Đây là một ngôi làng “bí ẩn” nằm ở chân núi Sangre de Cristo của dãy Rocky ở miền Bắc tiểu bang New Mexico. Ngôi làng nổi tiếng bởi lối kiến trúc xưa cũ từ thế kỷ 17. Những nét văn hóa đặc trưng Tây Ban Nha vẫn hiện hữu mạnh mẽ ở cộng đồng dân cư nơi đây, những người vốn nổi tiếng trong việc phát triển nghề dệt, chăn nuôi gia cầm và đồng áng. Nguồn gốc tên làng Chimayo xuất phát từ chữ Tsi Mayoh của người Tewa, có nghĩa “Hill of the East” (Cõi Đông) – một khái niệm về thiên đàng được hiểu là nơi chốn của phước hạnh trong Kito giáo và các tác phẩm triết học.

Từ thành phố Albuquerque đến thủ phủ Santa Fe mất một tiếng rưỡi lái xe. Xe lướt qua những thị trấn nhỏ hầu hết mang dáng dấp kiến trúc đặc thù của người Mexico. Nhà vuông vắn, màu sắc xam xám như pháo đài nho nhỏ. Hai bên đường toàn đồi cát và xương rồng làm tôi có cảm giác như mình bước chân vào cõi phiêu lưu đến một xứ sở sa mạc hoang vu nào đó nếu không có con đường xa lộ 26 dài hun hút và xe cộ trôi trước mặt. Bảng báo bên đường cho biết còn 140 mile nữa đến Las Vegas. Quái! Las Vegas sao gần thế? Xem lại GPS mới biết tiểu bang New Mexico có thành phố trùng tên với kinh đô cờ bạc của Nevada. Thế nhưng trên con đường tôi đi có khá nhiều sòng bạc địa phương mà giờ này tôi không còn nhớ tên vì khó đọc và dài ngoằng. Ở vùng đất này, có lẽ sòng bạc là nơi giải trí hấp dẫn nhất cho cư dân nơi đây bởi chung quanh chỉ có núi đồi và nắng gió.

Xe bán ớt khô ngay đầu đường dẫn vào làng Chimayo trong chân núi Sangre de Cristo
Phải đi thêm nửa tiếng nữa từ Santa Fe mới đến làng Chimayo. Vùng đất ngoại vi Santa Fe thoai thoải, cây xanh và nhà cửa nhiều hơn. Đường rẽ vào làng quanh co, nhỏ hẹp vừa đúng hai làn xe, tráng nhựa phẳng phiu. Riêng các con hẻm dẫn vào vài mái nhà nép mình bên trong lại là đường đất. Nhà nào cũng có rào ngăn cách và kiến trúc đã thay đổi nhiều không còn là những nhà hai mái truyền thống cao vót của người Tây Ban Nha mà tôi được biết qua sách báo. Thú thật, bỏ ra hai tiếng đồng hồ lặn lội đến đây, tôi có chút thất vọng. Lòng háo hức khám phá điều mới lạ dường như biến mất khi tấp xe vào cái tiệm tạp hóa cửa đóng im lìm bên con đường làng để hỏi han về ngôi làng cổ tích Chimayo. Câu trả lời “không biết” ngắn gọn và khô khốc của người chủ tiệm – một dân làng đã cắt đứt tình cảm của một người khách dành khá nhiều cảm tình cho một ngôi làng có gần hai trăm năm tuổi.
Bước ra khỏi tiệm, ngửa mặt hứng cơn mưa bụi lạnh ngắt cho tỉnh người sau chặng đường dài. Có lẽ, tôi quá khắt khe hay nói đúng hơn là mong chờ sự hiếu khách của một người địa phương đối với một du khách lạ từ đầu đến chân, từ màu da đến ngôn ngữ. Có thể họ e dè một điều gì đó hơn là mở tấm lòng bất chợt trả lời câu hỏi không đâu. Hoặc đúng là họ không biết nhiều về cái làng nơi mình sinh sống. Tôi đã từng gặp những chuyện như thế ngay ở vùng nông thôn miền Tây quê nhà. Và cuối cùng tôi hiểu ra đa số họ từ nơi khác di cư đến, nên không biết rõ ràng nơi mình sống là điều bình thường. Nhưng cũng có thể chiếc xe cảnh sát tuần tra đậu bên vệ đường đằng kia mới là câu trả lời cho sự e ngại vấn đề an ninh của người chủ tiệm trong ngôi làng cổ xưa mà lẽ ra sự bình an vốn lúc nào cũng ngự trị ở một vùng quê hẻo lánh.

Đường làng tráng nhựa phẳng phiu và kiến trúc thay đổi khá nhiều
Khung cảnh an lành và thân thiện của miền quê không còn như trong hoài niệm. Làng Tây hay Ta cũng thế thôi. Cuộc sống đô thị hóa đã xóa đi nhiều diện mạo từ cách sống cho đến sinh hoạt làng xã. Người ta nói làng Chimayo xưa kia với những kiến trúc xưa, nhưng thực tế không phải như những hình ảnh được chụp ở một góc độ nào đó có sức hấp dẫn người xem. Thực tế đôi khi trần trụi và khiến ta hụt hẫng như vừa đánh mất điều gì đó ấp ủ trong ký ức hay trí tưởng tượng về một bức tranh nông thôn đẹp đẽ thời quá khứ. Những hàng cây cổ thụ thân to gân guốc chính là nhân chứng còn lại của làng. Không hiểu sao đi đến nơi nào, những vùng đất làng bất kỳ ở đâu, lòng tôi luôn vui mừng khi bắt gặp những gì còn lại của phong vị làng xã. Một vài mái nhà vách đất xiêu vẹo, củi khô chất đầy bên hông đối với tôi vẫn là hình ảnh đẹp, cho dù hầu hết dáng vẻ bên ngoài của làng đã thay đổi đi ít nhiều.

Ớt khô, đặc sản của làng Chimayo
Tôi cho xe chạy lên rồi chạy xuống trên con đường làng, rẽ vào con đường đất, tốc bụi mịt mù đi tìm ngôi nhà thờ làng Chimayo. GPS đã mất sóng từ lâu, tôi cho xe chạy ngang chạy dọc và theo suy đoán cứ đi về hướng nghĩa trang. Và cuối cùng tôi đã tìm thấy. Nhà thờ làng vách đất, mái tôn nhưng dáng vẻ còn đọng lại dấu ấn thời gian với hai tháp nhọn xinh đẹp như tranh vẽ. Nhà thờ làng nho nhỏ, cửa nẻo khép kín, trong sân không bóng người. Tôi đến không đúng lúc cho nên chỉ nhìn ngó cho thỏa trí chẳng bỏ công lái xe đến rồi về. Tôi không ngạc nhiên biết rằng, ngôi giáo đường Chimayo nằm trong danh sách Di sản Quốc gia và hàng năm có hơn ba trăm ngàn du khách đến thăm vào mùa Giáng Sinh. Một công trình không cần phải có kiến trúc đẹp, cổ xưa mới được bảo tồn, gìn giữ. Có lẽ cái nguyên bản của giáo đường hay “cõi trời hướng Đông” mới thật sự thu hút người hành hương đến chiêm bái, chia sẻ phước hạnh của làng. Ở đây con người được tái hợp với Thiên Chúa trong tình trạng toàn hảo và tự nhiên của sự sống đời đời chăng?
Theo sử sách, nhà thờ có từ rất lâu khi người Tây Ban Nha đến đây lập nghiệp và đặt tên cho làng. Có thể khi xưa đời sống ở đây rất sung túc nhờ ơn trên ban phép màu cho những người di dân đến vùng đất mới. Duy chỉ có điều tôi ngẫm nghĩ hoài nhưng không thấu hiểu. Trên vùng núi đồi khô cằn, đất đai chẳng thể nào tốt cho cây lương thực. Chỉ có cây ớt sống tốt tươi trên vùng đất này. Rất nhiều nhà phơi ớt ngoài hiên. Nhìn những dây ớt lủng lẳng đỏ bầm làm tôi nhớ đến một vùng đất quê nhà đã từng đi qua. Làng Sanh của tỉnh Quảng Trị. Nhiều nhà ở làng Sanh trồng ớt, thu hoạch phơi khô đem bán như một loại đặc sản ớt cay xé miệng nổi tiếng của địa phương. Ớt làng Chimayo nghe đồn cay không kém. Tuy vậy, chẳng thể nào người dân làng Chimayo lại có thể sinh sống bằng nghề trồng ớt. Họ đi làm ở nhà máy, công xưởng cho dù có xa nhà, nhưng không vì thế họ phải rời bỏ làng quê nơi tổ tiên, ông bà, con cháu đã gắn bó qua nhiều thế hệ. Và chính điều đó khiến làng Chimayo tồn tại đến ngày nay.
Những hàng cây cổ thụ, ngôi nguyện đường và nghĩa địa làng, là những gì còn lại của ngôi làng xưa trải qua bao biến đổi với tốc độ nhanh chóng trong thời đại công nghiệp. Nhưng may thay, đó là đoạn kết có hậu của câu chuyện cổ tích làng Chimayo cho người đời sau tìm hiểu.

May mắn tường rào đất còn sót lại tại một vài nhà dân trong làng Chimayo