Mùa cá dại chất chà & dỡ chà – Kỳ 1
Vào tháng 11 âm lịch, các năm 1948, 1949 và các năm đầu thập niên 1950, hầu như khắp các vùng sông rạch miệt tổng Định Thành thuộc tỉnh Long Xuyên và các vùng phụ cận miệt Thất Sơn – Châu Đốc, đâu đâu cá cũng nổi đầu lội lêu bêu trên mặt nước như nhởn nhơ chơi giữa cõi đời nhiều sông nước này.
Photographer :Nguyen Ky Nam / Nguồn :
Vì ngày xưa các kinh rạch nhỏ rút nước phèn không nhiều, cả một làng lớn như làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) từ ngoài chợ chạy dài vô tới ranh làng trong cua Vàm Nha, chỗ chùa Kỳ Viên, phía lộ xe lôi chạy chỉ có các mương chánh như mương Hội Đồng, mương Khai (chỗ nhà ông Nguyễn Tấn Đời), mương thánh thất Cao Đài, mương ông Xã Phú, mương ông Xã Cương, mương ông Nhà Lầu, và mương Vàm Nha. Phía bên kia sông giáp với cánh đồng xã Hòa Bình, Bình Thủy, nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ có mương chỗ cua chùa Tân An Tự ăn thông lên kinh Ông Quít trên Năng Gù là tương đối nước chảy mạnh, còn những con mương còn lại phía bờ sông bên kia đều là những mương nhỏ như mương ông Hai Huấn, do ở nhà tự lực đào, nên không thông thương lắm. Do vậy mà cả cánh đồng lớn chứa nước cỏ, nước phèn không thoát nhanh được, nên cá tôm vào mùa này bị cay mắt và chúng cùng nhau nổi lờ đờ trên mặt nước, nên dân quê mới gọi là cá dại hoặc cá dậy là vậy.

Đóng đáy ngang sông – nguồn nguoimientay.info
Vào mùa cá dại, cá nổi bèo nước, vui lắm. Dọc theo các mé sông, kinh rạch, hầm hố chỗ nào cá tôm cũng ngúc ngắc lội đưa ngạnh, đưa râu. Từ cá chốt, cá nhái, cá rằm, cá mè vinh, cá dảnh tới cá chạch, cá éc, cá rô biển, cá trèn, cá nóc, đủ thứ phơi mình trong nước cỏ đỏ ngầu. Vào mùa này, bắt cá dễ lắm, bắt cách nào cũng được, không cần gì phải chuyên nghiệp, nhưng thông dụng nhất có lẽ là đâm cá bằng chĩa làm bằng kèo dù hoặc căm xe đạp. Loại chĩa này, dân quê gọi là “chĩa sà di”, thường thường người ta làm chĩa đâm cá vào mùa này từ ba đến năm mũi. Mỗi khi nước ròng sát và nắng lên cao là cá càng nổi dữ. Dân ruộng cứ cầm chĩa đi dọc theo bờ sông, mé rạch có những bầy cá đang nổi mà lựa cá để đâm. Người nào muốn làm khô cá nhái cứ đâm rặt cá nhái; người nào gặp cá gì cũng ham, thì lựa cá nào lớn nhứt trong bầy cá nổi mà đâm. Có khi đi lòng vòng chừng nửa buổi là một xâu cá đầy. Có khi có cả cá lóc, tôm và nhiều nhứt vẫn là cá rô biển, cá nhái. Ngoài việc đâm cá bằng chĩa, có người còn hớt cá bằng vợt. Vợt đan bằng chỉ, tra vô cái cán dài rồi ngồi ngay mũi xuồng và dùng cán vợt làm dầm bơi tới, gặp cá là trở cán vợt và hạ vợt xuống nước mà xúc cá. Xúc cá bằng vợt thường thường đi vào ban đêm vì cá gặp ánh đèn là chúng bị ánh sáng làm chóa mắt nên ít chịu chạy đi đâu.
Còn một cách bắt cá khác vào mùa cá dại này là kéo heo, cũng vào ban đêm. Heo là hình thức kéo cá bằng tay đăng dày trải theo chiều ngang trên chiếc xuồng. Hai bên miếng đăng này người ta làm hai miếng vách cao lên chừng ba bốn tấc, cũng bằng rẻ đăng bện lại, nhằm ngăn cho cá khi vào đăng không nhảy trở lại xuống nước được. Phía trước đầu đăng phần nằm dưới nước, người ta dùng nguyên cây tre suôn và không lớn lắm như tre bông, tre mỡ chẳng hạn, hoặc chỉ dùng hai nẹp tre mà nẹp cho đầu đăng cho chắc chắn nhằm làm cho đầu đăng không bị vướng cỏ. Rồi chờ nước ròng, người ta mới bơi vô các ngọn mương mà bắt đầu kéo heo ra dài tới ngoài vàm.
Việc kéo heo, theo cách thức này phải cần tới hai người. Người ta lội xuống nước và mỗi người nắm một đầu cứ đi tới với tay giữ cho đầu đăng dưới nước chìm khuất chừng năm ba tấc. Cá ban đêm cũng nổi trên mặt nước như ban ngày, khi thấy cá vô heo nhiều, người ta tìm bãi nào êm, có chút cỏ càng tốt, hai người mới hè nhau ủi cái heo vào bờ và nâng đầu đăng chìm dưới nước lên thật nhanh cho cá đừng chạy kịp và nâng cái heo lên cao cho cá trút xuống hết trong xuồng, rồi giũ cỏ trong xuồng bỏ ra và đi kéo heo tiếp cho tới khi ra tới vàm mương, vàm rạch. Mỗi đêm như vậy, tùy theo nước rong, nước kém mà cá kéo heo nhiều hoặc ít. Thường thường, nước kém là kéo heo khá lắm. Cá kéo heo nhiều nhất là cá nhái. Do vậy, mùa này cũng là mùa làm khô cá nhái.
Ngoài cách kéo heo bắt cá, vào mùa cá dại, dân quê còn có cách đi đâm tôm dọc theo hai bên mé lộ đá, như con đường lộ đá nối liền Tri Tôn – Long Xuyên. Theo hai bên bờ mương lộ đá này vào những năm 1948, 1949 tôm nổi râu cặp theo mé lộ nhiều lắm. Người ta có thể thò tay xuống nước bắt tôm cũng được, nhưng đa phần là đâm tôm bằng chĩa một hoặc chĩa sà di như đâm cá dại vậy. Vào những năm này dân quê ở đây đặt lọp đường ven, bửng ngang sông hoặc chài tôm nên tôm nhiều lắm; nhiều người mua tôm về rồi ví đăng rộng ngay trước sân và bắt chảo đụn lên rang muối và chở lên Sài Gòn bán, thường thường bán lỗ vì không chuyên nghiệp như lái buôn tôm cá rành nghề.
Vào mùa cá dại, dân quê còn xúc cá chạch bằng xuồng vào lúc nước ròng. Một người ngồi sau lái bơi xuồng ngược nước và một người ngồi trước mũi xuồng cầm cái rổ xúc vừa tay và xúc những về lục bình trong các ngọn mương trôi ra. Khi về lục bình nằm gọn trong cái rổ, một tay nâng cái rổ, một tai giũ giũ lục bình bỏ ra ngoài, vậy mà rổ nào cũng có vài ba con cá chạch cơm, cá chạch bông bự lắm. Xúc cá chạch cách này chỉ xúc vào lúc nước ròng thôi, nước lớn không có cá chạch bám trong rễ lục bình vì cá trên đồng xuống chứ không phải cá dưới sông lên .
Vào mùa này, dân quê cũng ưa ngồi tum đâm cá bông, cá rô biển, dù việc cất tum và ngồi tum đâm cá bông bằng chĩa sào búp có từ khi có nước cỏ trong vắt vào tháng 9 âm lịch. Nay người ta vẫn tiếp tục ngồi rình cá bông gấm như vậy vì mấy loại cá này không bị mờ mắt như các loài cá trắng cay mắt nổi bèo mặt nước.
Trong mùa cá nổi này, những miệng đáy, miệng vó cất được xuống rầm rộ chờ cá vô đáy, vô vó. Nhưng được mùa nhất vẫn là vó gạt căng ngang sông với hai giàn gác cao hai bên khỏi mặt nước để hai người cầm cây tre dài đặt ngang lên trên hai giàn gác này mà gạt vó dồn cá về cái túi ở cuối cái vó xuống phía dưới nước. Mỗi lần gạt vó như vậy cá nhảy lung tung và nhiều nhất là cá bông, cá trắng và đặc biệt là cá linh chiếm đa số. Mỗi ngày vào những năm làm lúa mùa, vào mùa vó gạt này, người ta tính cá mấy chục giạ mỗi ngày chứ không tính ký lô hay cân lượng gì. Và lúc bấy giờ người ta bán cá linh cũng bán bằng thùng, bằng giạ. Nhưng có lẽ món cá heo là nhiều người thích mua về kho tiêu, ngon lắm vì cá heo béo lắm; và người ta bán cá heo cũng bán nhắm, bán mớ chứ hổng ai cân lường lắt nhắt gì. Đúng là thời cá tôm đầy sông rạch, ai cũng rộng rãi, tốt bụng.
LTT