Ba đứa con gái là ba niềm tự hào của vợ chồng tôi. Năm 1995, khi đứa con đầu là Mỹ Trúc ra đời, chúng tôi lần đầu tiên lên chức cha mẹ không biết phải làm gì. Không tìm ra cuốn sách nào dạy làm cha mẹ cho đúng với truyền thống Á Đông, chúng tôi lo lắm. Chúng tôi muốn con mình phải hoàn hảo, ngoan ngoãn, học giỏi, và đẹp người đẹp nết. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là sợ nó lớn lên sẽ lây cái tính ương ngạnh và hỗn láo của đa số trẻ con ở Mỹ. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, dù muốn dù không thì mình cũng trở thành cha mẹ.

Jordyn, Jennifer, Jessica, Orlando, 11/23/12
Điều mà chúng tôi tuyệt đối tránh là khi một trong hai người la rầy con trẻ, người kia lại bênh con. Vì thế trước mặt các con lúc nào hai vợ chồng tôi cũng đều một lòng như nhau, nếu bất bình về cách dạy con của người kia thì sau đó vào phòng ngủ đóng cửa mà bàn cãi, chứ trước mặt chúng thì hai vợ chồng tôi không bao giờ mâu thuẫn, cho nên mấy đứa rất sợ.
Lúc mới lập gia đình, tôi muốn có 6 đứa con. Tôi xuất thân từ gia đình có 8 anh chị em, còn vợ tôi là con út trong gia đình 4 anh chị em, cho nên con số 6 là một con số trung bình thích hợp, nhưng sau khi có đứa đầu tiên được một tháng, tôi nhanh chóng thay đổi từ 6 thành 4. Sau một thời gian dài thức khuya, dậy sớm để thay tã, hâm sữa cho con bú, và thấy tôi mất ngủ kinh niên, vợ tôi bảo:
“Sao, giờ còn muốn có đông con nữa không?”
“Nói gì thì nói, chứ ít nhất Mỹ Trúc cũng phải có được một đứa em.” Do đó con số 4 thành số 2.
Và 3 năm sau, Việt Trinh ra đời. Sau đứa thứ hai, có lẽ quen dần với chức năng làm bố, nên một hôm tôi đề nghị:
“Hay là mình có thêm một đứa nữa đi em, anh không nói ngay bây giờ, mà là 3 năm sau.”
Vợ tôi thì chỉ muốn toàn là con gái, tại vì nàng có những đứa cháu trai ngỗ nghịch nên rất hãi, còn tôi thì trai gái gì cũng được, nhưng tôi nói với bà xã là ít nhất phải có một đứa con trai để cho tôi khỏi bị cô lập trong nhà này. Người Việt Nam mình bị lây văn hóa của Tàu, phải có cháu trai để nối dõi tông đường, ông anh cả của tôi lấy vợ lúc hai anh chị đã lớn tuổi, họ chỉ có một đứa con gái là ngưng luôn. Tuy nhiên, trách nhiệm không còn nặng nề cho tôi khi em trai tôi đã có được thằng con trai để cho ba tôi gọi là đích tôn.
Tôi bàn với vợ là nếu muốn chắc ăn được giới tính theo ý muốn thì chỉ còn cách là thụ tinh trong ống nghiệm, và lúc đó kỹ thuật này rất tốn kém, khoảng 15 nghìn đô-la. Chúng tôi để dành tiền và chuẩn bị khoảng hai năm sau sẽ thực hiện phương pháp thụ thai theo ý muốn để kiếm một thằng con trai, nhưng rồi “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!”. Lúc Việt Trinh chưa được một tuổi thì vợ tôi lại dính bầu. Lúc đó chúng tôi kế hoạch hóa gia đình kỹ lưỡng lắm mà, không hiểu tại sao lại xảy ra tai nạn này? Vợ tôi còn nói đùa:
“Có lẽ bao cao su bị lủng!”
Ngọc Trân ra đời vào ngày 28 tháng 2, năm 2001. Tháng hai là tháng thiếu, năm 2001 lại là năm nhuận, nếu Trân ra đời trễ một ngày thì coi như là 4 năm nó mới có một lần sinh nhật. Rất may cho nó! Lúc có đứa con gái thứ ba, vợ tôi rất lo lắng là nó sẽ bị tôi ghét bỏ vì tôi đang mong có con trai, nhưng sự thật thì nó lại là đứa được tôi cưng nhất từ nhỏ đến lớn. Bởi vì nó chào đời ngoài mong đợi của chúng tôi cho nên có thể nói Ngọc Trân (Jordyn) là món quà của Thượng đế. Cái tên Việt Nam là do tôi đặt, còn tên Mỹ là vợ tôi đặt, lấy ra từ Kinh Thánh. Có một cái tên tương tự là Jordan, có thể đặt cho nam hay nữ. Tên Mỹ của Trân đánh vần chỉ khác một chữ “y” và là tên con gái. Tên này có nguồn gốc từ Do Thái, là tên của một dòng sông ở Palestine nơi chúa Jesus được rửa tội.
Từ bé, Trân đã tỏ ra là đứa thông minh, xuất chúng, vượt hẳn hai chị của mình. Thật ra thì ba đứa con của chúng tôi đứa nào cũng học rất giỏi. Lúc mới có đứa con đầu tiên chúng tôi dồn hết công sức vào chăm sóc dạy dỗ, cho nên Mỹ Trúc vượt trội bạn bè tất cả mọi mặt. Năm 2 tuổi nó đã biết đọc biết viết, lúc mới được vài tháng tuổi đã biết bơi, 5 tuổi đã biết đánh đàn dương cầm. Cho đến khi có đứa thứ hai, Việt Trinh, thì bao nhiêu năng lượng chúng tôi đã dồn hết cho Mỹ Trúc, và chúng tôi ỷ lại để cho Mỹ Trúc kèm em học. Lúc vợ tôi đang mang bầu Trinh là lúc tôi trở lại trường chuẩn bị bảo vệ luận án, lúc nó ra đời thì tôi lại được nhận vào chương trình đặc biệt của NASA, cho nên tôi đã có ít thời giờ cho Trinh.
Vợ tôi kể trong 3 đứa, Trinh là đứa dễ nuôi nhất. Lúc nó chỉ khoảng một tuổi, chúng tôi gửi cho chị Dung ở Madison trông coi để hai vợ chồng đi làm. Khác với Mỹ Trúc lúc nào cũng khóc ầm ĩ và níu kéo không cho mẹ đi, Trinh biết thân biết phận, đến nhà cô Dung là nó tự động buông mẹ ra và dang hai tay về phía cô Dung trong khi khuôn mặt buồn xo.

Jordyn, 4/20/2011
Có một kỷ niệm khác mà hai vợ chồng tôi không bao giờ quên được là cuối năm 2002 khi tụi tôi dẫn Mỹ Trúc về Việt Nam và để ông bà ngoại ở Atlanta coi giùm Trinh và Trân. Chúng tôi ra đi bịn rịn mặc dù biết là ông bà ngoại sẽ chăm sóc cháu rất tốt. Trân còn quá nhỏ chưa biết gì, nhưng Trinh có thể đã biết. Chiều hôm đó tụi tôi gạt nó là đi đây một chút, khi xe de ra ngoài bãi đậu, nhìn thấy ánh mắt của Trinh nhìn chằm chặp qua cửa sổ làm vợ tôi bật khóc. Một tháng sau về lại từ Việt Nam, gặp lại hai con nhỏ ở phi trường Atlanta, hai đứa nhìn chúng tôi ngỡ ngàng một hồi mới chịu cho ẵm. Tôi nghe kể lại là lúc tụi tôi còn đang ở Việt Nam, bà ngoại ngoài trông coi hai đứa con của tôi, còn phải chăm sóc cu Phúc, con trai của ông anh vợ của tôi, nhỏ hơn Trân khoảng 6 tháng tuổi. Một hôm, Trân và Phúc cùng khóc một lúc, bà ngoại phải đi dỗ và cho Phúc uống sữa. Trinh bước đến cạnh bà ngoại và nói nhỏ:
“Bà ngoại ẵm em của con giùm đi!”
Sau lần từ Việt Nam về là tụi tôi dọn xuống Florida sinh sống. Tôi vẫn còn nhớ tuần lễ đầu tiên, mỗi sáng thức dậy đi làm đã thấy Trinh dậy còn sớm hơn tôi, đứng ôm con rùa nhồi bông và chặn trước cửa của apartment. Vợ tôi nói là nó sợ bố mẹ trốn nó về Việt Nam nên làm vậy.
Khi Trân chào đời là lúc chúng tôi chuẩn bị dọn về Florida lập nghiệp, sau đó tôi dồn hết sức lực vào công việc nghiên cứu ở Kennedy và giảng dạy ở đại học Florida Tech. Vì thế, phải nói là hai đứa con sau của chúng tôi nếu có giỏi giang là đều do công lao của vợ tôi. Theo lời vợ tôi kể lại thì nàng đã tốn rất nhiều công sức để dạy học bé Trinh; nó chậm tiêu cho nên hồi học lớp 5 hôm nào cũng vừa học vừa ăn roi. Sang đến lớp 6 thì bỗng dưng nó bộc phát, tiếp thu rất nhanh và không bị mẹ la mắng và đánh đòn nữa.
Còn đến cô gái út thì khỏi nói, cũng theo lời vợ tôi kể lại thì khác hẳn với chị Trinh, bé Trân học đâu hiểu đó, không bao giờ bị mẹ la, bài tập ở nhà nó làm cái vèo là xong. Vợ tôi ngạc nhiên là vì chẳng bao giờ thấy Trân làm homework, hỏi thì nó nói đã làm xong ở trường trong giờ giải lao. Vì thế nó có dư thời giờ ở nhà, lúc nào cũng than chán và đi phá phách, không để cho hai chị của nó làm bài.
Ở tiểu bang Florida có một kỳ thi tiểu bang hàng năm “Florida Comprehensive Assessment Test”, gọi tắt là FCAT, mà bất cứ học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 của các trường công bắt buộc phải lấy. Thang điểm tối đa là 5, học sinh nào bị điểm 2 thì bị ở lại lớp. Có nhiều phụ huynh lo lắng, sợ con mình không qua khỏi FCAT nên họ đóng tiền cho con đi học trường tư thục để tránh FCAT. Ba đứa con của chúng tôi không bao giờ phải lo lắng mấy cái kỳ thi này, và tụi nó lúc nào cũng được điểm 4 hoặc 5. Đặc biệt là cô gái út của chúng tôi, mỗi lần nói đến FCAT là tôi bỗng cảm thấy tự hào về Trân vô cùng.

Jordyn Ngọc Trân,Tết 2010
Năm Trân học lớp 2 là lúc tôi đang dạy ở học viện hải quân ở Monterey, các cô giáo ở trường Robert Down, thành phố Monterey đã nói cho chúng tôi biết là Trân rất thông minh và có một cá tính đặc biệt là ở trong lớp không chơi với ai hết. Có một thời gian dài nhà trường nghi ngờ là nó ở nhà bị bạo hành cho nên hàng ngày họ bắt Trân lên gặp bác sĩ tâm lý. Chuyện này chúng tôi hoàn toàn không biết. Họ điều tra cả năm trời nhưng không tìm được nguyên nhân tại sao trong trường nó rất trầm lặng. Đến cuối năm giáo viên chủ nhiệm của Trân mới cho chúng tôi biết chuyện gặp bác sĩ tâm lý. Vậy mà Trân nó im lặng, về nhà chẳng kể cho chúng tôi nghe. Tụi tôi chỉ cười thầm, nghĩ nhà trường đã mất thời giờ vô ích vì họ nhắm sai đối tượng. Con chúng tôi thương không hết, đâu phải để xã hội quan tâm.
Năm 2009 chúng tôi về lại Florida là năm đầu tiên Trân thi FCAT và không những nó được điểm 5 mà được số điểm hoàn hảo, không sai một câu. Trong bài thi có hai môn: toán và tập đọc. Toán thì dễ rồi, nhưng các bài đọc thì không dễ nuốt, học sinh phải đọc qua một bài văn ngắn, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Tôi đã coi sơ qua các bài thi thử cho học sinh tập thi ở nhà, tôi thấy các câu trắc nghiệm rất dễ bị nhầm lẫn. Thế mà Trân đã không sai một câu nào hết. Năm đó, ở trong trường chỉ có mình nó là được số điểm hoàn hảo cả hai môn. Chúng tôi nghe loáng thoáng có lời bàn trong trường là con chúng tôi không phải giỏi mà may mắn (fluke) nên không sai câu nào. Giận lắm, tôi về nói lại với Trân là nhà trường nghĩ con may mắn nên mới được điểm hoàn hảo, con phải chứng minh cho họ thấy khả năng của mình vào FCAT năm sau.
Thế rồi năm lớp 4, Trân đạt được điểm hoàn hảo một lần nữa ở cả hai môn thi toán và bài đọc. Thật ra trước khi có điểm gửi về thì tôi cũng đoán là Trân sẽ lặp lại thành tích này, vì suốt năm lớp 4 đó thành tích học tập của nó thật xuất sắc, lúc nào cũng đứng đầu lớp, tất cả các môn học đều quá dễ đối với nó. Cũng trong năm này Trân đạt danh hiệu vô địch trong kỳ thi đánh vần của trường, và hạng 6 trong hơn 200 thí sinh trong kỳ thi ở quận hạt Brevard. Cô giáo phải giao thêm bài vở lớp cao hơn cho nó làm, và chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện cho nó nhảy lớp, nhưng rồi bác sĩ tâm lý và hiệu trưởng khuyên không nên. Cầm tờ giấy điểm thi FCAT của Trân hai năm liền tôi thấy nó lạ làm sao, trong khi điểm trung bình toàn tiểu bang là 3.5 thì con mình nằm chót vót trên cao, không còn chỗ nào cao hơn nữa.
Qua năm lớp 5, kỳ thi FCAT năm này có thêm môn khoa học. Tôi đã coi sơ qua các câu hỏi của bộ môn này rồi và thấy nó rất bao la, phải có kiến thức tổng quát cực kỳ rộng thì mới biết hết được. Tôi nghĩ là kỳ này chắc Trân sẽ không được hoàn hảo nữa. Rồi kết quả FCAT của năm 2011 gửi về nhà, như mọi năm Trân lại được điểm 5 trong 3 bộ môn và perfect ở 2 trong 3 môn. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên khi biết rằng nó đạt được điểm hoàn hảo ở môn Toán và Khoa Học, môn tập đọc nó bị sai 1 câu. Đối với tôi đây là thành quả phi thường, còn vợ tôi thì lại thất vọng, chỉ vì lần này nó chỉ perfect 2 trong 3 môn. Nhìn mẹ buồn, Trân tự nhiên bật khóc. Tôi khuyên hai mẹ con hãy thực tế một chút, vì tôi chắc chắn ở trường và cũng có thể là cả quận Brevard chưa có ai đạt được kỳ tích gần như hoàn hảo 3 năm liền.
Trân là đứa cá biệt, trong khi 2 chị của nó học đàn dương cầm thì nó lại đòi học guitar, và chỉ học nhạc cổ điển (classic) mà thôi. Sau 2 năm học guitar, giờ thì Trân có thể đánh những tấu khúc như “Sonatina in G” và “Minuet in G” của Beethoven và “Bourrée” của Bach thật nhịp nhàng và chuyên nghiệp.
Một thử thách lớn nhất cho hai vợ chồng tôi là làm sao cho cô gái út thật bận rộn để nó khỏi lúc nào cũng than là nhàm chán. Bài tập ở trường thì nó làm cái vèo là xong, có quá dư thời giờ ở nhà cho nên nó cứ đi quấy rầy hai chị của nó. Cho nó học thêm guitar không đủ, cho nên vợ chồng tôi bàn đến chuyện cho Trân học võ. Thế là mỗi đêm Thứ Hai và Thứ Năm tôi phải lái xe đưa Trân đến võ đường để học võ, nội cái võ phái của nó cũng có một cái tên lạ hoắc, đó là môn võ Kenwayoshin Ryu.
Trân có ước vọng rất cao, năm 9 tuổi nó đã tuyên bố là sau này sẽ được nhận vào một trường đại học nằm trong khối Ivy League như Harvard, Yale, Princeton, hoặc Columbia. Sang năm 10 tuổi nó lại đổi ý, nói chỉ muốn vào Stanford. Chuyện tương lai không ai biết được, nhưng tôi tin rằng sau này trong 3 cô con gái, bé Trân sẽ là đứa thành công nhất và được nhiều người biết đến. Mọi người nhìn Trân đều nói nó giống bố. Giống ở chỗ nào tôi không biết, nhưng tôi thấy rõ nhất là nó giống tôi ở 2 điểm: hoài bão và khát vọng.