Menu Close

Bài thánh ca đó

Tôi đi về phía cuối đường số 40.  Nơi đó có nóc nhà thờ cao vút. Mái ngói màu xám tro, bờ tường trắng xóa. Trước sân từng hàng cây đứng run rẩy trong gió tuyết. Không khí ảm đạm lạnh lùng. Đêm nay là đêm Chúa đã sinh ra đời nằm trong hang đá Bê Lem. Tôi bước vào giáo đường tìm hàng ghế giữa quỳ xuống để khấn nguyện. Tôi không cầu xin tiền tài danh vọng mà chỉ cầu cho mình được an bình trong cõi trần tạm bợ này. Lác đác vài con chiên cúi đầu yên lặng. Họ là dân bản xứ, chỉ mình tôi là người da vàng. Trước Chúa tất cả màu da Ngài cũng coi giống nhau. Tôi nghĩ vậy. Đêm mới bắt đầu, chưa đến giờ cử hành Thánh lễ. Tôi muốn yên tĩnh để hồi tưởng lại những ngày Giáng Sinh trong đời mình.

Lên ba tuổi tôi không hiểu từ Giáng Sinh là gì cả. Đêm đông giá buốt ấy ba mẹ dẫn tôi và anh Dương tới nhà thờ để xem hình Chúa nằm trong hang đá. Những chùm đèn điện rực rỡ, tiếng nhạc cất cao hình Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ bên cạnh có các thiên thần. Ôi! đẹp làm sao! tôi reo lên. Càng về khuya dòng người đi lễ càng đông, thân xác nhỏ bé của tôi bị chen lấn lúc đó tôi được Ba cõng lên vai tha hồ chiêm ngưỡng.

– Dương ơi! anh xem kìa em bé Chúa đẹp quá.

Mẹ cười:

– Con phải gọi là Đức Chúa đừng nói bậy!

Anh Dương nhón gót và bắt mẹ bế lên để xem cho rõ

– Baaaaaa!!! cưng em Tường Vi quá!

Thế là Ba để tôi xuống cõng anh Dương lên.

Thánh ca vi vút đã ám ảnh tôi suốt mùa Đông ấy.

Những mùa Giáng Sinh sau tôi cũng được nghe tiếng đàn hát từ nhà thờ, được cùng ba mẹ đèo trên chiếc xe đạp rong khắp các nẻo đường giữa hạt mưa bay hoặc cơn gió vô tình lạnh.

Lên tám mẹ qua đời, ba gởi tôi vào học nội trú ở trường Jeanne d’ Arc. Kỷ luật nghiêm khắc của các Soeur tạo cho tâm hồn bé nhỏ của tôi bớt ủy mị. Nhưng nỗi nhớ về Mẹ luôn dâng trào từng đêm, sáng lên lớp tôi như kẻ mộng du chưa tỉnh giấc.

Tháng ngày rồi cũng qua. Tôi thuộc lòng những câu kinh cầu hơn là thuộc bảng cửu chương nữa.

Năm đó Soeur chọn mười đứa lớp lớn vào ban đồng ca. Tôi buồn vì không được chọn. Nhưng Soeur lại cho tôi thủ vai thiên thần cùng bốn bạn khác. Ôi! nói sao hết nỗi mừng vui khi tôi được khoác lên người cái áo đầm voan trắng toát và đôi cánh sau lưng. Trên đầu cài vòng hoa hồng khuôn mặt được thoa son phấn. Tôi giống y vị thiên thần nhỏ.

Ban văn nghệ của trường hăng say. Tiếng đàn hát cất cao hòa với vi vu của lời gió. Tôi và các thiên thần nhỏ nhón gót như bay lượn bên máng cỏ chờ Chúa Hài Đồng ra đời.

Lúc ấy ba  có tham dự và sung sướng chụp cho tôi nhiều tấm hình.

Đó là ngày Noel đáng ghi nhớ trong đời. Cơ hội chỉ một lần thôi. Những năm sau Soeur chọn các bạn lớp dưới nhận vai thiên thần, chúng tôi chỉ được ngồi ghế của hàng khán giả.

Lên trung học tôi có khái niệm rõ rệt hơn về ngày lễ Giáng Sinh. Dù là kẻ ngoại đạo tôi vẫn có đức tin rằng Chúa trên cao và ở mọi nơi để ban phép lành cho nhân loại. Mỗi khi buồn tôi đều lang thang trên các con đường dọc bờ Hương giang sau đó ngược lên nhà thờ để tìm giây phút tĩnh lặng cho tâm hồn.

Minh họa: Thắm Nguyễn

Năm lên mười sáu tuổi, một cây si dấu mặt nào đã tặng tôi tấm hình đức mẹ bồng Chúa. Trân trọng tôi để trong cặp. Ánh mắt thương yêu trìu mến của Mẹ Maria làm tôi hạnh phúc vô cùng.

Cũng vào mùa Giáng Sinh đó cây si xuất hiện với giọng Quảng đặc sệt:

– Chào Tường Vi, anh trọ tại bác Bình cuối xóm, em có thích hình Đức Mẹ nữa không anh tặng.

Trời đất ơi! hóa ra là anh láng giềng.

Ngúng nga, ngúng nguẩy tôi chạy vèo về nhà.

Ủa! người ấy tên chi? Học lớp mấy sao không học ở đất Quảng mà ra Huế dùi mài kinh sử?

Thế là tôi bắt đầu điều tra con bạn gần xóm chàng ở.

Thám tử đi vài vòng về kéo tôi ra gốc mít thì thầm như sợ ai nghe:

– Tên anh ta là Phúc đang học Y năm thứ nhất.

” Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không rời”

Bạn tôi cãi:

– Cha ấy đã thi đậu rồi, phải nói là:

“Học trò xứ Quảng lầm lì

Thấây Tường Vi đẹp nên đi không đành”

– Thôi! đừng có xạo nghe!

Vừa mắng yêu  tôi vừa rượt nó chạy vô tình nó té sấp xuống va vào gốc bưởi. Eo ơi! trán nó bầm tím sưng vù bằng hột vịt. Cuống cuồng tôi rón rén xuống bếp lấy muối đắp lên cho nó.

Hôm sau mẹ nó mắng:

– Con gái lanh chanh chưa đi đã chạy là người vô duyên. Lo tập nói, tập gói, tập đùm.

Nghe nó kể lại tôi ân hận vô cùng.

Cây si vẫn theo đuổi không để vuột mất tôi. Ông trời thương Phúc năm sau nhà cô bạn tổ chức ăn réveillon. Vừa ghé đến ngoài hiên tôi nghe tiếng đàn và giọng hát thật ấm từ bên trong vọng ra:

Oh! Jingle bells, jingle bells

Jingle all the way

Oh, what fun it is to ride

In a one horse open sleigh

Jingle bells, jingle bells

Jingle all the way

Oh, what fun it is to ride

In a one horse open sleigh

jingle bells, jingle bells

Jingle all the way

Oh, what fun it is to ride

In a one horse open sleigh

Jingle bells, jingle bells

Jingle all the way

Oh, what fun it is to ride

In a one horse open sleigh

Dashing through the snow

In a one horse open sleigh

O’ er the fields we go

Laughing all the way

Bells on bob tails ring

Making spirits bright

What fun it is to laugh and sing

A sleighing song tonight

Khi vào trong tôi ngạc nhiên khi thấy Phúc đang vừa đàn vừa hát. Anh không thấy tôi. Giọng ca tiếng đàn của anh đã thu hút tâm hồn tôi rồi. Tôi khám phá ngoài sự học giỏi ra anh còn có máu văn nghệ nữa. Cây si đã thắng, ngưỡng mộ, tôi bắt đầu biết hò hẹn với anh nhân ngày sinh nhật thứ mười bảy.

Cứ mỗi mùa Giáng Sinh anh đều dành tiền mua tặng tôi con búp bê hay ông già Noel bằng len. Có hôm anh bắt tôi nhắm mắt xòe bàn tay ra để nhận quà, tôi không chịu phụng phịu anh mới không buộc tôi làm theo ý anh nữa.

Năm mười tám dù bận thi cử tôi vẫn đan tặng anh cái khăn quàng cổ. Bạn tôi bày:

– Đừng có tặng khăn sẽ xa nhau. Hãy làm phép bán cho anh ấy.

Tôi giẫy nẩy:

– Ai lại bán… tin dị đoan!

Phúc ngạc nhiên và tỏ vẻ mừng vui khi biết tôi thao thức trong đêm dài mới hoàn thành chiếc khăn len.

Đêm đó vừa trao và nhận quà tặng dưới trời mênh mông dưới rặng dừa tôi đã nhận từ môi anh nụ hôn đầu tiên mà anh đã kiên nhẫn đợi chờ.

Mỗi lần gặp nhau tôi có cố tật cắn móng tay. Có hôm anh giữ chặt bàn tay tôi và cắt sát những móng tay tôi. Anh viện lý do:

– Móng tay là nơi chứa nhiều vi trùng nhất. Anh cắt cụt để xem em còn cắn nữa không?

Chu môi tôi cãi:

– Anh bị méo mó nghề nghiệp rồi bất cứ cái chi anh cũng thấy vi trùng.

Chúng tôi ban tặng nhau những điều mộc mạc dễ thương. Phúc chân thành, tôi luôn rạng rỡ với nụ cười trên môi.

Chiến tranh bùng nổ, cha mẹ anh gọi đứa con duy nhất trở về. Xứ Huế đặc quánh mùi bom đạn. Màn đêm rũ rượi. Lòng người thét gào. Kẻ ở, người đi. Tôi rấm rứt nghẹn ngào. Mọi người ráo riết giành giựt cơm áo. Nước mắt đầm đìa tôi lo lắng cho gia đình và luôn nghĩ đến anh số phận trôi dạt về đâu? Tất cả xảy ra như một cơn địa chấn của địa cầu tôi nào đâu dự đoán được. Bước chân  lê trên những con đường ghi dấu kỷ niệm. Bất lực tôi đành sống theo ý nghĩ của mình. Cồn cào bởi cái đói cái khát tôi có thể chịu được. Nhưng cồn cào của trái tim làm tôi ngã quỵ.

Xã hội ổn định. Sinh viên năm thứ tư của trường Y không còn tên anh. Đêm Noel năm ấy tôi lang thang để tìm lại hình bóng Phúc.

Giọng hát tiếng đàn từ trong nhà thờ vọng ra làm tim tôi nhức nhối. Rồi những ngày chồng chất, ngăn kéo kỷ niệm chất đầy nỗi nhớ. Tôi luôn mong đợi, kỳ vọng điều kỳ diệu và bất ngờ xảy tới…

Cho đến mười năm sau tôi đã kết hôn và có công việc tại Đà Nẵng. Một hôm, khi đang ôm đứa con nhỏ vào lòng Ba tôi hiện ra trước khung cửa.

– Ôi! Ba..

Tôi vừa reo lên ba đã sà xuống nựng cháu ngoại.

– Ba biết con bận cháu nhỏ nên không ra thăm ba được. Cậu Phúc đã gởi quà cho con theo địa chỉ nhà mình.

Chụp vội gói quà nhìn chữ viết và nơi gởi, tôi bàng hoàng khi biết Phúc đang ở Mỹ. Lòng tôi lao đao, trong thư Phúc trần tình về chuyến đi đầy sóng gió khổ ải và xin lỗi tôi về việc không chia tay thuở ấy.

Những vật dụng như phấn son, tấm hình Đức Mẹ cùng với cây đàn nhỏ xíu mà khi bấm nút có ngân lên bài ca Jingle bells

Ôi chao! Phúc vẫn sống vui khỏe nên tôi an lòng. Định mệnh đã an bài cho chúng tôi mỗi người một số kiếp mà tôi phải chấp nhận và đối diện với chính nó dù hạnh phúc hay khổ đau.

Bánh xe thời gian quay tít. Giông bão phủ xuống đời tôi. Sự chịu đựng cùng với nỗi khát khao hạnh phúc. Cuộc sống bị chi phối bởi cơm áo và không có sự đồng cảm cho nhau nên đưa tới sự đổ vỡ của hôn nhân. Tôi bất lực thả trôi đời mình. Thắng bại với số phận tôi không cần gì nữa. Hằng năm đến ngày Noel, Phúc đều không quên gởi quà tặng tôi và con.

Niềm vui như cánh chim vượt ngang bầu trời. Nỗi buồn giống vết thương cắt da thịt đọng lại một vết sẹo khó lành  được. Thế giới hàng ngày là bụi phấn, bảng đen cũng như tiếng động, mùi thơm của hoa cỏ. Giữa công việc bề bộn tôi vẫn bị chi phối với thứ tình yêu xa vắng đó để đêm trở mình nỗi u hoài hằn trên khuôn mặt.

Rồi may mắn cũng mỉm cười. Tôi ngang nhiên vào lòng cánh chim sắt để đến đất nước tự do, văn minh nơi đó đã ôm ấp hình hài chàng. Khi biết tôi đến Mỹ, Phúc thường gọi điện thoại hướng dẫn và giúp đỡ tôi những kinh nghiệm sống cũng như phong tục của nước này. Chúng tôi vẫn không quên ngày tháng xưa với những kỷ niệm đẹp.

– Chào em! Noel năm này anh muốn sang thăm em

Bối rối tôi nhẹ nhàng:

– Cám ơn anh nhưng mọi việc đâu vào đó rồi. Em không thích chuyện xưa lẫn với chuyện nay, nhất là anh phải lo cho vợ con.

– Anh đã được phép độc thân từ ba năm nay. Con nhỏ nhất của anh đã vào trường đại học. Anh sẽ gặp em.

Tôi đang sống trong chiến tranh của hai tiếng  “không” và “được”. Chỉ chừng đó thôi mà tôi bị thâm quầng hai mắt vì suy nghĩ có nên gặp anh không?

Ngày Chủ Nhật đẹp trời điện thoại reng:

– Anh đang ở sân bay Colorado. Hy vọng em đón.

Trời ơi! Sao anh đặt em trong sự đã rồi thế? Thôi được chờ đó đi em sẽ đón.

Dòng người lũ lượt ra. Cố tìm anh nơi đâu, hóa ra anh đã đứng trước mặt tôi từ lúc nào mà tôi cứ xoay đầu ngược xuôi để tìm bóng người xưa. Nhưng anh đã nhận ra tôi từ đôi môi và ánh mắt. Phút ngỡ ngàng qua, tôi và anh cùng xuống phố. Đối diện, tôi quan sát anh: dáng bệ vệ ở tuổi ngũ tuần. Khuôn mặt xương của cậu sinh viên dạo nọ biến mất thay vào đó cái má phính ra. Đuôi mắt gợn dấu chân  chim của nét năm mươi cọng. Thời gian không từ ai…

Suốt cả buổi chiều chúng tôi tâm sự và trút cho nhau những niềm vui và nỗi buồn.

Khuya tôi đưa Phúc đến nhà thờ. Cái lạnh giá của đêm Đông hòa quyện cái ấm áp thiêng liêng trước Chúa.

Tôi bỗng nghe tay mình rất ấm trong bàn tay anh. Tiếng người chúc mừng Christmas, tiếng cười trẻ con nói cười, tiếng lao xao; sao mơ hồ quá, tôi chỉ còn nghe tiếng đập loạn xạ trong lồng ngực. Oh! Sao tôi giống cái thuở ban đầu mới biết yêu thế này?

Hình như anh biết tôi đang bối rối, nụ cười đầm ấm trong mắt anh.

– Chúa còn thương chúng mình nên cho gặp lại nhau.

Sau buổi cầu nguyện chúng tôi dạo quanh hồ lung linh ánh sáng.

Anh hát khẽ bên tai tôi.

Bài thánh ca đó còn nhớ không em

Noel năm nào chúng mình có nhau

Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt

Áo trắng em bay như cánh thiên thần

Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang

Xin cho đôi mình suốt đời có nhau

Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa

Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng

Ôi giọng hát em mênh mông buồn…

Dựa vào vai chàng… Bài ca dẫn tôi ngược thời gian về một nơi đã  thật xa, đầy những ước mơ, hạnh phúc. Bầu trời bình yên. Anh ôm tôi âu yếm như ngày xưa thân ái. Tôi chìm trong một thứ hạnh phúc ngọt ngào mà dường như cả một đời tôi hằng mơ. Tôi muốn sống trọn vẹn trong hạnh phúc này, dù ngắn hay dài, tôi không muốn nghĩ xa vời, ngày mai hay ngày mốt.

Những bất hạnh luôn ám ảnh tôi, thì tại sao không đón nhận phút giây hạnh phúc tuyệt vời nầy chứ!

 Trong nước mắt ràn rụa, tôi chồm lên hôn vào môi anh…

Jingle bells, jingle bells… tiếng nhạc vang mơ hồ…

VV Colorado