nam 50 năm sau

Cách đây mấy năm, cũng vào ngày này – 8 tháng 11, Nguyễn đã viết như sau: “Sắp tới ngày Cựu Chiến Binh-Veterans Day, người viết xin được cùng các bạn nghĩ về chiến tranh và những người lính trở về sau cuộc chiến.”
Vâng, ngày 11 tháng 11 – Ngày Cựu Chiến Binh luôn luôn gợi trong trí óc chúng ta, những người đã ném thanh xuân của mình vào cuộc chiến đó, những ý nghĩ và cảm xúc hoang mang, ray rứt. Đặc biệt năm nay chính quyền và nhân dân Mỹ tổ chức một lễ kỷ niệm mang ý nghĩa sâu sắc: Tuyên dương toàn thể những cựu chiến binh Mỹ đã tham dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam

Vâng, năm nay nhằm kỷ niệm Chiến Tranh Việt Nam, tờ USA Today ra một ấn bản đặc biệt mang chủ đề “50 năm sau – Fifty Years Later” (50 năm là tính từ năm 1962 khi các chiến binh Hoa Kỳ cùng chiến sĩ VNCH cùng bước lên trực thăng hành quân trong rừng già). Với người viết, việc có số báo này trong tay là do một sự tình cờ: Trưa hôm nay lang thang vào chợ Wal-Mart mua ít thức ăn cho buổi chiều, Nguyễn nhìn sang sạp báo thấy kích thước khác lạ của tờ USA Today với hình ảnh ba người chiến binh nổi bật trên tượng đài Kỷ Niệm Chiến Tranh VN ở Washington DC. Trên mặt tờ báo chạy hàng chữ lớn A SALUTE TO THE VETERANS OF THE VIETNAM WAR – Chào Mừng Những Cựu Chiến Binh Của Chiến Tranh Việt Nam. Bên trong số báo tràn ngập bài vở và hình ảnh về sự tham chiến của người Mỹ trong cuộc chiến diễn ra trên quê hương chúng ta. Điều làm người viết cảm động là nhìn thấy lại hình ảnh các cựu chiến binh lúc còn trẻ mà bây giờ đã về già. Nhìn những tấm ảnh này lại nghĩ đến mình và những bạn bè trong quân ngũ một thời. Ôi, thuở ấy người nào tóc cũng còn xanh và trong lòng đầy mộng tưởng: ba lô mang thêm hồn thơ văn –như câu thơ của Nguyễn Phúc Sông Hương mà Trần Hoài Thư đã dùng làm đề từ cho Thư Quán Bản Thảo số 54.

alt

Bìa báo USA Today

A, một thời không thể nào quên. Ấn bản đặc biệt của tờ USA Today gồm những dòng tự sự của 51 khuôn mặt sống sót sau chiến tranh đại diện cho 50 tiểu bang, kể cả khu District of Columbia tức Washington DC. Trong số những cựu chiến binh ấy, có những người nổi tiếng như John McCain và John Kerry, số còn lại ít nổi tiếng hơn đã phục vụ tổ quốc mà họ yêu mến và may mắn sống sót trở về với gia đình bạn bè. Những câu chuyện được kể lại ở đây cũng mang nhiều tính dị biệt như những người đã kể những chuyện đó ra. Quá khứ như một thực tại sừng sững, nên quên nó đi, không bàn tới nữa, hay nên coi nó như khởi đầu của một cuộc đời dâng hiến và phụng sự. Ban biên tập tờ USA Today nhận định: “Chúng tôi hy vọng các bạn cảm thấy hứng khởi với những trang ghi lại đầy sống động này. Nhiều người trong số các cựu chiến binh ở đây đã không được đón tiếp nồng nhiệt khi trở về ở những thập niên 1960, 1970. Nhiều người đã bị sỉ nhục, bị ném đồ dơ và những lời chửi mắng vào người. Nhiều người đã tự vẫn vì đau đớn tủi hổ trước bức tường tưởng niệm ở DC. Nhưng lịch sử giờ đây đã được nhìn lại và chỉnh lại những chỗ sai lầm (như lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu: “… the American can help right a historical wrong now). Năm mươi năm sau nhìn lại chúng ta không còn gì phải hoài nghi về sự xứng đáng của những người cựu chiến binh năm xưa ở VN.

TT Obama trong một buổi lễ mới đây ở đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở Washington DC cũng đã phát biểu: “Năm mươi năm sau, chúng ta cùng đến bức tường này, đến nơi linh thiêng này, để nhớ. Chúng ta có thể bước lên phía bức tường đá hoa cương, sờ vào đó, và chạm vào một tên một người lính. Trong nhiều năm qua các bạn đã đến đây, và lại đến đây với họ một lần nữa. Và trong những điều đơn giản mà các bạn đã bỏ lại đằng sau, những cống hiến, những lưu niệm, những quà tặng của các bạn – chúng ta có được một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống mà họ đã đi qua. Tấm chăn phủ khi họ còn là một cậu bé. Chiếc gậy bóng chày họ đánh khi còn nhỏ. Chiếc nhẫn cưới. Hình ảnh đứa cháu mà họ không bao giờ gặp. Đôi giày bốt họ mang vẫn còn dính bùn. Những huy chương họ đạt được vẫn còn lấp lánh. Và một số điều còn lưu lại ở đây có ý nghĩa đặc biệt mà chỉ các cựu chiến binh mới biết được: một lon bia, một gói kẹo M&Ms, một thùng chứa rác, một khẩu phần lương khô vẫn còn tốt và còn ngon…”

Năm mươi năm sau nhìn lại Chiến Tranh VN, người Mỹ đã có cái nhìn chính xác và đầy tình người hơn. Riêng với chúng ta, bạn và tôi ở đây, thì cho dù những đám mây tiếp tục bay qua bầu trời, những trò mây chó và cuộc biển dâu không ngừng diễn ra, chúng ta vẫn không thể nào quên những năm tháng thanh xuân của đời mình trong lửa đỏ, không thể nào quên những hy sinh của các đồng đội đồng bào đã nằm xuống trên dải đất sương muối và gió mùa ấy. Trước mắt chúng ta còn mãi hình ảnh những chiến sĩ trẻ tuổi ngày nào vừa ra trường đi vào chiến trận mà “ba lô còn mang thêm hồn thơ văn”.

TN