Khi tráng trứng bằng một chiếc chảo thông thường và không dầu mỡ, trứng dính vào chảo, lấy ra trông không đẹp mắt chút nào, và nhiều khi phần dính vào chảo phải mất công chà rửa mới sạch. Vì lý do này chúng ta thường dùng loại chảo không dính (non-stick) là loại chảo có phủ trên mặt một lớp Teflon.

Tại sao có vật dính lại với nhau, có vật không dính, còn Teflon thì hoàn toàn không?
Lấy hai chiếc chảo, một chiếc thường, một chiếc có tráng lớp không dính. Nấu sôi một ít bột gạo với nước thành hồ dán, lấy mấy giọt hồ bỏ lên mặt cả hai chảo, rồi nghiêng chảo cho quay một vòng. Ta thấy những giọt hồ lan toả rồi rơi ra khỏi chảo có lớp non-stick, còn trên chiếc chảo kia thì hồ dính lại. Lý do là vì tính chất ma sát:
Vật chất dính lại với nhau là do ma sát (friction). Ma sát là lực thu hút nhau giữa các sự vật. Keo và hồ dán có tính ma sát rất cao nên dễ dính. Bỏ keo hoặc hồ dán lên mặt một đồ vật, nó không di chuyển, và không để vật gì khác chuyển dịch được. Cao su có ít tính ma sát nên bám chặt, đó là lý do nó được dùng làm đế giày và vỏ xe. Nước và dầu có tính ma sát thấp, còn Teflon không có ma sát chút nào.
Đặc tính không dính của Teflon có thể so sánh như lấy hai cục nước đá rồi cố làm cho chúng dính lại với nhau.
Cũng như nhiều phát minh khác, Teflon được khám phá hoàn toàn do một sự tình cờ vào năm 1938.
Lúc đó, Roy Plunket (1910-1994) là một nhà hóa học làm việc tại Phòng thí nghiệm của công ty DuPont tại Jackson, đang nghiên cứu về các hợp chất có thể dùng làm chất làm lạnh (refrigerant) cho tủ lạnh, vì các chất đang sử dụng lúc đó như chlorofluorocarbons (CFCs) có hại cho tầng ozone của khí quyển, hoặc như ammonia là thứ độc hại.
Ông biết lý thuyết cho rằng có thể lấy một hợp chất gọi là TFE cho tác dụng với hydrochloric acid sẽ tạo đưọc chất làm lạnh đang mong muốn.
Vì thế, để bắt đầu thí nghiệm, Plunkett lấy rất nhiều hơi TFE, làm lạnh đi và ép trong bình, chờ đến khi sử dụng. Khi đến lúc mở bình ra với ý định để cho hydrochloric acid vào tác dụng với TFE, ông không thấy gì trong bình: hơi đã biến mất. Bực mình, ông cầm bình lắc mạnh, và ngạc nhiên thấy từ trong bình rơi ra những bột trắng. Ông đưa cho các nhà khoa học tại công ty Dupont và họ cho biết đây là polytetrafluoroethylene.

Polytetrafluoroethylene (viết tắt là PTFE), vì tên quá dài nên đưọc gọi tắt là Teflon. Thành phần hóa học của PTFE dựa trên hai nguyên tử carbon (ký hiệu là C) và bốn nguyên tử fluorine (ký hiệu là F) lặp đi lặp lại trong toàn bộ cấu trúc của phân tử, và phần vỏ bên ngoài là các nguyên tử fluorine.
Năm 1954, Marc Gregoire, một kỹ sư người Pháp lấy Teflon tráng lên lớp dây câu để khi nào dây rối thì Teflon làm dây xả ra dễ dàng. Vợ ông thấy thành quả đó, yêu cầu ông tráng lên mặt chảo bà dùng để chiên xào thức ăn cho khỏi dính. Thành công này của Marc Gregoire đã làm thay đổi kỹ nghệ chế tạo đồ dùng trong nhà bếp: kỹ thuật tráng lên soong nồi một lớp Teflon đã được áp dụng và phổ biến khắp nơi trên thế giới. Nhưng công dụng của Teflon không chỉ dừng lại ở đây mà còn tràn lan sang các lãnh vực khác. Chúng ta sẽ đề cập trong số báo sau.
