Menu Close

Đừng sợ Đừng lo gì nữa…

“Cô sẽ đưa con vô bệnh viện liền.”
“Con nghèo lắm không có tiền”,
“Không sao, cô sẽ trả hết chi phí bệnh viện, đi, đứng dậy mau”.

Vừa nói tiếng Hindu nhuần nhuyễn, tôi vừa kéo con bé đứng lên khỏi bụi gai lấm tấm hoa tím, và lôi nó xềnh xệch về phía chợ chồm hổm, kế nơi tôi đậu xe.

Con bé trì lại, đôi mắt to đen đẫm lệ: “Cô ơi, con không đi đâu, nước tiểu đang chảy ra”. Tôi không trả lời, lôi con bé đi nhanh hơn, một vài bà già ngồi bán hàng nhìn theo càu nhàu: “Mới sáng sớm đã lôi nhau ra đường, cẩn thận kẻo lại đạp vào rổ rau của người ta!”

Tới xe, tôi mở cửa băng ghế sau, con bé cong người lại trì hoãn: “Con hôi lắm, dơ hết xe của cô”.

“Lên xe ngay!” Tôi gắt và đẩy con bé lên băng ghế sau.

Chiếc sari màu hạt dẻ cũ kỹ của con bé được kéo lên, bốc mùi khai nồng nặc. Tuy biết trước, nhưng cái mùi khăm khẳm như mùi chuột chết đã khiến cơn buồn nôn ập đến. Tôi nín thở, nuốt khan, mở ví lấy viên kẹo chanh cho vội vào miệng. Đóng sập cửa xe, quành ra phía trước, tôi mở cửa, bước vào xe, nổ máy, và hạ hết cửa kính xe xuống, mong gió lùa vào thổi bớt mùi khai khắm.

Nhưng chiếc xe vẫn phải đứng ỳ một chỗ phun khói phì phì, vì một đoàn người vẫn nhởn nhơ chậm rãi ở trước mũi xe. Tôi ấn còi, vài người nhìn tôi cười, tôi hét to: “Tránh ra giùm, có bệnh nhân trên xe cần cấp cứu”. Đám đông hơi dãn ra, chiếc xe bọ hung Volkswagen màu đỏ chồm lên, lao ra đường cái. Lúc đó, tôi mới nhớ kéo dây seatbell, vạt áo sari bị kẹt ở cạnh cửa. Tôi liều lĩnh mở cửa xe, kéo vạt áo vào, con Bọ Hung lắc lư suýt chạy sang lane ngược chiều đối diện. Tôi hơi hối hận không mặc âu phục cho gọn nhẹ, nhưng chợt nhớ đến lý do phải mặc cái áo sari truyền thống lình xình này, để vào khu ổ chuột tìm con bé.

alt

Có tiếng rên ư ử ở băng ghế sau: “Cô ơi, ướt nệm xe rồi, cô có tấm nylon nào không?” “Ngồi im, kệ nó”. Tôi chăm chú nhìn hai bên đường tìm bệnh viện gần nhất. Trước khi đi, tôi đã liên lạc với người bạn học cũ, anh ta làm y tá tại một bệnh viện ở vùng này, sẽ sẵn sàng làm giấy tờ cho nó nhập viện.

Để yên tâm khi giúp đỡ tôi, anh ta đã tra hỏi tôi cẩn thận đầu đuôi xuôi ngược. Tôi buộc phải kể cho anh ta nghe hoàn cảnh của con bé.

… Ngày xưa, trong khu lao động không tệ lắm, ở bang Rajasthan, thuộc miền Bắc Ấn. Gia đình nó ở kế nhà tôi. Cha mẹ nó chỉ có hai đứa con, thằng anh hồi đó khoảng 10 tuổi, và nó mới bốn, năm  tuổi gì đó. Tôi đặc biệt thương nó vì ngoài đôi mắt to đen với hàng mi cong vút, mà những  phụ nữ Ấn chúng tôi thừa hưởng từ dòng giống tổ tiên, con bé còn có cái miệng hình trái tim chúm chím hồng thắm, hài hoà với làn da bánh mật.

Lúc đó tôi 13 tuổi, ông bà già muốn gả chồng cho tôi, một người đàn ông xa lạ, giàu có, có thể bảo đảm đời sống cho tôi. Thực sự, cha mẹ tôi không nghèo, đến nỗi phải đẩy tôi ra khỏi gia đình, nhưng tục gả chồng cho con gái khi còn nhỏ xíu, đã ăn sâu vào lề thói phong tục của người dân Ấn, nhất là ở vùng quê từ bao đời nay, cha mẹ tôi không thể là ngoại lệ. Những bệnh tật nguy hiểm và những cái chết khủng khiếp của hài nhi và những người mẹ ấu thơ từ đời này qua đời khác, đã không làm mọi người suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao? Họ không dửng dưng trước những đau buồn, mất mát, nhưng họ buông xuôi. Lũ lượt hết thế hệ này đến thế hệ khác tình nguyện chết trong định mệnh huyền bí oan khiên.

Các xã hội phong kiến luôn có tư tuởng con gái là những “quả bom nổ chậm” trong xã hội. Trinh tiết của cô gái vì thế là cái gì đó rất quan trọng, gắn liền với danh dự của gia đình dòng họ. Gả con sớm là cách tốt nhất để bảo vệ đứa con gái không bị hãm hại, hoặc có thể có những liên hệ tình dục trước hôn nhân, nếu để chúng độc thân đến tuổi trưởng thành. Danh dự gia đình không thể bị xúc phạm. Danh dự, sĩ diện gia đình quan trọng hơn đời sống và mạng sống của đứa trẻ.

May mắn cho tôi, chú tôi đã cực lực ngăn cản ý định của cha mẹ tôi và can thiệp kịp thời. Chú đem tôi lên New Delhi nuôi ăn học. Tôi lên đại học, chọn ngành báo chí. Tám năm ở thành phố với kết quả học vấn khả quan, tôi muốn về thăm cha mẹ, nhân thể thăm cái xóm lao động cũ. Ngay hôm đầu tiên về nhà, tôi đã qua thăm con bé.  Nó 12 tuổi, nét ngây thơ thuần khiết phủ lên nó, từ mái tóc đen tuyền đến gót chân đỏ chót. Thế mà vào một buổi trưa, ánh nắng chói chang, rát bỏng, dãy nhà lợp tôn lụp xụp của khu xóm như muốn bốc khói. Bà con lối xóm kéo đến trước cửa nhà nó đông nghẹt. Tôi cũng chạy vội sang, cố len vào giữa đám đông, “Có đám cưới”, một người nhìn tôi nói. Tôi cau mày hỏi: “Đám cưới ai?”, “Con Seema chứ còn ai vào đây”.  Tôi vung hai tay, gạt đám đông và lấn lên, giận dữ nói: “Không thể thế được, nó mới 12 tuổi, biết gì mà đám cưới”. Bất ngờ một bàn tay lôi tôi khỏi đám đông, đẩy tôi về nhà, cánh cửa đóng sầm. Có tiếng quát to của cha tôi: “Không được xen vào chuyện của người ta”. Chỉ vài tiếng đồng hồ, đám cưới đã xong, con bé Seema bị lôi ra khỏi tuổi thơ, để trở thành người đàn bà đau đớn, tội nghiệp lúc mới 12 tuổi. Tôi uất ức muốn trào máu mắt, quyết định trở lại New Delhi ngay ngày hôm sau.

Ba năm sau, luận án ra trường của tôi liên quan đến hủ tục tảo hôn đối với con gái. Tôi có việc làm tại toà báo lớn ở New Delhi. Tôi đến các bệnh viện để tìm thêm bằng chứng về những cái chết tức tưởi của các sản phụ tí hon, bị ép quan hệ tình dục và bị mang thai khi cơ thể chưa phát triển toàn diện. Tôi đã chứng kiến hàng ngàn trường hợp những thiếu nữ 14, 15 tuổi, bàng quang bị rách vì bị giao hợp quá mạnh hoặc khó khăn khi sinh nở, khiến nước tiểu chảy ra ngoài, không kiểm soát được. Tất nhiên các em bị chồng ruồng bỏ, gia đình cha mẹ ruột thì nghèo, các em lang thang tự kiếm sống, không nơi nương tựa.

Bất ngờ tôi gặp Seema tại nhà thương, khi tôi sửa soạn ra về. Tôi gọi tên nó, nó chạy trốn, tôi đuổi theo, và tôi mất dấu của nó. Sau cả tuần lễ tìm hồ sơ lý lịch tại bệnh viện, tôi tìm được chỗ ở của nó, và sáng sớm hôm nay tôi đã đến, gặp được nó. Bây giờ nó đang ở bên tôi. Tôi không bao giờ để mất nó nữa.

Ngôi nhà ngói đỏ sừng sững bên tay trái, với hàng chữ “Bệnh viện sản phụ khoa” to tướng không thể nào lạc được. Tôi giơ tay làm dấu để sang lane, và quẹo nhanh vào lối dẫn đến cửa chính của bệnh viện. Bỗng một tràng cười the thé khiến tôi lạc tay lái, chiếc xe Bọ Hung đỏ bị hất ra giữa đường, quay vòng vòng, tôi chóng mặt, không biết gì nữa…

o O o

Tiếng hót đặc biệt của đám chim Kookaburra như những tràng cười không dứt, khiến không gian buổi sớm thêm rộn rã. Tôi đã tỉnh giấc, trong vô thức tôi giơ tay kéo vạt áo sari. Không, chẳng có vạt sari nào ngoài bộ pyjama rộng thùng thình. Tôi ngồi dậy, đàn chim sẻ ríu rít gọi nhau ăn sáng trên cây Phượng đỏ trước nhà, đã kéo tôi về thực tại.

Bộ phim thời sự trên TV về nạn tảo hôn ở Bangladesh và Ấn Độ đêm qua, đã trở về trong giấc mơ của tôi. Trong đó, tôi là một thiếu nữ Ấn may mắn, thoát khỏi nạn gả bán vô nhân đạo, và tôi đang  làm chuyện lấp biển vá trời, giang hồ nghĩa hiệp, cứu các cô bé đáng thương ra khỏi bể trầm luân.

Bộ phim chiếu cảnh những bé gái non nớt, bé bỏng 11, 12 tuổi bên cạnh người chồng bằng tuổi cha chú của nó. Câu chuyện của một người anh đã gả bán đứa em gái nhỏ 12 tuổi của mình. Một năm sau, chính  anh ta đã bế em gái lúc đó đang mang thai, đau quằn quại vì vùng xương chậu quá nhỏ, và cái thai quá lớn – qua nhiều trạm xá, nhiều nhà thương. Sau cùng cô bé chết. Anh ta đem em về nhà chôn cất, và cho biết không đầy một tháng sau, người em rể trạc tuổi anh ta đã có vợ mới.

Bộ phim cũng chiếu cảnh những cô bé 14, 15 tuổi nằm ngồi la liệt chờ được khám ở khoa phụ sản, hoặc chờ được giải phẫu để vá lỗ rò ở bàng quang do bị lạm dụng tình dục và bị sinh nở ở tuổi ấu thơ. Những thảm cảnh này có thể tránh được nếu các em lập gia đình ở tuổi trưởng thành.

Tôi đã khóc sướt mướt khi xem bộ phim này, và nó đã đi vào giấc ngủ của tôi.

Gió sớm mát rượi, khiến tôi tỉnh táo hơn. Tôi cố nhớ khuôn mặt con bé Seema trong giấc mơ, Seema đúng là con bé bị chết, mà người anh kể là đã vác nó chạy vòng vòng các bệnh viện. Seema cũng có khuôn mặt của cô bé 14 tuổi bị chồng phụ rẫy, sau khi đứa bé chết trong bụng và bị lủng bàng quang, được phỏng vấn trong phim thời sự.

Bất giác tôi nhớ đến một phóng sự của đài truyền hình  NBC Hoa Kỳ chiếu cuối năm 2007, một số người đã sang Cambốt và đột nhập vào một ổ mãi dâm, giải cứu những em bé gái Việt Nam bảy, tám tuổi bị đưa vào con đường bán thân nuôi miệng. Tôi nhớ lắm những khuôn mặt bé thơ, xanh xao hốc hác, nhưng thân hình gầy gò như những que diêm nhỏ, thân xác bị bạo hành, tinh thần bị phá hủy. Qua phần phóng sự, người ta được biết những đứa trẻ Việt Nam này bị chính cha mẹ của chúng bán qua Cambốt với hy vọng là ở đó, bề gì con của họ cũng có cơm ăn. Tôi không nỡ trách những cha mẹ trẻ nông cạn, nỡ đem bán con mình; nhưng tôi lên án hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Một nền giáo dục biến con người thành những những hình nhân vô đạo đức, vô trách nhiệm, vô cảm, tự tước bỏ những giá trị căn bản thiêng liêng của con người.

Tôi lại nhớ đến những cô gái trẻ, tuổi thanh xuân đang tươi đẹp, nhưng vì hoàn cảnh miếng cơm manh áo phải lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc… một số đông những thiếu nữ này đã bị đày đọa, hành hạ, lạm dụng tình dục đến nỗi thương vong.

Trong lịch sử Việt Nam mình, chưa bao giờ người phụ nữ phải rời đất nước lấy chồng ngoại, vì miếng cơm manh áo. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, người chết như  rạ, thế nhưng có người đàn bà Việt Nam nào phải lìa quê, bán thân nuôi miệng đâu? Tại sao thời này, đất nước thanh bình, hết chiến tranh, người phụ nữ lại lâm vào đường cùng bi đát này?

o O o

Có tiếng nước sôi lách tách dưới bếp, xen lẫn tiếng của Định, em rể tôi nói với vợ: “Sáng nay Thứ Bảy, trời đẹp quá, chúng ta đi chợ trời nhé. Sau đó về nhà hạ thổ cây Magnolia. Loại này chỉ thích chút nắng buổi sáng thôi. Em định trồng nó giữa vườn nắng chang chang, nó chết thì uổng lắm!” Giọng em gái tôi: “Ừ đi thì đi, em chiều anh thôi. Còn cây chết thì mua cây khác. Anh không thấy những cây Magnolia ở dọc đường à, nắng mưa dãi dầu, có ai chăm sóc đâu, thế mà hoa chi chít. Còn của mình, khi mua về thì hoa ơi là hoa, hai năm nay chỉ có lá èo uột. Chăm bón quá, hư hết cây!”

Tôi thảng thốt nghĩ: những chia sẻ hết sức bình thường như của vợ chồng em gái tôi, có lẽ là những gì không tưởng trong cuộc đời của những người vợ ấu thơ, và những cô gái lấy chồng vì miếng cơm manh áo. Họ là “Cỏ Bồng Lìa Gốc” như Tâm Cảm của tác giả  Nguyễn Thị Vinh. Họ không còn gì, chỉ là những cái bóng câm nín di động, ngụp lặn trong dòng đời để giữ lại sự sống. Chung quanh không có âm thanh của bất cứ một tình cảm yêu thương mỏng manh nào.

Tôi thực sự muốn được sống lại giấc mơ đêm qua, để làm được điều gì đó hữu ích. Seema! Seema! Cô đây, em đừng sợ, đừng lo gì nữa.

PDH 12/12