Menu Close

Xứ nóng

Từ lễ hội Kate

Tôi đến Ninh Thuận vào trung tuần tháng 10 theo sự rủ rê từ một anh bạn người Chàm để về dự lễ hội Kate. Thời tiết vào dịp này đã dễ chịu, mát mẻ. Tuy thế, vào buổi trưa, ông trời vẫn không quên nhắc cho con người nhớ đang ở nơi nóng nhất cả nước bằng cách đổ nắng gay gắt.

Năm nay lễ hội Kate lớn hơn mọi năm. Trước ngày khai mạc Kate khoảng một tháng rưỡi, Bộ Văn Hóa-Thông Tin-Du Lịch quyết định tổ chức “Ngày Hội Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch vùng đồng bào Chàm-Ninh Thuận 2012”. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao Bộ lại chỉ coi trọng tổ chức ở vùng đồng bào Chàm Ninh Thuận, trong khi địa bàn cư trú của người Chàm có cả ở Bình Thuận, Phú Yên và một số tỉnh thành khác?

alt

Các thầy cúng Chàm đang làm một số nghi thức chuẩn bị rước y trang trong lễ hội Kate

Kate là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, không phân biệt là người đồng tộc hay ngoại tộc, tất cả khi đến bất kỳ gia đình Chàm nào họ cũng đều được tiếp đãi một cách trọng thể. Từ gia đình này sang gia đình nọ, từ làng này sang làng khác, miễn là có gia đình theo tín ngưỡng Balamon, khách sẽ được gia chủ thết đãi nồng hậu. Và, với người Chàm, việc có khách đến nhà trong dịp Kate là một niềm vinh hạnh cho gia chủ.

Lễ hội năm nay không đơn thuần chỉ là một dịp để đồng bào Chàm vui chơi, gặp gỡ, mang lễ vật lên tháp để dâng cúng lên Po Yang mà nó còn được chính quyền lợi dụng để làm nguôi ngoai cơn lửa sục sôi trong lòng người Chàm tại đây.

Lễ hội năm nay được tổ chức lớn nhất trong lịch sử, vì nó được Trung Ương chỉ đạo. Đài truyền hình Quốc gia phát sóng trực tiếp khai mạc lễ hội tại tháp Chàm Po Klong Girai cho cả nước theo dõi.

Đến nỗi lo tồn vong

Trong năm vừa qua, thế giới tưởng nhớ về thảm họa từ những nhà máy hạt nhân nguyên tử ở Fukushima khi nó vừa tròn 1 năm. Những tang thương, mất mát kinh hoàng từ những lò nguyên tử ở Fukushima lớn đến nỗi mà chính phủ Nhật Bản phải quyết định đóng lại một số nhà máy hạt nhân ở nước này. Một số nước trên thế giới vì sợ thảm họa tương tự có thể xảy đến với họ như ở Nhật mà cho dừng dự án xây dựng điện hạt nhân. Tuy thế, ở Việt Nam lại được quốc tế chú ý vì tham vọng sở hữu điện hạt nhân của mình.

Theo những công bố từ chính quyền Việt Nam, 2 nhà máy nguyên tử sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) đều thuộc tỉnh Ninh Thuận. Sở dĩ chính quyền chọn Ninh Thuận để xây 2 nhà máy điện hạt nhân vì họ cho rằng tại nơi dự trù sẽ đặt nhà máy có địa hình ổn định, gần biển thuận tiện cho việc lấy nước làm nguội các lò phản ứng, dân cư lại ít không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Song, dù chính quyền đã lập ra biết bao nhiêu phương thức tuyên truyền, khuyến dụ, đe dọa thì người dân ở đây, nhất là người Chàm vẫn không thể nào bớt lo lắng về sự an toàn đối với tánh mạng và tài sản.

Cũng theo thông báo từ phía chính quyền thì đến năm 2014 sẽ chính thức xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) nhưng khi chúng tôi đến nơi này, công việc đền bù, giải tỏa và di dời người dân vẫn chưa được giải quyết. Người dân ở nơi này vẫn đang sống trong sự âu lo, phập phồng vì chẳng biết mình sẽ bị dời đi nơi đâu và số tiền đền bù có đủ để cho họ thiết lập một cuộc sống mới.

Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa ở xứ nóng, tôi nhấp chén với người bạn Chàm cùng với những thân hữu của anh. Cái chủ đề lấn át trong bàn tiệc làm cho cuộc nhậu trở nên nóng là điện hạt nhân và sự tồn vong của người Chàm.

Người bạn Chàm của tôi là dân viết lách, có chút tiếng tăm trong xã hội Chàm, có thể vì lẽ ấy mà theo anh, Kate nào bạn bè cũng tề tựu đông đủ. Năm nay, khách đến nhà anh có phần đa dạng hơn vì có sự góp mặt của những vị An Ninh từ tỉnh xuống. Khi những vị khách này ra về, anh cho biết họ xuống đây không phải vì chúc mừng trong dịp Kate, mà là vì muốn nhắc nhở anh rằng, họ luôn luôn theo dõi, kiểm soát anh.

Chính vì những phản đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của đông đảo trí thức khắp cả nước, trong đó có sự tham gia của đông đảo đồng bào Chàm, Kate năm nay chính quyền Việt Nam đã long trọng tổ chức như để người Chàm vui với lễ hội mà quên đi những âu lo về sự diệt vong, cũng như muốn nói chính quyền luôn quan tâm đến đời sống xã hội của người Chàm.

Không như rất nhiều người Kinh sống ở Ninh Thuận, người Chàm ở xứ này lo lắng cho sự tồn vong của đồng tộc mình. Trong danh sách phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận được phổ biến trên Internet, tại tỉnh Ninh Thuận nhìn quanh chỉ có vài người Kinh ký tên, còn lại là người sắc tộc Chàm. Những biến cố đau thương trong lịch sử, trong cuộc tranh chấp với người Việt đã làm cho họ cố gắng bám víu mảnh đất còn lại của mình. Với người Chàm, đất đai nơi họ đang sinh sống đã được thần linh phù hộ, và việc dời đi nơi khác là điều khó chấp nhận.

Ngày tôi đến Ninh Thuận, cái đầu tiên ập vào mắt tôi là tấm pano to tướng với dòng chữ “Phụ nữ Ninh Thuận cố gắng vươn lên thoát nghèo” dựng trên đường. Ninh Thuận là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Trong đó, số hộ nghèo của người Chàm có tỷ lệ khá cao. Tuy là nghèo thế nhưng thật hiếm thấy có người Chàm nào đi xin ăn, đi làm gái, mà họ chỉ toàn sống dựa trên sự lao động, chắt bẩm, tằn tiện. Quá trình xâm chiếm miền Nam, cùng với nó là sự đồng hóa, sự khác biệt về văn hóa dẫn đến sự kỳ thị giữa Kinh-Chàm. Điều này lại được khuếch trương sau năm 1975. Những cán bộ từ miền Bắc vô Nam, họ là những người ít học, thiếu hiểu biết, lại quá nặng nề ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, xem những thứ khác mình là man di, mọi rợ. Lại thêm từ sau những năm 1975, phong trào Fulro được đông đảo thanh niên Chàm tham gia, hưởng ứng. Điều này đã tạo thêm cái cớ cho chính quyền càng ngày càng thắt chặt kiểm soát người Chàm, xem họ như một lực lượng có thể ảnh hưởng đến quyền cai trị toàn trị của họ.

Thảm họa ở Fukushima làm cho đông đảo bà con Chàm lo sợ. Họ sợ cho số phận một dân tộc thua trận, vong quốc ngay chính trên lãnh thổ của mình sẽ có một kết cục tương tự như bao nhiêu nạn nhân trong thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Người Chàm sống cùng với nỗi lo, nhưng liệu họ có nhận được đền bù, được bồi thường cho việc sống chung với những nỗi lo, sợ hãi đó?

Từng là một vương quốc hùng mạnh, thống lãnh cả một dải đất miền Trung trải dài và rộng lớn đến tận Tây Nguyên. Nhưng ngày nay dân số người Chàm chỉ còn chưa tới 150 ngàn người. Những giá trị văn hóa, bản sắc của họ ngày càng bị Kinh hóa, họ đang mất dần họ. Những nghi lễ ngày trước dần mất đi, đền tháp là nơi linh thiêng, nơi người Chàm cúng kiếng Po Yang (thần linh) thì nay trở thành nơi tụ hội, nơi bày tỏ yêu đương của những đôi nam nữ, nơi cho bọn trẻ con thiếu hiểu biết bôi vẽ trên từng viên gạch.

Người Chàm phản đối điện hạt nhân ở Ninh Thuận như là một biện pháp để cố gìn giữ những bản sắc văn hóa của cha ông còn lưu lại. Cố gắng để cho dòng giống Chàm mai sau không bị èo uột, bệnh tật do mắc phải những chất phóng xạ từ những lò hạt nhân rò rỉ. Làm sao có thể an tâm khi một quốc gia như Việt Nam chế tạo 1 chiếc xe máy còn chưa được lại có thể vận hành những nhà máy nguyên tử cực kỳ nguy hiểm kia?

Thái độ của trí thức Chàm

Nói là “trí thức Chàm” thì quả là hơi quá, vì ở Việt Nam khó có thể hình thành một tầng lớp trí thức đúng nghĩa, mà chỉ có thể là một cộng đồng người có học và hiểu biết. Ở người Chàm thì có lẽ còn thảm hại hơn. Giới có học, có bằng cấp Chàm lâu nay chưa bao giờ lên tiếng trước những vấn đề liên hệ trực tiếp đến mối an nguy của đồng tộc. Họ được ru ngủ bởi chính quyền Việt Nam bằng công việc, bằng bổng lộc, bằng sự bình yên trong cuộc sống và thăng tiến trong công việc. Do đó, trước vấn đề nổi cộm ảnh hưởng trực tiếp đến sắc tộc Chàm, họ chọn giải pháp như thường thấy là: Im lặng.

Trong những tiếng nói hiếm hoi phản đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận chỉ có ông nhà thơ Inrasara, nhưng ông này chỉ là người làm thơ, viết văn, có thể ông có tiếng nói trong cộng đồng Chàm, nhưng không có tiếng nói về mặt hành chính khi ông không phải là đảng viên Cộng Sản. Theo một con số từ Ban dân vận tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 74 ngàn người Chàm, trong đó số lượng đảng viên Cộng Sản là 900 người. Điều kỳ lạ là cả những người này có giá trị về mặt chính quyền cũng làm ngơ trước sự tồn vong của dân tộc mình.

Trí thức Chàm họ rất “nồng nhiệt” trong việc tranh cãi, đả phá nhau, nhưng trước vấn đề điện hạt nhân, chẳng thấy họ lên tiếng. Họ chọn sự bình yên, ổn định còn với đồng bào của mình là đầy dẫy những âu lo về sự tồn vong.

NQ