Nhũ hoa, xú-chiêng và chiến lược toàn cầu.
Chiếc xú-chiêng đầu tiên được cho là xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp, khoảng 1,400 năm trước Công nguyên, dành cho các phụ nữ thuộc giới quý tộc. Nó được cải tiến theo thời gian, và chiếc có hình dạng gần giống với ngày nay được cho là xuất hiện năm 1913 tại Pháp, do bà Mary Phelps Jacob sáng chế.

Bảo Huân
Sau cuộc xét nghiệm y khoa, chẳng có người đàn bà nào bình tĩnh được khi biết mình đã bị ung thư vú, một cơn ác mộng trong đời người. Ung thư vú sẽ gây ra ung thư phổi nếu là di căn gần, hoặc ung thư tử cung nếu là di căn xa. Sự chết bắt đầu như thế.
Dân tình đang hoang mang và xôn xao vì xú-chiêng sản xuất từ Trung Quốc có chứa một thứ chất lỏng và những viên bi màu trắng trông rất mờ ám, kỳ bí và đầy tính đe dọa trong lần vải lót của chúng. Giới chuyên môn cũng chưa có câu trả lời dứt khoát, chỉ nói mơ hồ rằng đây là một loại hóa chất có thể gây ung thư. Nhiều phụ nữ nói rằng mặc áo này thấy bầu vú nóng rát, khó chịu, không bình thường.
Ở cái thời mà bất cứ thứ gì đến từ “nước lạ” cũng đều làm dân ta e dè ngờ vực, thậm chí phẫn nộ, thì hẳn nhiên chuyện xú-chiêng lạ này có thể trở thành chuyện lớn.
Các nhà bình luận thời cuộc trên các vỉa hè Sài Gòn thích ém gió rằng, Trung Quốc đang tấn công thế giới từ nhiều phía, nhất là từ các loại hàng hóa của họ. Ăn giá sống có tẩm hóa chất của Trung Quốc sẽ bị ghẻ lở và rụng móng tay móng chân. Ăn bánh kẹo của Trung Quốc sẽ bị viêm loét dạ dày. Đắp chăn Trung Quốc sẽ gây ung thư. Lấy chồng Trung Quốc sẽ thành nô lệ tình dục và osin không công… Nhưng Trung Quốc có hận thù gì với ai thì cứ hận thù, sao lại hận thù cả với cái nơi mềm mại, thơm tho và ấm áp trên thân thể của phụ nữ như thế? Mà nếu đây là sự thật thì cái món vũ khí họ dùng lại hết sức tiểu nhân. Tàu mà chẳng có tí quân tử Tàu nào! Vú phụ nữ cũng liên quan đến chiến lược toàn cầu của họ đến thế sao?
Nói cho công bằng, vào thế kỷ trước, để mở đầu cuộc xâm lăng Trung Quốc, các nước Tây Phương dùng loại võ khí cũng tiểu nhân chẳng kém gì: đó là “ma túy”, trong cuộc “Chiến tranh nha phiến” cuối thời Mãn Thanh. Họ làm cho vô số người dân Trung Quốc nghiện hút; từ các quan to nhỏ trong triều đình, các vị thái giám chốn lãnh cung, các binh đoàn lính tráng cho tới các vị sư tu tập trên núi cao đều nghiện thuốc phiện. Và cũng vì thuốc phiện nên Bát Quốc Liên Quân có cớ và ưu thế áp đảo để xâu xé Trung Quốc thành từng miếng nhỏ. Thời bấy giờ, những nơi vui chơi ngay trên đất Trung Quốc hay xuất hiện bảng cấm: “Cấm chó và người Trung Quốc”, như có lần tôi xem thấy trong một phim có diễn viên Lý Tiểu Long đóng thì phải. Quả là một sự sỉ nhục cho Hán tộc. Hẳn là bây giờ Trung Quốc đang muốn rửa nhục theo tinh thần kiểu ơn đền oán trả của các vị anh hùng hảo hán trong truyện Tàu chăng?
Trên một bàn cà phê vỉa hè mà tôi tham dự, có người cho rằng, tiền thân của cóc-xê hay xú-chiêng ở xứ ta là cái yếm đào. Nó ra đời vào khoảng thế kỷ 12, thời nhà Lý. Vừa đẹp vừa tiện. Vì vậy, nên chăng chị em phụ nữ từ bỏ cái xu-chiêng hiện đại đầy bất trắc mà quay lại với một sáng tạo đậm bản sắc dân tộc, và phải chăng đây là dịp nâng cao tinh thần không dùng hàng lạ, tôn vinh chiếc yếm đào cổ truyền?
Nhũ hoa, yếm đào và thơ
Tùy vào văn cảnh mà người Việt chúng ta gọi cái bộ phận trên ngực người phụ nữ bằng nhiều từ khác nhau. Chúng ta có: ngực, nhũ hoa, nhũ bộ (Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình [Lục Vân Tiên]), vú, đồi, núi đôi, gò bồng đảo… Rồi vú và những thứ phụ tùng của nó đã lừng lững đi vào thế giới văn chương. Vú đi vào chiến tranh toàn cầu, vào thơ Pháp, thơ Việt, thơ bình dân, thơ bác học. Tôi xin ghi lại một vài trích dẫn theo trí nhớ đang hao hụt dần của mình.
“Thiên nhiên sinh ra một nàng khổng lồ. Nàng nằm thoát y. Thân thể nàng trải dài từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Lũ đàn ông trèo lên thân thể nàng bắt đầu từ ngón chân, rồi lên tới đầu gối, rồi tới đùi. Đến khi lên tới ngực nàng, chúng ngồi xuống dưới chân vú. Ở xa nhìn giống như một thôn xóm đìu hiu nép mình xuống dưới chân một quả đồi.”
Tôi nhớ mang máng nhà thơ Pháp Baudelaire đã tả ngực người tình kỳ vĩ và thơ mộng như vậy.
Ca dao bình dân để giễu cợt tham quan ô lại thì:
“Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”
Thập niên 40, ở các thành phố lớn, cô gái nào tóc rẽ lệch, đi xe đạp, guốc cao gót thì được gọi là cô tân thời. Còn chàng nào tay đeo đồng hồ, túi áo có dắt bút máy, có răng vàng thì được gọi là cậu công tử. Có cô tân thời rất ăn diện nhưng ngực lại xẹp lép mà bây giờ người ta hay gọi là “màn hình phẳng”, vì thế, trong nhân gian có thơ rằng:
“Vú em chum chúm núm cau
Cho anh bóp tí có đau anh đền
Tháng sau đi chợ cầu Dền
Anh mua (cái) chũm chọe anh đền (cái) vú em.”
Thơ của bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương, thấp thoáng tình duyên riêng tư mà nổi trôi theo vận nước:
Bánh Trôi Nước
“Thân em thì trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Tròn méo nhờ tay quân tử nặn
Riêng em vẫn giữ tấm lòng son.”
Chuyện lăng nhăng cũng đã dài rồi, còn tôi, nếu bạn thắc mắc về ý kiến của kẻ viết bài này thì ngoài chuyện y tế, tinh thần dân tộc… ra, tôi kiên quyết bỏ phiếu cho chiếc yếm đào vì cầm lòng sao đặng khi nó duyên dáng thế này:
“Phó cho áo ngực, yếm đào
Nước trong leo lẻo cắm sào (em) đợi anh…”