Một trong những bí quyết để tạo được những tấm ảnh có ấn tượng mạnh là phải đối xử những tấm ảnh như những mẩu truyện ngắn. Tức là chỉ lấy đủ những yếu tố quan trọng không hơn, không kém. Trong một bài GNA trước đây, người viết có nói: cái gì mà không bổ sung được cho tấm hình, sẽ làm rối nó hơn. Trong layout trang báo, cách dùng khoảng trống trên từng trang rất quan trọng vì phải tận dụng hết những khoảng trống trong mỗi khung hình, không bỏ phí những “khoảng trống chết” (dead space). Bài viết này sẽ nói về nguyên tắc làm đầy khung.
Chúng ta hãy xem một thí dụ sau đây. Tôi đã nhờ hai ông bà tốt bụng làm người mẫu cho vài tấm hình. Khoảng cách giữa hai người sẽ xác định cách làm đầy khung hình.

Hình đầu tiên (bên trái, phía trên) chứa nhiều khoảng trống bỏ phí. Kéo khung chật lại sẽ làm tấm hình gọn thêm tí (bên phải), khoảng cách tương đối giữa hai người cũng tăng theo. Nếu thâu khung lại thêm nữa sẽ không tránh khỏi bị mất một trong hai ông bà vui tánh.

Tôi bèn yêu cầu hai người đứng gần lại nhau, thì tấm hình gọn thêm nữa – tiến bộ lập tức (trái). Bằng cách dùng ống kính để zoom gần hơn, hoặc thâu khung lại, chúng ta có được tấm hình càng tốt hơn (phải).
Cuối cùng, hai ông bà đứng kế bên nhau, chúng ta đã loại đi những khoảng trống còn lại. Các bạn cũng nên lưu ý tấm hình đã trở thành chiều dọc, thích hợp hơn với hình dáng của hai người đang đứng chung. (cô dâu/chú rể)

Nếu bạn thử đứng cách xa tờ báo, bạn vẫn có thể nhìn thấy là hình gì, còn với tấm hình đầu tiên bên trên thì không thấy rõ là gì.

Cần lưu ý rằng sắp đặt mọi thứ gần nhau chật ních như hộp cá mòi cũng không phải luôn luôn là cách giải quyết tốt. Nhiều khi các người mẫu bị sắp quá gần trong hình, họ không có chỗ để “thở”. Thâu khung quá nhiều trong mọi trường hợp, chúng ta không phải có mẩu truyện ngắn, cũng không phải bài thơ, mà là câu chuyện con nít. Dễ đọc, dễ hiểu, nông cạn, không đáng ghi nhớ. Hay lắm cũng chỉ là hình “báo chợ” tabloid, không có giá trị nghệ thuật.

Điều quan trọng chúng ta cần nhấn mạnh: bạn hãy bắt đầu với quan niệm này (tấm hình nói về cái gì?), và luôn luôn để ý (hình thức đơn giản nhưng có ấn tượng mạnh). Thực hành, thực hành, và thực hành.
