Menu Close

Giữa cung đường Mẹ

Để viết bài ký sự này, tôi phải đọc lại cuốn tiểu thuyết “Chùm nho uất hận” (The Grapes of Wrath) của nhà văn John Steinbeck, với mục đích tìm hiểu tại sao ông gọi xa lộ 66 là “Mother Road” (con đường Mẹ). Thực sự tôi không đủ kiến văn lý giải dù cố gắng đọc đến chữ cuối cùng của tác phẩm nổi tiếng thế giới đoạt giải Pulitzer năm 1940 và giải Nobel Văn học năm 1962. Bối cảnh sáng tác “Chùm nho uất hận” từ cuối thập niên 20 đến thập niên 30 khi nền kinh tế Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng thảm khốc.

Mùa Thu 1937, John Steinbeck theo bước chân di cư của những người nông dân tiểu bang Oklahoma hành phương Tây đến California tìm đất sống. Truyện tập trung miêu tả gia đình nhà Tom với hành trình muôn vàn gian khổ khi xe bị hỏng liên tục, đói, khát. Ông bà nội liên tiếp qua đời và người con trai, người con rể bỏ trốn. Khi đến California cả nhà Tom gồm 12 người chỉ còn lại 8 người. Thế nhưng công việc trồng bông ở đồn điền chẳng mấy chốc đã kết thúc, gia đình Tom đã phải đối mặt với nỗi lo đói rét. Rồi mùa mưa bão thình lình ập đến thì cô con gái của gia đình là Rozahan chuyển dạ nhưng vì đẻ non nên đứa bé bị chết. Ngớt mưa, mọi người quyết định tìm đến nơi cao ráo hơn. Cả gia đình vừa đói, vừa lạnh và gần như tuyệt vọng vì kiệt sức cố vượt qua cánh đồng nước đến trú ở một nhà kho. Họ bắt gặp tại đây hai người đàn ông, một già một trẻ. Người già đã gần như lả đi vì sáu ngày nhịn đói. Động lòng thương cảm, với sự khuyến khích của mẹ, Rozahan quyết định ghé bầu vú căng sữa của mình vào miệng ông già đang thoi thóp.

Điểm giữa Route 66 tại thị trấn Adrian, Texas

Có thể từ tình tiết này và vài hình ảnh đáng thương của các bà mẹ khác bắt gặp trên đường di cư đã khiến John Steinbeck gọi đó là con đường Mẹ. Sau này, nhiều nhà văn khác cũng gọi con đường này là con đường máu và nước mắt trong những tác phẩm của mình. Tôi không hình dung được cuộc khủng hoảng kinh tế thời đó khủng khiếp như thế nào, có đúng như những khổ đau trong tác phẩm “Chùm nho uất hận” miêu tả hay tác giả hư cấu thêm những tình tiết đánh động lương tâm con người qua cuộc đấu tranh chống sự bóc lột bất công của giới điền chủ. Đọc vài tài liệu cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ đầu thập niên 30, tôi thấy 15 triệu người thất nghiệp chiếm 25% tổng số lao động. Nhiều nông dân phải ăn thịt ngựa. Ấy thế mà trước đó vài năm, người Mỹ gọi con đường xa lộ này là con đường “Thời đại – T” (T- Model) huy hoàng với những cỗ xe hơi của nhà sản xuất Henry Ford. Từ năm 1903 nhà máy xe hơi Ford Motor bắt đầu hoạt động nhưng đến 1908 xe Ford đời T mới ra lò với giá hơn tám trăm đô một chiếc (Từ đời A đến đời S là những mẫu thử nghiệm). Và đến năm 1926, Ford đã sản xuất được 15 triệu chiếc với giá rẻ bằng một phần tư so với Fort T mới ra đời. Cùng năm đó con đường xa lộ 66 dài 2,278 dặm từ Chicago đến Los Angeles được khánh thành băng qua 7 tiểu bang. Đây là một trong những xa lộ đầu tiên nối liền Đông-Tây trên nước Mỹ.

Tháp nước xưa trên đường 66 còn lưu giữ như nhắc nhở hình ảnh xưa trên cung đường Mẹ

Tôi nhắc đến thời đại T-Ford Model cũng có ý riêng của nó. Trên con đường 66 tức xa lộ 40 hiện nay, đoạn ngoại vi thành phố Amarillo đi New Mexico, có một đài tưởng niệm “Cadillac Ranch” trong trang trại của tỷ phú Stanley Marsh. Tại sao không là Ford thời huy hoàng rong ruổi lăn bánh trên con đường Mẹ mà phải là Cadillac cắm đầu trong đất. Năm 1974 tỷ phú này đã cho các họa sĩ tạo hình thực hiện một tác phẩm mười chiếc Cadillac rách nát chổng đít lên trời và cho khách thập phương qua lại trên xa lộ 40 ghé thăm và xịt sơn đủ màu như ghi lại kỷ niệm trên con đường huyền thoại 66 cách nay gần 90 năm. Thực ra từ những năm đầu thế kỷ 20, xa lộ đã khởi công từ bang Illinois cùng với đường xe lửa chuyển vận Đông – Tây cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nhưng phải đợi đến thời đại T Ford mới phát triển rực rỡ cho dòng xe hơi bình dân của nước Mỹ. Cũng có vài chiếc Ford nát bươm hay Cadillac còn nguyên đậu cạnh cây xăng xưa trên con đường 40 ngày nay để gợi nhớ một thời lịch sử của cung đường. Nhưng mục đích chính vẫn là gây chú ý quảng cáo cho một tiệm ăn hay một cửa hàng nào đó. Chẳng hạn như quán Big Texan có hình nhân anh chàng cao bồi treo trên cao, bên dưới có hai chiếc Cadillac trang trí sừng bò. Từ đó suy ra, người Texas thích đi xe dòng xe sang trọng Cadillac cho dù tiền thân sáng lập ra công ty General Motor cũng là Henry Ford.

Cadillac Ranch trong trang trại nhà tỷ phú Stanley Marsh tại ngoại vi Amarillo

Mãi đến giữa thập niên 50, đường 66 bị phế bỏ. Để tiết kiệm chi phí vài đoạn đường được nắn lại và sử dụng cho xa lộ mới kết nối với hệ thống xa lộ bùng nổ trên khắp các trục ngang dọc trên các tiểu bang. Xa lộ 40 đoạn từ Oklahoma đến New Mexico gần như được giữ nguyên và mở rộng như hiện nay. Người Mỹ thường gọi đây là con đường của những dịp nghỉ lễ dài ngày, nhất là cuối năm. Họ thường lái xe đi cả gia đình hay từng nhóm bạn bằng mô tô từng đoàn qua đường 66 ghé đây một chút, kia một buổi, nhất là đoạn đường đi qua các bang California, Arizona hoặc New Mexico, Texas ở phía Nam. Troup – nhạc sĩ thể loại jazz nổi tiếng sáng tác nhạc phẩm “Get Your Kicks on Route 66” trong một chuyến đi cùng vợ trên đường này khi đến Kansas năm 1949. “Well if you ever plan to motor west / Just take my way that’s the highway that’s the best / Get your kicks on Route 66  / Well it winds from Chicago to L.A. / More than 2000 miles all the way / Get your kicks on Route 66”. Ban nhạc Rolling Stone từ Anh quốc sang Mỹ rất thích bài hát của Troup và đã làm cho đường 66  nổi tiếng ra thế giới.

Quảng cáo của quán Big Texan ăn theo Route 66

Khách du lịch ngoại quốc gọi Route 66 là “The Main Street of America” nhằm nhấn mạnh xa lộ trung tâm của nước Mỹ so với hàng ngàn thành phố lớn nhỏ tại Mỹ đều có con đường mang tên Main Street. Người dân Kansas trung thành với tên đường cũ “Highway 66”, người dân Arizona gọi “Con đường tử thần” vì những khúc quanh cùi chỏ nguy hiểm khi qua các đèo cao. Riêng người Texas lại có Midpoint (điểm giữa) con đường tại thị trấn Adrian. Hầu hết khách du lịch qua lại trên đường 40 đều dừng chân tại con đường Mẹ để tìm hiểu lịch sử xa lộ đầu tiên trên nước Mỹ. Và thật ý nghĩa khi đứng giữa cung đường mà khoảng cách hai đầu vừa đúng 1,139 dặm. Đi Đông hay Tây tùy ý cho hành trình du lịch thoải mái chứ không như xưa, con đường này dành cho người di cư nội địa hành phương Tây nhiều hơn.
Quán cà phê Midpoint nằm giữa cung đường Mẹ có lẽ là nơi gửi gắm tình cảm của những người có máu phiêu lưu nhiều hơn là một điểm dừng chân đầy đủ tiện nghi cho khách du lịch. Quán trông bụi bặm và bất cần đặc trưng của xứ cao bồi. Cũng giống mọi người, tôi mua một ly cà phê mang ra sân nắng vừa nhấm nháp vừa suy tưởng cho chặng đường tiếp tục đi Albuquerque.

Khách du lịch ghé xem và xịt sơn ghi lại kỷ niệm tại Cadillac Ranch

NL