Tôi là Hồng Vy, 68t. Tôi có một vài thắc mắc xin bác sĩ chỉ vẽ. Tôi được bác sĩ gia đình chẩn đoán tôi có 2 bệnh: cao huyết áp và cao cholesterol, cho tôi uống 2 viên/ngày, ngoài ra tôi còn tự ý uống thêm một số thuốc như sau:
Sau khi ăn sáng: 1 viên Glucosamine Sulfate 2KCL 2000mg, 1 viên Calcium and Zinc.
– Sau khi ăn trưa: 1 viên hồng sâm của Hàn Quốc.
– Buổi chiều sau khi dùng tí bánh hay trái cây: 1 viên Glucosamine 1500mg Chondroitin 1200mg, 1 viên Calcium 600mg with VitamiD
– Buổi tối khi ăn: 1 viên hồng sâm của Hàn Quốc
– 9 giờ tối, sau khi dùng ít trái cây: 1 viên Simvastatin20mg (theo toa bác sĩ)
Sau khi đi làm về, khoảng 11 giờ đêm, trước khi đi ngủ: 1 viên Amlodipin 5mg (theo toa bs), 1 viên Ecotrin (Aspirin) 81mg.
Xin hỏi bác sĩ thuốc calcium có zinc chữa bệnh gì? Thuốc Glucosamine có sulfat, Kcl chữa bệnh gì? Thuốc Glucosamine có Chondroitin chữa bệnh gì?
Các thuốc tôi uống, có gì công phạt với nhau không? Có để chung với nhau được không? Uống như thế nào hợp lý? Tháng trước, mỗi ngày tôi còn uống chung 6cc rượu có ngâm cao hổ cốt, nhưng tôi sợ nhiều thuốc quá nên tháng này tôi tạm ngưng. Tôi nghe loại thuốc Simvastatin uống lâu có thể hại gan, nên thỉnh thoảng tôi lấy bông artichaud phơi khô nấu chung với diệp hà châu làm trà uống bảo vệ gan, có được không? Cả năm nay tôi không đi khám bác sĩ gia đình nên không hỏi gì được.
Đáp
Thưa bà Hồng Vy
Thưa bà chúng tôi xin trả lời từng câu hỏi:
1. Calcium là để giúp cho xương khỏi bị rỗng loãng. Ở người có tuổi, sự hấp thụ calcium từ thực phẩm giảm cho nên thiếu và cần uống thêm. Còn chất zinc thì có nghiên cứu cho hay, khoáng chất này có thể giúp cho xương cứng đặc hơn.
2. Glucosamine sulfate là chất được lấy ra từ vỏ sò, vỏ cua và được bán dưới dạng thuốc viên. Nghiên cứu cũng cho hay, Glucosamine có tính chất chống viêm và kích thích sản xuất sụn ở khớp xương. Theo các nhà sản xuất, mỗi ngày uống 1500mg, chia ra làm ba lần. Thuốc gây ra một chút khó chịu cho bao tử. Theo kết quả nhiều nghiên cứu thì phải uống liên tục cả tháng mới thấy công hiệu.
3. Chondroitin là chất được lấy ra từ sụn cá mập hoặc sụn bò, được bán dưới dạng viên thường hoặc viên con nhộng. Cũng như glucosamine, thuốc này được giới thiệu có khả năng chống viêm và tạo sụn. Một số nghiên cứu khoa học cho hay, chondroitin có tác dụng tốt hơn giả dược và ít gây ra tác dụng phụ. Mỗi ngày phải uống khoảng 1200 mg, chia ra làm ba lần và phải uống liên tục khoảng một tháng mới thấy công hiệu.
4. Chắc là bà đã được bác sĩ gia đình hướng dẫn cách dùng các loại thuốc hạ huyết áp và hạ cholesterol, cho nên tôi chỉ góp thêm vài ý kiến:
– Bà bị cao huyết áp mà theo nghiên cứu, hồng sâm có thể làm huyết áp tăng vì vậy bà nên dè dặt. Bạch sâm dường như không có tác dụng làm cao huyết áp.
– Các thuốc hạ cholesterol đều có ảnh hưởng tới chức năng của gan, vì thế khi dùng thuốc này, cần được bác sĩ theo dõi, thử coi xem có tác dụng phụ nào không và cũng thử men gan coi xem tình trạng của gan ra sao. Nếu có rối loạn gan thì bác sĩ sẽ đổi thuốc. Uống artichaud cũng tốt cho gan.
– Một chút rượu vào buổi tối tôi nghĩ cũng tốt lại giúp cho ngủ ngon, nếu bà không thấy có phản ứng gì. Theo các cụ đông y, cao hổ cốt cũng giúp xương khớp mạnh khỏe đấy.
– Chắc là bà cũng đã giới hạn tiêu thụ chất béo động vật cũng như giảm tiêu thụ muối rồi. Chỉ xin đều đặn thể dục thể thao nữa là đủ có sức khỏe tốt.
Ở tuổi 68 mà bà vẫn còn đi làm, mà lại làm khuya tới 11 giờ mới về thì tôi chắc là sức khỏe của bà rất hoàn hảo và tinh thần còn rất ư là minh mẫn.
Xin mừng bà và chúc bà luôn luôn vui mạnh. Cần gì thêm, xin bà cứ chuyển câu hỏi qua tuần báo Trẻ, chúng tôi sẵn sàng đóng góp ý kiến với bà.
Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Mẹ cháu năm nay 63 tuổi. Từ gần năm nay, mắt bên trái có nổi lên một gân máu, mà bác sĩ bên Việt Nam gọi là mống thịt và đã được cắt nhiều lần, nhưng một thời gian sau lại mọc trở lại. Cụ mới sang đây chơi với con cháu. Bây giờ cháu định đưa cụ đi khám bác sĩ bên Mỹ. Vậy xin bác sĩ cho biết nên đi bác sĩ nào và ở bên này có cách nào chữa dứt không.
Cháu cảm ơn bác sĩ. Vân Lê.
Đáp
Chào cô Vân Lê
Cứ như cô nói thì bà cụ đã được bác sĩ khám, xác định là có mống thịt trong mắt và đã mổ nhiều lần mà vẫn tái phát. Vậy thì tôi xin giải thích thêm về bệnh này, vì bà con ta bên nhà cũng nhiều người bị.
Mống mắt, tiếng Anh kêu là Pterygium là bệnh trong đó có những tế bào mới mọc ra ở tròng trắng của con mắt, thường là từ phía gần mũi rồi kéo ngang sang tới con ngươi. Mống này không là ung thư, có thể lớn dần suốt đời người bệnh và có thể che kín con ngươi. Bệnh không gây ra hiểm nghèo gì nhưng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi nhìn và nom cũng mất thẩm mỹ. Người bệnh thường than phiền cay cay ngứa trong mắt, mắt khô, mờ khi nhìn sự vật. Bệnh thường thấy ở đàn ông nhiều hơn là đàn bà. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, nhưng một số nguy cơ có thể khiến mống mắt mọc ra như là tia nắng mặt trời, bụi bặm ô nhiễm môi trường, gió, mắt khô.
Về điều trị thì bác sĩ sau khi khám có thể cho thuốc nhỏ mắt cho bớt khô, nhỏ thuốc làm co mạch máu hoặc thuốc có chất steroid. Nhưng thuốc nhỏ chỉ có tính cách tạm thời, thường thì phải giải phẫu cắt bỏ mống mắt. Phương pháp mổ hiện nay rất tiến bộ: sau khi cắt bỏ mống, bác sĩ sẽ lấy tế bào giác mạc lấp vào chỗ trống của mống như vậy kết quả tương đối khả quan hơn. Giải phẫu có thể làm tại phòng mạch có trang bị đầy đủ máy móc chuyên ngành và bệnh nhân có thể làm việc trở lại trong mười ngày. Để tránh mống mắt, nên mang kính râm để tránh bụi cát ô nhiễm cũng như tia nắng quá mạnh xâm nhập kích thích mắt.
Bên Hoa Kỳ, các bác sĩ chuyên môn về mắt cũng khá nhiều. Cô có thể nhờ bác sĩ gia đình giới thiệu cho một bác sĩ nhãn khoa giải phẫu để khám chữa cho mẹ cô. Có điều là chi phí chữa trị giải phẫu bên đây cũng khá cao đấy, mà mẹ cô ở quy chế viếng thăm, chắc là phải trả tiền mặt. Bên Việt Nam, phẫu thuật như vậy tương đối ít tốn kém hơn.
Cảm ơn cô đã theo dõi tuần báo Trẻ.
Chúc cô và gia đình vui vẻ, khỏe mạnh.