Menu Close

Những kỷ niệm về tía tôi – Kỳ 4

Bây giờ, thành phố nơi tôi ở, đang là mùa Thu. Những chiếc lá đỏ rực rồi vàng úa của rặng cây phía sau nhà rơi đầy mặt đất, làm tôi nhớ lại mảnh vườn xoài cát của Tía tôi cũng phủ đầy những chiếc lá lìa cành vào những ngày Tháng Chín, khi con nước cuối cùng của mùa nước lụt hằng năm không còn dâng lên nữa. Vài con quạ ủ rũ đứng bên cành cây rụng hết lá không buồn kêu ra rả như mọi ngày. Mấy chú chim sẻ, chim bồ câu co ro dưới mái hiên căn nhà tôi đang trọ như ngủ vùi, không thèm hót líu lo hoặc bay đi kiếm mồi như mọi hôm vì tiết trời buổi sáng mùa Thu còn se lạnh. Mùi thơm nhè nhẹ của những chùm hoa lài, hoa hạnh ngào ngạt, mà tôi để gần bệ cửa nơi phòng khách, đang nở rộ. Những cánh hoa màu trắng tinh khiết mà bình dị này đã mang lại cho tôi nhiều nhung nhớ về mảnh vườn cam quýt của Tía tôi ngày xưa biết dường nào! 

alt

Cũng với bộ áo quần giản dị này, mỗi lần anh tôi về Cần Thơ dự kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài, Tía tôi theo anh tôi ở đó cho tới ngày thi cuối. Tía nói, đi theo dù không giúp con được gì nhưng để cho con mình vững bụng, mà Tía cũng yên lòng, vì ở nhà bỏ con đi một mình Tía thấy bồn chồn. Thế mới biết, cha mẹ nào cũng muốn lo cho con hoài dù con còn nhỏ hoặc lớn khôn; nhiều lúc còn lo nghĩ khi già bịnh chết đi không biết con mình ở với ai, anh chị em không biết có thương yêu đùm bọc cho nhau không, con cái mồ côi mà tội nghiệp!

Có lần Tía dặn con ráng làm bài trong kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tía sẽ không đi theo sợ làm bận rộn con cái. Nhưng khi tan giờ thi môn Toán, trên đường đi về nhà trọ, tôi thấy phía bên kia cầu Hoàng Diệu bóng Tía tôi. Dáng mảnh khảnh trong bộ áo quần bà ba trắng, chân mang đôi guốc vông đi ngược lên dốc cầu, dường như giấu đi những bồn chồn, lo lắng, và trìu mến hỏi con mình: “Làm bài được không con?”

Hôm ấy, được biết con mình làm toán trúng, Tía tôi mừng hết sức là mừng. Tôi nắm bàn tay Tía tôi dắt qua đường, tôi nghe như bàn tay Tía tôi chai cứng vì cực nhọc đang mềm ra, run lên vì mừng, vì xúc động. Tôi định gọi xe lôi đạp để hai cha con về nhà trọ. Nhưng Tía tôi nói để Tía đi bộ với con, được nghe con kể nhiều hơn về những ngày thi vừa qua và đi bộ như vậy, theo Tía tôi sau này nhắc lại, niềm vui như kéo dài ra suốt dọc đường về, phủ đầy cảnh vật, cỏ cây hai bên con đường ngoại ô tỉnh lỵ. Con đi thi làm bài được, chưa biết đậu rớt thế nào, làm cha mẹ, thử hỏi làm sao mà không mừng với con mình cho được. Tuần lễ sau đó, có kết quả và tôi được chấm đậu. Tía Má tôi vui mừng lắm nhưng trong xóm ngoài làng không một ai hay biết, vì Tía Má tôi chỉ vui trong bụng mà thôi, không khoe khoang, tiệc tùng như bao người có con thi đậu dù chỉ đậu bằng sơ đẳng tiểu học. Cái đức tính khiêm cung ấy của cha mẹ đã ảnh hưởng hết sức sâu sắc trong các anh chị em chúng tôi về nhiều phương diện ở đời, từ lúc chúng tôi còn nhỏ cho tới lớn khôn sau này.

Ở nhà quê mà cho con cái lên Sài Gòn đi học là một cố gắng lớn lắm, hy sinh nhiều lắm của các bậc cha mẹ. Vì tốn kém trăm bề, mà cái nghề làm ruộng, lập vườn ông cha mấy mươi đời truyền lại vốn đã nhiều cực khổ mà không có tiền bạc nhiều được. Nên ở nhà quê, vào thời nào cũng vậy, ít có người cho con đi học xa, mà nhất là Sài Gòn, ngoại trừ những nhà giàu có thì không nói làm gì.

Những năm tháng tôi theo học ở Sài Gòn, Tía tôi cũng bộ áo quần bà ba trắng, vài tháng lặn lội đường xa lên thăm con một lần. Lần nào Tía lên cũng cụ bị đủ thứ vật dụng mang theo cho con. Từ bao gạo, bao nếp, trái xoài, trái ổi xá lị, trái chanh đến cái quạt bằng mo cau mà Má tôi đã cắt sẵn và dằn dưới thớt cối đá xay bột cho cái quạt mo thẳng ra, để cho con quạt vào những đêm nóng nực của Sài Gòn. Nhớ con, lo cho con, Tía tôi mới lặn lội như vậy. Nhưng lên được vài ngày, Tía lại muốn về vì còn gốc cam này chưa thay đất mới, bụi tiêu kia chưa vô chưn, ngày mốt mướn người gánh đất bồi thêm vườn trầu … Còn những bài văn tế chưa viết xong cho lễ Kỳ Yên Đình Thần vào ngày mùng Mười tháng Tư hằng năm…

Suốt cuộc đời, Tía dường như không ngày nào là không lo. Tía lo việc nhà, lo việc chòm xóm, chùa đình, trường học, đường sá, cầu cống như không biết mệt. Tía tôi nói: “Ở đâu cũng không bằng ở nhà mình, lên đây sao mà lo ở nhà quá. Ở dưới quê vậy mà yên tịnh, thoải mái, tình nghĩa chòm xóm láng giềng khắng khít hơn.”

Dường như người nhà quê nào cũng như người nhà quê nào, cái chòm xóm láng giềng, cái đình, cái chùa, cái miếu, tiếng chuông chùa ngân nga, mồ mả ông bà, thửa ruộng, miếng vườn, cái ao lục bình, cái hàng rào xương rồng, cái bàn Ông Thiên trước sân, cái lu nước uống, bụi tre, bụi trúc, cọng hành, cây ớt hiểm, ngọn rau thơm, bụi rau đắng, nhiều lúc có cả đống gạch ngói vụn bên gốc gòn … nhất nhất có sợi dây vô hình buộc chặt lấy họ, không rời được. Tía tôi cũng bị cái làng quê của mình níu kéo như vậy. Rồi Tía lại về dưới quê, tiếp tục những công việc còn bỏ dở, cơ cực suốt đời…

Anh em chúng tôi mỗi ngày mỗi lớn, tứ tán khắp nơi. Ở nhà chỉ còn lại một mình Tía Má với mảnh vườn cam quýt, xoài cát, chuối, dừa, cau quéo. Tía Má tôi vui thú với cảnh nhà quê mấy mươi năm gắn liền với dòng đời này và cũng vui trong lòng vì con cái lớn khôn. Nhưng lo thì vẫn còn lo, nhớ con vẫn cứ nhớ. Đó là cái lo của cha mẹ, của người già mà con cái nhiều khi không biết hoặc không để ý. Đến khi biết được, thì cha mẹ không còn!

Có lần vào năm Mậu Thân, sau cái Tết tang thương, Tía tôi lặn lội về Cần Thơ tìm kiếm hai anh em tôi đang bị kẹt giữa những mặt trận dọc đường. Gặp lại con mình, Tía tôi cứ nhắc đi nhắc lại hoài về nỗi lòng của mình: “ Các con bình an, lành lặn, không có gì làm Tía vui bằng.” Nhưng dòng đời quá cay nghiệt, không để yên cho những Cha Mẹ già gần gũi con cái của mình vào tuổi xế bóng, lúc sức tàn! Tía Má tôi cũng bị dòng đời vây bủa như vậy.

Sau năm bảy mươi lăm, con cái lưu lạc mỗi đứa bị đưa đi mỗi khu rừng tràm biệt mù. Nỗi nhớ thương con, nỗi mong chờ, nỗi lo lắng, tuổi già sức yếu, rồi không chờ con mình về được, Tía tôi mất ngay vào ngày Tết năm sau đó, thọ được bảy mươi lăm tuổi, trong khi con cái thì biệt tăm biệt tích trong những khu rừng tràm hoang vu, trần ai khổ não, không được về lo cho Tía. Hoàn cảnh đau thương, bi thiết này còn kéo dài đến ngày má tôi mất, sau đó năm năm! Các chị tôi kể lại, trước khi mất, Tía tôi không mê sảng gì, còn căn dặn con cái nên giữ cái lòng hiền mà ở đời, và chị em phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Giống như ngày trước, Tía cũng căn dặn việc đời lấy nhân nghĩa làm trọng, biết kính trên nhường dưới mới hòa được, mới an vui được. Không nói đến chuyện lớn lao, đại sự, vá biển lấp trời, chỉ việc cư xử anh em trong gia đình, Tía tôi thường khuyên dạy: “Gia đình nào mà anh em không hòa thuận, gia đình ấy coi như bất hạnh, mang đại họa!”

Thấm thoắt mà đã hai mươi hai năm trôi qua, Tía tôi mất! Hai mươi hai năm mà tôi cứ ngỡ như mới đâu đây! Dường như, Tía tôi đang ngồi uống trà mỗi sáng ngay cái bàn mà mỗi ngày tôi đang ngồi với những lời căn dặn còn ràng ràng… Mỗi sáng nào tôi cũng luôn luôn nấu nước châm trà và rót ra hai chiếc tách nhỏ để van vái Tía Má về uống trà như những ngày còn sinh tiền. Trong cái trong lành, im vắng của buổi sáng còn đọng những giọt sương đêm trên những chiếc lá còn sót lại của mùa Thu, tôi nghe như đâu đây những điều căn dặn của Tía tôi với giọng nói hiền hậu mà nghiêm minh, cứng cỏi mà bao dung, độ lượng mà thâm thúy biết dường nào, đang phảng phất theo làn hơi ấm của tách trà đầu ngày, thật linh hiển, u hoài!

LTT
Boston, một ngày Thu, tháng 10-97
Houston, đọc lại và bổ khuyết ngày 27-10-2012