Menu Close

Những kỷ niệm về tía tôi – Kỳ 3

Bây giờ, thành phố nơi tôi ở, đang là mùa Thu. Những chiếc lá đỏ rực rồi vàng úa của rặng cây phía sau nhà rơi đầy mặt đất, làm tôi nhớ lại mảnh vườn xoài cát của Tía tôi cũng phủ đầy những chiếc lá lìa cành vào những ngày Tháng Chín, khi con nước cuối cùng của mùa nước lụt hằng năm không còn dâng lên nữa. Vài con quạ ủ rũ đứng bên cành cây rụng hết lá không buồn kêu ra rả như mọi ngày. Mấy chú chim sẻ, chim bồ câu co ro dưới mái hiên căn nhà tôi đang trọ như ngủ vùi, không thèm hót líu lo hoặc bay đi kiếm mồi như mọi hôm vì tiết trời buổi sáng mùa Thu còn se lạnh. Mùi thơm nhè nhẹ của những chùm hoa lài, hoa hạnh ngào ngạt, mà tôi để gần bệ cửa nơi phòng khách, đang nở rộ. Những cánh hoa màu trắng tinh khiết mà bình dị này đã mang lại cho tôi nhiều nhung nhớ về mảnh vườn cam quýt của Tía tôi ngày xưa biết dường nào! 

alt

Cái thời tao loạn này, với Tía có biết bao là khổ cực. Nào là những ngày nắng trên đồng với đôi bò già có cặp sừng móc vào lỗ tai theo Tía từ những ngày chạy giặc, nào là những ngày tháng ở đậu ở nhờ, nào là những con tôm vào mùa nước giựt của những năm còn lúa mùa, người ta đặt lờ lọp cá tôm chạy đầy lọp. Tía mua tôm về, lấy đăng bao chung quanh trước sân nhà cậu hai còn ngập nước và rộng tôm vào đấy; rồi rang muối chở lên Sài Gòn bán và cắc ca cắc củm mua cho con cái quần kaki màu xanh dương để mặc khi đi học. Lúc bấy giờ, được quần mới, con mừng quýnh, mặc đi cùng xóm. Tía Má tôi thấy con vui cũng vui lây. Nhưng chẳng may, Tía tôi mua nhầm cái quần cũ để lâu ngày nên mới mặc vài lần lại bị rách. Tía Má thấy con buồn buồn, bèn an ủi để Tía Má mua cho cái quần mới khác.

Thế mới biết cái lòng của cha mẹ đều bao la như nhau, thương con như nhau, lo lắng cho con cái như nhau, một thứ tình cảm vượt lên trên mọi tình cảm trong đời sống, nó có thật và nó dàn trải tự nhiên từ trong lòng của cha mẹ, không thể lấy bất cứ điều gì từ bên ngoài cái lòng thiêng liêng ấy để mà so sánh cho được.

Rồi những ngày đình chiến, Tía Má lại dẫn đàn con lục tục kéo về cái nơi chôn nhau cắt rún năm xưa để bắt đầu lại một đoạn đời. Nhưng Tía vẫn không quên khuyên các con tiếp tục việc học. Con nhớ Tía luôn lặp lại lời khuyên của người xưa mỗi khi anh chị em con ngồi quây quần bên Tía Má để nghe Tía nhắc lại câu nói trong sách xưa: “Trong sách có vàng bạc, trong sách có người con gái đẹp”. Sau này, khi vào đời, tôi nghiền ngẫm hoài về lời gợi ý của cha mình trong việc khuyên con cái ráng lo học thành người mai sau.

alt

Tía ngày ngày mặc chiếc quần cụt lưng chừng đầu gối, lưng để trần, đầu bịt chiếc khăn rằn, đứng trong bùn móc từng cục đất để bồi gốc cau, gốc dừa, gốc chanh, bụi chuối. Hoặc ngồi gò lưng chuốt những cọng nan để đan cái thúng, cái rổ hoặc cái lọp, cái lờ, nhưng trong lòng lại lo lắng cho con đứa này, đứa kia học hành ra sao, không ngừng. Con còn nhớ những ngày tháng đó, Tía Má mừng hết sức là mừng khi cuối năm học các con đậu những kỳ thi vào mùa nghỉ Hè, dù đó chỉ là mảnh bằng sơ học, tiểu học, nói gì đến những bằng cấp cao hơn.

Như để chia sẻ sự cực nhọc, hy sinh của cha mẹ, cứ mỗi lần về thăm nhà, khi đến bến đò làng, con thường cởi giày, quần dài quấn ngang cổ, tay xách giày, lội bộ trên đoạn đường từ bến đò về nhà xa khoảng ba cây số. Vì cha mẹ thì lặn lội, mà mình về tới nhà còn chân dép chân giày, thấy trong lòng mình có cái gì xốn xang, chua xót lắm! Lần nào cũng vậy, thấy có các con về là Tía tôi tắm rửa nghỉ ngơi, không làm lụng nữa vì sợ con mình thấy cha mẹ khổ cực, sẽ không an lòng để lo học hành. Tía muốn một mình chịu cực, một mình hy sinh, một mình vất vả để cho con cái an tâm mà chí thú học hành.

Lần nào về tới nhà là tôi thay ngay áo quần loại đi đồng để phụ giúp gia đình việc này, việc nọ như bửa củi, gánh nước tưới vườn trầu, tưới mấy bụi tiêu, hoặc chặt chuối cây, kéo lục bình ủ vào các gốc cam, gốc quýt cho ấm gốc vào những ngày tháng nắng.

Có khi tôi theo Tía tôi phụ cầm miệng bao bố tời để bắt những ổ kiến vàng bỏ vào đó, về thả lên vườn cam quýt, vì vườn cam mà không có kiến vàng, cam quýt sẽ bị chai, trái không có nước và không ngọt. Mỗi lần bắt kiến vàng như vậy, mình mẩy tay chân Tía tôi bị kiến vàng cắn đầy mình, nhiều khi thành ghẻ, thành sẹo đến nóng sốt. Có khi phải đi bắt kiến vàng khá xa. Lần nào vào tới cái cua quẹo, cách nhà tôi khoảng vài trăm thước, thuộc khu vườn rậm rạp dường như bỏ hoang của gia đình Tạ Thu Thâu, Tía tôi cũng nhắc đến Tạ Thu Thâu thời ấu thơ đã ở đây, nhà rất nghèo, nhưng sau này theo cha lên Long Xuyên ở cua Lò Thiêu, được đi học và học rất giỏi, như một tấm gương để khuyên con ráng lo học hành.

Nhắc về những kỷ niệm của Tía tôi, có lẽ tôi không bao giờ quên những lần theo Tía đi đào chuột vào mùa mưa, những lần theo Tía đặt lờ tôm vào mùa nước lụt Tháng Tám, Tháng Chín hoặc theo Tía ngủ trên đồng vào mùa gặt lúa, rồi đi thăm “tàu” đầy cá lóc. “Tàu” là một cái hầm nổi được Tía tôi dùng rơm và đất bùn đắp ngăn ngang một con lung cạn. Chung quanh miệng tàu được tô thật láng bằng bùn. Vì là đường nước cá đi ngược đi xuôi, nay bỗng nhiên bị ngăn lại. Do đó, bằng mọi cách cá phải vượt qua và rồi chỉ còn con đường duy nhất là nhảy vào cái “tàu”. Có nhiều đêm cá nhiều quá, Tía tôi không làm sao mang về cho hết. Mỗi lần đi theo Tía như vậy, Tía tôi thường lấy cảnh vật chung quanh làm những thí dụ thực tế về việc đời nhằm khuyên dạy con cái một cách nhẹ nhàng mà thâm trầm. Chẳng hạn, Tía tôi thường nói: “Con hãy nhìn cách người ta lập vườn con sẽ đoán được cái chí của người chủ vườn ra làm sao”. Rồi Tía tôi giải thích tiếp: “Người lo xa, thường hay trồng những loài cây lâu năm, như cây sao, cây dầu phải trên hai mươi năm mới xài được”. Tía tôi cũng nhắc câu tục ngữ thường được lặp đi lặp lại ở quê tôi:

“Trẻ trồng xoài, già trồng chuối.” Khu vườn cam quýt của Tía tôi rất ngay hàng thẳng lối, đứng bất cứ vị trí nào cũng nhìn ra được những cây quýt, cây cam trong vườn đều thẳng hàng như căng dây, nẻ mực. Điều ấy cũng thể hiện đức tính đường hoàng, cương trực, thẳng thắn ở Tía tôi trong đời sống hằng ngày.

Từ thực tế của gia đình, đồng tiền do cha mẹ làm ra quá khó, quá cực, nên cứ mỗi lần chi xài vào việc gì, tôi hết sức đắn đo việc nào cần, việc nào không cần để làm nhẹ đi gánh lo của Tía Má lo cho con cái. Tôi thầm nghĩ, mỗi đồng bạc mình cầm trên tay để mua quyển sách, tập vở hay chi xài bất cứ vào việc gì là những giọt mồ hôi của cha mẹ mình đã đổ ra nhiều lắm, mới có được. Đôi lúc có cả nước mắt hòa vào nữa. Không phải tự dưng mà ruộng hoang cho lúa gạo được. Không phải tự dưng mà vườn tược cây trái xum xuê được. Tía Má phải lăn lóc với ruộng, với vườn “trần ai lai khổ” mới có tiền để cho con ăn học, mua áo, mua quần, mua sách vở, viết, mực. Đó là chưa kể, ở nhà quê, Tía Má tôi nhịn ăn, nhịn mặc nữa. Chỉ quần vải áo thô, chỉ cơm canh đạm bạc, tất cả cũng vì con, lo cho con, hy sinh cho con mà không bao giờ mong mỏi nhờ con khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Con nhớ lại đời con, có lẽ chưa bao giờ con đã làm bất cứ việc gì dù nhỏ nhặt nhất để Tía Má phải buồn, phải trách rầy cho đến ngày Tía Má không còn nữa! Nhưng con thấy vẫn còn thiếu nhiều lắm trong đạo làm con, chưa tròn vẹn đối với cha mẹ.Dù bây giờ tóc con đã nhuốm bạc, càng nhớ lại con càng ray rứt trong lòng, một nỗi ray rứt khó nói ra hết được!!! Dường như cha mẹ nào trên đời này cũng cực nhọc, hy sinh rất nhiều cho con mình gần giống nhau, không tiếc với con, dù mỗi hoàn cảnh, mỗi gia đình có những điều kiện sinh sống có khác nhau ít nhiều.

Ước mơ của Tía Má trong việc con cái học hành chỉ là những ước mơ hết sức bình thường, không cao vọng gì. Học chỉ để biết chữ và sống ở đời biết được điều lễ nghĩa. Với bộ áo quần bà ba bằng vải ú trắng, vài tháng Tía đi thăm con cái một lần tại căn nhà trọ nằm lẩn khuất dưới hàng dừa xiêm, ngoại ô tỉnh lỵ Long Xuyên, cách trường học có hơn một cây số. Tía đã đem tràm, gáo, tre, lá để che một căn nhà nhỏ tại khu đất mướn này cho anh em tôi ở học. Má thì cụ bị gạo, củi đuốc, nước mắm để con cái ăn uống đạm bạc qua ngày mà học hành. Tía thường nói với Má, để cho con sống khắc khổ như vậy để biết thế nào là cực khổ mà cố gắng học hành. Tía dạy: “Ở đời không có việc nào thành công mà dễ dàng, huống chi là việc học.”

LTT