Sau nhiều tháng tranh cử ráo riết, nếu kể cả bầu cử sơ bộ là gần 2 năm, mùa bầu cử toàn quốc “Election 2012” đã kết thúc. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà chia quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội. Tổng Thống Obama được dân Mỹ bầu ở lại Toà Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ. Với phe chiến bại, hầu như ngay lập tức sau thời điểm ƯCV Mitt Romney chấp nhận thua cuộc, cả chiến dịch tranh cử khổng lồ, với ngân sách vài trăm triệu Mỹ kim, cùng hàng chục ngàn nhân sự trên cả nước, gần như “hô biến” tức khắc, rồi…bốc hơi, mất biệt…

Đây là nét nghiệt ngã của trò chơi chánh trị. Đến chiều Thứ Tư 7-11, chưa đầy 24 giờ sau khi có kết quả kiểm phiếu, mọi kênh liên lạc email/tweeter… từ chiến dịch tranh cử của ông Mitt Romney đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng, sau nhiều tháng hoạt động… hết công suất. Các phụ tá, trước đây mượn từ văn phòng các Dân Biểu hàng đầu như Chủ Tịch Quốc Hội John Boehner và ƯCV Phó TT Paul Ryan, đều lần lượt trở về nhiệm sở cũ. Thậm chí có vài cố vấn, khi bắt xe taxi về nhà, mới vỡ lẽ những thẻ tín dụng của chiến dịch tranh cử, uỷ thác cho họ dùng, đã… hết hiệu lực.
Khi chia tay các cộng sự ở Tổng Hành Dinh chiến dịch tranh cử của TĐ Mitt Romney (đặt tại số 85 Commercial St., thành phố Boston), bà Ann Romney đã rơi nước mắt. Bên phe thắng cuộc cũng vậy. Buổi sáng sau ngày bầu cử, trong lúc cám ơn các tình nguyện viên trẻ tuổi của mình, TT Obama đã rơi lệ khi nói: “Sự thật là các bạn giỏi giang hơn, trên nhiều phương diện, so với chính tôi lúc còn ở vào tuổi của các bạn.”

Bầu cử 2012 cũng phá kỷ lục về tài chánh tranh cử. Mới 20 năm trước, Election 1992, cộng tất cả các chiến dịch tranh cử Tổng Thống, cũng chỉ chi tổng cộng $192 triệu. Năm nay, các bên tiêu xài ít nhất $912 triệu. Một trong những khoản tiêu xài lớn nhằm mục đích lôi kéo cử tri đi bỏ phiếu sớm (early voting) đã thành công. Có hàng triệu cử tri chọn “early voting”. Theo thống kê, cử tri cao niên 65 tuổi trở lên có đến 26% đi bỏ phiếu sớm. Ngược lại, chỉ 7% cử tri trẻ tuổi 18-29 chọn “early voting”.

Với TT Obama tái đắc cử, lần đầu tiên trong hơn 200 năm, Hoa Kỳ có 3 vị TT liên tiếp đều được bầu 2 nhiệm kỳ (Bill Clinton 1992-96; George W. Bush 2000-04; Obama 2008-12). Lần cuối cùng điều hiếm hoi này xảy ra là thời của các Tổng Thống: Thomas Jefferson (1800-04); James Madison (1808-12); và James Monroe (1816-20).
Bước sang tuổi 51, TT Obama ở lại Toà Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ. Về mặt tuổi tác, ông là vị Tổng Thống… trung niên. Hiến Pháp quy định ƯCV Tổng Thống phải ít nhất 35 tuổi. Mặc dù John F. Kennedy là vị Tổng Thống dân cử trẻ nhất ở tuổi 43 (Election 1960), trên thực tế nhân vật trẻ nhất xưa nay từng chiếm ngự Toà Bạch Ốc là TT Theodore Roosevelt ở tuổi 42 (thay thế TT William McKinley bị ám sát năm 1901). Ở đầu ngược lại, chánh trị gia cao niên nhất nhậm chức là TT Ronald Reagan (1980), năm ông 69 tuổi.
Buổi tối ngày bầu cử (Election Night) là một dịp… đáng quên cho chiến lược gia kiêm siêu thầy bàn chánh trị Carl Rove. Trong đảng Cộng Hoà, ông Rove uy tín rất cao. Ông được xem là “kiến trúc sư” cho 2 kỳ tranh cử thành công của cựu TT George W. Bush. Trong kỳ Election 2012, Carl Rove đã quyên góp hằng trăm triệu Mỹ kim, và chi hơn $100 triệu cho các quảng cáo chánh trị nhằm hạ thấp uy tín TT Obama. Không chỉ nỗ lực của ông thất bại, TT Obama giành phần thắng, mà việc TV đài Fox đưa hình ảnh lập đi lập lại, việc ông nhất định từ khước, không công nhận kết quả bầu cử (vì nghĩ rằng Romney vẫn còn cơ hội) bị lãnh búa rìu, nhiều chê cười là “cố đấm ăn xôi”, thiếu chuyên nghiệp…

Ngay ngày hôm sau bầu cử, Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner nói phe Cộng Hoà có thể cân nhắc việc tăng thuế, nếu kèm theo điều kiện thoả đáng. Trong không khí bế tắc chánh trị, tuyên bố của ông được nhiều tán thưởng là thức thời. Đã thấy xuất hiện vài nhận định khả quan, cho rằng phe Cộng Hoà, sau khi TT Obama tái đắc cử, lần này sẽ từ bỏ vai trò… kỳ đà cản mũi, mở đường cho các cuộc thương lượng thẳng thắn, nhằm xây dựng chánh sách có lợi cho quốc gia trường kỳ.

Khảo sát Election 2012 cho thấy TT Obama chiếm nhiều hậu thuẫn hơn trong giới nữ, cử tri da màu, cử tri trẻ tuổi, và cử tri tại các thành phố lớn. Trong khi đó, TĐ Romney được lòng giới cử tri có thu nhập cao và tốt nghiệp đại học. TT Obama thắng dễ ở Washington DC (91% số phiếu), Vermont (67%), California (59%). ƯCV Romney cũng không khó thu phục đa số cử tri ở Utah (73%), Wyoming (69%), Texas (57%)… Chung cuộc, TT Barack Obama (Dân Chủ) tái đắc cử với 332 phiếu Cử Tri Đoàn (CTĐ). ƯCV Mitt Romney (Cộng Hoà) chỉ được 206 phiếu CTĐ.
Tuy nhiên, thực tế kiểm phiếu sít sao hơn nhiều. Ông Romney thua vì nhận được ít phiếu bầu hơn ở vài tiểu bang mà Trẻ đã xác định là 50/50 (tossup). Ở các tiểu bang này, TT Obama đều thắng sát nút. Chỉ duy nhất North Carolina về phe TĐ Romney. Xem xét kỹ hơn: Tại Florida, Romney được 49% số phiếu, đành mất trọn 29 phiếu CTĐ về tay Obama (50%). Tại Ohio, Romney được 48% phiếu bầu, mất trọn 18 phiếu CTĐ về tay Obama (50%). Tại Virginia, Romney cũng nhận 48% phiếu bầu, mất trọn 13 phiếu CTĐ về tay Obama (51%). Tại Colorado, Romney đoạt 47% phiếu bầu, mất trọn 9 phiếu CTĐ về tay Obama (51%). Có thể thấy, nếu TĐ Romney lật ngược tình thế ở những nơi này, được thêm một số phiếu lẻ, đủ để đạt đa số. Một khi giành hết phiếu CTĐ ở đó, ông đã có thể đạt: 206+29+18+13+9=275 — con số đủ để thắng cuộc bầu cử 2012.
Nhưng thực tế chiến dịch tranh cử của TT Obama đã chiến thắng. Các cuộc khẩu chiến giờ tạm yên. Các đề tài gai góc như tài chánh thuế khoá, khiến nhiều người có thể xem cái sắc thuế như là gánh nặng quá khổ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc cạnh khác, người dân Mỹ có thể cảm thấy may mắn được sống trong một xã hội văn minh, nề nếp, mức sống cao. Thuế khoá, cuối cùng, chỉ là phương cách “góp tiền” giúp điều hành cộng đồng / xứ sở. Có thể ví như việc giới khá giả đóng tiền niên liễm để vào các “country club” chơi đánh golf, hưởng thụ không khí phong lưu, môi trường bặt thiệp nhẹ nhàng ở đó. Quan sát thế giới có thể sáng tỏ so sánh này. Nếu bạn trả thuế ở Ấn Độ (India), bạn hẳn đã thuộc tầng lớp thượng lưu chỉ chiếm 2.8% dân số. 97.2% còn lại không phải trả thuế thu nhập. Ở Trung cộng, chỉ 24 triệu người trả thuế thu nhập cá nhân (1.7% dân số), còn lại 98% được… miễn giảm toàn phần. Tình thế tương tự cũng xảy ra ở nhiều phần khác trên thế giới.
Người Mỹ quý thị trường tự do, cổ suý cho quyền làm ăn, cạnh tranh sòng phẳng, hợp pháp. Tuy vậy, khó giảm thiểu vai trò chánh phủ. Nhờ trợ cấp chánh phủ mà giá xăng chỉ khoảng trên dưới $4/gallon, nếu không đã lên cao gấp đôi như Âu Châu. Và không chỉ xăng dầu. Rất nhiều món hàng/dịch vụ thiết thực hằng ngày đều đã được trợ cấp để tránh giá cao hơn nhiều lần: nước, điện, thực phẩm… Để làm đầy ngân khố quốc gia, thông qua các sắc thuế thu nhập cá nhân, thuế mua sắm, thuế địa ốc, thuế an sinh xã hội, thuế địa phương…, giới nghèo nhất ở Mỹ cũng trả trung bình 17.4% trên thu nhập. Còn đa phần dân Mỹ nộp vào ngân khố quốc gia trung bình 20-30% thu nhập. Để giúp quốc gia Hoa Kỳ, cần bàn tay đóng góp của mọi người, mọi khuynh hướng chánh trị. Đây có thể là một bài học đáng nhớ của mùa bầu cử 2012.
