Tôi quen ni cô Diệu Hạnh thật tình cờ.
Không biết từ lúc nào, tôi có thói quen đi chợ trời rau quả mỗi cuối tuần. Chợ họp dưới gầm cầu xa lộ 80, trên đường Broadway, mỗi Chủ Nhật chỉ từ sáng sớm đến trưa. Hình như mọi người đều háo hức đến chợ, khiến lúc nào chợ cũng đông nghẹt.
Hầu như chợ không thiếu một loại rau trái nào. Từ tỏi, hành tây, trái cây, hoa lá các loại tùy theo mùa, đến những loại rau trái đặc biệt Á Châu như rau muống, rau khoai, rau cần, cà pháo, bí đao, mồng tơi, khổ qua v.v… tất cả đều từ những nông trại địa phương và đa số được bày bán bởi chính người trồng ra chúng.

Bảo Huân
Tôi thích đến đây, đôi lúc không cần mua gì, nhưng được chiêm ngưỡng mối giao tình đặc biệt giữa người mua và nguời bán. Người bán rụt rè khi nói giá, trong khi khách mua xuýt xoa nâng niu những phẩm vật tinh khiết.
Cách đây năm năm, cũng vào một sáng Chủ Nhật, trời mưa to, ẩm ướt và lạnh, nhưng tôi không thể ở nhà. Tôi nhớ không khí chợ trời, nhớ mùi rau trái tươi thơm mới hái, đặc biệt nhớ gian hàng bán hoa của một gia đình người Việt. Tôi nghĩ họ là gia đình vì cách đối xử giữa họ với nhau. Hình như một người mẹ với ba người con: hai trai một gái. Họ lặng lẽ bên nhau và ân cần với từng người khách. Họ giúp khách chọn hoa, ngã giá. Tôi là khách hàng thường xuyên của họ. Có lúc hoa mua tuần trước vẫn còn tươi, chưa cần thay, nhưng tôi vẫn muốn đến để nhìn ngắm những đóa hoa lạ, tươi thắm và để được nhận những ánh mắt chào hỏi thân thiện.
Tôi luôn luôn hãnh diện ôm bó hoa ra khỏi chợ trước những lời tấm tắc khen: “Bó hoa của bà đẹp quá.” Thực vậy, bó hoa của tôi lúc nào cũng đặc biệt, vì ngoài màu sắc tươi thắm, nó còn lung linh một thân tình.
Hôm ấy, tôi đến hàng hoa, khách đông, đứng bao quanh mặt trước của gian hàng. Tôi lách vào vừa để chọn hoa vừa mong gặp ánh mắt vui tươi nồng ấm của người thanh niên, tôi nghĩ anh ta là con trai lớn của người chủ gian hàng. Tôi bỗng thấy một ni sư nhỏ nhắn, đang bưng một xô nhựa đựng đầy hoa các loại ra phía trước. Tôi cúi xuống định nhấc một cành hoa Lys màu hồng nhạt, thì có giọng nói nhẹ bên tai: “Bà mua giùm, hoa con mới cắt hồi sáng đó”. Tôi ngẩng lên, ánh mắt nài nỉ của người nữ tu trẻ đang xoáy vào tôi. Tôi hỏi: “Chắc sư cô mới ra chợ lần đầu hả?”, ni cô ấp úng: “Dạ.” Tôi nói với người nữ tu: “Tôi mua hết tất cả hoa trong xô này”. Ni cô nhìn tôi vui mừng, cô đi nhanh về phía người thanh niên, nói gì đó, người thanh niên quay lại nhìn tôi, nụ cười nở rộng, anh tự tay gói hoa cho tôi và nói: “Cảm ơn bà đã mua giúp cho cô Diệu Hạnh, tội nghiệp cổ đứng từ sáng tới giờ. Mẹ tôi tính nếu tới giờ dẹp chợ, cổ không bán được, mẹ tôi sẽ mua hoa cúng dường.”
Tôi nhìn hai người và nói: “Hoa đẹp quá, tôi may lắm mới mua được. Xin cảm ơn”. Tôi gửi tiền, người nữ tu lúng túng tìm trong chiếc túi vải tiền thối lại. Tôi nói nhanh: “Cô cho tôi cúng dường số tiền còn lại.Tuần tới cô Diệu Hạnh có ra chợ nữa không?” “Dạ có, con cảm ơn bà.” Người thanh niên đỡ lời: “Chắc chắn rồi, cô sẽ đứng bán chung với gia đình con.”
Tôi ôm bó hoa ra về với hình ảnh của ni cô Diệu Hạnh. Tôi chưa từng thấy một nữ tu của bất kỳ tôn giáo nào đứng bán hàng ngoài chợ. Nếu có thì hình ảnh của họ cũng ẩn hiện trong một tập thể làm thiện nguyện. Tôi mong ngày Chủ Nhật đến thật nhanh, để đi chợ trời gặp lại ni cô Diệu Hạnh.
Chủ Nhật sau đó, tôi đến chợ thật sớm, chợ tuy đã đông, nhưng gian hàng hoa chưa có khách nhiều. Ni cô Diệu Hạnh đang sắp xếp ba xô nước đựng hoa. Tôi đến gần lên tiếng: “Chào cô”. Diệu Hạnh ngẩng vội lên, nét mặt vui mừng: “ồ bà đã đến, hoa tuần này chưa nở nhiều, con chỉ cắt được một ít”, “Không sao, tôi mua hết”. Đôi mắt đen nhánh ánh lên niềm vui xen lẫn xúc động: “Bà không cần phải làm thế, con có thể đứng bán tới trưa mà”, “Hoa cô trồng hay mua lại từ người khác?”, “Dạ con trồng trong vườn của nhà chùa”, “Cô ra chợ làm công quả, phải không?” Diệu Hạnh cúi đầu nói nhỏ: “Dạ, và cũng để sinh sống”, Tôi hỏi: “Nhà chùa ở đâu?”, “Dạ, cũng xa đây”, “Tên là chùa gì?”, “Dạ, con cũng chưa biết!” Tôi nhìn Diệu Hạnh ngạc nhiên. Diệu Hạnh hỏi: “Bà mua hết ba bó hoa này phải không ạ?” Tôi gật đầu. Diệu Hạnh nói tiếp: “Vậy, hôm nay bà có bận không? Bà ghé thăm chùa nhé?” Tôi thích thú gật đầu: “Được vậy thì còn gì bằng!” Diệu Hạnh chào người phụ nữ của gian hàng hoa, bà ta đưa mắt nhìn tôi mỉm cuời thân thiện và nói: “Vậy nhờ bà cho cô Diệu Hạnh quá giang về chùa hôm nay”. Tôi không hiểu mối tuơng quan giữa họ ra sao, nhưng xem ra gần gũi lắm.
Tôi hỏi Diệu Hạnh địa chỉ, bấm GPS và chạy theo hướng dẫn của máy. Xe chạy về hướng thành phố Fairfield nằm giữa Sacramento và San Francisco, cách Sacramento gần 40 dặm. Dường như giữa tôi và Diệu Hạnh không có một ngăn cách nào. Vừa lái xe, tôi vừa nghe chuyện của Diệu Hạnh:
“… Cách nay 25 năm, gia đình con vượt biên. Khi đó con mới năm, sáu tuổi. Con không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng cha mẹ và hai anh con cùng nhiều người khác trên tàu đã bị chết. Khi tới bờ, may nhờ Bà Hạnh đi cùng chuyến thương tình nhận con là cháu và đem con sang Mỹ. Bà Hạnh không có gia đình, bà đi làm nuôi con ăn học, khi con tốt nghiệp ngành sư phạm, cũng là lúc bà Hạnh ngã bịnh. Con quyết định ở nhà chăm sóc bà để đền đáp công ơn dưỡng dục. Những năm tháng sống bên bà Hạnh, con đã có một cuộc đời thực sự quý báu và giá trị. Bà Hạnh dạy con theo giáo lý nhà Phật và cho con quy y với pháp danh Diệu Hạnh. Nhờ thấm nhuần giáo lý Đức Phật, nên khi Bà Hạnh mất, con buồn, con cảm thấy bơ vơ nhưng không hụt hẫng.
Khi đó, con định trở lại nghề dạy học, nhưng con cũng cảm nhận được có một sức mạnh vô hình đang dẫn dắt con đi trên một con đường mới lạ thênh thang. Con cảm nhận được hạnh phúc của sự giải thoát. Con quyết định bỏ nghề dạy học. Con tìm việc làm tự do như coi trẻ, giúp đỡ người già và bắt đầu một đời sống khác. Con dọn dẹp nhà cửa để có nơi trang nghiêm thờ phượng Đức Thế Tôn, và con xuống tóc. Nhà con được gọi là ngôi chùa từ đó.
“… Gia đình bà Dung là hàng xóm cách nhà con ba căn, có nông trại trồng hoa, thỉnh thoảng cần người phụ giúp. Con đã xin làm công việc này để có thu nhập. Con được bà Dung chỉ dạy cách trồng hoa. Sau đó con quyết định chọn nghề này để sinh sống và tu học. Với sự thương yêu và chỉ dẫn tận tình của bà Dung, khu vườn sau của nhà con đã biến thành một nông trại hoa rực rỡ quanh năm. Con bán cho những người chung quanh. Nhưng gần đây, bà Dung nói con đem hoa ra chợ trời bán chung với gia đình bà, vì thế nên con mới có duyên được gặp Bà.”
Thời gian qua thật nhanh, Diệu Hạnh và tôi đã trở thành đôi bạn tri âm. Chúng tôi thường bàn luận về giáo lý nhà Phật và áp dụng vào đời sống. Tôi cảm phục những am tường và suy nghĩ sâu sắc của Diệu Hạnh. Đã có lần Diệu Hạnh chia sẻ:
“Đạo Phật là đạo của lý trí, sáng suốt và thực tế, trong kinh Kalama, Đức Phật dạy rằng: “Chỉ những điều gì mà chính ta đã thực nghiệm kỹ càng và suy xét sâu xa, thấy đúng với sự thật, thì hãy tin. Chỉ những điều gì đem lại hạnh phúc cho ta và cho người khác, thì hãy tin nhận mà thôi. Sau đó, sẽ phải cố gắng ăn ở, hành động sao cho thật đúng với những điều ấy.
Xem thế, chính Đức Phật, Ngài cũng không muốn người phật tử phải tin Ngài một cách mù quáng.
Vậy, bà nghĩ xem: Tình yêu cũng là những gì tốt lành, mà con người đã suy xét sâu xa, chứng nghiệm kỹ càng, và đặt niềm tin vào tình yêu ấy. Tình yêu cũng đem hạnh phúc đến cho mọi người, nên chúng ta tin nhận nó, và tất nhiên phải bảo vệ nó, phải sống và hành động sao cho xứng đáng với tình yêu ấy.
Trong sự minh bạch, mọi người cần được tự do lựa chọn Tình Yêu, được tự suy xét về tình yêu, để không bị lạc vào sự mù quáng.
“Đạo Phật là đạo của Từ Bi, đạo Phật quan niệm muôn loài, muôn vật, bình đẳng như nhau, nên những chia vui, cứu khổ phải được chia đều đến vạn vật.
Vậy bà nghĩ xem: Trong Tình yêu, luôn luôn có những giây phút hạnh phúc và những giờ khắc đau thương, phải không? Những hạnh phúc và đau thương này cần được san sẻ đồng đều. Thế nhưng hình như con người có thói quen cất giữ đau thương cho riêng mình, và hiểu cái hạnh Từ Bi là chỉ chia sẻ những điều hạnh phúc.
“Đạo Phật là đạo của đại Dũng, muốn cứu người, muốn đem hạnh phúc cho người, nhưng phải cứu mình, phải cho mình đắm chìm trong nguồn hạnh phúc hiến tặng, phải thoát khỏi ích kỷ từ cái thân vô thường. Và khi quy y, tức đã phát khởi lòng dũng cảm ấy.
Vậy bà nghĩ xem: Tình yêu con người dành cho nhau có nên là sự tự nguyện? Là muốn đem hạnh phúc cho người, mà chẳng hề nghĩ đến sự thua thiệt về phần mình? Tình yêu là sự hiến tặng, và con người có thể chết vì tình yêu. Điều này tất nhiên phải đến từ lòng dũng cảm.
“Đạo Phật là đạo của Tự Do, Tự Do này chẳng ai cho, chẳng có luật pháp nào tạo nên, và cũng chẳng được bảo vệ. Người Phật tử đã được hoàn toàn tự do để tạo cho mình một hạnh phúc chân thật.
Vậy bà nghĩ xem: Tình yêu tinh tuyền con người dành cho nhau, sẽ không có giới hạn của thân và tâm, có đúng không? Trong cái bát ngát, mênh mông của tự do, tình yêu không có bến bờ, không cần đến ranh giới, sự cho và nhận không giới hạn, không điều kiện, không ràng buộc, không âu lo.
Cũng trong cái vô cùng của tự do ấy, và trong cái vô thường của vạn vật, tình yêu của con người cũng cần phải thật bình yên và bình đẳng. Tình yêu cũng không nên là một hệ lụy. Không ai thuộc về ai, để từng người được hoàn toàn tự do tìm hạnh phúc chân thật cho chính mình và không bao giờ hối tiếc.