Menu Close

Ngày bệnh AIDS thế giới

Tự do, tình yêu, tôi cầu cả hai
Vì tình yêu, tôi hy sinh tất cả
Vì tự do muôn đời, tôi hy sinh tình ái

Những lời khát khao cháy bỏng ấy đã được nhà thơ Sandor Petofi thốt lên trong một cuộc cách mạng giành độc lập của người dân Hung Gia Lợi cách nay gần hai thế kỷ. Tự do và tình yêu là những biểu tượng thiêng liêng cho tính văn minh của loài người. Về tình yêu, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn mực; vẫn tùy thuộc quan niệm của từng cá nhân. Về tự do, nhiều nước trên thế giới đồng ý nó phải dựa trên một nền tảng dân chủ pháp trị. Ngược lại, một số nước khác cố cho rằng nó phải dựa trên sự ổn định của xã hội. Lối nói úp mở ấy khiến không ít người khó hiểu bởi vì chính các nước văn minh kia cũng cần xã hội ổn định. Để thấy rõ “sự ổn định” ấy khác như thế nào, người ta có thể theo dõi một cuộc thi cách đây vài hôm bên Trung Quốc.

alt

Bao nhiêu người Trung quốc còn nhớ  SỰ Kiện Thiên An Môn?

Ngày 1 tháng 12 hằng năm được thế giới chọn là Ngày Bệnh Liệt Kháng (AIDS). Nhiều nước dùng ngày này để tuyên truyền việc phòng chống bệnh AIDS. Trung Quốc cổ động bằng cách tổ chức một cuộc thi chạy… tại chỗ. Các (nam) thí sinh xếp hàng ngang trước các vũ nữ đang múa may với một số đồ chơi. Họ chỉ xem mà không được rờ mó bất cứ thứ gì không thuộc về họ, ngoại trừ một cái thau nhỏ in số báo danh của mình. Họ phải đứng yên tại chỗ và ai về… đích trước thì thắng cuộc. Vì đứng thi ngoài trời nên cái thau ấy dùng để che (không cho ai dòm lén) và đựng bài thi. Tuy nhiên, theo cách nghĩ của nhiều người (không tham gia) thì dù thí sinh nào về trước vẫn là kẻ thua cuộc. Chỉ những kẻ thất bại trong tình yêu mới đi tìm sự tự do mà cuộc thi ấy cổ động. Một loại tự do an toàn nhất nhưng… chán nhất! Đấy chỉ là sự tự do… nhất thời khi không có… tình yêu.

Người dân ở những nước “ổn định” ấy được hưởng một sự tự do “tạm thời” tương tự như thế. Họ được kích thích bằng những mỹ từ sáo rỗng, bánh vẽ màu mè. Họ được ban tặng nhiều thứ huân chương, danh hiệu này nọ mà tự… hào rồi quên đi ý nghĩa thật sự của hai chữ TỰ DO. Chính những thứ đồ chơi ấy đã góp phần dẫn họ đến căn bệnh liệt kháng về tinh thần. Họ dần mất đi tính phản kháng đối với sự đàn áp của chính quyền. Sự liệt kháng về tinh thần tác hại hơn nhiều so với sự liệt kháng về thể xác. Nó hủy hoại văn hóa dân tộc, làm mất nhân cách mỗi công dân, và lây lan qua những thế hệ sau.

Có lẽ thế giới nên lấy một ngày nào đó, như ngày biểu tình của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn chẳng hạn, làm ngày Bệnh Liệt Kháng Tinh Thần. Căn bệnh này đang trầm trọng ở Trung Quốc. Cả nước hơn một tỉ dân phải cúi đầu chịu sự cai trị của một nhóm người độc tài. Thời trước họ cảm thấy nhục khi bị người Nhật gọi là “Đông Á bệnh phu”. Nhưng ngày nay, họ chỉ biết tức giận về mấy hòn đảo Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật mà không thấy rõ bệnh tình thực sự của dân tộc mình.

Bệnh AIDS Tinh Thần nguy hại vô cùng!   

HNH
chuyenkhongdau@gmail.com