Bây giờ, thành phố nơi tôi ở, đang là mùa Thu. Những chiếc lá đỏ rực rồi vàng úa của rặng cây phía sau nhà rơi đầy mặt đất, làm tôi nhớ lại mảnh vườn xoài cát của Tía tôi cũng phủ đầy những chiếc lá lìa cành vào những ngày Tháng Chín, khi con nước cuối cùng của mùa nước lụt hằng năm không còn dâng lên nữa. Vài con quạ ủ rũ đứng bên cành cây rụng hết lá không buồn kêu ra rả như mọi ngày. Mấy chú chim sẻ, chim bồ câu co ro dưới mái hiên căn nhà tôi đang trọ như ngủ vùi, không thèm hót líu lo hoặc bay đi kiếm mồi như mọi hôm vì tiết trời buổi sáng mùa Thu còn se lạnh. Mùi thơm nhè nhẹ của những chùm hoa lài, hoa hạnh ngào ngạt, mà tôi để gần bệ cửa nơi phòng khách, đang nở rộ. Những cánh hoa màu trắng tinh khiết mà bình dị này đã mang lại cho tôi nhiều nhung nhớ về mảnh vườn cam quýt của Tía tôi ngày xưa biết dường nào!

Tôi còn nhớ, Tía tôi mỗi lần nghe ai kể ở đâu có mở thêm trường học là Tía tôi mừng lắm. Suốt cuộc đời, Tía tôi cứ quần quật, cực nhọc. Mỗi ngày nhà quê như muôn ngàn ngày nhà quê, Tía tôi phải cày bừa, phải dọn đất, phải sạ lúa, phải làm cỏ, phải chăm sóc vườn tược quanh năm, suốt đời. Hết lúa tới vườn, hết vườn tới lúa. Thế nhưng, ở Tía tôi, cái phong cách một hàn Nho như bàng bạc. Một phong cách vừa thanh tao mà chan chứa lòng kính ngưỡng các bậc tiên hiền, đồng thời cũng hết sức bao dung, đức độ, mở lòng đón nhận con cháu, các thế hệ đời sau bằng những lời khuyến dạy, bằng những việc làm lợi ích cho chòm xóm vô cùng thiết thực.
Trong xóm ngoài làng, từ ngôi đình làng đến chùa, miếu, những di tích biểu trưng cho một nền văn hóa nơi thôn quê miền Nam, đã được Tía tôi đứng ra lo lắng tô bồi, giữ gìn. Từ việc thờ phượng “Sắc Thần” trang nghiêm đến những ngày Kỳ Yên, những ngày Hạ điền, những ngày Thượng điền nơi đình Thần, Tía đã đem hết lòng mình làm những việc cầu quốc thái, dân làng an lạc.
Vào mùa Hè, những trái sao, trái dầu với hai cánh dài như những cánh chuồn chuồn, bay lượn lờ trong gió, rồi đáp rải rác xuống khắp mặt đất. Mấy anh em tôi thường đi lượm về đầy thúng. Tía tôi đem ươm trên nền đất ướt. Khi những cây sao, cây dầu con cao bằng đầu gối, Tía tôi bứng lên, rồi lấy những bẹ chuối bầu lại và đem trồng xung quanh vườn. Nơi ngôi chùa xưa ở ngã ba con nước xoáy, Tía tôi cũng đã trồng hằng mấy trăm cây sao, hằng trăm bụi trúc cho chùa, tạo thành một phong cảnh vừa u tịch, vừa thâm nghiêm mà có ích thiết thực cho việc trùng tu chùa chiền sau này, nhằm giữ cho làng quê có nơi chốn lễ Phật, niệm kinh vào các ngày rằm, ba mươi, Tết nhất.
Rồi những lớp học của trường làng, từ ngày mới hồi cư sau những ngày chạy giặc trở về, Tía tôi đã đốc thúc xây cất, dù bằng tre, bằng lá dừa nước, để có chỗ cho con cháu trong làng có nơi học hành. Những vị giáo viên nhà quê rất tận tình dạy học, tận tình cõng những đứa học trò nhỏ qua chiếc cầu khỉ ngay trước cửa trường như cõng con mình. Họ giữ được cái thân tình đối với học trò như cha con trong gia đình hơn là cái phong cách cao trọng của cái nghề dạy học. Những thầy giáo này rất mến và nể trọng Tía tôi như nể trọng một người có lòng, mà ở nhà quê người ta thường hay gọi là người có “hằng tâm”.
Vào những sáng sớm, ở nhà quê thường nấu nước châm trà. Tía tôi sáng nào cũng uống trà như vậy trước khi ra đồng, ra vườn. Con không bao giờ quên cái phong cách uống trà của Tía. Bình trà nhỏ, tách trà cũng rất nhỏ. Nước nấu phải thật sôi, lửa tốt ngọn, nếu lửa bị un khói, nước sẽ bị hôi khói, làm mất mùi thơm của trà. Sau đó, chế một ít nước sôi vừa đủ thấm trà, rồi chắt bỏ nước này vì làm như vậy trà sẽ sạch bụi, sạch những mốc meo. Sau cùng mới châm nước sôi vào khoảng vừa đủ vài ba tách trà. Trà châm như vậy, theo Tía tôi, mới ngon. Tía tôi rót trà cúng trên bàn thờ ông bà, rồi rót trà vào tách của mình, đưa tách trà nóng nghi ngút gần hai con mắt cho hơi nóng bốc lên một lúc, như để xông hơi cho đôi mắt sáng lên. Từ từ, Tía mới uống những ngụm nước trà đầu ngày cùng những câu chuyện lễ nghĩa, những kinh nghiệm của đời sống cho các con nghe. Đối với anh chị em tôi, Tía tôi có cách nói chuyện giống như nói chuyện với người lớn mà trang nghiêm nhưng thân thương. Vào những dịp sáng sớm này, Tía nhắc lại nhiều lời nói của các bậc thánh hiền trong những quyển sách bằng chữ Hán giấy đã ố màu ngà ngà vàng, gáy sách được nẹp hai miếng tre mỏng, kết lại bằng những sợi chỉ gai. Tía tôi lúc nào cũng giải thích rất chi li, nếu không, chỉ trừ mấy anh chị lớn có học chữ Nho với ông Nội tôi mới thấu hiểu nghĩa lý, còn từ tôi trở xuống đành chịu cảnh ù ù cạc cạc. Tía tôi kể, sách của ông Nội nhiều lắm, hồi loạn lạc đem giấu ngoài mấy đống rơm hoặc để trong nhà đều cháy rụi. Nay chỉ còn lại mấy bộ nhờ bỏ trong khạp da bò chôn gần bụi tre mỡ, nên mới còn, nhưng giấy cũng mục nhiều. Mỗi lần nhắc đến sách vở cũ bị hư nát, tôi thấy Tía tôi buồn buồn. Dường như, bao kỷ niệm cũ lại hiện về với cảnh mồ côi từ ngày mới lọt lòng bà Nội, Tía tôi sống với ông Nội như vậy cho tới lớn khôn, mà ngậm ngùi.
Thuở còn thơ ấu, anh chị em chúng tôi đứa nào cũng thương Tía cực khổ với con cái. Nhưng Tía thì lúc nào cũng nghiêm minh, nên chúng tôi ở gần bên Má tôi hơn. Chuyện gì muốn xin phép Tía, đều nhõng nhẽo với Má. Và rồi, sau này lớn lên, anh chị nào cũng muốn ngồi gần Tía Má để nghe cha mẹ nhắc lại những mẩu chuyện đời, những lời dạy đầy thương yêu, bao dung. Một trong những mẩu chuyện kể, thế nào Tía cũng kể về những lần Tía tôi cõng tôi trên lưng trên đường tản cư chạy giặc, những đau xót khi từ cánh đồng đang lẩn trốn, nhìn ngôi nhà ngói bị đốt với cột khói bốc cao, cùng những tiếng nổ ầm vang của những tảng đá, những lu khạp đã làm vần vũ cả cái vùng trời của con rạch quê hương. Hoặc những mơ ước hết sức bình thường là có cái chuồng bò như cái chuồng bò của những nơi bình yên mà gia đình chúng tôi len lỏi đi qua, để cả gia đình trú nắng, đụt mưa trên đường chạy loạn.
Bây giờ dù quá lâu, nhưng trong trí con cứ nhớ hoài những câu hỏi về những lần theo Tía bơi xuồng về thăm vườn cam quýt khi đi ngang qua bắc Vàm Cống. Con thấy những chiếc xe hơi nằm im lìm trên những chiếc bắc, con nói xe hơi sao hư nhiều quá, họ chở đi đâu vậy Tía. Tía bảo xe qua bắc đó con. Rồi những lần về quê như vậy, thỉnh thoảng, Tía dặn con đừng nhìn những người bị giết thả trôi sông, nổi lềnh bềnh đang tấp vào đống chà ngoài sông Cái. Con thấy Tía bơi mạnh tay cho chiếc xuồng lướt mau để qua khỏi cảnh thê lương này. Lần nào về quê như vậy con để ý thấy Tía vui lắm khi nhìn cây cam này, cây quýt kia trái chín rộ. Tía ra thăm mồ mả ông bà. Tía nhảy xuống ao mò lại bộ lư đồng hoặc vài chục chén kiểu con rồng để có mà thờ cúng ông bà, hoặc dùng vào những ngày giỗ chạp. Tía đến bên gốc xoài tượng mà Ông Nội tôi đã trồng trước đây mấy mươi năm, giờ chỉ còn duy nhất một gốc xoài này, đang ngã xiên xiên vì một vài rễ con bị sùng ăn, treo tòn ten đầy những trái bằng bắp chuối, ửng già. Nhìn những trái xoài, nhìn cây xoài da sần sùi ngã đổ, Tía tôi không giấu nỗi sự hiu hắt trong lòng. Dường như Tía tôi cũng hơi lo lo, một nỗi lo mà vì còn quá nhỏ, nên lúc bấy giờ con không hiểu hết được. Dù vậy, Tía không quên giặm cho con những con cá thia thia đen mun đựng trong những lá môn nước, buộc túm miệng lại bằng sợi dây chuối khô. Tía giải thích con cá này có đặc điểm là thường thi tài, đá nhau vào mùa Thu, tức là mùa mưa, mùa nước lên ở miền Nam, nên có tên là cá “Thu thi”. Nhưng vì quen miệng, trong dân gian thường đọc trại ra là cá “thia thia” hoặc cá “lia thia” cho dễ nhớ.