Làng truyền thông và chánh trường thời hậu bầu cử đang xôn xao tin tức về “Fiscal Cliff” (tạm dịch “bờ vực tài chánh”). Đây là một thuật ngữ kinh tế mới tinh, do ông Ben Bernanke, Thống Đốc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve), tạo ra tại một phiên điều trần trước Quốc Hội vào đầu năm nay. “Bờ vực tài chánh” có thể xảy ra vào đầu năm 2013 nếu Quốc Hội và Toà Bạch Ốc không đạt được thoả hiệp về ngân sách quốc gia. Từ 1-1-2013, chánh phủ liên bang sẽ tự động cắt $1,200 tỉ ngân sách tiêu xài, trong đó 1/2 ảnh hưởng quốc phòng. Cùng lúc mức thuế gia tăng (mỗi người thọ thuế sang năm có thể phải trả thêm vài trăm đến hằng ngàn Mỹ kim). Nhiều người tin rằng nếu không tránh cảnh “Bờ vực tài chánh”, kinh tế Hoa Kỳ sẽ lập tức rơi vào cảnh suy thoái lần nữa.

Chỉ còn không đầy 30 ngày nữa bối cảnh khó chịu này sẽ xảy ra. Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner đang là thương thuyết gia chánh của TT Obama trong cuộc đàm phán tìm kiếm thoả hiệp ngân sách tạm thời với phe Cộng Hòa bên Quốc Hội. Trong vòng thương lượng đầu tiên, ông Geithner đề xuất kế hoạch tăng mức thuế đánh lên người thu nhập trên $250,000/năm, có thể thu thêm $1,600 tỉ; tăng thuế tích luỹ tư bản (capital gain); thêm ngân quỹ $50 tỉ kích thích kinh tế; một kế hoạch giúp các chủ nhà tái tài trợ; gia hạn các quyền lợi thất nghiệp; cùng lúc cắt $400 tỉ dành cho Medicare và một số chương trình phúc lợi xã hội. Các chánh khách Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích kế hoạch này là quá nhiều tiêu xài, thêm nhiều thuế, mà không đủ cắt giảm.

Đối lại, phe CH phản hồi với chương trình 10 năm cắt giảm thâm thủng ngân sách đến $2,200 tỉ, bao gồm giảm $800 tỉ từ “cải cách thuế khoá”, $600 tỉ từ cải cách hệ thống y tế sức khoẻ chánh phủ Medicare, và $600 tỉ các cắt giảm khác. Giới chánh trị gia Dân Chủ nhất loạt công kích đề nghị này là “thiếu nghiêm túc”.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại. Quốc nạn lớn là thâm thủng ngân sách (bội chi). Để có đủ ngân quỹ trang trải, Hoa Kỳ phải đi vay mượn. Ở mức hiện tại, chánh phủ liên bang mượn nợ khoảng $130 tỉ mỗi tháng. Quan ngại chung là nếu nợ nần vượt quá tầm kiểm soát, sẽ có ngày nước Mỹ khánh tận.
Vô số bàn thảo căng thẳng, hằng chục đạo luật chi li phức tạp về ngân sách liên bang, có thể nói, chỉ quanh quẩn vấn đề bằng cách nào làm đầy ngân khố quốc gia, rồi tiêu xài vào những gì, với tốn kém bao nhiêu. Hai đảng phái lớn nhất, Dân Chủ và Cộng Hoà, lại có những triết lý đối nghịch. Bên Dân Chủ muốn ngân sách dồi dào thông qua đánh thuế giới giàu có, trong khi giảm thiểu việc cắt bỏ những chương trình trợ cấp xã hội. Phe Cộng Hoà lại chủ trương bớt đánh thuế chừng nào hay chừng nấy, giảm áp lực cho người thọ thuế, và cắt giảm những tiêu xài hoang phí không cần thiết (loại bỏ lạm dụng trong hệ thống Medicare/Medicaid, Foodstamp, Social Security, v.v…)
Mỗi năm ở Hoa Kỳ, Ngân khố quốc gia thu vào khoảng $2,440 tỉ. Trong số này, thuế thu nhập cá nhân chiếm đa số $1,130 tỉ; thuế tiền lương (payroll tax) $843 tỉ; thuế thương mại chỉ có $238 tỉ.
Ở đầu còn lại, trong các món tiêu tốn nhất gồm có: chăm sóc sức khoẻ (Medicare/Medicaid) $728 tỉ; quỹ an sinh xã hội (Social Security) $759 tỉ; quốc phòng/phí tổn chiến tranh $653 tỉ; quỹ hưu bổng nhân viên liên bang $212.2 tỉ…
Hiện nay, nợ công của Hoa Kỳ là $16,210 tỉ, chỉ riêng con số lẻ cũng đã cao gấp rưỡi GDP của Việt Nam. Tổng số nợ cá nhân người Mỹ cũng lên gần $16,000 tỉ, trong đó nợ tiền nhà $13,100 tỉ; nợ tiền học $931 tỉ (xấp xỉ ngân sách giáo dục quốc gia $980 tỉ); nợ thẻ tín dụng $846 tỉ (chia đều ra, mỗi người Mỹ nam phụ lão ấu thiếu nợ khoảng $2,700 tiền dùng thẻ tín dụng “Credit Card”).
Khảo sát cho thấy dân Mỹ ít thói quen dành dụm tiền. Trung bình, mỗi người chỉ có $1,500 tiền mặt trong các trương mục tiết kiệm. Vì sao quốc gia và từng người Mỹ có vẻ đang nợ nần như chúa chổm, mà Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế phồn thịnh nhất?
Khi bàn về tài chánh, có lẽ cần nhớ con số tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Hoa Kỳ lên khoảng $15,500 tỉ. Trong bất kỳ tình huống nào, nước Mỹ vẫn là “gia đình” phú quý nhất trong xóm “thế giới”. Một giải thích khả dĩ: cất giữ tiền bạc chưa chắc là cách phát triển kinh tế (cho gia đình và cho quốc gia) hữu hiệu nhất.
Trong kinh tế, việc mượn nợ, cho mượn nợ là những đòn bẩy phát triển quan trọng bậc nhất. Ở tầm mức cá nhân, người ta có thể “chà” thẻ tín dụng để sắm điện thoại iPhone mới nhất. Rất nhiều người không đủ tiền mặt để trả đứt khi đi mua xe mới. Và rất ít người đủ sức tậu nhà cao cửa rộng bằng hầu bao của chính mình.

Có thể thấy, các khoản nợ hợp lý, vừa phải giúp mang lại iPhone mới, xe mới, nhà mới, làm đầy thêm đời sống người ta, cùng lúc thúc đẩy kinh tế phát triển. Nợ nần không phải là vấn đề, mà cốt lõi là người ta có thể trả được nợ hay không. Điều này giải thích sự kiện từ năm 1962 đến nay, Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu chấp thuận tăng mức nợ quốc gia tổng cộng 74 lần, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn. Uy tín Hoa Kỳ cao vì chưa bao giờ trễ nãi, thiếu sót trong việc trả nợ.
Đây cũng là lý do người nghèo và những nước nghèo phải dè xẻn tiêu xài, miệt mài tích cóp phòng cơ – mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong một xã hội thô sơ, thiếu vắng hệ thống tài chánh yểm trợ, họ không được mượn nợ để có tiền đầu tư, cũng không có bộ máy kinh tế vận hành trơn tru, tạo ra thu nhập ổn định để trang trải nợ nần.
Ngược lại, Hoa Kỳ và người dân Mỹ là anh nhà giàu, cùng lúc là con nợ đúng hẹn nhất trong lịch sử. Đây là chìa khoá của thịnh vượng. Không khéo giải quyết nợ nần, các gia đình khó tránh vỡ nợ nếu nhân lực chánh mất việc làm trong thời gian dài. Nếu nhiều cá nhân sa cơ có thể vỡ nợ, mất xe, mất nhà, các công ty lớn có thể phá sản, thì một quốc gia cũng có thể khánh tận vì vay mượn quá đà, như đã thấy qua trường hợp Hy Lạp (Greece) bên Âu Châu.
Hoa Kỳ cần nền kinh tế mạnh, ít người thất nghiệp, để tiếp tục làm một… con nợ dễ thương. Đằng sau các tranh cãi “Fiscal Cliff” là bài toán phải có lời đáp. Nhiều người bi quan, nhưng cũng không ít dự báo lạc quan, tin rằng các bên sẽ kịp thời san bằng dị biệt, đạt thoả hiệp tối ưu, để giữ nước Mỹ trong khoảng cách an toàn tài chánh, tiếp tục phát triển kinh tế – phương cách cắt giảm nợ tốt nhất – bảo đảm quốc gia cường thịnh lâu bền.
