Menu Close

Có là cơ hội…?

Allo, con đây, Trà đây… dạ, chiều mai con bận, chiều mốt được không cô?… Vậy tốt quá, con sẽ nấu một món gì đó, để hai cô cháu vừa ăn vừa hàn huyên… Ồ, cô ăn chay hả? vậy con sẽ nấu đồ chay… Dạ, bảo đảm không có bột ngọt, cô yên tâm, dạ con bye cô, hẹn cô ngày mốt.”

Trà tắt cell phone, ngồi phịch xuống ghế. Cô Hảo từ Mỹ về Việt Nam một tuần nay, nhưng Trà chưa gặp. Năm ngoái, cô Hảo nói sẽ giới thiệu một thanh niên cho Trà. Người này có nghề nghiệp vững vàng ở Mỹ. Nếu Trà đồng ý, anh ta sẽ về Việt Nam làm đám cưới và đem nàng sang Mỹ.

alt

Bảo Huân

Sang Mỹ là mơ ước của nhiều người. Thậm chí không cần phải đến Mỹ mà đến bất kỳ quốc gia nào, với bất kỳ lý do gì, miễn sao ra khỏi nước. Miễn sao thoát khỏi đời sống ngột ngạt, tất bật, nhưng vẫn không đủ sống, và không có tương lai. Trà đã từng có ước mơ như thế sau khi học xong trung học. Nhưng khi nghe cô Hảo đề nghị. Trà lại nghe tiếng mình phản đối kịch liệt, và tuyên bố không muốn sang Mỹ qua đường hôn nhân. Một điều gì đó khiến tâm tư Trà bấn loạn. Nàng chưa sẵn sàng để xa mẹ, để rời bỏ ngôi nhà, con hẻm, thành phố này, và nàng không muốn được thương hại.

o O o

Trà đón cô Hảo ở cửa. Cô khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thoải mái tươi vui. Ánh mắt đôi môi, lúc nào cũng như sẵn sàng chào hỏi bắt chuyện với người đối diện. Những đặc tính này khó có thể tìm thấy ở  người trong nước, hay ít ra là trong vòng bạn bè thân quen của Trà. Mọi người lúc nào cũng lật đật, nhấp nhổm, có lúc như thảng thốt. Cuộc sống như vũng bùn loãng, tù túng, khiến con người bị va chạm, trơn trượt, không thể ghìm chân trên mặt đất. 

– Chà mùi thức ăn thơm quá, con nấu món gì vậy?
– Dạ, con hầm bí đỏ với đậu phụng và đậu hủ om cà chua. Món chay con chỉ biết hai món này.
– Thế là tốt lắm rồi. Con cũng khoẻ chứ?
– Dạ.

Cô Hảo thân thiện và tự nhiên, khiến Trà yên tâm. Hình như cô không nhớ những gì đã xảy ra năm ngoái giữa cô và Trà: để chống đối lại điều mà Trà cho là cô áp đặt hôn nhân đối với Trà, Trà đã dùng lời lẽ mạnh bạo cho rằng cô  xem thường tình cảm của Trà, cô khinh rẻ nhân phẩm của Trà, tệ hơn, cô định buôn bán Trà.

“…Cô muốn gặp riêng con để bàn về cuộc sống của con sau này. Cô không có gia đình riêng, không có con cái, nên cô thương các cháu như con của cô vậy. Con biết mẹ con và cô là chị em khác cha, khác mẹ. Mẹ cô mất sớm. Ông bà ngoại đem cô về nuôi, lúc đó cô mới 5, 6 tuổi.  Mẹ con là người chị, người bạn đầu đời và suốt đời của cô. Mẹ và cô thương yêu nhau như chị em ruột. Vì vậy, mọi lo lắng hai chị em đều chia sẻ cho nhau. Trong đó có những lo âu về tương lai của con”

“…Dạ, con hiểu, năm ngoái chúng ta đã bàn về việc này, con hiểu cô và mẹ muốn cuộc sống của con tốt hơn, nhưng con không thể chấp nhận sống với một người mà mình không hiểu người đó, không yêu người đó. Tình yêu không thể có trong sự xếp đặt. Hạnh phúc không thể chỉ là đời sống vật chất đầy đủ”

“Cô không sắp đặt hôn nhân cho con, cô chỉ muốn giới thiệu người mà cô nghĩ là tốt để con tìm hiểu.  Quyết định đi đến hôn nhân là do con và người ấy. Vả lại, đã có những cuộc hôn nhân được sắp xếp, và bền vững đến ngày tóc bạc răng long. Nhưng cũng có những hôn nhân được khởi sự bởi tình yêu nồng nàn và sau đó tan rã nhanh chóng. Cô không có gia đình. nhưng cô đã từng có tình yêu, cô rất hiểu và trân quý tình cảm riêng tư này. Lần này cô về, cậu ấy cũng về chung, nếu không có gì trở ngại, cô sẽ giới thiệu cậu ấy với con. Gia đình cậu ấy đàng hoàng, mẹ cậu ấy là bạn thời trung học của cô. Về gia cảnh cậu ấy, con có thể yên tâm. Cô hẹn với cậu ấy cuối tuần này, nếu không có gì trở ngại, cô cháu mình sẽ mời cậu ấy ăn cơm ở nhà mẹ con để hai con làm quen với nhau”

Trà nghe tiếng của mình: “Dạ, thế mà con đã nghĩ sai về cô, con xin lỗi cô”. Cô Hảo cười nhẹ: “Khi còn trẻ, mình mới quyết liệt sống và chết cho lý tưởng. Đây là nét đẹp độc đáo của tuổi trẻ. Ngày xưa cô cũng vậy, cô cũng vùng vẫy để thoát khỏi điều mà cô cho rằng ông bà ngoại áp đặt vào cuộc sống của cô. Bây giờ nghĩ lại, cô không lên án những gì mình đã làm, nhưng cô hối tiếc đã không bao dung với ông bà ngoại khi ông bà còn sinh tiền.

Thôi, cô đói lắm rồi, từ nãy đến giờ cô bị ám ảnh bởi món bí đỏ hầm đậu phụng của con đấy!”

Trà như được giải thoát khỏi máng nhện: “ Dạ, mải nói chuyện, con cũng quên mất bao tử đang rột rột biểu tình đòi quyền sống!”

“…Ngày xưa, không có ai hầm bí đỏ đậu phụng ngon bằng bà ngoại. Cô mê món này. Mẹ con thì không bao giờ động đũa, mỗi lần bà nấu bí đỏ, mẹ con thà ăn cơm với xì dầu”.

“ Dạ, mẹ con hình như trái ngược với cô, mẹ ít nói và bảo thủ. Có vẻ như mẹ tin chỉ những gì mẹ làm thì mới tốt, mới đúng. Ví dụ như tình yêu, mẹ không tin con có thể chọn cho mình một tình yêu”

“Mẹ con không bảo thủ, mẹ con là người rất tân tiến, nhưng không gặp may trong tình yêu. Cha mẹ con lấy nhau lúc còn trẻ, lúc hai người chưa có sự nghiệp, bất chấp lời khuyên của ông bà ngoại. Mối lương duyên tưởng chừng tràn ngập hạnh phúc này, không may đã chóng tàn phai khi con ra đời. Cha con bỏ đi. Mẹ con mang mặc cảm tội lỗi đã không nghe lời ông bà ngoại. Con là đứa con duy nhất, vì yêu thương con, muốn con được hạnh phúc, và phần nào đó, để chuộc lỗi với ông bà ngoại (dù ông bà ngoại đã mất) mẹ con đã bước vào không gian cũ của ông bà ngoại, thu nhặt những lời khuyên của ông bà ngoại để giao cho con. Cô hiểu mẹ con đã không bình yên, khi nghĩ và hành động như thế, vì mọi sự trong đời sống chỉ là tương đối, không thể có đúng, sai, hoàn hảo. Mỗi người lại có một số mệnh riêng, số mệnh này được định đoạt bởi chính sự lựa chọn của từng cá nhân. Có thể chính những chọn lựa quyết đoán sau những thất bại của từng người, đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa các thế hệ. Giá như mọi người hiểu được chính mình cũng đã từng có một thời tuổi trẻ, từng sôi nổi, từng yêu, từng khổ, từng hạnh phúc, để không trách móc, không hối tiếc… thì cuộc sống sẽ được cân bằng và êm ả biết bao”

Trà nhìn cô Hảo hỏi nhỏ: “Thế tại sao cô không để cháu tự tìm tình yêu?”

Cô Hảo cười thành tiếng: “Qua những thất bại của chính mình, cô muốn thử tìm một giải pháp khác, gồm những điều tích cực từ hai kinh nghiệm trong cuộc sống. Cô chọn mẫu người và con tìm hiểu. Con đồng ý không? Cuối tuần này, cô sẽ nấu cơm ở nhà mẹ và mời cậu ta lại, con đến nhé?” Trà trả lời trong lúc nhịp tim bất chợt lại đập nhanh: “Dạ”

o O o

Trà cho xe vào sân, khóa cổng, bước vào nhà. Mẹ và cô Hảo đang râm ran trò chuyện. Ánh mắt mẹ chợt tươi khi thấy Trà: “Con về rồi hả, vào phụ mẹ và cô, sắp bát đũa, khăn ăn rồi con múc canh ra tô cho mẹ, để mẹ chiên cho xong mẻ chả giò” Giọng mẹ thoải mái nhẹ nhàng, khiến Trà cảm thấy ấm áp gần gũi. Trà ước giá như mẹ cứ mãi thế này…

Có tiếng gõ cửa, cô Hảo cười tươi: “Luân đến đấy. Cậu ta đúng giờ ghê!” Trà thấy thấp thoáng người thanh niên với chiếc áo sơ mi trắng ngoài cổng. Trà cố trấn tĩnh và ngạc nhiên về chính mình. Hơn một năm nay, Trà không còn là cô gái nhút nhát nữa. Cuộc sống tự lập, vất vả khiến nàng tự tin trước mọi người, nhất là nam giới.

Luân vào nhà, chào cô Hảo, chào mẹ nàng, nhưng ánh mắt của Luân như tìm kiếm Trà. Luân nhìn quen lắm. Thật quen. Trà cũng nhận thấy ánh mắt của Luân như hỏi nàng: “Có phải chúng ta đã gặp nhau?” Trà cố nhớ. Nàng muốn xỉu, mỗi lần cố nhớ một khuôn mặt nào đó giống Luân. Mồ hôi rịn ra ở chân tóc, ở lòng bàn tay. Cô Hảo phá tan bầu không khí im ắng mà Trà tưởng như dài hàng thế kỷ: “Chào cháu, để cô giới thiệu nhé: Đây là Trà, cháu gái của cô, và Luân, con của bạn cô. Hai cháu tự nhiên nhé”

Sự tự nhiên của Luân khiến Trà bình tĩnh trở lại. Nàng nghĩ thật nhanh. Người giống người là chuyện thường. Có thể Luân và nàng đã gặp những người cùng trang lứa hao hao giống nhau, nên cả hai đã có những phút giây ngỡ ngàng vừa rồi.

“… Luân về Việt Nam nhiều lần chưa? Luân thấy người trong nước thế nào? Có khác người Việt ở nước ngoài không? Trà muốn nói đến cách sống, sự nhận thức, ngay cả có thể nói đến nhân cách nữa?”

Luân nhìn vào mắt Trà, nhẹ nhàng: “Luân về Việt Nam vài lần rồi. Tùy vào hoàn cảnh, mọi người sẽ có cuộc sống khác nhau. Luân tin vào tính thiện của mỗi người. Và nhân cách đến từ tính thiện đó. Mọi đắn đo chọn lựa, để chấp nhận hay từ chối một ràng buộc nào đó liên quan đến đời sống, có thể ảnh hưởng đến nhân cách, nhưng không bao giờ phá hủy được nhân cách.”

Hai tay Trà ướt đẫm mồ hôi. Trà nhớ rồi… Buổi tối hôm ấy, ba thanh niên bước vào quán café. Trà làm tiếp viên ở đấy. Một trong ba người đã bóng gió đề nghị Trà về khách sạn với anh ta. Trà không thể nhớ được phản ứng giận dữ của nàng. Hình như có cãi vã, có sỉ nhục, có uất ức, và có tiếng nói nhẹ nhàng, can gián, trấn an, xin lỗi.

Trà không còn nghe Luân nói gì nữa. Một lúc, nàng lại nghe tiếng Luân: “Anh nhớ đã gặp Trà ở đâu. Anh không thể quên nét mặt, giọng nói, và đôi mắt đẫm lệ của người con gái tối hôm ấy. Anh có trở lại quán để tìm Trà, chủ quán nói Trà đã nghỉ việc. Trà có muốn chúng ta đi ra ngoài một chút không?”

“… Luân đã biết Trà là ai, làm nghề gì, cuộc sống ra sao. Vì thế đừng vì lời hứa với cô Hảo. Hãy tự quyết định. Nếu Trà ở địa vị của Luân, Trà cũng sẽ quyết định như Luân thôi” Luân hóm hỉnh: “Trà sẽ quyết định thế nào?” Trà nhún vai, không đáp. Bất giác Trà ngậm ngùi: “Trà nghĩ, chúng ta không nên xáo trộn trật tự đã hình thành từ bấy lâu nay. Như hoa dại không cần phải trồng trong chậu kiểng. Như thú hoang không chịu nổi đời sống trong vườn bách thú. Hãy để Trà sống với không gian này, xã hội này.”

“Luân nghĩ khác, mọi người có quyền chọn cho mình một cuộc sống thích hợp. Đừng buông xuôi, hãy vượt ra khỏi những gì bất ưng ý. Mọi chối từ, hay chấp nhận đều là quyền của chính chúng ta chứ không từ ai khác. Chỉ mong Trà chia sẻ với Luân trong mọi quyết định”

Không khí như tan loãng, không còn ngột ngạt, cái ngột ngạt mà Trà đã sống rất lâu trong đó, tưởng rằng sẽ không bao giờ thoát ra được. Trà hít thở làn gió mới đầu tiên với nhiều thổn thức.

PDH – 11/12