Bạn ơi, Cứ mỗi lần có ai nhắc về cá tôm vùng sông nước miền Tây Nam nước Việt hồi đời trước, mà nhứt là các vùng sông nước nhiều cá như miệt Bình-Di, Bắc-Nam thuộc vùng An Phú (Châu Đốc), vùng Ba Thê, Núi Sập, Kinh Xáng Bốn Tổng, Cầu Số Năm thuộc Long Xuyên, hoặc bên kia sông Tiền Giang thuộc vùng Đồng Tháp Mười hoặc chạy tuốt xuống Miệt Thứ thuộc Rạch Giá hay các vùng sông nước Cà Mau…, đâu đâu người ta cũng kể những loài cá lớn như cá lóc, cá bông, cá trê, cá lăng, cá kết, cá dảnh, cá mè vinh, cá hô, cá bông lau cùng nhiều loại cá lớn và ngon khác nữa chứ ít có ai nhắc với bạn về loại cá rằm nhỏ bé của chúng tôi cho bạn nghe lần nào! Có phải thế không bạn?

Thiệt tình ra, loại cá rằm chúng tôi cũng chẳng là gì trong cộng đồng cá tép nơi vùng sông nước gió mùa này. Đó chỉ là loại cá trắng rất nhỏ thôi với một chấm đen ở gần cạnh đuôi trong các kinh rạch vùng này. Vì nhỏ và lại nhiều xương nạng nên chúng tôi không làm nên những thức ăn ngon miệng cho du khách qua đây lần nào! Nhưng có lẽ với cư dân sống quanh các kinh rạch cùng những dòng sông sâu nước cạn chảy miệt mài giữa vùng đồng bằng hằng năm mưa nắng hai mùa này, sự có mặt của giống cá rằm nhỏ bé của chúng tôi là một điều gì thân thiết với những mái tranh quê từ nhiều đời nhiều lớp qua biết bao thế hệ khẩn hoang lập ấp từ thuở hoang sơ tới khi thành thuộc như bây giờ là một tình cảm mật thiết khó tách rời được lắm!
Ở đó, chúng tôi, vào Tháng Ba, Tháng Tư mùa mưa bắt đầu hơi già, da bụng chúng tôi bắt đầu căng mỏng và rồi với cặp trứng nặng dần, nặng dần đến như màu vàng của hằng mấy trăm chiếc trứng nhỏ li ti ấy muốn hiển lộ ra tới bên ngoài là lúc chúng tôi báo hiệu một mùa mới với cư dân nơi các vùng quê này; đó là mùa cá sắp về đồng, mùa mưa già và là mùa cá đẻ trứng Tháng Năm!
Chúng tôi vốn ở trong lòng các kinh rạch, nên khi nào bạn đắp ngang một khúc kinh cạn để tát khô và bắt cá tép làm thức ăn cho một bữa ăn thanh đạm chốn quê nghèo, chắc chắn bạn sẽ gặp loài cá rằm chúng tôi trước nhứt. Cá rằm thích cư ngụ nơi những vùng kinh rạch ấy lắm. Bởi ở đó vừa có nước chảy với lưu lượng không mạnh lắm mà cũng không đến đỗi cạn queo không còn chút nước để chúng tôi bơi lội, nên vùng sinh thái ấy rất thích hợp với những loài cá bé nhỏ như cá rằm.

Cặp cá rằm nhìn ngắm những cọng rong đuôi chồn non mượt… như một mái ấm gia đình.
Thưa bạn,
Không biết có phải vì sống gần với nơi không sâu, không có những dòng cuồng lưu như thác đổ mà chỉ ở quanh quẩn các khúc kinh rạch cạn như vậy rồi các nhà nghiên cứu về cá gọi chúng tôi là “cá rằm đất” chăng? Còn sao gọi là cá rằm, thì chúng tôi đành chịu thua, hết biết đường mò! Chúng tôi, như bạn thấy, hình dáng thì nhỏ nhắn, chiều dài tối đa khoảng chừng năm hoặc sáu phân tây, chiều ngang khoảng hơn ba phân là cao hết mức, còn bề dày đâu chừng hơn một phân, chứ ít khi dày tới hai phân. Với vóc dáng như vậy chúng tôi lại còn nhiều xương nạng nhỏ nữa nên các giới sành điệu về ăn uống không rớ tới món cá rằm cũng có cái lý riêng của họ vậy!
Thế nhưng, cũng các nhà nghiên cứu về các loài cá, họ lại xếp chúng tôi vào bộ và họ “cá thiều”. Thật tình mà nói, làm sao chúng tôi dám nhận cùng họ hàng với loài cá thuộc vào hạng sang như vậy được! Bởi lẽ, chính chúng tôi mỗi khi nghe ai đó nói tới món khô cá thiều với giá mắc dàng trời mây là chúng tôi biết ớn hồn rồi! Còn cá rằm, hồi đời trước cá tép nhiều, vào những mùa cá ra thì ôi thôi người ta giăng lưới, đóng đáy, vén mương đủ mọi cách chặn bắt chúng tôi thì cá rẻ như bèo. Ngay cả ngày nay cũng vậy, dù cá tép khan hiếm, nhưng như bạn biết ít ai tìm mua cá rằm, nói gì cá khô, cá mắm. Thành ra, bảo rằng chúng tôi thuộc bộ và họ “cá thiều” nên loài cá rằm hèn mọn này cũng ngại lắm chứ không dám mừng rỡ gì vì chúng tôi sợ mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ” dữ lắm!
Rồi các nhà nghiên cứu cũng bảo chúng tôi có bà con với các giống cá dảnh, cá éc, cá mè hôi, cá hô, cá ngựa, cá mè vinh, cá linh nữa… Làm sao cá rằm dám nhận mình có bà con với các dòng họ cá danh giá vừa kể cho được, thưa bạn!
Đó là chúng tôi nói rất thật tình, chứ không có màu mè gì. Bạn thử tưởng tượng, với vài giống cá như cá dảnh có con lớn gần bằng cái dĩa bàn, cá mè vinh cườm thì cũng lớn cỡ bằng cá dảnh, đôi khi giống cá này còn có bề thế hơn do bộ vảy của những con cá mè vinh lớn có những màu sắc lấp lánh như hột cườm; còn cá mè hôi thì lớn hơn hai loại cá kia nhiều, có con cân nặng tới vài ba kilô là thường; riêng cá ngựa thì khỏi nói sức vóc các anh chị ấy lớn và dài hơn chúng tôi đã đành nhưng mấy anh chị cá ngựa này còn rượt bắt cá con như cá lòng tong, cá linh dữ lắm chứ đâu có hiền khô như cá rằm chúng tôi đâu mà bảo rằng cùng họ hàng cho được! Còn với cá hô, như bạn thừa biết vùng sông nước Tiền Giang, Hậu Giang ở Miền Tây Nam nước Việt này, cá hô là loài cá khổng lồ nhất, có con lớn tới hơn hai thước tây bề dài, cân nặng đâu chừng cả trên hai trăm ký lô với những chiếc vảy lớn bằng khu chén ăn cơm mà bạn thường nghe người xưa kể lại. Trên khúc sông từ Long Xuyên xuống Vàm Cống, hoặc bên kia sông Tiền, khúc từ Tân Châu đổ xuống Phong Mỹ thuộc Cao Lãnh có những mùa giăng lưới Tháng Tư, Tháng Năm âm lịch cách nay năm sáu chục năm người ta giăng được nhiều con cá hô lớn tới trên trăm kilô là thường.

Cá rằm đang ngủ sau một ngày mỏi mệt giữa dòng đời…