Menu Close

Mạo phạm trong mạo từ?

Có lẽ mạo từ là loại từ khó học nhất trong văn phạm của nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ngay như tiếng Việt, nhiều người không biết khi nào dùng  CON, khi nào dùng CÁI; thường chỉ nói theo thói quen. Nếu dùng không đúng, đôi khi dễ sinh hiểu lầm. Chẳng hạn, thấy một con bướm đậu trên người một thiếu nữ đang đi dạo trong công viên và muốn đến gần (mượn cớ) nói gì đó để làm quen thì nên biết chính xác phải dùng mạo từ gì. Đấy cũng là trở ngại chung cho nhiều đàn ông ngoại quốc khi học gấp tiếng Việt (để lấy vợ?). Có người đã nghĩ ra một mẹo nhỏ để xài tạm (như tự điển bỏ túi) là hễ thứ gì nhúc nhích được thì dùng CON, còn chỉ nằm yên thì dùng CÁI. Nhiều ngôn ngữ khác rắc rối hơn nhiều; không chỉ văn phạm nói chung mà còn mạo từ nói riêng. Như tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp, phải phân biệt mạo từ giống cái và giống đực cho những vật thể phi giới tính như bàn ghế, giường tủ… Tiếng Đức thì “khoa học” hơn chút xíu, có thêm mạo từ chỉ sự vật trung tính (phi giới tính) là DAS thay vì chỉ có DER (cho giống đực) và DIE (cho giống cái). Cái chút xíu “khoa học” này đã làm dậy sóng chính trường nước Đức trước mùa Giáng Sinh năm nay.

Bộ trưởng gia đình là Kristina Schroeder được tờ báo Die Zeit hỏi về chuyện dạy con mình cách dùng mạo từ khi nói đến Thượng Đế.  Bà trả lời rằng dùng mạo từ nào cũng được; hàm ý có thể dùng DAS thay vì DER như xưa nay được dùng. Bà đã bị sự chống đối ngay từ trong đảng của mình là Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo cũng như một đảng “anh em” khác là Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo. Làn sóng công kích ác liệt đến nổi đương kim Thủ tướng Angela Merkel phải cho phát ngôn nhân chính phủ đứng ra đỡ đạn giùm. Ông này nói: “Khi đã tin Thượng Đế rồi thì chuyện dùng mạo từ không quan trọng. Dù cầu nguyện bằng cách nào đi nữa thì Thượng Đế vẫn nghe được”. Ý của ông chắc là nếu mình hiểu hoặc nói nhầm về giới tính của Thượng Đế thì Ngài vẫn thông cảm bỏ qua. Thành ra nếu dùng sai mạo từ cũng được miễn sao mình thật sự tin vào Thượng Đế.

Có vẻ như… cực chẳng đã ông phải nói vậy thôi chứ thực sự ông không biết giải thích làm sao cho thấu đáo. Vấn đề ở chỗ Thượng Đế thực sự có giới tính rõ ràng như con người hay không? Theo lý thuyết của nhiều tôn giáo thì mọi vật trong vũ trụ đều có bàn tay và mục đích của Thượng Đế chứ không phải do tình cờ. Do đó, ngay chính sự tồn tại của bản thân Thượng Đế trong một hình thức nào đấy vẫn từ ý thức rõ ràng của Ngài. Không có chuyện Thượng Đế mang giới tính nam chỉ vì Ngài thích làm đàn ông. Nói khác đi, trong vai trò là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, giới tính không phải là vấn đề thiết thực cho chính bản thân Ngài. Nếu phải mang giới tính đàn ông thì Thượng Đế mới làm tròn được vai trò của Đấng Tạo Hóa thì hóa ra lại mâu thuẫn với thuyết toàn năng mà nhiều tôn giáo tin tưởng. Tức là khả năng của Ngài chưa được toàn vẹn mà còn phải phụ thuộc vào một siêu lực khác không thuộc của Ngài. Nếu như thế thì Thượng Đế đã không tạo ra tất cả mọi thứ trong vũ trụ; nghĩa là Ngài không phải là Đấng Tạo Hóa.

Cho nên, nếu đặt trọng vấn đề giới tính của Thượng Đế sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn khác không cần thiết. Giống như chuyện giới tính hóa của tiếng Đức, tiếng Pháp… trong cách dùng mạo từ đối với những vật phi giới tính, chỉ thêm rắc rối chứ không có lợi ích thiết thực gì! Nghiêm trọng hơn, nó sẽ làm chấn động nền tảng lý luận về sự tồn tại của Thượng Đế mà nhiều tôn giáo xưa nay bảo vệ.

Vai trò của tôn giáo trong đời thường là đem đến hạnh phúc cho con người; đặc biệt khi họ đang… đau khổ. Như vụ thảm sát tại trường học mới đây ở Hoa Kỳ, không ai làm tốt hơn các giáo sĩ trong việc an ủi gia đình các nạn nhân để giúp họ vượt qua nỗi khổ đau ấy. Một vai trò tối cần thiết khác mà tôn giáo có thể làm rất tốt là giúp con người yêu thương nhau, xóa bỏ hận thù, sống dung hòa với nhau. Nhưng nhiều giáo sĩ cứ cho tôn giáo của mình là nhất; muốn mọi người chỉ theo đạo của mình mà thôi. Như mấy tuần qua ở Ai Cập, trong khi gần cả ngàn người đã hy sinh (tánh mạng) cho nền dân chủ của đất nước thì nhiều giáo sĩ ích kỷ cứ muốn đưa tôn giáo của mình vào… hiến pháp cho bằng được.

Mùa Giáng Sinh đang đến khắp thế gian mà ở nước Đức lại bị các chính trị gia làm mất đi không khí an hòa chỉ vì chuyện giới tính của Thượng Đế. Họ không thấy rằng rất nhiều người trên thế giới lâu nay vẫn ăn mừng Lễ Giáng Sinh cho dù nhiều người không phải là con chiên của Chúa; thậm chí còn là… vô thần! Mọi người như muốn cầm tay nhau chúc bình an và hát vang:

Mừng ngày Chúa sinh ra đời
Nào mình nắm tay tươi cười
Hòa bình đến cho muôn người
Cùng cất tiếng ca mừng vui
Mừng ngày giáng sinh an hòa
Mừng hạnh phúc cho muôn nhà
Từ thành phố hay đồng quê, muôn nơi cất tiếng hát ca vang lừng.

HNH
chuyenkhongdau@gmail.com