Mẹ, ảnh đã nói là nên quên chuyện đó đi mà! Corey gắt giọng với bà Rosalie.
“Tại sao mẹ cứ làm lớn chuyện trong khi người ta đã muốn quên đi!” Michelle nói phụ họa theo cậu em.
Bà Rosalie, tay cầm cái điện thoại, mắt nhìn về phía tôi, xong quay qua nhìn hai con, và cuối cùng nhìn lại tôi.
“Sao, con có kể cho ta nghe chưa? Ông ta đã làm gì con,” Bà hỏi tôi một lần nữa. “Nếu không thì ta sẽ gọi điện thoại cho sở xã hội. Những con người như vậy phải bị pháp luật trừng trị!”
“Thôi, quên đi!” Tôi nói một lần cuối, dứt khoát, và bỏ đi vô phòng.

Michelle và Corey năm 1991
Tôi vẫn nghe tiếng bà Rosalie nói với Michelle và Corey là bà phải vội đi làm, chiều nay về bà sẽ điều tra tiếp. Nói vậy, nhưng đến chiều đi làm về có việc bực bội ở văn phòng bảo hiểm làm bà quên phéng đi mất, và câu chuyện đó không bao giờ được nhắc lại cho đến ngày tôi rời khỏi nhà bà.
Sáng hôm đó, trong bữa điểm tâm tôi vui miệng kể lại về những gia đình foster mà tôi đã sống qua trước khi đến gia đình này, trong số đó có một gia đình Việt Nam mà tôi chỉ đến ở một thời gian ngắn kỷ lục một ngày và một đêm. Tôi đã vô tình kể cho mẹ Rosalie và hai con của bà nghe là chủ hộ là một người đàn ông trung niên, độc thân, và ông đã có hành động không thích hợp. Thế là bà Rosalie đã làm toáng lên, bắt tôi phải kể cho bà nghe chuyện gì đã xảy ra.
Lúc còn ở trong trung tâm thiếu niên, tôi rất mong mỏi được một gia đình Việt Nam nhận lãnh. Thật sự tôi không muốn sống chung với người Mỹ vì rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Hôm được kêu ra phỏng vấn với hai vợ chồng người Việt tôi mừng lắm. Ông chồng là luật sư, bà vợ là bác sĩ, họ không thể có con nên đang đi tìm kiếm một đứa con nuôi Việt Nam, và lúc đó tôi là đứa trẻ Việt Nam duy nhất ở trong trung tâm. Sau buổi phỏng vấn đó tôi biết ngay họ sẽ không nhận tôi, hai vợ chồng này còn trẻ quá và họ đang tìm một đứa bé Việt Nam còn trẻ để nuôi nấng, dạy dỗ. Tôi thì không còn trẻ người, non dạ để làm con nuôi của họ. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ vững lập trường của tôi là chỉ muốn ra sống trong gia đình Việt Nam, và cuối cùng thì chú Hữu (social worker của tôi lúc đó) cho tôi hay là có một ông Việt Nam tuổi trạc bốn mươi rất tốt bụng sẽ nhận tôi về ở với ông, và ở đó cũng đã có sẵn một đám trẻ Việt Nam đang ở đó rồi.

Rosalie và Emerey năm 1992
Chú Hữu chở tôi đến nhà ông Việt Nam độc thân. Lúc đó không có ông ở nhà, ra đón tôi là bốn người Việt Nam đang tạm trú ở đây. Bốn người này là anh em, người anh lớn tuổi hơn tôi và còn 3 đứa em của anh thì nhỏ tuổi hơn tôi, đứa nhỏ nhất khoảng 13 tuổi. Qua trao đổi sơ giao, tôi thấy mấy đứa trẻ này rất lanh và có vẻ đã ra đời rất sớm, còn người anh thì ra vẻ như cha của 3 đứa bé, anh bảo bọc và chăm sóc tụi nó. Tôi linh cảm là anh chỉ dùng căn nhà này như một phương tiện tạm trú mà thôi. Hôm đó anh chiên gà ướp bột, vừa chiên vừa phì phèo điếu thuốc trên môi. Anh mời tôi ăn nhưng tôi từ chối vì không đói, tôi chỉ xin anh ly nước cam.
Tôi ngồi coi TV với mọi người mà hai mắt cứ sụp xuống, dù lúc đó trời chưa kịp tối. Mấy người trong nhà kêu tôi đi vô phòng ngủ.
“Thôi, tôi ngủ ở trên ghế sofa này được rồi.” Tôi vừa nói vừa lục ba-lô kiếm bàn chải đánh răng.
“Không được,” Người anh lớn nói. “Ông chủ đã sắp sẵn phòng cho em rồi.”
Nói xong, để tôi đánh răng rửa mặt xong, người này dẫn tôi vô một căn phòng rộng, thảm dày và êm, với trang trí nội thất tuyệt đẹp, khác hẳn với phần còn lại của căn nhà này. Ở giữa phòng là một cái giường nệm cỡ lớn, chung quanh phòng tôi thấy có quá nhiều tấm gương, có tấm treo cả lên trên trần nhà. Tôi định trải mền nằm dưới đất thì người anh lớn nói không được.
“Em ngủ trên giường kia, ông chủ bảo vậy!”

San Jose 20 tháng 8 năm 1982
Tôi không ngờ tôi có cái diễm phúc đó, cơn buồn ngủ ùa tới, tôi không thèm khách sáo, leo lên ngay cái giường êm như nhung với nệm ấm, chăn êm, và mền gối thơm phức. Lúc đó trời vào đông, máy sưởi trong nhà không đủ ấm, nên tôi trùm kín chăn và thấy ấm cúng vô cùng. Ánh sáng đèn ngủ trong phòng được mở dịu xuống và tôi chìm vào giấc ngủ rất nhanh.
Tôi không biết là ly nước cam tôi uống lúc nãy có gì trong đó nhưng tại sao tôi đi ngủ quá sớm vào chiều hôm đó. Tôi đã quá quen với cái thời khóa biểu ở trong Children’s Shelter, và thường thì chúng tôi lên giường lúc 9 giờ 30. Hôm đó mới 6 giờ chiều tôi đã lăn quay. Tuy nhiên, nếu ly nước cam đó đã làm cho tôi ngủ khò thì điều may mắn là tôi nốc nó quá sớm và tôi đã kịp thời tỉnh giấc sau khi hết tác dụng.
Trong ánh đèn lờ mờ từ phòng tắm hắt ra, tôi thấy có một người đàn ông đang rửa mặt, sau đó ông ta thay bộ đồ tây bằng bộ đồ pijama. Tôi đoán đây là ông chủ và hình như ông ta mới đi làm về sau ca hai. Tôi liếc nhìn đồng hồ để bàn, lúc đó khoảng 11 giờ đêm. Tôi nghĩ là mọi người trong nhà đang ngủ say. Tôi nhắm mắt, giả vờ như đang ngủ, để xem ông này muốn gì.
Ông ta đứng trước gương, chải lại mái tóc, xong xịt nước hoa khắp người, rồi cuối cùng leo lên giường, cái giường mà tôi đang nằm. Bằng một động tác thật chậm, tôi khẽ quay người về hướng khác. Sau đó người đàn ông giở tấm chăn tôi đang đắp và chui vào. Ông nằm im, cách xa tôi một khoảng cách cỡ một người nằm. Một vài phút trôi qua, sau đó tôi nghe ông thở cái phào và ông quay qua, nằm úp thìa về phía tôi. Tôi nhẹ nhàng lui ra xa một chút, để giữ khoảng cách. Cho đến lúc này tôi không chắc là ông có biết là tôi đã thức rồi hay không, nhưng tôi vẫn nhắm mắt nằm im như đang ngủ, và hy vọng ông nhận ra thái độ bất hợp tác của tôi.
Tôi tưởng ông tha tôi rồi, nhưng đột nhiên ông làm một bước thật táo bạo. Đùng một cái, ông cầm tay của tôi và bỏ ngay lên trên vùng dưới bụng của ông. Tôi còn nhớ rất rõ là cái phần hạ bộ có kích thước khiêm tốn nhưng cứng ngắc. Tôi hoảng hồn, rút tay về rất nhanh và dứt khoát, đồng thời tôi rút hết tấm mền và che kín mình. Tôi chủ động ông mà làm tới thì bắt buộc tôi phải vùng dậy và phản kháng.
Cũng may là từ sau đó trở đi cho đến sáng, ông nằm im, chỉ thở dài thườn thượt một hồi, sau đó ngủ ngáy khò khò. Cả đêm hôm đó tôi ngủ không được. Sáng hôm sau, tôi liền gọi chú Hữu và yêu cầu chở tôi vô ngay trở lại Children’s Shelter.
Trên đường đi chú Hữu không hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra, có lẽ chú định để tôi tự kể, nhưng tôi đã nhất định không hở môi.
“Chú không biết chuyện gì đã xảy ra,” cuối cùng chú Hữu lên tiếng. “Nhưng chú chỉ nghe ông chủ nhà nói là ông ta tưởng cháu ở chung với Mỹ lâu ngày thì đã bị Mỹ hóa!”
“Mỹ hóa?” Tôi trợn tròn mắt, nhìn chú Hữu và hỏi.
“Ừa, chú cũng không hiểu ý của ổng khi nói câu đó.”
“Thôi, quên chuyện đó đi chú Hữu.”
“À, mà còn một chuyện này,” chú Hữu nói tiếp. “Ổng cũng nói là thấy cháu ngủ li bì, ổng nghi là cháu ở chung với Mỹ và chơi cần sa!”
Tôi cũng thua ông Việt Nam này luôn, chắc ổng sợ tôi tố cáo tội pha thuốc ngủ cho tôi uống nên đánh phủ đầu cho chắc ăn. Cũng may cho ổng là tôi đã không làm lớn chuyện vì lúc đó tôi biết thân phận mình bọt bèo, nên bỏ qua cho êm chuyện là tốt nhất. Sau lần đó, tôi nói với chú Hữu là tôi sẵn sàng sống trong gia đình người Mỹ.
Rồi cơ duyên đưa tôi đến với gia đình Emery, là gia đình foster cuối cùng, sau đó là tôi đã từng bước vững chãi, từ bỏ kiếp sống lang thang, dần dần ổn định và hội nhập nhanh chóng vào xã hội Hoa Kỳ.

Tác giả tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới năm 1990
Lúc mới sang Mỹ, tôi chỉ 17 tuổi (tuổi trên giấy tờ là 14), là lứa tuổi đang lớn, hay thích đua đòi, và rất dễ hư hỏng. Ở Việt Nam, tuổi 17 thì vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ từ tinh thần đến vấn đề tài chính. Sang Mỹ, tôi được chính phủ nuôi dưỡng, từ ngày đặt chân vào nhà ông anh họ của tôi cho đến những căn nhà foster family, và sau cùng là sống chung với anh Nam, tôi biết rõ những người bảo hộ hợp pháp của tôi hàng tháng nhận được chi phiếu trợ cấp từ chánh phủ. Nói một cách khác, không ai nuôi tôi công không. Những tấm chi phiếu đó tôi không bao giờ được thấy, và tôi cũng chả thèm để ý làm gì. Lúc đó tôi chỉ biết học và học.
Cũng chính nhờ vào sự tập trung cao độ vào chuyện học hành mà tôi đã tránh được những cạm bẫy và không bị sa ngã ở lứa tuổi thiếu niên. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đua đòi ăn diện thì tôi vẫn là một thằng tị nạn chưa lột xác. Bạn bè tôi hoặc là xuất thân từ gia đình khá giả hoặc là lo đi làm thêm kiếm tiền ăn chơi, cho nên lúc nào cũng trang phục sang trọng, đi ăn chi tiền rất sộp. Còn tôi thì chỉ có một vài bộ đồ mặc đi mặc lại. Lúc đó tôi chỉ biết đi mua sắm với anh Nam ở trong những tiệm quần áo Thrifty, còn giải trí duy nhất của chúng tôi là đi xem phim ở những rạp chiếu bóng rẻ tiền ở downtown San Jose hay rạp Almaden ở Campbell với những cuốn phim đã được trình chiếu cả năm rồi, và giá vé chỉ 1 đô-la. Còn chuyện đi ăn ở ngoài là một điều quá xa xỉ với hai anh em chúng tôi. Lúc đó, tôi không biết nhà hàng là cái gì.
Một số bạn bè Việt Nam cùng hoàn cảnh như tôi nhưng vì muốn có tiền để ăn xài nên tụi nó tốt nghiệp trung học là đi làm ngay những công việc như thợ hàn, thợ tiện hoặc bán cây xăng. Con đường học vấn của tụi nó chấm dứt sau trung học bởi vì quen có tiền ăn xài rồi, không thể kéo dài 4 năm đại học mà không có tiền dư dả.
Bốn năm đại học ở Davis, tôi sống bằng tiền Cal grant và National Direct Student Loan (NDSL) lúc đó tiền lời chỉ có 1%. Tuy nhiên, hai khoản tiền này không đủ trang trải các chi phí ăn, ở, đóng học phí, và mua sách vở, nên tôi phải làm thêm work-study. Mùa Hè trong khi bạn bè về nhà chơi với gia đình thì tôi ở lại Davis vừa để tranh thủ học thêm các lớp mùa Hè và đi làm thêm kiếm tiền. Tôi làm tất cả những công việc nặng nhọc, dơ dáy mà các sinh viên khác chê. Mùa Hè năm đầu tiên, tôi được giao cho công việc dọn dẹp, lau chùi cầu tiêu ở một nhà trẻ. Cứ mỗi chiều, khi mấy đứa bé được cha mẹ đón về, sau khi trời chạng vạng tối là tôi lại bắt đầu công việc của một lao công, bao gồm quét dọn, lau nhà, hút bụi, và chùi cầu tiêu. Dãy nhà trẻ khá rộng, làm xong thì cũng đến giờ đi về và chỉ việc lăn ra ngủ.
Công việc của một lao công quả thật khó nhọc, cho đến nỗi chịu khó như tôi mà còn chịu không thấu. Vì thế, mùa Hè năm thứ hai và thứ ba tôi xin làm việc khác, và may mắn tôi kiếm được việc trong nhóm thợ sơn của trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là sơn lại phòng của ký túc xá. Đội thợ sơn gồm 4 đến 5 mạng, toàn là sinh viên, nên có thể gọi là thợ sơn nghiệp dư. Tụi tôi làm việc dưới sự kiểm soát của lão già tên Mac, là một thợ sơn chuyên nghiệp. Năm đầu trong nhóm chỉ có tôi là Việt Nam, còn lại là mấy tên Mỹ trắng. Mấy tên Mỹ trắng này thuộc loại lười có hạng, chuyên môn kiếm chỗ ngủ và câu giờ cho hết ngày. Tôi chơi với tụi nó riết cũng lây tính làm biếng. Sang năm thứ hai trong nhóm thợ sơn có thêm một người Việt Nam, tên Khâm. Anh chàng này qua Mỹ năm 1975 lúc còn tuổi trung học, nên nói tiếng Anh lưu loát nhưng tiếng Việt cũng trôi chảy không kém, nhờ trong gia đình anh có cha mẹ lúc nào cũng bắt con cái nói tiếng mẹ đẻ. Có lần tôi nghe Khâm giới thiệu với mấy người bạn thợ sơn Mỹ:
“Tên của tớ là Khâm, short for Khâm Phục, meaning respect!”
Tôi biết là Khâm nói sai tiếng Việt, vì kính phục mới là “respect”, khâm phục nghĩa là “admire”. Tôi không thèm sửa vì biết anh chàng này tính tự ái lắm. Sau này Khâm học chung một lớp kỹ thuật với tôi, là lớp “Strength of Materials” (Sức Bền Vật Liệu), là lớp chính của Khâm vì anh học ngành civil engineering, và là lớp không bắt buộc của tôi, và đối với những lớp kỹ thuật hàng không tôi từng học qua thì lớp này dễ hơn nhiều. Tôi không bỏ thời gian nhiều nhưng vẫn lấy được điểm A dễ dàng, và cuối cùng Khâm mới là người cần phải làm điều khâm phục đối với tôi.
Người Mỹ có câu “hard work pays off”, có nghĩa là siêng năng thì sẽ gặt hái được thành công. Tuổi thanh xuân của tôi đã chôn vùi trong sách vở; tôi đã trải qua những cái Tết tha hương và những mùa Giáng Sinh băng giá cô đơn; tôi đã không được ở bên cạnh cha mẹ, anh chị em khi vừa mới lớn; tôi đã tự lập quá sớm và đã trải qua những năm tháng vất vả trên xứ người, nhưng tôi vẫn giữ vững niềm tin và tập trung vào mục tiêu đã định sẵn và không hề bị chi phối.
Tuy nhiên, con đường tôi đi qua là một con đường quá gian nan. Tôi tự nhủ sau này có con, tôi muốn các con cũng có khát vọng như tôi, nhưng tôi không bao giờ muốn chúng nó trải qua những kinh nghiệm mà bố chúng nó đã từng trải.